ong kinh ASEAN 2018-06-06-1
|
Vòng loại khu vực miền Bắc Việt Nam của Cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ dành cho sinh viên thế giới lần thứ 17 mới đây đã khép lại tại Hội trường Nhà A Đại học Hà Nội, 12 thí sinh đến từ 10 trường đại học gồm Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam, Đại học Hà Nội, Đại học Thăng Long, v.v. ở khu vực miền Bắc Việt Nam đã tranh tài tiếng Trung tại vòng loại cuộc thi. Trong chương trình Ống kính ASEAN hôm nay, mời các bạn cùng Mẫn Linh quay lại hiện trường cuộc thi hôm đó.
Chủ đề của Cuộc thi "Nhịp cầu Hán ngữ" năm nay là "Chung một mái nhà", các thí sinh thể hiện trình độ tiếng Trung lưu loát và tài năng đa dạng qua diễn văn, ca múa, thư pháp, nghệ thuật tương thanh.... Sau gần 4 tiếng đồng hồ tranh tài quyết liệt qua hai phần thi, bạn Lê Anh Đức đến từ Đại học Hà Nội có sự thể hiện vượt trội, giành giải nhất, sẽ thay mặt khu vực thi miền Bắc Việt Nam đến Trung Quốc tham dự vòng thi chung kết.
Sau khi đoạt giải, bạn Lê Anh Đức cho biết hết sức vinh dự có thể thay mặt Đại học Hà Nội tham dự Cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ và giành thành tích xuất sắc.
"Em đến với tiếng Hán giống như một duyên phận. Trước đây, em rất ít khi tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc, nhưng sau khi tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc, em cảm thấy tiếng Hán không thể nào rời xa cuộc sống của mình".
Khi được hỏi về nguyên nhân lựa chọn chuyên ngành tiếng Trung khi thi đại học, bạn Lê Anh Đức cho biết, bạn lựa chọn chuyên ngành tiếng Trung chủ yếu là do Trung Quốc có bề dày lịch sử và văn hóa sâu đậm.
"Thực ra, em là một người khá thích hợp với ngoại ngữ. Lúc đó, em có phân vân giữa tiếng Trung, tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh. Tuy nhiên, em thấy Trung Quốc là một đất nước có lịch sử và văn hóa rất lâu đời, cùng với đó là tiếng Hán thực sự rất thú vị, bởi vì tiếng Hán là chữ tượng hình. Cho nên em muốn tìm hiểu và đào sâu hơn về tiếng Hán".
Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải, văn hóa tương thông. Đối với đại đa số nước trên thế giới mà nói, sinh viên Việt Nam có ưu thế độc đáo trong việc học tiếng Trung. Viện trưởng phía Việt Nam Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội Đỗ Thanh Vân cũng từng học tiếng Trung, bà đã phân tích ưu thế của sinh viên Việt Nam trong việc học tiếng Trung từ góc độ của mình:
"Tôi nghĩ người Việt Nam học tiếng Trung thuận lợi hơn so với các nước khác. Bởi vì đối với người Việt Nam học tiếng Trung, vốn văn hóa giữa hai nước rất lâu đời, ngôn ngữ hiện tại mà người Việt Nam sử dụng, mặc dù chữ là chữ La-tinh, nhưng về phần phát âm là có tới 60% là âm Hán – Việt. Vì vậy, người Việt Nam đọc nói tiếng Trung sẽ thuận lợi hơn người của các nước khác, chỉ khó khăn về chữ viết thôi".
Không ai có thể dễ dàng thành công. Mặc dù sinh viên Việt Nam có ưu thế nhất định trong việc học tiếng Trung, nhưng trong quá trình theo học tiếng Trung, bạn Lê Anh Đức cũng gặp phải một số khó khăn. Sau những nỗ lực rất lớn trong việc học hàng ngày, bạn Lê Anh Đức mới giành được thành tích hôm nay. Bạn Lê Anh Đức nói:
"Vạn sự khởi đầu nan. Bất kỳ học ngoại ngữ nào đều có khó khăn cả. Lúc đầu học tiếng Hán cũng giống như ba bạn khác, em cảm thấy khó nhất là chữ Hán, vì chữ Hán không có quy tắc. Mình phải khắc phục nó. Tuy nhiên, em đã tìm ra cách khắc phục nó, đó là chữ Hán đều mang một ý nghĩa rất quan trọng. Chính vì thế, em thông qua những bộ thủ cũng như những ý nghĩa của chữ Hán để học tập chữ Hán".
Cuộc thi "Nhịp cầu Hán ngữ" đã tạo cơ hội cho các bạn học tiếng Trung một cơ hội kiểm nghiệm thành quả học tập của mình, cũng khiến các bạn có cơ hội giao lưu với nhau. Phó Hiệu trưởng Đại Học Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Viện Khổng Tử Nguyễn Thị Cúc Phương cho biết, Cuộc thi "Nhịp cầu Hán ngữ" không những tạo một mặt bằng trổ tài cho các bạn sinh viên học tập ngôn ngữ, văn hóa và văn học của Trung Quốc, mà còn là một sân chơi cho các thầy cô và học sinh học tập, tham khảo và kết bạn với nhau.
Viện trưởng phía Việt Nam Viện Khổng Tử tại Đại học Hà Nội Đỗ Thanh Vân cũng cho biết, Cuộc thi "Nhịp cầu Hán ngữ" không những với mục đích chọn ra người học tiếng Trung xuất sắc, mà còn cung cấp mặt bằng học tập cho các bạn theo học tiếng Trung.
"Đầu tiên là, các em được thể hiện những gì các em học được về tiếng Trung, vốn tiếng Trung, vốn kiến thức về văn hóa, đất nước, con người Trung Quốc. Đây cũng là một dịp cho các em đến đây để giao lưu với nhau, đây là một sân chơi lớn hơn, ngoài trường mình ra. Qua giao lưu mới biết mình đang đứng ở đâu, cần học hỏi gì từ những bạn khác".
Thế giới ngày nay rất đa nguyên, văn hóa các nước đan xen nhau, văn hóa thế giới cùng tồn tại một cách đa nguyên hóa. Viện trưởng phía Trung Quốc Viện Khổng Tử Đại học Hà Nội Đàm Tiểu Hòa cho biết, cuộc thi "Nhịp cầu Hán ngữ" lần này lấy "Chung một mái nhà" làm chủ đề là mong muốn kết nối người dân năm châu thông qua "Nhịp cầu Hán ngữ", thúc đẩy giao lưu giữa nhân dân, ngôn ngữ và văn hóa các nước, xây dựng thế giới bình đẳng hơn. Bà mong khuyến khích càng nhiều sinh viên Việt Nam học tiếng Trung, tìm hiểu văn hóa Trung Hoa thông qua hoạt động "Nhịp cầu Hán ngữ".
Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Bành Thế Đoàn đã nhiều lần tới dự và chứng kiến cuộc thi "Nhịp cầu Hán ngữ" cho rằng, tiếng Trung là một nhịp cầu kết nối lòng dân hai nước.
"Ngôn ngữ là một cây cầu để nối liền tấm lòng giữa nhân dân hai nước. Chúng ta học ngôn ngữ để làm viên gạch của cây cầu. Chúng tôi mong rằng tất cả các em có mặt ở đây hôm nay cùng nhau cố gắng để vun đắp thêm tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước".
Bạn Lê Anh Đức không những nói sõi tiếng Trung, mà còn múa giỏi. Tại cuộc thi "Nhịp cầu Hán ngữ" lần này, bạn Lê Anh Đức đã dung hợp văn hóa hai nước Trung – Việt, để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả và ban giám khảo. Bạn nói:
"Bố mẹ em là diễn viên, cho nên em cũng có một chút gọi là di truyền từ bố mẹ. Em rất thích học múa như múa đương đại và múa ba-lê, em đều tiếp xúc qua. Khi mới học tiếng Hán năm thứ nhất thì em đã tìm hiểu về văn hóa Trung Quốc, em thấy Kinh kịch và Thái cực quyền là những thứ mà em không thể bỏ qua. Chính vì vậy, em đã tìm hiểu và học tập, hôm nay có cơ hội để đem đến cho tất cả mọi người, thể hiện tài năng của mình".
Cũng như bạn Lê Anh Đức, nhiều người học tiếng Trung không ngừng giới thiệu văn hóa đặc sắc của nước mình cho Trung Quốc trong khi tìm hiểu văn hóa Trung Quốc, khiến càng nhiều người Trung Quốc hiểu biết về đất nước mình, thúc đẩy giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau. Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Trung Nguyễn Văn Thơ từng đảm nhiệm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc nhiều năm, rất tâm đắc về điều này. Ông nói:
"Khi học tiếng tức học được văn hóa của một nước, để hiểu con người và đất nước đó, tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc".
Đối với bạn Lê Anh Đức mới chỉ là sinh viên năm thứ ba mà nói, duyên số với tiếng Trung, với Trung Quốc mới vừa mới bắt đầu. Bạn Đức có mục tiêu hết sức rõ ràng đối với tương lai, đó là học thật tốt tiếng Trung.
"Trong tương lai, mình sẽ cố gắng học tập, trau dồi tất cả những gì mình đã học được trong trường. Sau này, em sẽ sang Trung Quốc du học hoặc tìm một công việc liên quan đến tiếng Hán để trau dồi kiến thức và học tập thêm, cố gắng phát triển tiếng Hán của mình".
Cuộc thi "Nhịp cầu Hán ngữ" là nhằm cung cấp một sân chơi thể hiện năng lực tiếng Trung cho học sinh, sinh viên các nước theo học tiếng Trung, gây dựng mặt bằng giao lưu và học tập lẫn nhau, tăng cường sự hiểu biết đối với tiếng Trung và văn hóa Trung Hoa. Cuộc thi chia thành ba giai đoạn, giai đoạn vòng loại diễn ra trong nước các thí sinh, giai đoạn bán kết và chung kết sẽ diễn ra tại Trung Quốc. Vòng chung kết cuộc thi năm nay sẽ diễn ra vào tháng 7. Chúng tôi xin chúc bạn Lê Anh Đức giành được thành tích tốt tại các vòng thi tiếp theo.