Bình luận: Mỹ: Bình đẳng chủng tộc-giấc mơ xa vời

2023-03-21 22:55:15(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Năm 1963, lãnh đạo phong trào dân quyền Mỹ, Martin Luther King đưa cuộc đấu tranh của người Mỹ da đen nhằm tìm kiếm  địa vị bình đẳng xã hội lên tầng cao tinh thần với bài phát biểu  “Tôi có một giấc mơ”. Song trải qua 60 năm, quyền lợi của người da đen Mỹ vẫn không được bảo đảm, thậm chí cho đến ngày nay sau khi xoá bỏ chế độ nô lệ được hơn 150 năm, chủ nghĩa chủng tộc vẫn tồn tại trong xã hội Mỹ một cách toàn diện, hệ thống và liên tục như vi-rút khó tiêu diệt. 

Năm 2020, người đàn ông gốc Phi George Floyd bị cảnh sát người da trắng dùng bạo lực khi hành pháp dẫn đến nghẹt thở chết, gây ra cuộc biểu tình quy mô lớn trong cả nước Mỹ. Song đây không phải là vụ việc riêng lẻ, bạn chỉ cần tùy ý tìm kiếm trên mạng sẽ phát hiện nhiều vụ bạo lực nhằm vào người da đen. Chỉ trong năm 2022 vừa qua, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về nhiều vụ việc tương tự.

Chiều ngày 8/1/2022, một người đàn ông gốc Phi tên là Jason Walker ở bang Bắc Carolina, Mỹ trong khi không mang vũ khí đã bị một cảnh sát người da trắng bắn chết trong hoàn cảnh không rõ ràng; ngày 2/2, cảnh sát của thành phố Minneapolis, bang Minnesota, Mỹ đã bắn chết một người đàn ông gốc Phi 22 tuổi đang ngủ ở nhà; ngày 4/4, cảnh sát của thành phố Grand Rapids, bang Michigan đã bắn trúng đầu của một người đàn ông gốc Phi và khiến ông này bị chết; ngày 27/6, tám cảnh sát của thành phố Akron, bang Ohio đã truy đuổi và bắn chết người đàn ông da đen tên là Jayland Walker, báo cáo kiểm nghiệm của pháp y cho thấy, trên cơ thể của Jayland Walker có hơn 60 vết thương do đạn bắn. 

Theo số liệu phân tích của Cục Thống kê Liên bang Mỹ, nguy cơ nam thanh niên gốc Phi bị cảnh sát bắn chết cao gấp 21 lần so với nam thanh niên da trắng. Không hề khoa trương khi nói rằng, vấn đề bất bình đẳng chủng tộc từ lâu đã trở thành cố tật “bình thường” trong hệ thống tư pháp Mỹ.

Đối mặt với hận thù chủng tộc còn có các sắc tộc thiểu số như người gốc Á, gốc Mỹ La-tinh và thổ dân. Chỉ trong tháng 3/2020 đến tháng 3/2022, Mỹ đã ghi nhận gần 11.500 vụ thù hận nhằm vào người gốc Á. 

Sự phận biệt chủng tộc mang tính hệ thống ở Mỹ còn thể hiện trong việc các sắc tộc thiểu số như người gốc Á, gốc Phi, gốc Mỹ La-tinh và thổ dân bị đối xử bất bình đẳng trong các các lĩnh vực tư pháp, y tế, việc làm …

Đại dịch thế kỷ đã phơi bày rõ vấn đề bất bình đẳng chủng tộc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng  ngừa dịch bệnh Mỹ, trong thời gian xảy ra đại dịch, tỷ lệ tử vong sau khi mắc COVID-19 của người gốc Mỹ La-tinh, gốc Phi và thổ dân Mỹ lần lượt gấp 2,3 lần, 1,9 lần và 2,4 lần so với người da trắng. Mỹ tự cho là “sinh ra đã có quyền bình đẳng”, nhưng trước đại dịch đã thể hiện sự  bất công nghiêm trọng trong hệ thống y tế.

Tình trạng các sắc tộc thiểu số bị phân biệt đối xử nghiêm trọng trong khi tìm việc làm vẫn không được cải thiện. Theo số liệu đáng tin cậy, từ năm 1963 đến nay, tỷ lệ thất nghiệp của người gốc Phi luôn gấp 2 - 2,5 lần so với người da trắng. Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của người gốc Mỹ La-tinh luôn cao hơn 40% so với người da trắng, trong số 45 triệu người nghèo khó của Mỹ có 28,1% là người gốc Mỹ La-tinh. “Người cuối cùng được thuê và Người đầu tiên bị sa thải" là số phận muôn thuở của các sắc tộc thiểu số Mỹ. 

Ngoài ra, các sắc tộc thiểu số cũng thua xa người da trắng về thu nhập, nhà ở, giáo dục và tham gia hoạt động chính trị. Đúng như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Sự phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại ở mọi nơi trong xã hội Mỹ, ảnh hưởng sâu rộng, vẫn là một phần trong gien của chúng ta.”

21/3 là Ngày quốc tế xoá bỏ phân biệt chủng tộc, là nước ký kết “Công ước quốc tế xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc” của Liên Hợp Quốc, Mỹ trong 30 năm qua không áp dụng biện pháp hiệu quả cải thiện việc phân biệt chủng tộc mang tính hệ thống. Quyền bình đẳng mà ông Martin Luther King phấn đấu và hy sinh mạng sống của mình vì nó đến nay vẫn là một giấc mơ xa vời tại Mỹ.

Biên tập viên:Kiều Quân