Đánh bại cha con Viên Thiệu
Trận Bạch Mã, Diên Tân
Trong khi Tào Tháo đánh dẹp các chư hầu phía nam và phía đông thì Viên Thiệu cũng tập trung tiêu diệt Công Tôn Toản ở Bình Nguyên, thôn tính U châu, Thanh châu và Tinh châu. Làm chủ địa bàn rộng lớn, có nhiều quân sĩ và hào kiệt, Viên Thiệu trở thành thế lực mạnh mẽ ở phía bắc mà Tào Tháo chưa từng dám đối địch khi mới đến Hứa Xương.
Năm 200, Lưu Bị thua trận đến chỗ Thiệu xin hàng. Thiệu bèn phát binh giao tranh với Tào Tháo. Viên Thiệu mang theo Lưu Bị đi đánh Tào Tháo, đóng đại quân ở Lê Dương, sai Trần Lâm thảo hịch kể tội ông. Bài hịch vừa điển nhã vừa hùng kiện, được coi là bài văn nổi tiếng trong văn học cổ điển.
Sau đó Viên Thiệu chia quân, một mặt đánh thành Bạch Mã, mặt khác đóng ở bến Diên Tân. Tháng 4 năm 200, Tào Tháo dẫn Trương Liêu và Quan Vũ đi cứu Bạch Mã và cũng chia quân ra Diên Tân để phân tán sự chú ý của Thiệu. Quả nhiên Thiệu tăng cường thêm quân cho Diên Tân mà không chú ý Bạch Mã. Tào Tháo nhân đó đột ngột thúc quân đánh mạnh ở Bạch Mã, sai Quan Vũ ra trận giết chết mãnh tướng của Thiệu là Nhan Lương, giải vây thành Bạch Mã.
Tháng 5 năm 200, ông cùng Quan Vũ và Trương Liêu đi men theo sông Hoàng Hà về phía tây đến cứu Diên Tân. Viên Thiệu cùng Lưu Bị và Văn Xú mang quân đuổi theo. Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu một trận nữa tại đây, giết chết Văn Xú. Vì lực lượng ít hơn địch nên sau đó ông lui quân về phía nam Tế Thủy, tức là bến Quan Độ đóng đồn, còn Viên Thiệu đóng lại ở Diên Tân.
Trận Quan Độ
Sau trận Diên Tân, hai bên tạm hưu chiến. Lưu Bị thấy Viên Thiệu không đủ tài năng để chống Tào Tháo nên bỏ đi tìm cách xây dựng lại lực lượng. Quan Vũ ở bên Tào sau khi lập công trả ơn ông cũng lẻn trốn đi tìm Lưu Bị và sau hai người tái ngộ với Trương Phi ở Nhữ Nam.
Sau vài tháng ngưng nghỉ điều quân, hai bên tái chiến trong trận thư hùng ở Quan Độ ngay từ tháng 8 năm đó, kéo dài hơn 100 ngày.
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể rằng sau trận Diên Tân, hai bên lại thu binh về chỗ. Tào Tháo rút về Hứa Xương, Viên Thiệu trở về Ký châu; La Quán Trung tập trung mô tả việc Quan Vũ lén đi khỏi chỗ Tào Tháo, ông còn đi ra tiễn Vũ ở Hứa Xương. Viên Thiệu còn sai Trần Chấn đến Giang Đông lôi kéo Tôn Sách liên minh đánh Tào Tháo nhưng Tôn Sách đột ngột qua đời, Tôn Quyền lên thay theo chính sách của Trương Chiêu, Gia Cát Cẩn, theo Tào mà không theo Viên. Viên Thiệu thấy sứ giả trở về không cầu được họ Tôn bèn tự mình khởi bình lần thứ hai đi đánh. Diễn biến trong tiểu thuyết khá nhiều sự kiện và thư thả nhưng trên thực tế hai bên Viên - Tào đối luỹ từ tháng 5 và cả Viên Thiệu lẫn Tào Tháo đều bám sát không rời chiến trường, tiếp tục điều động binh lực.
