Các quốc đảo Thái Bình Dương không phải là quân cờ Mỹ dùng để gây ra đối đầu địa chính trị

2022-09-24 14:30:00(GMT+08:00) CMG
Chia sẻ:

Theo tin Đài chúng tôi: Ngày 22/9, giờ địa phương, Ngoại trưởng Mỹ Blinken chủ trì cuộc họp Ngoại trưởng của nhóm “Các đối tác Thái Bình Dương xanh” trong thời gian diễn ra Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Tại cuộc họp, ông Blinken nói Mỹ sẽ dốc sức vào sự phát triển của khu vực Thái Bình Dương, và triển khai hợp tác trong các mặt ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, v.v. Bên ngoài cho rằng, đây là nhằm dọn đường cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ diễn ra tại Oa-xinh-tơn vào cuối tháng 9.

Cái gọi là nhóm “Các đối tác Thái Bình Dương xanh” thành lập vào tháng 6 năm nay, 5 nước thành viên ban đầu là Mỹ, Anh, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản và Niu Di-lân, Ấn Độ là quan sát viên. Nhóm này tuy nói sẽ tăng cường hợp tác với các quốc đảo Thái Bình Dương trong các lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, y tế, v.v., nhưng mục địch thực sự không đơn thuần. Truyền thông Mỹ chỉ rõ, nhóm “Các đối tác Thái Bình Dương xanh” là nhằm mục đích đối trọng tầm ảnh hưởng không ngừng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực Nam Thái Bình Dương.

Không chỉ riêng nhóm “Các đối tác Thái Bình Dương xanh”, bên ngoài chú ý tới, quan chức ngoại giao Mỹ có các chuyến công du dồn dập đến các quốc đảo Thái Bình Dương kể từ đầu năm đến nay. Trên bản đồ địa chính trị của Mỹ, khu vực Nam Thái Bình Dương không được chú ý trong thời gian dài, vì sao hiện nay lại trở thành một tiêu điểm? Theo Hạ nghị sĩ Steve Chabot của Mỹ, Hiệp ước an ninh song phương giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon ký kết vào đầu năm nay khiến Mỹ lo ngại, cho rằng cần phải đuổi kịp. Ông Kurt Campbell, Điều phối viên phụ trách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Mỹ đề cập đến Trung Quốc, thừa nhận việc Mỹ tăng cường hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương là vì “yếu tố chiến lược không thể chối cãi”.

Từ đó được biết, Mỹ đầu tư nguồn lực vào các quốc đảo Thái Bình Dương là dựa trên cơ sở cạnh tranh chiến lược địa chính trị, mục đích thực sự là gây ra cuộc đối đầu. Nhưng, nếu mục đích không đơn thuần, thì quốc đảo Thái Bình Dương khó chấp nhận.

Đối với các quốc đảo Thái Bình Dương, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là ứng phó thách thức từ biến đổi khí hậu và dịch COVID-19. Nếu Mỹ thực sự muốn giúp các quốc đảo Thái Bình Dương phát triển, đã nói thì phải làm, triển khai hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với các quốc đảo, hơn nữa tôn trọng quyền các quốc đảo triển khai giao lưu đối ngoại một cách độc lập, tự chủ, chứ không nên tính toán địa chính trị, kèm theo các điều kiện chính trị. Mỹ từ xưa đã giỏi về đưa ra cam kết thiếu thiết thực, nhưng thế giới đòi hỏi các hành động thật lòng và thực sự.

Biên tập viên:Duy Hoa