Một quốc gia một mặt tổ chức Thế vận hội có tôn chỉ hoà bình và hữu nghị, mặt khác lại đưa quân xâm lược nước khác ắt sẽ vấp phải sự phản đối của nhân dân thế giới và sự lên án của dư luận. Ủy ban ô-lim-pích của rất nhiều nước lần lượt bày tỏ tẩy chay thế vận hội lần này. Ủy ban ô-lim-pích Trung Quốc cũng ra tuyên bố không tham gia Thế vận hội Mát-xcơ-va. Có hai phần năm Ủy ban ô-lim-pích của 147 quốc gia và khu vực đã được Ủy ban ô-lim-pích quốc tế công nhận đã công khai tẩy chay hoặc từ chối tham gia thế vận hội Mát-xcơ-va, chỉ có 80 nước và khu vực tham gia thế vận hội lần này. Con số này thấp hơn so với thế vận hội Rô-ma 20 năm trước.
Có 5217 vận động viên tham gia thế vận hội lần này, trong đó có 1124 vận động viên nữ, 4093 vận động viên nam. Đoàn Liên Xô là đông nhất với 534 vận động viên; Cộng hoà Dân chủ Đức xếp thứ 2 với 378 vân động viên, Ba Lan xếp thứ 3 với 340 vận động viên; các đoàn Hung-ga-ri 320, Bun-ga-ri 313. Đoàn Cu-ba, nước có số dân không đông và cách xa muôn trùng cũng cử 239 vận động viên nam nữ tham gia.
Trong 80 Đoàn thể thao dự thế vận hội lần này chỉ có 16 đoàn vào sân dưới sự dẫn đầu bằng quốc kỳ nước mình, số còn lại đều dùng Cở 5 vòng tròn ô-lim-pích để thay thế. Có 10 đoàn chỉ có một mình người cầm cờ, các vận động viên khác không vào sân. Cả thảy có 5615 nhà báo đến đưa tin về thế vận hội lần này, trong đó có 2685 phóng viên báo viết, 2930 phóng viên báo nói, tổng số phóng viên còn đông hơn vận động viên.
Trong lễ chuyển giao cờ Thế vận hội, do Ca-na-đa cũng nằm trong hàng ngũ các nước tẩy chay nên thị trưởng thành phố Mông-tơ-rê-an đăng cai thế vận hội kỳ trước chỉ cử một đại diện đến trao cờ ô-lim-pích cho thành phố Mát-xcơ-va. Tất cả những điều này đã làm phai mờ bầu không khí thế vận hội, cũng trùm bóng đen lên tâm hồn mọi người quan tâm sự phát triển của phong trào ô-lim-pích.
Tình hình tẩy chay cũng khiến mọi người cảm nhận được trong tiến trình thi đấu. Ví dụ, trong nội dung bám đuổi 4 nghìn mét xe đạp, ba tay đua xếp ở 3 ngôi đầu là Thụy Sĩ, Pháp và Đan Mạch. Ủy ban ô-lim-pích của ba nước này đã quyết định không sử dụng quốc kỳ và quốc ca nước mình trong bất cứ nghi lễ nào tại thế vận hội lần này để phản đối việc Liên Xô xâm lược Áp-ga-ni-xtan. Cho nên tại lễ trao giải thưởng chỉ bằng cách dùng cờ và nhạc của phong trào ô-lim-pích để thay thế. Trong lễ trao giải thưởng các môn khác cũng xuất hiện tình hình tương tự. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử Thế vận hội.
Tẩy chay cũng ảnh hưởng tới thành tích các môn thi đấu. Do các nước Mỹ, Cộng hoà Liên bang Đức ...xếp ở 10 ngôi đầu trong bảng tổng sắp huy chương kỳ thế vận hội trước từ chối tham gia, nên các môn điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, giu-đô bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có môn thậm chí không phản ánh được trình độ thực tế của thế giới lúc đó. Ví dụ môn bơi nam, tại thế vận hội kỳ trước có 12 trong toàn bộ 13 nội dung phá kỷ lục thế giới, nhưng tại thế vận hội lần này chỉ có một nội dung phá kỷ lục thế giới. Ngoài ra trong môn đua ngựa, trong 14 đội xếp 6 ngôi đầu tại thế vận hội kỳ trước có 13 đội không tham gia thế vận hội Mát-xcơ-va. Lại ví dụ như môn khúc côn cầu, các nước Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a, Pa-ki-xtan, Hà Lan và Cộng hoà Liên bang Đức xếp ở 5 ngôi đầu tại thế vận hội lần trước đầu không tham gia. Mọi người bình luận rằng huy chương vàng của thế vận hội Mát-xcơ-va mất giá trị tới 50 o/o. |