Bị thua và mất hai tướng, Viên Thiệu điều đại quân đến Dương Vũ, phía tây bắc Trung Mâu, men theo đồi cát dọc bờ sông, dựng vài chục doanh trại kéo dài từ đông qua tây, định triển khai hai cánh bao vây quân Tào rồi tiêu diệt.
Tào Tháo không lui binh, cũng chia quân làm nhiều nhóm chống cự, nhưng vì ít quân hơn nhiều nên không đủ phân ra các vị trí có địch.
Viên Thiệu mang quân ra khỏi luỹ, giao chiến với quân Tào. Quân Tào thua trận phải lùi lại mấy lần. Tào Tháo ra lệnh tướng sĩ cố giữ vững trận địa, quân địch khiêu chiến nhiều lần nhưng không ra đánh.
Viên Thiệu bèn bày trận trên dãy núi đất, dựng nhiều chòi gỗ, đứng trên đó bắn xuống doanh trại quân Tào. Quân Tào mỗi người phải dùng thuẫn gỗ che đỡ tên bắn. Sau đó Tào Tháo dùng xe bắn đá bắn sang, phá nát các chòi gỗ của địch.
Viên Thiệu lại cho quân đào nhiều địa đạo vào doanh trại quân Tào. Ông phát hiện bèn sai quân đào đường hầm theo chiều ngang nằm phục sẵn, hễ quân Viên đến thì bắn chết.
Hai bên giữ nhau lâu ngày, Tào Tháo sắp hết lương, muốn rút lui, bèn hỏi ý kiến Tuân Úc đang trấn thủ Hứa Xương. Tuân Úc viết thư trả lời, khuyên ông kiên trì giữ, nhất định không được rút lui, nếu không hậu quả sẽ rất xấu. Tào Tháo nghe theo, lệnh cho các tướng sĩ cố sức giữ thế trận.
Đánh lâu ngày không hạ được, Viên Thiệu chưa nghĩ ra kế nào khác. Thiệu sai Thuần Vu Quỳnh mang 1 vạn quân đi về nhận lương để chở ra mặt trận. Đúng lúc đó một thủ hạ của Thiệu là Hứa Du có người nhà bị tội vào ngục, xin Viên Thiệu tha không được nên bất mãn, bỏ sang hàng Tào Tháo.
Được tin báo của Hứa Du về việc Thuần Vu Quỳnh, Tào Tháo đích thân mang 5000 quân mã đuổi đến kho lương của Viên Thiệu ở Ô Sào. Đang đêm, quân Tào bất ngờ tập kích, Nhạc Tiến chém chết Quỳnh. Tào Tháo đốt sạch kho lương của Viên Thiệu. Trong hơn 1 vạn quân của Quỳnh thì hơn 1000 bị giết, số còn lại đầu hàng. Tào Tháo sai cắt hết mũi xác chết, lưỡi của bò ngựa giao cho quân đầu hàng mang về doanh trại Viên Thiệu để uy hiếp tinh thần, làm nhụt ý chí quân địch.
Viên Thiệu thấy lửa cháy từ xa, biết tin Ô Sào bị đánh, một mặt điều quân cứu Quỳnh, mặt khác sai Trương Cáp, Cao Lãm đi cướp doanh trại Tào. Nhưng Tào Tháo đã bố trí quân phòng bị trước, đúng như dự liệu của Cáp và Lãm. Cáp và Lãm không hạ được trại Tào, lại nghe tin Tào Tháo phá tan Ô Sào trở về, bèn quyết định đầu hàng ông.
Viên Thiệu liên tiếp nghe tin thua trận, kho lương bị mất, tướng sĩ náo loạn, kéo nhau bỏ chạy. Tào Tháo thừa cơ dẫn quân tập kích khiến quân Thiệu đại bại tan nát. Thiệu hốt hoảng, cùng con là Viên Đàm dẫn 800 quân kỵ chạy một mạch, qua sông Hoàng Hà mới dám dừng lại nghỉ.
Hơn 7 vạn quân của Viên Thiệu không theo kịp chủ, đều xin hàng Tào Tháo. Trong số đó có một vài người không hoàn toàn quy thuận, có biểu hiện trá hàng. Tào Tháo sợ phát sinh hậu hoạ bèn ra lệnh chôn sống cả 7 vạn hàng binh.
Những diễn biến chính của trận Quan Độ như dựng chòi, đào địa đạo, cướp lương Ô Sào... được Tam Quốc Diễn Nghĩa mô tả khá sát với sử sách.
Trừ anh em họ Viên
Sau một thời gian ngơi nghỉ, Tào Tháo mang quân truy kích Viên Thiệu. Tháng 4 năm 201, hai bên gặp nhau ở Thương Đình (ven sông Hoàng Hà). Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu một trận lớn nữa. Viên Thiệu thu quân về, tinh thần suy sụp, mắc bệnh nằm một chỗ.
Trong lúc họ Viên suy yếu, Tào Tháo kịp mang quân về Hứa Xương (tháng 6 năm 201) rồi điều quân tấn công Lưu Bị đang liên kết với tướng Khăn Vàng là Cung Đô ở Nhữ Nam. Ban đầu ông sai Sái Dương đi đánh nhưng Dương bị Lưu Bị giết chết. Tào Tháo bèn tự cầm đại quân đi đánh. Quân Tào giết chết Cung Đô, Lưu Bị không chống nổi, phải bỏ chạy về Kinh châu theo Lưu Biểu.
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể việc Sái Dương do Quan Vũ giết trong quá trình "qua 5 ải chém 6 tướng" sau khi chia tay Tào Tháo trước trận Quan Độ.Lúc quay về gặp Trương Phi,Quan Vũ bị Trương Phi nghi ngờ theo hàng Tào.Do đó,nhân lúc Sái Dương vừa đến,Quan Vũ đã giết chết.Trương Phi không còn nghi ngờ gì về ông.
Tạm yên mặt nam, Tào Tháo quay trở lại đánh Hà Bắc. Tháng 5 năm 202, Viên Thiệu ốm không khỏi, qua đời. Khi quân Tào sắp đánh, các con Viên Thiệu là Viên Đàm (con cả) và Viên Thượng (con thứ 3) chia nhau chống giữ. Tào Tháo đánh Viên Đàm ở Lê Dương từ tháng 2 đến tháng 9 năm 203 không hạ được.
Nắm được nội tình anh em họ Viên đang tranh giành quyền thừa kế, Tào Tháo bèn rút đại binh để Đàm và Thượng đánh nhau, tự suy yếu lực lượng. Quả nhiên hai anh em mang quân đánh nhau, Viên Đàm bị thua chạy lên Bình Nguyên. Tào Tháo bèn mang đại quân trở lại, để chia rẽ họ Viên, ông lấy danh nghĩa cứu Viên Đàm. Viên Thượng hoảng sợ bỏ đánh Bình Nguyên rút về Nghiệp Thành, hai tướng của Thượng là Lã Khoáng, Lã Tường đầu hàng ông. Sau khi hứa kết thông gia với Viên Đàm, ông lại rút về nam cho anh em họ Viên đánh nhau. Nội tộc họ Viên lại tái chiến.
Đầu năm 204, Tào Tháo mang quân đánh Nghiệp Thành. Lúc đó Thượng lên Bình Nguyên đánh Đàm chưa về, thành do Thẩm Phối giữ. Quân Tào tấn công không nổi. Tháng 5 năm đó, Tào Tháo sai đào một hào lớn, dẫn nước sông Chương Hà vào thành. Nghiệp Thành bị nước bao vây cô lập, đến tháng 8 thì dân trong thành chết đói quá nửa.
Viên Thượng nghe tin vội về cứu, Tào Tháo điều quân chặn đánh. Quân của Thượng tan vỡ, các tướng dưới quyền chạy sang hàng Tào. Thượng bỏ chạy về Trung Sơn. Thẩm Phối vẫn kiên cường phòng thủ, sai người mang nỏ cứng ra ngoài thành, phục ở chỗ Tào Tháo hay đi tuần qua, có lần ông suýt bị nỏ bắn trúng. Nhưng sau đó cháu Phối là Thẩm Vinh phản họ Viên, mở cửa thành cho quân Tào. Tào Tháo hạ được thành, dụ hàng Thẩm Phối không được bèn sai mang chém để bảo toàn danh tiết cho Thẩm Phối.
Trong khi đó họ Viên vẫn đánh lẫn nhau. Viên Đàm đến Trung Sơn đánh Thượng, chiếm luôn Ký châu. Thượng bỏ chạy tới U châu theo anh hai là Viên Hy.
Tào Tháo gửi thư tuyên bố cắt đứt thông gia với Viên Đàm, trả lại con gái Đàm và tiến đánh Bình Nguyên. Đàm bỏ chạy về Nam An. Tháng 1 năm 205, Tào Tháo tiến đánh Nam An. Đàm bị thủ hạ giết chết để hàng Tào.
Anh em Viên Hy, Viên Thượng ở U châu không lâu thì thủ hạ của Hy là Tiêu Xúc, Trương Nam làm phản, hai anh em phải bỏ chạy sang Liêu Tây, nương nhờ thủ lĩnh Ô Hoàn là Đạp Đốn. Tháng 10 năm 205, Tào Tháo mang đại quân tấn công Liêu Tây, đánh đuổi bộ lạc Ô Hoàn ở 3 bộ Liêu Tây, Liêu Đông và Hữu Bắc Bình ra khỏi Trường Thành. Anh em Hy và Thượng cùng Đạp Đốn chạy sang Liêu Đông với Công Tôn Khang.
Cháu Viên Thiệu là Cao Cán trấn thủ Tinh châu, trước nghe tin họ Viên bại trận bèn đầu hàng Tào Tháo. Thấy ông đi đánh Ô Hoàn, Cán lại làm phản. Tháng 1 năm 206, ông dẫn quân trở về đánh Cán. Cán thua chạy đi cầu cứu Hung Nô không được, trở về đến Thượng Lạc thì bị giết.
Tam Quốc Diễn Nghĩa kể rằng Cao Cán là con rể của Viên Thiệu.
Đầu năm 207, anh em họ Viên đến Liêu Đông. Tào Tháo đi chiêu hàng đến Liễu Thành (Liêu Tây), không mang quân truy đuổi anh em họ Viên đến Liêu Đông. Ông đoán biết nếu tiến đánh, Công Tôn Khang sẽ liên hợp với họ Viên, vì vậy ông chủ ý lui quân về phía nam, tỏ ý không truy bức, Khang sẽ thanh trừng họ Viên.
Tào Tháo không chờ động tĩnh từ phía Khang mà chủ động rút lui khỏi Liễu Thành về nam trong hoàn cảnh rất gian khổ. Khi đó ở phía bắc rất lạnh, quân đội của ông bị rét cóng; toàn quân đi 200 dặm không có nước; sau đó phải đào giếng sâu tới 39 trượng mới có nước. Lương thực hết, quân Tào phải giết ngựa chiến để ăn. Quân Tào ăn hết vài ngàn con ngựa mới về tới khu vực có lúa của người Hán. Các nhà sử học Trung Quốc nêu giả thiết, nếu anh em họ Viên biết được tình cảnh thê thảm đó của quân Tào mà dẫn tàn quân truy kích thì chưa biết tình hình sẽ ra sao.
Đúng như dự liệu của Tào Tháo, Công Tôn Khang lập tức bắt chém anh em Hy, Thượng và Đạp Đốn ngay lúc đến ra mắt, sai người mang 3 thủ cấp nộp Tào Tháo - khi đó ông đã về đến Nghiệp Thành. Ông phong chức Tương Bình hầu cho Khang để thưởng công.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |