Thành phố Hào Châu nằm về phía Tây Bắc tỉnh An Huy, là một thành phố cổ văn hóa với hơn 3000 năm lịch sử, nổi tiếng gần xa bởi có lịch sử lâu đời và nền văn hóa rực rỡ, được nâng cấp huyện lên thành phố vào năm 1986 và trở thành thành phố văn hóa nổi tiếng Trung Quốc cùng năm.
Khi nói đến Hào Châu thì người ta không thể không nhắc đến nhân vật lịch sử của thành phố này. Trong lịch sử lâu dài, Hào Châu đã sản sinh biết bao anh hùng hào kiệt và tao nhân mặc khách. Số danh nhân được đưa vào "Đại từ điển danh nhân lịch sử" Trung Quốc đã có tới khoảng 100 người, trong đó có Thánh quân Thương Thang, gian hùng Tào Tháo được tôn là nhà chính trị, nhà quân sự và nhà văn học, có Hoa Đà là Tổ sư ngoại khoa Trung Y, lại có Tào Thực xuất khẩu thành thơ, cứ đi bảy bước làm được một bài thơ, "Kiến An Thất Tử" có vị thế quan trọng trong lịch sử văn học Trung Quốc, tướng Trương Lương giỏi về quân sự gây chấn động từ xưa đến nay. Nếu như các bạn đã đọc kỹ cuốn " Tam Quốc" thì chắc chắn hiểu rất rõ về các nhân vật như: Tào Nhân, Tào Hồng, Hạ Hầu Uyên, Hứa Trư v.v, các nhân vật này đều là người Hào Châu. Lịch sử lâu đời, danh nhân đông đúc, văn hóa rực rỡ đã để lại những danh lam thắng cảnh quý hiếm cho Hào Châu, trong đó có 10 đơn vị bảo tồn văn vật trọng điểm cấp quốc gia và cấp tỉnh, 36 đơn vị bảo tồn văn vật cấp thành phố, 150 di chỉ cổ vật khác, cảnh quan nhân văn phong phú đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch quan trọng của Hào Châu.
Tương Truyền rằng, đền thờ Tổ Sư Hoa Đà được xây dựng để kỷ niệm Danh y Hoa Đà bởi Tào Tháo đã hối hận giết hại người đồng hương của mình. Trong đền trồng rất nhiều cây Hoa Đà, khiến mọi người vừa đặt chân vào cửa rừng đã đắm chìm trong bầu không khí y học truyền thống. Hoa Đà có sự nghiên cứu sâu sắc về Kỳ Hoàng, đồng thời am hiểu nhiều kinh lạc, không vụ lợi lộc, đi khắp hang cùng ngõ hiểm để tìm kiếm bài thuốc, khám chữa bệnh và cứu tế mọi người. Ngay từ cách đây hơn 1600 năm, Hoa Đà đã sáng tạo phương pháp phẫu thuật mổ xẻ bụng bằng cách cho uống thuốc "Ma Phị Tản " và ông đã trở thành Tổ sư ngoại khoa. Ngoài ra ông còn chế ra "Ngũ Cầm Hý" dùng cho phòng thân và chăm sóc sức khỏe, mở ra các phương pháp về chăm sóc điều trị chấn thương thể thao trong lịch sử Trung Quốc. Hoa Đà Y thuật cao siêu, Y đức cao thượng đã được người đời sau tôn vinh là Thần Y.
Địa đạo điều quân ngầm Tào Tháo nằm trong khu thành cổ Hào Châu, được coi là "Trường Thành dưới lòng đất", con đường điều quân ngầm của Tào Tháo từ trung tâm thành cổ vươn tới bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, sau đó lần lượt đi tới ngoại thành. Toàn bộ địa đạo ngang dọc chằng chịt, bố cục tuyệt vời, kết cấu phức tạp, công trình đồ sộ. Đường điều quân dài hơn 4000 mét, là công trình quân sự dưới lòng đất có lịch sử sớm nhất và quy mô lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay. Theo ghi chép của sử sách, Tào Tháo đã nhiều lần lợi dụng đường điều quân bí mật này để điều động số quân không đáng kể từ trong địa đạo ra ngoại thành, rồi từ ngoại thành vào nội thành, cứ điều quân qua lại liên tục như vậy để mê hoặc quân địch, sau đó đánh úp bất ngờ để giành lấy thắng lợi.
Cung bảo tồn Kinh Đạo Đức nằm ở phố Điện Lão Tử thành phố Hào Châu ngày nay.Điện được xây vào đời Đường, được trùng tu vào giữa năm Vạn Lịch đời Minh. Là Cung thờ Lão Tử của các triều đại, được gọi là "Đền Lão Tổ" hay là "Lão Tử Hành Cung". Bên trong cung có trưng bày bản khắc đá Kinh Đạo Đức và nhiều tư liệu văn hiến liên quan tới Lão Tử. Lão Tử tên Đan, là nhà tư tưởng cuối thời xuân thu, nhà sáng lập Đạo Giáo. Tương truyền, Đường Thái Tông, Đường Đường Tông , Tống Chân Tông đều đã từng tuần du Hào Châu và đến viếng Đền Lão Tử. |