ong kinh ASEAN 2018-01-03
|
N: Nam Dương xin chào mừng quý vị và các bạn đến với chương trình Ống kính ASEAN đầu năm 2018 của Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc. Tuần trước, chúng tôi đã giới thiệu với các bạn câu chuyện trong chuyến du lịch bụi nhớ đời tới Tứ Xuyên của bạn Thủy Lê Phương Thảo, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Truyền thông Trung Quốc. Trong một lần ra ngoài khám phá một mình, bạn Phương Thảo và anh bạn người Nhật mới quen xin đi ké ô tô của người dân địa phương. Ba người trên xe tự giới thiệu là cảnh sát và cho họ xem khẩu súng lục. Tiếp theo đã có những câu chuyện gì xảy ra. Hôm nay, các bạn tiếp tục đi cùng hành trình của Phương Thảo đến với Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Câu chuyện thứ 2: "Quá giang" trúng xe cảnh sát.
... Giờ thì các anh chắc mẩm tôi đã tin. Anh trên ghế tài phụ lúc này đang liên tục thay đĩa CD nhạc, chắc tính giới thiệu với tôi bài hát anh ưa thích, rồi chợt tôi nhận ra giai điệu nhạc quen thuộc, thì ra anh kiếm đĩa CD nhạc tiếng Anh để chúng tôi cùng nghe và hát theo. Âm nhạc thật sự có khả năng kết nối những con người xa lạ trở nên thân quen hơn. Tôi bắt chuyện với anh cảnh sát Tạng ngồi cạnh, kể lể với anh rằng: "Tagong hen piaoliang, wo hen xihuan" (Tháp Công rất đẹp, tôi rất thích), tay chỉ chỏ ra ngoài cửa sổ. Anh thấy tôi hào hứng với khung cảnh thiên nhiên, bèn lôi điện thoại mở album hình ảnh cho tôi xem La-sa, Tây Tạng nơi gia đình anh đang sinh sống. Tôi không ngớt mồm khen "hen piaoliang" (rất đẹp), anh còn cho tôi xem hình cả gia đình anh mặc trang phục truyền thống và anh trong trang phục cảnh sát. Mải trò chuyện, xe đi qua thị trấn một đoạn rồi tôi mới giật mình kêu lên: "Wo men dao (le)" (chúng ta đến rồi). Tạm biệt các anh cảnh sát người Tạng, tôi lại có thêm chiến tích để khoe với anh bạn đi chung, và "thu hoạch" được cho mình nhiều hơn nữa những kỷ niệm về hành trình đáng nhớ này.
Câu chuyện thứ 3: Thêm bạn đồng hành.
Chúng tôi giờ đã có thêm một người bạn đồng hành mới, trùng hợp thay anh cũng là người Do Thái đến từ Israel, anh là nhạc công saxophone, tuy nhiên đồng hành cùng anh là cây đàn ghi-ta mộc mạc. Đi du lịch một mình, tôi thường trở nên khá nhiều chuyện và tò mò về mọi thứ, vì vậy khi nhận phòng trong nhà nghỉ tập thể, không như anh bạn đồng hành lăn đùng ra đánh một giấc, tôi nhìn một lượt xung quanh phòng và chào hỏi mọi người, tôi vô tình nhìn thấy bìa cuốn sách ưa thích "Kafka bên bờ biển" – Haruki Murakami, bên đầu giường cạnh mình. Đang tò mò tự hỏi ai "chiếm" chiếc giường này nhỉ, thì bỗng dưng một anh chàng râu ria, tóc búi cao bước vào và ngồi đúng vị trí chiếc giường ấy, tôi bèn "nhào" qua hỏi thăm ngay "Chào anh, anh đọc cuốn đó tới đâu rồi, thấy sao?". Thế là chúng tôi bắt đầu huyên thuyên cả buổi về đủ thứ, nhìn kiểu chữ trên bìa sách tôi đã đoán mò rằng anh đến từ Israel. Tôi tỏ vẻ "nguy hiểm" bảo: "anh đến từ Israel phải không, nhìn là biết ngay?", anh ngạc nhiên hỏi lại vì sao, tôi không nói cho anh về việc tôi suy ra từ loại chữ trên cuốn sách, tôi bảo anh: "Bởi các anh đi du lịch lúc nào cũng vác theo nhạc cụ, chất nghệ sĩ đầy mình, nhìn cây ghi-ta của anh là tôi biết ngay.", anh cười và tin sái cổ.
Sau những ngày thư giãn trên đồng cỏ mênh mông, bên những con suối băng tan, đôi chân lại thúc giục chúng tôi khám phá triền núi bạt ngàn trước mặt.
Tôi đứng trên mép đường lớn nhìn dòng xe qua lại, đi với các anh được vài hôm tôi cũng thấy tự tin hơn về khả năng xin đi ké và vốn từ vựng tiếng Trung, thế là tôi lấy hết can đảm, mặc cho các anh còn đang bàn bạc, tôi dừng ngay được một chiếc xe 7 chỗ chỉ có một người lái trong xe. Cửa sổ bên ghế tài phụ chầm chậm kéo xuống, tôi đã bắt đầu trổ tài tiếng Trung nửa vời "Wo men yao qu Yala, qu zhebian zhebian, san ge ren ke yi ma" (chúng tôi muốn đến Yala, đi về hướng này, ba người có thể đi được không?). Một cách thần kỳ, anh tài xế hiểu được tiếng Trung của tôi dù chỉ nghe qua đúng một lần, anh đáp lại "Ke yi! Ke yi" (được chứ, được chứ), và lập tức xuống xe mở cốp sau để chất ba lô của chúng tôi lên.
Miệng hỏi xin đi ké tới Yala, nhưng thật sự tôi cũng không biết là nơi nào, chỉ biết rằng Yala là tên ngọn núi linh thiêng cao nhất trong vùng với đỉnh phủ tuyết quanh năm. Tôi đã luôn bị mê hoặc bởi sự hùng vĩ của nó khi mới đặt chân đến Tagong. Hai anh bạn còn chưa quyết định xong thì sự "xuất thần" của tôi đã giúp cả nhóm giải quyết được vấn đề bắt xe và hướng đi, giờ chỉ phải quyết định điểm đến là ở đâu.
Tôi lại để hai anh bạn bàn bạc, rồi quay ra bắt chuyện với anh tài xế. Đến lúc yên vị trong xe tôi mới nhận ra anh tài xế mặc quân phục, tôi hỏi "ni shi jingcha ma?"(anh là cảnh sát à?). "Dui, wo shi jingcha" (phải, tôi là cảnh sát) – anh đáp lại. Số tôi xin đi ké hay trúng xe cảnh sát rồi. Anh rất chịu khó tiếp chuyện, mặc cho không ít lần tôi phải kêu anh viết phiên âm để tôi có thể tra từ điển. Qua câu chuyện, tôi hiểu là anh đang trên đường đi công tác, anh sống và làm việc ở Lý Đường. Anh hỏi chúng tôi về điểm đến nhiều lần, nhưng tôi chẳng biết phải giải thích thế nào, đành lấy cớ là "ting bu dong" (nghe không hiểu). Anh hết sức chu đáo, liên tục kiếm nhạc tiếng Anh trong điện thoại của mình cho chúng tôi nghe, đến lúc anh không còn bài tiếng Anh nào, anh liền rút dây cáp kết nối với loa đưa tôi để nghe nhạc từ điện thoại của tôi.
Câu chuyện thứ 4: Cho đi ké và còn được cho tiền.
Sau gần hai tuần lang thang dọc bờ tây Tứ Xuyên, khi chúng tôi bắt đầu có các kế hoạch riêng, thì tôi bất ngờ nhận được tin đã được nhận vào làm một công việc ở Bắc Kinh, vì vậy chúng tôi chính thức tạm biệt nhau tại Shangri La. Những ngày đầu phải tự xoay sở một mình, tôi cũng e dè và nhiều lần định mua vé tàu để tiếp tục chuyến đi. Tuy nhiên, là một đứa thích thử thách bản thân để vượt qua những khuyết điểm của chính mình, tôi quyết định hoàn thành nốt chặng hành trình bằng cách xin đi ké về Bắc Kinh.
Từ Shangri La, một mình tôi đã không mất nhiều thời gian để xin đi ké được đến thung lũng Hổ Nhảy (Hutiao Xia,虎跳峡), sau đó là Lệ Giang và Côn Minh. Tuy nhiên, từ Côn Minh về Bắc Kinh, tôi chỉ có đúng một tuần để kịp về nhận công việc mới nên đã quyết định chọn tuyến đường ngắn nhất là đi tới thành phố Trường Sa và từ đó đi dọc quốc lộ G4 về thẳng Bắc Kinh.
Điểm đến tiếp theo của tôi sau Côn Minh là Quý Dương, tỉnh lỵ tỉnh Quý Châu. Từ trung tâm tôi đi đến cửa khẩu đông bắc của thành phố bằng tàu điện ngầm, sau đó đi bộ khoảng 1 km ra tới mạch đường quốc lộ để xin đi nhờ xe. Tuy mật độ xe qua lại cao, nhưng phải dừng đến chiếc xe thứ năm thì bác tài xế, nom trạc tuổi ba tôi, mới có vẻ như là đi cùng hướng với tôi và rất phấn khởi khi có người đồng hành. Bác niềm nở bắt chuyện, tôi hiểu là bác đang đi đến Khúc Tĩnh (Qujing), thành phố nằm trên tuyến đường quốc lộ đến Quý Dương. Bác rất tò mò về cuộc hành trình của tôi, khi tôi không thể kể nhiều hơn nữa do vốn từ vựng cạn kiệt, bác lập tức lấy điện thoại ra và bảo tôi quét mã wechat, thế là chúng tôi chuyển qua trò chuyện trên wechat nhờ chức năng dịch ngôn ngữ tiện dụng.
Bác niềm nở mời tôi dừng chân tham quan thành phố Khúc Tĩnh trước khi tiếp tục hành trình ngày hôm đó khoảng 370km nữa đến Quý Dương. Bác đưa tôi đi tham quan đồi công viên trong trung tâm, nơi có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Khúc Tĩnh, ngoài ra, bác còn đãi tôi một bữa trưa thịnh soạn với món lẩu bò núi Vân Nam nổi tiếng.
Khi bác chở tôi ra lại đường quốc lộ để bắt xe đi tiếp, trước khi xuống xe, tôi chào tạm biệt và bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ của bác. Lúc đó, không ngờ bác rút ra một xấp tiền và dúi vào tay tôi. Bị bất ngờ trước tình huống đó, tôi phản xạ theo tự nhiên là đẩy tay bác ra và lập tức mở cửa xe. Thấy tôi từ chối nhận tiền, bác ra hiệu cho tôi đừng đi vội và xuống xe mở cốp sau, gọi tôi tới gần và vẫn cố gắng khuyên tôi lần nữa nhận tiền từ bác để mua vé tàu về Bắc Kinh, nhưng tôi một mực từ chối. Bác lục tung đồ trong cốp xe, rồi lôi ra nào nước, trái cây và dù che nắng đưa tôi. Vốn dĩ đã vác trên vai chiếc ba lô 10kg, nên tôi chỉ xin bác một chai nước và nhanh chóng chào tạm biệt.
Tôi thực sự rất may mắn vì gặp được nhiều người tốt như bác trong suốt hành trình khám phá Trung Hoa này, họ giúp tôi có thêm niềm tin yêu vào cuộc sống, vào lòng tốt của nhân loại. Chuyến đi để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp trước cảnh sắc đất nước Trung Hoa hùng vĩ, và cả những tình cảm chân chất, thật thà mà nồng hậu của con người nơi đấy. Những điều đó mãi sẽ khắc sau trong ký ức khoảng thời gian tôi được học tập và sinh sống tại mảnh đất tuyệt vời này.
N: Cảm ơn bạn Thủy Lê Phương Thảo đã chia sẻ với chúng tôi hành trình rất tuyệt vời tới Tứ Xuyên, Trung Quốc, bài viết này đã được đăng trên tập san Cầu vồng Hữu nghị do Đài chúng tôi và Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh đồng xuất bản. Các bạn có thể gửi địa chỉ cho chúng tôi qua fanpage Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc trên mạng xã hội FB để nhận tập san này. Chương trình hôm nay đến đây tạm dừng...
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |