Sau đây là toàn văn bài phát biểu của Đại sứ Đặng Minh Khôi:
Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ổn định, lành mạnh
- Nhân tố quan trọng cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực
(Ngày 24/11/2016)
Đại sứ Đặng Minh Khôi
Phát biểu tại Học viện Ngoại giao Trung Quốc (China Foreign Affairs University)
Kính thưa Giáo sư Qin Yaqing, Giám đốc Học viện Ngoại giao Trung Quốc,
Đại sứ Dương Tú Bình, Tổng thư ký ASEAN-Trung Quốc,
Các Giáo sư, các vị khách quý, đại diện Đại sứ quán ASEAN
Và các em sinh viên Học viện Ngoại giao Trung Quốc thân mến!
Tôi rất vui mừng và vinh dự khi được mời thăm Học viện Ngoại giao Trung Quốc và cảm thấy hết sức tự hào khi được dành cơ hội nói chuyện với các bạn sinh viên, các thầy cô giáo của một Học viện uy tín như thế này.
Tôi rất vui mừng "diện kiến" (nhìn ngắm) những gương mặt trẻ trung, khôi ngô, tràn đầy sức sống, toát lên hoài bão và khát vọng trong sáng của các bạn sinh viên ngồi trong khán phòng này. Các em hẳn rất tự hào khi được học tập, tu dưỡng tại một trong những cái nôi hàng đầu đào tạo những nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Trung Quốc. Các em sẽ là những chủ nhân tương lai, những nhà ngoại giao, những cán bộ đối ngoại của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cũng là những đại sứ thiện chí của nhân dân Trung Quốc với nhân dân thế giới. Nhìn các bạn, tôi cảm thấy như được sống lại những thời khắc của tuổi thanh xuân, khi theo học tại Học viện Ngoại giao Mát-xcơ-va, là nơi tôi bắt đầu học những từ tiếng Trung đầu tiên.
Học viện Ngoại giao Bắc Kinh được thành lập với nhiệm vụ đào tạo thế hệ cán bộ ngoại giao phục vụ cho Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhà trường đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc, trong đó có những bậc tiền bối như Thủ tướng Chu Ân lai, Nguyên soái Trần Nghị.
Tôi xin chúc mừng Học viện đã tỏ ra xứng đáng với sự tin cậy, gửi gắm của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, đào tạo nhiều nhà ngoại giao xuất sắc của Trung Quốc. Tôi rất vui mừng được biết trong hơn 60 năm qua, Học viện đã đào tạo hơn 20.000 sinh viên và trong số đó nhiều người đã trở thành những cán bộ ngoại giao mẫn cán, có gần 500 người trở thành Đại sứ và trong số đó có nguyên Ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc.
Trong không khí thân mật của buổi gặp mặt này, tôi mong muốn được chia sẻ với các bạn suy nghĩ của tôi về sự tương đồng, tình cảm gắn bó, hữu nghị truyền thống của nhân dân Việt Nam với nhân dân Trung Quốc; ý nghĩa của quan hệ Việt-Trung ổn định, lành mạnh, lâu dài đối với lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định trong khu vực; vai trò của một Cộng đồng ASEAN đoàn kết đối với quan hệ ASEAN-Trung Quốc; và đặc biệt là những gì các bạn sinh viên có thể đóng góp cho mối quan hệ Việt-Trung, vì lợi ích thiết thực của người dân cũng như vì hòa bình, ổn định trong khu vực.
1. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng có văn hóa tương đồng, quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời; trong sự nghiệp cách mạng đã cùng ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trung Hoa là một đất nước vĩ đại có 5000 năm lịch sử, là một trong những cái nôi của văn minh nhân loại, sáng tạo nhiều phát minh vĩ đại cho nhân loại, sản sinh nhiều nhân vật kiệt xuất trong lịch sử và có nhiều ảnh hưởng văn hóa sâu rộng tới các nước trong khu vực và trên thế giới. Đất nước Việt Nam có 4000 năm lịch sử, láng giềng kề sát ở phía Nam Trung Quốc.
- Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về văn hóa, có quá trình giao thoa, tương tác và tiếp biến văn hóa đặc sắc. Nhiều người Việt Nam có đóng góp cho các công trình kiến trúc, văn hóa lớn ở Trung Quốc (như Nguyễn An ở Tử Cấm Thành). Người Việt Nam với truyền thống khoan hòa, đã dung nạp nhiều tư tưởng, triết lý bắt nguồn từ Trung Quốc, có thể trái ngược nhau nhưng tồn tại hài hòa ở Việt Nam, như Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo (tam giáo đồng nguyên). Nhân dân hai nước chia sẻ giá trị văn hóa chung về "Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín", là những giá trị vẫn mang ý nghĩa đạo đức, chi phối quy tắc ứng xử trong xã hội ngày nay. Nhiều tác phẩm kinh điển của Trung Quốc đã được dịch sang tiếng Việt Nam. (những nhân vật biểu tượng cho sự trung tín, thanh liêm, chính trực trong lịch sử Trung Quốc như Quan Vân Trường, Bao Thanh Thiên được người dân Việt Nam truyền tụng cho tới ngày nay).
- Nửa đầu thế kỷ XX, hai nước đều phải trải qua những năm tháng gian khổ, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai cũng như các lãnh đạo tiền bối khác của hai nước là những người bạn chiến đấu và là đồng chí thân thiết của nhau. Hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, đã dày công vun đắp mối tình đoàn kết, hữu nghị Việt-Trung.
- Nhà nước Trung Quốc là hậu phương ủng hộ, giúp đỡ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Trung Quốc cử các tướng lĩnh như Đại tướng Trần Canh, Thượng tướng Vi Quốc Thanh và nhiều cố vấn Trung Quốc sang giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Trung Quốc cử nhiều đơn vị quân đội (220.000 lượt người) sang Việt Nam để giúp bảo vệ hệ thống cầu đường, đảm bảo giao thông vận chuyển vũ khí, quân nhu từ miền bắc vào chiến trường miền nam. Nhiều cựu chiến binh Trung Quốc cho tới nay tuổi đã cao nhưng vẫn tự hào nhắc về kỷ niệm những ngày kề vai sát cách giúp đỡ nhân dân Việt Nam.
- Thế hệ lãnh đạo tiền bối của Việt Nam có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Trung Quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời là một người rất am hiểu văn hóa Trung Quốc, còn để lại nhiều thơ văn, bút tích tiếng Hán. Khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam tại Trung Quốc (8/1942-9/1943) Người làm rất nhiều bài thơ bằng chữ Hán, trong đó, tập thơ chữ Hán "Nhật ký trong tù" rất nổi tiếng.
- Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn-Hồng Thủy là Nhà cách mạng Việt Nam, học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sát cánh tham gia cuộc Vạn lý trường trinh, được Nhà nước Trung Quốc phong hàm Thiếu tướng trong số 1000 vị tướng đầu tiên của Trung Quốc, là "vị tướng nước ngoài duy nhất của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc", "một chiến sỹ quốc tế đã để lại một tấm gương tốt đẹp về tình hữu nghị giữa Cách mạng Việt Nam và Cách mạng Trung Quốc". Tháng 10/2016, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Vạn lý Trường chinh, trong chương trình "Niên Luân đỏ" của Nhà nước Trung Quốc, cuốn sách về cuộc đời của Lưỡng quốc Nguyễn Sơn-Hồng Thủy đã được xuất bản thể hiện sự trân trọng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc đối với đóng góp của ông đối với cách mạng Trung Quốc.
- Là người sinh ra và lớn lên khi đất nước Việt Nam còn bị chia cắt, còn là một đứa trẻ, tôi đã tận mắt chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh phá hoại, sự hủy diệt của máy bay rải thảm B-52 ở Hà Nội. Không nói đến vũ khí, quân trang, ký ức của chúng tôi về những ngày ác liệt đó vẫn còn lưu giữ hình ảnh của những chiếc bát sắt ăn cơm và ca uống nước tráng men của Trung Quốc, là đồ vật gắn bó trong hành trang sơ tán của nhiều gia đình Việt Nam, là hương vị của những thanh lương khô Trung Quốc.
- Có thể nói nhân dân hai nước vốn đã là láng giềng có quan hệ mật thiết, lại gắn bó bởi sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đã kết thành tình đồng chí, anh em "vừa là đồng chí, vừa là anh em". Đây là những năm tháng hai Đảng và nhân dân hai nước kề vai sát cánh, giúp đỡ lẫn nhau, cùng xây đắp tình hữu nghị sâu sắc nhất.
Với truyền thống thủy chung, trước sau như một, chúng tôi luôn khắc ghi sự giúp đỡ quý báu của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước Việt Nam. (Tại Quế Lâm, Trung Quốc, tại Phòng lưu niệm của Trường nơi học tập của các lưu học sinh Việt Nam trong những năm chiến tranh, lưu giữ hai bức tranh "bút đàm" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông.
- Slide tranh Bút tích Bác Hồ: Mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc thật là "trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình, tinh thần hữu nghị quang vinh muôn đời"
- Slide tranh Bút tích Bác Mao: "700 triệu nhân dân Trung Quốc là hậu thuẫn vững chắc của nhân dân Việt Nam, lãnh thổ Trung Quốc bao la là hậu phương đáng tin cậy của nhân dân Việt Nam".)
- Vì sự tương đồng về văn hóa, giao thoa lịch sử, Trung Quốc là địa điểm du lịch yêu thích của người dân Việt Nam. Các công trình kiến trúc lớn như Tử cấm thành, Trường thành, các địa chỉ hoạt động cách mạng của các bậc tiền bối của Việt Nam như ở Quảng Châu, Quảng Đông…), những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của Trung Quốc, nhân vật từ các tác phẩm điện ảnh, văn hóa, nghệ thuật của Trung Quốc, thu hút sự quan tâm của công chúng Việt Nam.
3. Quan hệ giữa hai nước tuy có trải qua thăng trầm nhưng hợp tác hữu nghị là dòng chảy chính; đây cũng chính là mong muốn và lợi ích chung của nhân dân hai nước.
- Tháng 2/1979, chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ. Tôi khi đó đang học Trung học, có thể cảm nhận sâu sắc những khó khăn của đất nước và người dân Việt Nam vừa trải qua sau cuộc trường kỳ kháng chiến, lại phải gánh chịu thêm hai cuộc chiến tranh biên giới. Đây là một giai đoạn hết sức khó khăn của nhân dân Việt Nam, cũng là một trang sử trầm trong quan hệ hai nước.
- Cá nhân tôi vô cùng vui mừng khi vào công tác tại Bộ Ngoại giao (năm 1991), hai nước Việt Nam-Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ. Tôi là một trong số 5 du học sinh đầu tiên sang Trung Quốc thực tập sau khi hai nước bình thường hóa. 25 năm đã qua, cuộc đời hoạt động ngoại giao của tôi gắn liền với đất nước Trung Quốc và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, được chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng, mang tính dấu mốc trong quan hệ song phương, trong đó có các hoạt động đàm phán, phân định biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ; chuẩn bị cho nhiều chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước; cũng như tham gia xử lý những tình huống căng thẳng trong quan hệ nước. Đây là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn của người làm công tác ngoại giao nói chung, cá nhân tôi nói riêng.
- Tôi rất vui mừng cho các em đã được sinh ra và trưởng thành trong hòa bình, sau khi sự nghiệp hiện đại hóa và mở cửa của đất nước Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Ngày nay, Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, đang triển khai kế hoạch năm năm lần thứ 13, hướng tới hai mục tiêu "100 năm", xây dựng xã hội khá giả toàn diện, tiến hành cải cách sâu rộng, xây dựng quốc gia pháp trị toàn diện mọi mặt, vào thời điểm chào mừng 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, thực hiện mục tiêu lớn "Giấc Mộng Trung Hoa", đưa Trung Quốc trở thành quốc gia Xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa, giàu mạnh vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây là những giấc mơ lớn của nhân dân Trung Quốc.
- Là nước láng giềng "núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông" với Trung Quốc, chúng tôi hết sức vui mừng với thành tựu phát triển đất nước của nhân dân Trung Quốc. Thành công của nhân dân Trung Quốc là cơ hội đối với nhân dân Việt Nam. Sự phát triển của Trung Quốc không thể tách rời môi trường hòa bình, ổn định của các nước láng giềng. Do vậy, thành công của nhân dân Việt Nam cũng là lợi ích của nhân dân Trung Quốc. Cũng như nhân dân Trung Quốc, nhân dân Việt Nam kiên trì con đường phát triển xã hội chủ nghĩa theo tinh thần "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".
-Sự gần gũi về địa lý, tương đồng về thể chế, tương thông về văn hóa, xã hội, và lựa chọn chiến lược của cả hai nước mong muốn duy trì môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước là nền tảng cơ bản cho việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Hai nước có thể học hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm quản lý, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Quan hệ hai nước vượt lên trên những mối quan hệ song phương thông thường, có ý nghĩa chiến lược quan trọng.
4. Về tổng thể, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, đem lại lợi ích thiết thực cho cả nhân dân hai nước, trong đó có thế hệ trẻ.
- Quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư, giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu giữa các địa phương, phản ánh sát thực mối quan hệ láng giềng gần gũi, tương thông, bổ trợ cho nhau. Kim ngạch thương mại song phương tăng vượt bậc, từ 37 triệu USD năm 1991 đến 97 tỷ USD năm 2015; hàng ngày có 300 triệu USD giao dịch thương mại giữa hai nước; hai nước đặt mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2017 nhưng dự kiến sẽ đạt mục tiêu 100 tỷ USD ngay trong năm 2016.
Năm 2015 có 1.8 triệu lượt khách TQ, dự kiến năm 2016 hơn 2 triệu khách Trung Quốc đi du lịch VN. Việt Nam cũng đứng đầu trong số du khách ASEAN đi Trung Quốc (1.5 triệu lượt khách VN đi du lịch TQ). 23 tỉnh của Trung Quốc có đường bay thẳng tới các địa phương của Việt Nam. Mỗi tuần có 120 chuyến bay giữa hai nước.
- Hàng năm, hàng vạn sinh viên Việt Nam theo học ở Trung Quốc và khoảng 3000 sinh viên Trung Quốc theo học ở Việt Nam. Các em sinh viên này sẽ là những hạt giống, nhân rộng sự hiểu biết và sự gắn kết giữa thế hệ trẻ hai nước. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc Trương Đức Giang, Liên hoan thanh niên lần thứ ba ở Hà Nội được tổ chức thành công với sự tham gia của 4.000 thanh niên Việt Nam và 1.000 thanh niên Trung Quốc, là điều vui mừng khích lệ cho những người chăm chút cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
- Trong quan hệ hai nước, có ba vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ do lịch sử để lại hết sức phức tạp. Hai nước đã giải quyết thành công hai vấn đề, đó là hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định giữa Việt Nam và Trung Quốc.
- Vấn đề biển Đông là khác biệt lớn nhất trong quan hệ hai nước, cần nỗ lực của cả hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Lãnh đạo cấp cao hai nước nhiều lần đề cập đến vấn đề Biển Đông và đã đạt nhận thức chung quan trọng. Bất đồng giữa hai nước về vấn đề Biển Đông là thực tế, nhưng không phải là toàn bộ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc; quan trọng nhất là hai bên cần tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, kiểm soát tốt tình hình, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế.
Người dân Việt Nam là những người rất tự tôn, tự trọng, coi trọng độc lập dân tộc; đồng thời hết sức coi trọng hòa bình và quan hệ hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Nhiều người dân Trung Quốc trân trọng tình cảm tốt đẹp về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mong muốn quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước. Năm 2014, khi xảy ra vụ việc Giàn khoan HD-981, tôi đã có dịp đi lên các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam và thấu hiểu sâu sắc khát vọng của người dân, chính quyền các địa phương hai bên biên giới, mong muốn hòa bình, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam-Trung Quốc.
5. Việt Nam và Trung Quốc hợp tác chặt chẽ trên diễn đàn đa phương, chia sẻ các quan điểm về giá trị phổ quát của nhân loại cũng như những giá trị đặc thù liên quan đến các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo.
Việt Nam ủng hộ Trung Quốc đóng vai trò tích cực tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong đó có ASEAN. Là một thành viên có trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN, Việt Nam ủng hộ việc tăng cường quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Việt Nam là nước đứng đầu trong ASEAN về quan hệ thương mại với Trung Quốc, đứng thứ hai về thu hút khách du lịch Trung Quốc (sau Thái Lan), đứng đầu về số người du lịch từ nước ASEAN tới Trung Quốc. Triển vọng hợp tác giữa ASEAN (một cộng đồng 630 triệu dân và 2,6 tỷ USD GDP) và Trung Quốc là rất to lớn. Thương mại hai chiều ASEAN-Trung Quốc năm 2015 là 472 tỷ USD, là đối tác đứng thứ ba trong quan hệ thương mại của Trung Quốc, là lĩnh vực thành công nhất giữa hai bên, là trụ cột quan trọng nhất trong quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc.
ASEAN có ý nghĩa quan trọng, là cửa ngõ phía Nam của Trung Quốc, đồng thời cũng là một thị trường lớn cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Trung Quốc. Sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và Trung Quốc đều cần điều kiện tiên quyết là môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực. Một ASEAN đoàn kết và có vai trò trung tâm trong các vấn đề quốc tế và khu vực chính là lợi ích của ASEAN cũng như là lợi ích của Trung Quốc. Bài học quan trọng nhất trong sự thành công của quan hệ hợp tác ASEAN-Trung Quốc trong 25 năm qua chính là sự chân thành, thiện chí hợp tác từ cả hai phía; sẵn sàng trao đổi, bàn bạc về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, không áp đặt.
(Việc triển khai các sáng kiến hợp tác quan trọng như kết nối, xây dựng Cộng đồng trên các lĩnh vực, hợp tác giữa ASEAN-Trung quốc, hợp tác trong sáng kiến Một vành đai Một con đường, trong đó có Con đường Tơ lụa trên Biển thế kỷ XXI..., phụ thuộc vào điều kiện tiên quyết là hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, trên cơ sở luật pháp quốc tế, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa.)
6. Đóng góp của thế hệ trẻ Trung Quốc và Việt Nam đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc:
- Trong quá khứ cũng như hiện tại, tình cảm hữu nghị, đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc có bề dày lịch sử, được vun đắp bởi các thế hệ lãnh đạo cách mạng tiền bối và được duy trì, bồi đắp cho tới ngày hôm nay.
- Tôi vui mừng nhận thấy thời gian qua lãnh đạo cấp cao hai nước đã có nhiều cuộc trao đổi chuyến thăm quan trọng, đặc biệt là việc hai Tổng Bí thư hai nước đã trao đổi chuyến thăm cấp nhà nước nhân dịp kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Lãnh đạo hai bên nhất trí duy trì trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác thực chất, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, tăng cường giao lưu nhân dân, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt-Trung, đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn nữa cho nhân dân hai nước.
Nhân dân Trung Quốc có câu "Ngàn vàng chỉ để mua tình láng giềng". Người Việt Nam cũng có câu: "Bán anh em xa mua láng giềng gần". Mong rằng các bạn sinh viên thanh niên hết sức trân trọng những thành quả đã đạt được trong quan hệ hai nước, trân trọng nỗ lực vun đắp của các lãnh đạo cách mạng tiền bối cũng như quyết tâm của các lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Trung Quốc.
- Trở ngại lớn nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là quan điểm khác nhau giữa hai nước trong vấn đề Biển Đông. Vấn đề chủ quyền, lãnh thổ là thiêng liêng và nhạy cảm đối với người dân hai nước, tác động tới nhiều khía cạnh trong quan hệ hợp tác song phương. Vấn đề Biển Đông tác động tới hòa bình, ổn định trong khu vực nên cần sự đoàn kết, nhất trí của Cộng đồng ASEAN. Để giải quyết vấn đề Biển Đông, tất cả chúng ta cần đặt mình vào vị trí của người khác. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã nói : "Không theo đuổi an ninh của bản thân mà làm tổn hại đến an ninh của người khác".
- Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh các nước lớn đan xen với tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, trên truyền thông, mạng xã hội, lan truyền một số thông tin, bình luận sai lệch về Việt Nam và quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Trong một bộ phận người dân Trung Quốc có suy nghĩ chưa đúng về Việt Nam. Trong người dân Việt Nam cũng có người suy nghĩ định kiến, tiêu cực về Trung Quốc. Tôi mong rằng các bạn thanh niên có suy nghĩ rộng mở, đúng đắn về Việt Nam và mối quan hệ hữu nghị, hợp tác có ý nghĩa chiến lược giữa Việt Nam-Trung Quốc, làm Đại sứ thiện chí, gắn kết giữa nhân dân, thanh niên hai nước.
- Trung Quốc có câu "Ngoại giao quốc gia cốt ở sự thân thiết của người dân". Chúng ta mong rằng những hoạt động giao lưu giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân, giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch ổn định, lành mạnh giữa nhân dân hai nước góp phần củng cố nền tảng đồng thuận trong người dân hai nước, xóa tan những nghi kỵ, định kiến, không có lợi cho sự phát triển của quan hệ song phương. Hơn ai hết, chúng ta cần làm hết sức mình để đưa quan hệ Việt-Trung thật sự ổn định, lành mạnh có lợi cho nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực, hợp tác ASEAN-Trung Quốc. Chúng ta ghi nhớ các sự kiện lịch sử để trân trọng những thành quả đạt được cũng như rút những bài học kinh nghiệm quý báu.
- Mong rằng trong số các bạn sinh viên ở đây sẽ có người được phân công công tác về quan hệ Trung-Việt (như tôi đã được phân công công tác về Trung Quốc và quan hệ Việt-Trung), cũng sẽ kiên trì vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc.
(Nhân đây, tôi muốn giới thiệu với các bạn một người cháu, cháu ngoại của Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn-Hồng Thủy, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ở Bắc Kinh, đang có mặt ở đây, đang tiếp tục truyền thống gia đình, góp phần vun đắp cho tình hữu nghị của nhân dân hai nước).
Tôi xin chân thành chúc các sinh viên, các giáo sư, lãnh đạo Học viện Ngoại giao Bắc Kinh có sức khỏe dồi dào, đạt nhiều thành tựu trên con đường học vấn và sự nghiệp, hạnh phúc trong cuộc sống; mong các bạn học tập sáng tạo tấm gương của các lãnh đạo tiền bối, các nhà ngoại giao lớn của Trung Quốc, là những người có công to lớn cho sự ra đời và phát triển của Học viện như Thủ tướng Chu Ân Lai, Nguyên soái Trần Nghị, đồng thời cũng là những người bạn lớn của nhân dân Việt Nam.
- Chúc cho tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững như mong muốn của các lãnh đạo tiền bối của chúng ta.
- Một lần nữa cảm ơn lãnh đạo Học viện, các bạn sinh viên, Trung tâm ASEAN-Trung Quốc đã tạo điều kiện và dành cho tôi vinh dự ngày hôm nay./.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |