Từ Hi thái hậu trong văn hóa đại chúng
Là một trong những nhân vật lịch sử nổi bật nhất ở châu Á thời kỳ cận đại, Từ Hi thái hậu đã được miêu tả trong vô số sách truyện, báo chí, phim ảnh. Cộng thêm những bí mật về cuộc sống phía sau Tử Cấm Thành luôn là một chủ đề thu hút trí tò mò của công chúng, hình ảnh của thái hậu không tránh khỏi bị thêm thắt, đồn thổi. Một số chi tiết hư cấu đã trở nên nổi tiếng đến mức được nhắc lại nhiều lần trong các tác phẩm khác, khiến đông đảo người tin vào đó như những sự thật lịch sử.
"Thanh Cung Thập Tam Hoàng Triều" ("13 đời vua triều Thanh") là một trong những bộ truyện nổi tiếng nhất có nhắc về Từ Hi thái hậu. Đây thuần túy là một tiểu thuyết diễm sử được phóng tác dựa trên những sự kiện và nhân vật có thật, nhưng sự nổi tiếng của cuốn sách và các bộ phim truyền hình ăn theo đã làm cho nhiều người đánh đồng nó thành chính sử. Cuốn sách đã góp phần phổ biến nhiều chi tiết không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng về Từ Hi thái hậu như chuyện hoàng tử Tải Thuần là con riêng của Từ Hi và người tình, hoàng đế Đồng Trị chết vì bệnh giang mai, Từ Hi đầu độc Từ An vì một di chiếu của Hàm Phong, hay chuyện bà dan díu với nhà sư và thái giám, v.v... Bản thân tác giả - Hứa Tiếu Thiên – là một người có khuynh hướng "phản Thanh phục Hán", nên ngòi bút của ông cũng đậm tính đả kích, bêu rếu triều đình Mãn Thanh. Không riêng gì Từ Hi, mà nhiều nhân vật khác cũng bị "Thanh Cung Thập Tam Hoàng Triều" hư cấu tiêu cực như vua Thuận Trị xuất gia, Ung Chính bị Lã Tứ Nương chém đầu, Càn Long thực chất là con của Trần Các Lão, cùng nhiều giai thoại giật gân khác.
Bên cạnh những miêu tả Từ Hi như một nhân vật đồi bại và khát máu, cũng có nhiều tác phẩm nhắc đến bà dưới góc nhìn nhân văn hơn. "Imperial Woman" của nhà văn Pearl S. Buck (xuất bản tại Việt Nam dưới tên "Từ Hi thái hậu" của dịch giả Nguyễn Thế Vinh) kể về cuộc đời của Từ Hi qua lời tự sự của chính bà, từ lúc rời gia đình vào cung làm tú nữ cho đến khi đã nắm cả giang sơn trong tay. Từ Hi thái hậu hiện lên như một người phụ nữ với những tâm tư, nguyện vọng hết sức bình thường, nhưng đứng trước những sóng gió của Trung Hoa trong thời khắc tranh tối tranh sáng, đã buộc phải gác lại những tình cảm cá nhân của mình để ra sức hàn gắn một đế quốc đang tan rã. Tác giả cũng đặt ra giả thuyết Từ Hi có mối tình thanh mai trúc mã với Vinh Lộc, người sau này là Tổng đốc Trực Lệ.
"Nhật Lạc Tử Cấm Thành" là một tiểu thuyết khá nổi tiếng của Lương Phụng Nghi, sau được chuyển thể thành phim truyền hình năm 1997 với Tư Cầm Cao Oa trong vai Từ Hi thái hậu (đã được VTV phát sóng ở Việt Nam với cái tên "Mặt trời lặn sau Tử Cấm Thành"). Truyện kể về nhân vật Ngâm Nhi, một cung nữ trong Tử Cấm Thành, bị cuốn vào vòng xung đột giữa Từ Hi và Quang Tự. Những mâu thuẫn trong truyện không chỉ đơn thuần là giữa cái xấu – cái tốt, mà là giữa cái cũ và cái mới, giữa cứng rắn và nhu nhược, giữa thủ cựu và tiến bộ. Tây thái hậu là một nhà lãnh đạo hà khắc, tàn nhẫn, nhưng quyết đoán và biết cách cai trị. Trong khi đó, vua Quang Tự tuy nhiệt tình muốn chấn hưng đất nước nhưng lại mềm yếu, nóng vội, thiếu chính kiến. Phim kết thúc khi Từ Hi và Quang Tự đồng loạt qua đời, Ngâm Nhi được xuất cung lấy người mình yêu. Nhưng sau quá nhiều biến cố, đổi thay, nàng quyết định cùng chồng uống thuốc độc tự vẫn vào ngày cưới để khép lại mọi bi kịch. Cái chết của các nhân vật cũng là lời cáo chung cho văn hóa cũ, chế độ cũ, con người cũ.
Từ Hi thái hậu cũng xuất hiện trong một phân cảnh của phim "The Last Emperor" ("Hoàng đế cuối cùng") năm 1987 của đạo diễn Bernardo Bertolucci, khi bà trao quyền thừa kế đế quốc Đại Thanh vào tay đứa trẻ 2 tuổi Phổ Nghi. Bộ phim sau đó giành tới 9 giải Oscar, bao gồm Phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.
Năm 2003, bộ phim "Tiến tới nền cộng hòa" nói về Cách mạng Tân Hợi được trình chiếu trên CCTV, với Lữ Trung đóng vai Từ Hi thái hậu. Bộ phim miêu tả Từ Hi như một nhà cầm quyền cứng rắn, tận tụy. Mặc dù được khán giả đón nhận nồng nhiệt nhưng bộ phim sau đó đã bị kiểm duyệt bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc vì các lý do chính trị. Từ 60 tập ban đầu, phim bị cắt còn 59 tập.
Trên màn ảnh nhỏ, Từ Hi thái hậu từng được nhiều diễn viên nổi tiếng thể hiện như Mễ Tuyết ("Thanh cung thập tam hoàng triều", "Đại thái giám"), Lưu Hiểu Khánh ("Hỏa thiêu Viên Minh viên", "Thùy liêm thính chính"), Cai Lệ Lệ ("Thái bình thiên quốc"), Lý Minh Khởi ("Đầu bếp làm quan"), Lưu Tuyết Hoa ("Thiếu nữ Từ Hi"), Đặng Tiệp ("Từ Hi tây hành"), v.v...
Thụy hiệu
Bà thường được biết đến dưới cái tên "Từ Hi", nhưng đây không phải là tên thật của bà. Đây chỉ là tên hiệu được phong khi con trai bà lên ngôi năm 1861. Tên khai sinh của Từ Hi không được sử sách ghi lại, nhưng trong một cuốn sách gần đây do hậu duệ của em trai bà xuất bản có nhắc đến cái tên Hạnh Trinh (杏贞). Tên bà được ghi lại lần đầu tiên khi bà nhập cung vào tháng 9, năm 1851, là "Diệp Hách Na Lạp thị, con gái của Huệ Trưng" (惠徵). Bà được gọi bằng họ của mình (Diệp Hách Na Lạp), như các cô gái Mãn Châu khác. Khi nhập cung, bà là tú nữ (秀女).
Sau khi được Hoàng đế Hàm Phong sủng hạnh, bà được phong làm Ý Quý nhân. Vào cuối tháng 12 năm 1854, bà được nâng lên làm Ý tần. Vào ngày 27 tháng Tư năm 1856, bà sinh hạ con trai duy nhất của Hàm Phong và được phong làm Ý Quý phi. Tháng Hai năm 1857, bà được sắc phong làm Ý Hoàng Quý phi, ngang hàng với Hoàng hậu Từ An nhưng không được nắm quyền ở hậu cung.
Vào cuối tháng Tám năm 1861, Hoàng đế Hàm Phong qua đời. Con trai bà lên nối ngôi, lấy hiệu là Đồng Trị, bà được phong là Thánh Mẫu Hoàng Thái hậu (圣母皇太后) với tên hiệu là Từ Hi (慈禧) có nghĩa là "hiền hòa" và "tốt lành". Hoàng hậu của Hoàng đế Hàm Phong được phong làm Mẫu Hậu Hoàng Thái hậu (母后皇太后) - danh hiệu để chỉ rằng địa vị của bà cao hơn Từ Hi - với tên hiệu là Từ An (慈安) có nghĩa "hiền hòa" và "tĩnh lặng".
Kể từ năm 1861, Từ Hi Thái hậu được thêm tên hiệu 7 lần (mỗi lần 2 chữ) theo điển lệ (Thái Hậu được thêm tên hiệu 9 lần, nâng tổng số chữ đầy đủ có thể lên đến 20 chữ). Đến cuối đời, tên hiệu của bà dài đến 16 chữ, bắt đầu bằng Từ Hi. Tên hiệu chính thức của bà khi còn sống là: Đại Thanh quốc Đương Kim Từ Hi Đoan Hựu Khang Di Chiêu Dự Trang Thành Thọ Cung Khâm Hiến Sùng Hi Thánh Mẫu Hoàng Thái hậu (大清国当今慈禧端佑康頤昭豫庄诚寿恭钦献崇熙圣母皇太后).
Gọi ngắn gọn lại là Đại Thanh quốc Đương Kim Thánh Mẫu Hoàng Thái hậu (大清国当今圣母皇太后).
Khi đó, Từ Hi Thái hậu còn được gọi là "Lão Phật gia" (老佛爷) - một danh hiệu được dùng cho tất cả các hoàng thái hậu nhà Thanh, và được tung hô là Đại Thanh quốc Đương Kim Thánh Mẫu Hoàng Thái hậu Vạn tuế Vạn tuế Vạn vạn tuế (Trung: 大清国当今圣母皇太后万岁万岁万万岁). "Vạn tuế", theo điển lệ trước nay, chỉ có Hoàng đế được dùng, còn Thái hậu chỉ được dùng danh xưng "Thiên tuế".
Lúc qua đời, Từ Hi Thái hậu được mang thuỵ hiệu gồm các tên hiệu bà có lúc còn sống cùng với một số tên hiệu mới. Đây là tên thường được dùng trong các văn bản chính thức khi nói về hoàng hậu, và đó là: Hiếu Khâm Từ Hi Đoan Hựu Khang Di Chiêu Dự Trang Thành Thọ Cung Khâm Hiến Sùng Hi Phối Thiên Hưng Thánh Hiển Hoàng hậu (孝钦慈禧端佑康颐昭豫庄诚寿恭钦献崇熙配天兴圣显皇太后).
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |