Thành phố Nhạc Dương ngày xưa có tên gọi là Ba Lăng , cũng gọi là Nhạc Châu . Nhạc Dương là khu du lịch trọng điểm và là thành phố lịch sử của tỉnh Hồ Nam , nơi đây cảnh quan tươi đẹp , có rất nhiều danh lam thắng cảnh , khu phong cảnh chủ yếu gồm các cảnh quan Lầu Nhạc Dương , Hồ Động Đình , Nam Hồ , Liên Hồ , Quân Sơn , phố Tiền Miếu , làng Ngư dân mới Hồ Đông Phong , Đền Khuất Tử Mịch La , Mộ Đỗ Phủ Bình Giang v.v .
Lầu Nhạc Dương phía Đông dựa lưng vào ngọn núi Ba Lăng , phía Tây là Hồ Động Đình , Lầu Nhạc Dương đứng sừng sững trên cổng phía Tây thành phố Nhạc Dương , khí thế hùng vĩ , Lầu Nhạc Dương cùng với Lầu Hoàng Hạc Vũ Xương tỉnh Hồ Bắc và Đằng Vương Các Nam Xương tỉnh Giang Tây đều được coi là ba tòa lầu nổi tiếng ở phía Nam sông Trường Giang Trung Quốc . Nhà thơ nổi tiếng các thời đại như Lý Bạch , Đỗ Phủ , Bạch Cư Dị , Lý Thương Ẩn , Lưu Vũ Tích , Mạnh Hạo Nhiên , Âu Dương Tu , Lục Du v.v đều đặt chân lên lầu Nhạc Dương và để lại những bài thơ trữ tình nổi tiếng muôn thuở . Trong "Nhạc Dương Lâu Ký " của đại văn hào nổi tiếng Phạm Trọng Yêm đã có danh ngôn " tiên thiên hạ chi âu nhi âu , hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc " , câu này dịch sang tiếng Việt có nghĩa là : lo trước nỗi lo của thiên hạ , vui sau niềm vui của thiên hạ , nhờ có hai câu thơ này mà Lầu Nhạc Dương càng trở nên nổi tiếng hơn . Tương truyền rằng , Lầu Nhạc Dương vốn là thành lầu dành cho lính gác cổng thành nghỉ ngơi và quan sát tình hình .
Thời Tam Quốc , tướng Lỗ Túc của Đông Ngô thao luyện thủy binh tại Nhạc Dương , đổi Lầu Nhạc Dương thành lầu duyệt binh . Trong hơn 1700 năm qua , Lầu Nhạc Dương đã trải qua những năm tháng bể dâu , nhiều lần bị ngập lụt , sét đánh và chiến loạn, song phá hủy đến đâu sửa sang đến đó , tuy nhiều lần bị phá hủy nhưng cũng nhiều lần được xây dựng lại , nhờ đó bộ mặt cổ kính mộc mạc của Lầu Nhạc Dương luôn luôn được giữ gìn một cách tốt đẹp . Nghệ thuật xây dựng Lầu Nhạc Dương thật là thần công tuyệt vời . Lầu chính cao 19 mét , là tòa kiến trúc " gồm bốn trụ cột , ba tầng , có mái hiên " . Cả tòa lầu không dùng đến một viên gạch , mà sử dụng kết cấu gỗ trăm phần trăm . Gian chính giữa dùng bốn khúc gỗ lim làm trụ cột chống từ sàn nhà đến đỉnh lầu ,chịu phần lớn trọng tải của tòa lầu, rồi dùng thêm 12 cột vàng nâng đỡ cho tầng hai , mái hiên và nóc nhà được xây dựng bằng giàn hình ô để phân tán trọng lực. Đầu mái hiên được trang trí bằng hình con rồng và con phượng , chúng ngẩng đầu cong đuôi chẳng khác gì đang muốn bay lượn , trông rất sống động .Nóc tầng ba rất giống chiếc mũ sắt của tướng lĩnh thời cổ , đây là sự tạo hình hiếm thấy trong kiến trúc cổ Trung Quốc . Với kết cấu chặt chẽ và được ghép bằng mộng một cách ăn khớp , Lầu Nhạc Dương đã lập nên những thành tựu khiến người ta kinh ngạc cả về các mặt kiến trúc học, mỹ học , lực học và công nghệ học , đó là điều hiếm thấy trong kiến trúc thời cổ Trung Quốc . Nếu du khách leo lên Lầu Nhạc Dương sẽ có thể thưởng thức phong cảnh" trời nước liền một dải , rộng mênh mông bát ngát " của Hồ Động Đình .
Hồ Động Đình là hồ nước ngọt lớn thứ hai của Trung Quốc , nằm trên địa phận của hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc , rộng 2820 ki-lô-mét vuông , Hồ Động Đình xưa nay đều nổi tiếng gần xa bởi sản vật dồi dào , phong cảnh tươi đẹp . Hiện nay , Hồ Động Đình đã bị tách ra thành nhiều hồ lớn nhỏ , trong đó rộng lớn nhất là Đông Hồ Động Đình , chính thành phố Nhạc Dương nằm bên bờ Đông Hồ Động Đình .
Cách Nhạc Dương hơn 70 ki-lô-mét về phía Nam là sông Mịch La , tức địa bàn của nước Sở thời Chiến Quốc cổ đại Trung Quốc , cũng là nơi Khuất Nguyên nhảy xuống sông tự vẫn . Nơi đây có các di tích như mộ Khuất Nguyên , đền Khuất Tử v.v . Ngày 5 tháng 5 âm lịch Trung Quốc hàng năm , quần chúng nhân dân địa phương đều tổ chức hoạt động đua thuyền quy mô để tưởng niệm nhà yêu nước vĩ đại Khuất Nguyên . |