Bài tham gia cuộc thi chào mừng 70 năm Ngày thành lập Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc của ông Phạm Lệ Xuân ở Hà Tĩnh mang tên: "Nghe Đài để làm người thông thái".
Giữa những năm 50 thế kỷ trước, tôi còn nhỏ lắm, còn chưa đi học lớp Một trường làng mà luôn tỏ ra là một nhà "Thông thái". Chẳng là, anh trai tôi ở quân đội, mỗi khi về phép lại mang bộ Galen về chăng "mạng nhện" dây đồng mảnh như sợi tóc lên khắp những cây cao mấy nhà trong xóm Trị để bắt sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Bắc Kinh phục vụ người thân.
Lần đầu mang Galen về, là bộ Galen đời cũ nên phải sử dụng tai nghe nhét tai, mọi người chuyền tay nhau nghe, người được nghe thì vui còn người ngồi ngoài đợi thì luôn cảm thấy sốt ruột, giục rối rắm đòi thay lượt. Những ai giúp anh trai tôi leo trèo căng dây thì được ưu tiên nghe trước, nghe lâu nhất. Thông cảm với bà con, lần về phép sau, anh tôi đem thêm vài bộ Galen và còn biết cải tiến sử dụng loa từ thạch nhỏ bằng chiếc cúc áo đại cán, người ngồi cách xa một chút cũng có thể nghe được. Tôi nhờ được nghe nhiều thông tin hơn bạn bè trang lứa nên tỏ ra vẻ "Thông thái" cũng chính là vậy(!)
Nhớ lại, trả phép lần đầu đó trở về đơn vị, anh tôi mang theo luôn bộ Galen ra Hà Nội khiến cho mọi người chưng hửng oán trách. Lần đi phép thứ 2 rồi thứ 3, anh tôi mang thêm Galen về nhà, còn biết biếu người chú họ đáng kính một bộ, đã thế, khi trả phép anh không mang Galen đi mà để lại cho mọi người. Có thêm mấy bộ Galen "san sẻ" cho vài nhà, nhà tôi vơi "khách không mời mà đến", mẹ tôi đỡ cái khổ nấu nước chè xanh và kẹo Cu đơ phục vụ khách miễn phí.
Rồi tôi cũng phải vào lớp Một. Nhà nghèo nên còn nhỏ đã phải lao động kiếm sống giúp đỡ cho cha mẹ phần nào. Ban ngày, nửa thời gian đến trường học tập, nửa thời gian lên rừng chặt củi nứa bán; còn buổi tối ôn tập bài cũ chuẩn bị bài mới. Bởi say mê nghe đài nên có những khi làm quáng quàng bài tập. Quê tôi ở xa Hà Nội, điều chỉnh Galen bắt sóng đài theo ý muốn rất khó, thôi thì có đài nào nghe đài ấy, đài nào sóng khoẻ thì nghe. Sóng phát thanh Đài Bắc Kinh thường khoẻ hơn nên mọi người được nghe nhiều hơn.
Những năm cuối thập kỷ 50 đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, hàng hoá phong phú hơn, đài bán dẫn Trung Quốc như Xiongmao đã có mặt ở bách hoá huyện, nhà nghèo nhưng bố tôi vẫn bảo mẹ mua lấy một chiếc để dùng. Chiếc đài bán dẫn chỉ bằng viên gạch mà giá tiền bằng cả một căn nhà. Chiếc đài bán dẫn được cha tôi quý quá vàng, chỉ có cha tôi được phép sử dụng phục vụ mọi người, ai không có phận sự thì đừng có mà sờ vào chiết áp. May là, tôi được nằm ngủ chung với cha nên luôn nằm gần chiếc đài Xiongmao, khi đài thôi phát sóng chỉ còn nghe tiếng lẹt xẹt, cha tôi đã chìm trong giấc ngủ thì tôi thay cha vặn chiết áp cái "cạch" tắt nguồn pin cho khỏi tốn điện. Cha tôi thích mở Đài Phát thanh Bắc Kinh nghe nên tôi cũng luôn được nghe Đài Phát thanh Bắc Kinh.
1 2 3 4