Doanh nghiệp Logistics Việt Nam: Thương mại chính ngạch Việt – Trung trên đà phát triển mạnh mẽ

2022-12-20 10:07:56(GMT+08:00) CRI
Chia sẻ:

Giữa khuôn viên Hội chợ Xuất khẩu Chiết Giang lần thứ 10 tổ chức tại Việt Nam mới đây, chị Đào Thị Hiếu, một quản lý phụ trách kinh doanh tại công ty tư nhân Bảo Tín Logistics cùng các đồng nghiệp đã nhiệt tình giới thiệu tới các nhà trưng bày và khách tham quan về các dịch vụ của công ty mình. 

Bảo Tín Logistics là doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ như mua hàng Trung Quốc trên các trang thương mại điện tử, nhập hàng Trung Quốc, và vận chuyển vận hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Vài tháng trở lại đây, lượng hàng chính ngạch được thông quan về Việt Nam tăng hơn năm ngoái rất nhiều cả về số lượng và giá trị, khiến những công ty trong ngành như Bảo Tín Logistics cũng bận rộn hơn.

“Chúng tôi rất vui mừng vì các đơn hàng năm nay đã gần như hồi phục so với mức độ trước dịch COVID-19,” chị Đào Thị Hiếu hào hứng chia sẻ. 

Là một người nhiều năm theo dõi tình hình thương mại giữa hai nước, chị Hiếu cho rằng, giao lưu hàng hoá theo kênh chính ngạch đang tăng trưởng nhanh chóng, ổn định, trong tương lai sẽ đưa quan hệ thương mại song phương tới những cột mốc mới. 

 Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới dài nên người dân hai nước thường trao đổi một số loại hàng hoá phổ thông và có giá trị thấp theo đường tiểu ngạch, không qua kênh cửa khẩu nhằm tranh thủ thời gian và tính mùa vụ của sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản. Tuy nhiên, hình thức này thường có tính ổn định rất thấp, nhiều rủi ro, do thiếu hợp đồng ràng buộc bằng văn bản, thiếu quy định về điều kiện thanh toán hay thoả thuận giải quyết tranh chấp.

Trong khi đó, hàng nhập khẩu theo đường chính ngạch, dù thủ tục tốn thời gian hơn nhưng sẽ có giấy tờ đầy đủ, nguồn gốc rõ ràng, chất lượng sản phẩm đảm bảo theo các tiêu chuẩn đặt ra... Bên cạnh đó, nếu lựa chọn con đường chính ngạch, doanh nghiệp sẽ còn được hưởng những ưu đãi thuế suất theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam và Trung Quốc cùng ký kết, ví dụ như ACFTA (Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc) hay RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực)… 

Theo chị Hiếu, hiện nay ngày càng nhiều doanh nghiệp từ cả hai phía lựa chọn hình thức giao thương chính ngạch, tuân thủ nguyên tắc thương mại quốc tế. Các cơ quan hữu quan hai nước cũng tăng cường tuyên truyền, động viên, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi nhanh và mạnh mẽ sang kênh thương mại này nhằm đảm bảo xuất nhập khẩu ổn định và bền vững. 

Với việc hoàn thiện các chính sách thương mại và mở cửa thị trường cho nhau, giao lưu hàng hoá giữa Trung Quốc và Việt Nam những năm qua không ngừng mở rộng. Chỉ trong vòng 9 năm từ năm 2010 đến năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều (xuất khẩu + nhập khẩu) đã tăng gần 3 lần, từ gần 28 tỷ USD lên 106 tỷ USD. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường cung cấp hàng hoá lớn nhất của Việt Nam. 

Ngoài vận chuyển hàng hoá, công ty Bảo Tín Logistics còn cung cấp dịch vụ tư vấn, kết nối giữa khách hàng là nhà nhập khẩu Việt Nam với các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Vì vậy nên công ty thường xuyên tham dự các triển lãm thương mại quốc tế như là Hội chợ Xuất khẩu Chiết Giang. 

“Tại những sự kiện như thế này, chúng tôi tìm được nguồn hàng vô cùng phong phú từ các nhà xuất khẩu uy tín hàng đầu của Trung Quốc. Chúng tôi cũng có thể giao lưu, giới thiệu với họ về dịch vụ và thế mạnh của mình và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong trường hợp họ có nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam và muốn tìm đơn vị vận chuyển,” chị Hiếu nói. 

Theo vị quản lý, một yếu tố quan trọng khác thúc đẩy thương mại chính ngạch giữa hai nước bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19 đó là sự phát triển của thương mại điện tử. Thương mại điện tử giúp khách hàng Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn hàng Trung Quốc. Họ có thể chủ động tìm hàng trên các trang như 1688, Alibaba, Taobao,…mọi lúc mọi nơi. Hình ảnh sản phẩm trên những trang này thường không có khác biệt, hoặc rất ít khác biệt so với thực tế. Giá cả cũng có rất nhiều phân khúc, phù hợp với nhu cầu của từng cá thể kinh doanh. 

“Do sở hữu nguồn nhân công lớn, nguồn nguyên liệu tại chỗ lại không mất chi phí quảng cáo nên sản phẩm Trung Quốc luôn là lựa chọn tối ưu nhất khi khách hàng muốn mua sắm tiết kiệm,” chị Hiếu phân tích. 

Không cần đăng ký tài khoản trên các trang thương mại điện tử của Trung Quốc, nhà nhập khẩu vẫn có thể thực hiện mua hàng nhanh chóng thông qua những công ty cung cấp dịch vụ mua hàng hộ như Bảo Tín. Thời gian vận chuyển cũng rất nhanh chóng, nhiều khi còn nhanh hơn vận chuyển nội địa, và chi phí thì rất phải chăng. 

Người dùng mạng xã hội Việt Nam gần đây bày tỏ sự ngạc nhiên, phấn khích và khâm phục trước tốc độ và chi phí vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam trong thời đại kinh tế số. Một doanh nhân Việt Nam nổi tiếng là ông Đỗ Cao Bảo (một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, từng giữ chức Phó tổng giám đốc FPT) đã chia sẻ trải nghiệm mua hàng thương mại điện tử của mình: Một món hàng rất nhỏ giá bán chỉ có 88 nghìn đồng, bên bán ở tận thành phố Thâm Quyến - Trung Quốc, cách cửa khẩu Móng Cái 1.300 km đường bộ; giao về địa chỉ quận Tây Hồ, Hà Nội, mà mất đúng có 3 ngày với phí vận chuyển chỉ 15 nghìn đồng. 

Chị Hiếu cho rằng, toàn bộ quá trình đó là sự kết hợp thành công về mặt hệ thống và con người của cả Trung Quốc và Việt Nam. Thời gian được tiết kiệm tối đa cho thủ tục tập kết hàng hoá ở kho, vận chuyển trên đường cao tốc, làm thủ tục hải quan và đưa qua cửa khẩu... 

“Bên cạnh đầu tư xây dựng nhiều trung tâm logistics, mở rộng, nâng cấp các cửa khẩu, Trung Quốc cũng đã mở nhiều tuyến đường sắt từ nhiều tỉnh, thành đi Việt Nam để tăng cường trao đổi hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển giữa hai nước. Đây là một trong nhiều nền tảng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp hai bên,” chị Hiếu chỉ ra.

 

Biên tập viên:Kiều Quân