Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế đã chọn thành phố Ô-xlô của Na-uy trong số ba thành phố xin đăng cai Plê-xít của Mỹ và Cô-xti-na Đen Pa-xô của I-ta-li-a làm nơi tổ chức Thế vận hội mùa đông lần thứ 6 năm 1952. Như vậy Thế vận hội mùa đông đã trở lại nơi cội nguồn của phong trào trượt tuyết hiện đại Na-uy, đây cũng là lần đầu tiên các nước trong khu vực Xcan-đi-na-vi-an có thế mạnh về các môn thể thao băng tuyết đăng cai Thế vận hội mùa đông.
Thế vận hội mùa đông được bắt đầu từ năm 1924, bất kể các kỳ thế vận hội diễn ra tại Xa-mô-ních, Mô-rít hay Plê-xít và Ga-mích-Pa-ten-ki-chen đều là những thị trấn xa xôi hẻo lánh, cư dân địa phương không đầy hai nghìn. Thế nhưng Ô-xlô lại là thủ đô của một quốc gia, đây cũng là lần đầu tiên Thế vận hội mùa đông được tổ chức tại một thành phố lớn. Ô-xlô ba mặt là núi, đối mặt ra biển, cảnh sắc tươi đẹp, không khí trong lành, tuy là thủ đô Vương quốc Na-uy nhưng dân số không đầy nửa triệu.
Trượt tuyết là môn thể thao được người Ô-xlô nói riêng và người Na-uy nói chung rất yêu thích, ngày Chủ nhật của tuần đầu tiên trong tháng 3 hàng năm là Ngày hội trượt tuyết. Trong ngày này, già trẻ gái trai Ô-xlô đều tham gia môn thể thao trượt tuyết. Sở dĩ Na-uy có thành tích xuất sắc tại Thế vận hội mùa đông là có liên quan mật thiết với việc nước này có cơ sở quần chúng hùng hậu. Khu Hôn-men-cô-len ở ngoại ô Ô-xlô là nơi lý tưởng cho môn trượt tuyết, nổi tiếng thế giới.
Hầu như cả nước Na-uy đều tham gia vào việc trù bị cho Thế vận hội mùa đông lần này, thành phố Ô-xlô tràn ngập bầu không khí vui tươi. Song đáng tiếc là ông trời không ưu ái, tại các nước lân cận như Thụy Sĩ, Pháp...đều có mưa tuyết trong khi đó Ô-xlô lại rất ít mưa tuyết. Nước chủ nhà đành phải huy động quân đội chuyển tuyết từ rừng núi về, song vẫn không thể đáp ứng yêu cầu. Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế thậm chí từng xem xét việc chuyển địa điểm thi đấu, song rất may là một hôm trước ngày khai mạc bỗng dưng có mưa tuyết lớn, khiến cho Thế vận hội mùa đông Ô-xlô diễn ra đúng thời hạn.
Trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông lần này, Ban tổ chức đã tặng cho Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế một lá cờ Ô-lim-pích 5 vòng tròn. Lá cờ này giống như lá cờ mà Ban tổ chức Thế vận hội mùa hè năm 1920 của Bỉ đã tặng cho Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế, chỉ có khác đây là cờ dùng trong Thế vận hội mùa đông, còn cờ của Bỉ là dùng trong Thế vận hội mùa hè.
Cả thảy có 694 vận động viên của 30 nước và khu vực tham gia Thế vận hội mùa đông lần này, trong đó có 109 vận động viên nữ, 585 vận động viên nam. Các nước lần đầu tiên tham gia Thế vận hội mùa đông gồm Niu Di-lân và Bồ Đào Nha. Nhật Bản lại tham gia trở lại Thế vận hội mùa đông. Cộng hoà Liên bang Đức sau chiến tranh chia thành hai nước là Cộng hoà Dân chủ Đức và Cộng hoà Liên bang Đức, trong đó Cộng hoà Liên bang Đức đã tham gia Thế vận hội lần này.
Môn trượt tuyết việt dã 10 km của nữ lần đầu tiên được đưa vào thi đấu. Hai nội dung toàn năng trượt tuyết lao núi bị hủy bỏ thay vào đó là ba nội dung truyền thống, tức trượt truyết chướng ngại lớn cung lớn, trượt tuyết chướng ngại cung nhỏ và trượt tuyết tốc độ. |