Tại Giải vô địch bơi lội thế giới năm 2007 diễn ra tại Men-bơn, huấn luyện viên Trần Ánh Hồng một lần nữa tiếp xúc với ông Đen-ni, trải qua bàn thảo, ông Đen-ni nhận lời giúp chỉ đạo cho Trương Lâm. Điều đáng nói là, sau khi ông Đen-ni nhận lời, huấn luyện viên của vận động viên Hàn Quốc Pắc Te Hoan cũng đã tìm đến ông Đen-ni, mời ông chỉ đạo cho Pắc Te Hoan. Trước lời mời này, ông Đen-ni đã từ chối, bởi vì ông đã nhận lời chỉ đạo cho Trương Lâm.
Tháng 11-2007, Trương Lâm lần đầu tiên tới Ô-xtrây-li-a tập huấn, ngoài xúc động ra Trương Lâm cũng không khỏi bồn chồn, lo lắng. Anh cho biết, tuy không phải là lần đầu tiên Đội tuyển quốc gia đi nước ngoài tập huấn, nhưng lần này là tập huấn dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên cự ly vừa và dài nổi tiếng thế giới, bởi vậy anh rất vui mừng và phấn khởi. Còn bồn chồn, lo lắng là vì anh lo ngại thời gian tập huấn ngắn như vậy liệu mình có thể nâng cao được trình độ hay không, có thể điều chỉnh được tâm trạng hay không.
Trong thực tế, hai tuần đầu tới Ô-xtrây-li-a, Trương Lâm rất thích ứng, thậm chí cường độ tập luyện ở đây còn thấp hơn so với ở trong nước. Thế nhưng, đến tuần thứ 3 thì khối lượng tập luyện được nâng cao và rất vất vả, thể lực có phần không theo kịp. Trương Lâm cho biết, quan niệm tập luyện của huấn luyện viên nước ngoài khác hẳn với huấn luyện viên trong nước, cũng cự ly 100 mét, huấn luyện viên Trung Quốc cho rằng thành tích trong vòng một phút là được, khi đạt tới 58 giây đã thoả mãn và không đòi hỏi hơn nữa. Thế nhưng, huấn luyện viên nước ngoài cho rằng nhất định phải đạt tới 55 giây, bởi vậy tôi phải tiếp tục tập luyện.
Tháng 5 năm nay, dưới sự chỉ đạo của ông Đen-ni, Trương Lâm lại tập huấn hai tháng tại Ô-xtrây-li-a. Sau khi về nước, Trương Lâm đã lập kỷ lục toàn quốc nội dung bơi tự do 400 mét với thành tích 3 phút 44 giây 97, và tiếp cận kỷ lục châu Á nội dung bơi tự do 1500 mét với thành ích 14 phút 55 giây 98. Thành tích này đã khiến cho giới bơi lội Trung Quốc vui mừng khôn xiết, cũng làm cho các phương tiện truyền thông Hàn Quốc phải bàng hoàng, bởi vì thần đồng của họ Pắc Te Hoan đã đối mặt với áp lực không nhỏ trước vận động viên Trung Quốc Trương Lâm.
Điều thú vị là, tại Ô-lim-pích Bắc Kinh, có rất nhiều vận động viên Trung Quốc là tập luyện dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên nước ngoài như Trương Lâm, ví dụ như huấn luyện viên đấu kiếm người Pháp Pô-oen, huấn luyện viên đội bóng rổ nữ Trung Quốc Mách, huấn luyện viên đội Khúc côn cầu nữ Trung Quốc...Trong khi đó, huấn luyện viên của nhiều đội tuyển nước ngoài cũng là người Trung Quốc, ví dụ như Lang Bình của đội bóng chuyền nữ Mỹ, Kiều Lương của đội Thể dục dụng nữ Mỹ...
Khi thế giới ngày càng hội nhập, thể thao cũng không ngoại lệ, nâng cao thành tích thi đấu là ước mơ của vận động viên các nước. Đối với vận động viên và huấn luyện viên mà nói, được phục vụ cho sự nghiệp thể thao vĩ đại này là niềm ao ước và hạnh phúc lớn nhất của họ. |