Nghe Online
Trong quá trình rước ngọn lửa thiêng Thế vận hội Bắc Kinh tại hải ngoại, người rước đuốc đầu tiên ở mỗi chặng thường được quan tâm nhất, đồng thời là nhân vật đại diện đặc sắc nhất của chặng đó. Tại An-ma A-ta, Tổng thống Ca-dắc-xtan Na-da-ba-ép với tư cách Nguyên thủ quốc gia làm người chạy rước đuốc đầu tiên, thể hiện sự coi trọng của Ca-dắc-xtan đối với Thế vận hội; Xanh Pê-téc-bua dành vinh dự này cho Di-bin-na, vô địch Thế vận hội đầu tiên của Nga; Luân Đôn, Pa-ri cũng tự lựa chọn vận động viên nổi tiếng của nước mình làm người chạy đầu tiên. Còn Xan-phran-xi-xcô thì dành vinh dự này cho cựu vận động viên bơi lội Trung Quốc Lâm Lợi.
"Lúc đầu chỉ nói với tôi là tham gia chạy rước đuốc, mấy hôm trước mới cho tôi biết là người chạy đầu tiên, quả thực hết sức bất ngờ."
Lâm Lợi năm nay 38 tuổi, là vận động viên Trung Quốc đầu tiên giành chức vô địch Thế Giới trong môn bơi; người liên tục tham gia ba lần Thế vận hội, tại Thế vận hội Ba-xơ-lô-na năm 1992 đã giành tấm huy chương vàng môn bơi phối hợp cá nhân 200 m nữ.
Từ sau Thế vận hội Át-lan-ta năm 1996, Lâm Lợi xa rời con mắt của công chúng đã 12 năm. Cuộc sống của chị rất ít người biết đến, manh mối duy nhất là chị đã đi Mỹ, định cư tại gần Xan-phran-xi-xcô. Sống ở nước ngoài, nhất định có rất nhiều chuyện, nhưng đối với Lâm Lợi lại có ý vị khác:
"Cuộc sống rất bình thường. Sau Thế vận hội Át-lan-ta năm 1996 về nghỉ, đầu tiên tôi làm huấn luyện viên hai năm ở Hồng Công, sau đó về tỉnh Giang Tô Trung Quốc làm huấn luyện viên cũng trong hai năm, sau rồi thì sang Mỹ. Lúc đầu chỉ nghĩ sang học ngôn ngữ, giữa chừng có một số biến đổi, nên không tiếp tục học. Tôi đi làm huấn luyện viên cho một Câu lạc bộ trong ba, bốn năm. Đến bây giờ, nhiệm vụ đầu tiên coi như đã hoàn thành, đó là thành lập gia đình, rồi có con. Nay cháu đã lên 5 tuổi. Vậy là về cơ bản, tình hình cuộc sống hiện nay chủ yếu là gia đình."
Chồng chị Lâm Lợi cũng là một người Hoa từ Trung Quốc sang Mỹ phát triển, làm nghề khí tượng, sau cũng làm kỹ sư vi tính, nay làm công việc quản lý tài vụ. Lâm Lợi nói, hiện nay chị dùng 70% sức lực vào việc gia đình, tuy còn dành một chút thời gian cho bơi lội, nhưng cũng chỉ là làm huấn luyện viên tư nhân. Song, đối với một vận động viên, vô địch Thế vận hội và ký ức cuộc đời thể thao đâu có thể dễ mà phai mờ được.
"Bây giờ cho tôi xem lại cảnh thi đấu trước đây, tôi có thể còn có cảm giác tim đập mạnh hồi hộp. Kết quả đều đã biết, nhưng tim tôi vẫn đập rất hồi hộp, tim đập mỗi lúc một nhanh, không biết vì sao."
Lần này trở thành người rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh, sự yêu mến đối với thể thao và Thế vận hội trong lòng Lâm Lợi lại một lần được khích động:
"Tôi cảm thấy tôi lại đã tìm thấy cảm giác tham gia Thế vận hội năm xưa. Tôi nói, nếu tôi còn trẻ một chút, rất có thể tôi lại được tham gia Thế vận hội Bắc Kinh."
Lại tham gia Thế vận hội, đương nhiên chỉ là nói vui. Một trong những mục tiêu đời người hiện nay của Lâm Lợi là làm tốt vai trò "người mẹ". Là cựu vô địch Thế vận hội, Lâm Lợi không ép buộc con gái mình theo nghề bơi lội, nhưng vẫn mong con gái mình có thể thích thể thao:
"Tâm lý nghịch phản của trẻ con rất mạnh, càng ép buộc thì nó càng không muốn làm. Tôi hiện nay bồi dưỡng hứng thú của cháu, đợi sau này nó lớn lên, sau khi thử nhiều môn, để nó tự chọn một môn nó thích nhất, muốn tham gia nhất, còn tôi sẽ hết sức ủng hộ nó."
Nhân sĩ hữu quan nói, chọn Lâm Lợi là người chạy rước đuốc đầu tiên ở Xan-phran-xi-xcô, một là vì chị từng đoạt tấm huy chương vàng Thế vận hội, mặt khác chị là người Hoa, có thể đại diện cho cộng đồng người Hoa góp phần to lớn cho sự phát triển của Xan-phran-xi-xcô. Xét về ý nghĩa này, Lâm Lợi hoàn toàn có thể sánh với "Người chạy đầu tiên" của mấy thành phố trước; trở về tầm mắt của nhân dân quê hương với hình thức vinh hiển như vậy, Lâm Lợi cũng gửi lời chúc phúc của mình:
"Quý vị và Các bạn thính giả Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc thân mến, tôi là Lâm Lợi, xin chào quý vị các bạn. Chúc Thế vận hội Bắc Kinh thành công tốt đẹp." |