ong kinh ASEAN 2017-10-04
|
MC: Mẫn Linh xin chào mừng quý thính giả đến với chương trình Ống kính ASEAN.
Các bạn thân mến, 2 tuần trở lại đây chúng ta đã đồng hành cùng bạn Khương Duy, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, đến thăm vùng Đông Bắc Trung Quốc, cùng đi qua 2 thành phố là Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm và Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang. Sau khi trở về từ Đông Bắc, Khương Duy cùng Đoàn phóng viên nước ngoài CRI lại tiếp tục tham dự chuỗi hoạt động tham quan ở Bắc Kinh. Mẫn Linh hôm nay lại mời Khương Duy đến với chương trình và chia sẻ về những trải nghiệm mới mẻ về Bắc Kinh trong khuôn khổ hoạt động này.
D: Xin chào chị Mẫn Linh, chào quý vị thính giả. Rất vui khi lại được gặp gỡ các bạn thính giả trong chương trình Ống kính ASEAN tuần này.
MC: Hoạt đông do CRIonline tổ chức lần này đi tham quan hai thành phố vùng Đông Bắc trước, cuối cùng quay lại và kết thúc tại Bắc Kinh phải không?
D: Vâng. Lễ khởi động chuỗi hoạt động tại Bắc Kinh của Đoàn phóng viên nước ngoài CRI tổ chức tại Vĩnh Định Môn. Vĩnh Định Môn, được xây dựng cuối đời Nguyên, đầu đời Minh. Cùng với hệ thống tường thành xung quanh, Vĩnh Định Môn được xây dựng với mục đích là để bảo vệ Thiên Đàn cũng như khu vực thương nghiệp bên trong. Chị Mẫn Linh với quý vị thính giả có biết, tại sao Lễ khởi động lại được tổ chức ở đây không?
MC: Tôi không biết, Duy giải thích đi.
D: Thưa chị Mẫn Linh, thưa quý thính giả, Vĩnh Định Môn được coi là điểm cực nam của đường trục trung tâm thành phố Bắc Kinh. Nhắc đến đường trục này, chắc hẳn chị Mẫn Linh hiểu rõ hơn tôi.
MC: Vâng, đường trục trung tâm là một đường thẳng, theo hướng Bắc Nam, được vua chúa thời xưa tin là đường long mạch của Bắc Kinh, cho nên các công trình cổ xưa của Bắc Kinh như Thiên An Môn, Cố Cung, Cảnh Sơn, Tháp trống tháp chuông v.v… đều được xây dựng bên trên đường trục này, và các kiến trúc công trình đó cũng đối xứng qua đường trục này.
D: Đây chính là ẩn ý của ban tổ chức. Từ Vĩnh Định Môn xuất phát, chúng tôi đi ngược từ nam lên bắc, đi theo đường trục trung tâm, tham quan một loạt các công trình cổ xưa của Bắc Kinh xây dựng trên đường trục này, qua đó tìm hiểu một Bắc Kinh cổ kính.
MC: Ban tổ chức quả là chu đáo. Để Mẫn Linh đoán, nếu đi theo đường trục này, thì địa điểm tiếp theo có phải là Tiền Môn không?
D: Đúng là Tiền Môn chị Mẫn Linh ạ. Tiền Môn được xây dựng từ thời Minh, ngày nay đã trở thành con phố đi bộ lâu đời và rất sầm uất của Bắc Kinh. Đến đây các bạn có thể ngắm nhìn những cửa hiệu vẫn giữ nét kiến trúc từ thời phong kiến mọc san sát dọc hai bên con phố. Chúng tôi còn được giới thiệu và đi thử loại xe điện "tang tang", có từ những năm 20 của thế kỷ trước, những năm gần đây Chính quyền thành phố Bắc Kinh cho phục dựng lại và coi như một đặc sản du lịch ở Tiền Môn.
MC: Loại xe điện này sở dĩ có tên gọi là "tang tang" là do trên xe có 1 chiếc chuông, khi điều khiển xe, người lái xe sẽ gõ vào chiếc chuông này, tạo ra tiếng kêu "tang tang" để người đi bộ chú ý, bảo đảm an toàn. Vậy, sau Tiền Môn, Duy còn đi thăm những đâu nữa.
D: Sau đó chúng tôi đến thăm Cố Cung, đến Bắc Kinh mà không đi qua Thiên An Môn rồi vào thăm Cố Cung thì coi như chưa đến Bắc Kinh.
MC: Quả thực như vậy.
D: Cố Cung là một trong những cung điện quy mô lớn nhất, được bảo tồn nguyên vẹn nhất trên thế giới. Càng tìm hiểu về Cố Cung, tôi càng thán phục bàn tay và khối óc của người xưa. Chỉ bằng những công cụ thô sơ, họ đã xây dựng cả một cung điện nguy nga bề thế đến như vậy. Ví dụ như trong Cố Cung có phiến đá lớn nằm phía sau điện Bảo Hòa, dài gần 17m, rộng hơn 3m, dày 1,7m, nặng hơn 200 tấn, được khai thác từ khu Phòng Sơn, cách Cố Cung mấy chục cây số thế mà người xưa vẫn vận chuyển về đây được.
MC: Duy có biết người ta vận chuyển bằng cách nào không?
D: Ngày xưa không có máy móc hiện đại, phải chờ đến mùa đông, dội nước lên đường rồi chờ nước đóng băng, khiến đường trơn trượt, rồi dùng sức đẩy cả phiến đá trượt trên đường về Cố Cung.
MC: Quả là vất vả nhưng cũng rất sáng tạo. Duy đúng là đã có những tìm hiểu rất thú vị về Bắc Kinh xưa.
D: Vâng. Ngoài Cố Cung, tôi còn được đi thăm công viên Cảnh Sơn, Tháp chuông và Tháp trống, đều là những công trình được xây dựng ngay trên đường trục trung tâm. Và nếu coi Vĩnh Định Môn là điểm cực Nam, thì Tháp chuông và Tháp trống, dùng để báo thời gian, được coi như điểm cực Bắc.
MC: Vậy hành trình của Duy kết thúc ở điểm cực Bắc này à?
D: Không phải vậy đâu ạ. Ngày nay, theo đà phát triển, thành phố Bắc Kinh đã kéo dài đường trục trung tâm ngày xưa, tiếp tục xây dựng dọc theo đường trục này những công trình hiện đại, mang tính biểu tựng, như sân vận động Tổ chim, tháp Olympic Bắc Kinh, là một minh chứng cho việc luôn nhớ về cội nguồn và không ngừng phát triển.
MC: Vậy là Duy đã được biết đến một Bắc Kinh vừa cổ kính vừa hiện đại.
D: Vâng, đúng vậy, một Bắc Kinh không ngừng phát triển nhưng cũng rất chú trọng công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Những ngày sau đó, Đoàn phóng viên nước ngoài CRI có cơ hội đến thăm Trung tâm bảo tồn văn hóa phi vật thể Trung Quốc. Được biết, Trung tâm này hiện đang bảo tồn và phát triển 8 loại hình văn hóa, nghệ thuật độc đáo của Trung Quốc như "thiên kiều", điêu khắc trên sơn, điêu khắc trên các loại hạt, vẽ trong bình, ảo thuật, nặn bột…
Tôi đánh giá, đây là một mô hình đáng được học tập của Trung Quốc, khi thành lập một trung tâm mà ở đó cùng lúc lưu giữ nhiều loại hình văn hóa truyền thống, một mặt giúp du khách có thể cùng lúc tìm hiểu nhiều loại hình nghệ thuật, một mặt tạo môi trường tương tác giữa các loại hình văn hóa truyền thống để cùng nhau phát triển.
MC: Vậy trong 8 loại hình nghệ thuật đang được bảo tồn tại đây, Duy thích môn nghệ thuật nào nhất.
D: Riêng tôi, một người Việt Nam, tôi rất thích thú với bộ môn nghệ thuật nặn bột. Bởi vì nó có khá nhiều nét tương đồng với "tò he" của Việt Nam. Cũng có nhiều loại bột làm từ nguyên liệu tự nhiên, được nhuộm nhiều màu sắc sặc sỡ, từ đỏ, vàng, xanh, đen, trắng đủ cả. Sau đó nặn thành nhiều hình thù từ các con vật như trâu, bò, lợn, gà, ở TQ còn có thêm cả gấu trúc, đến hình các nhân vật trong truyện mà chắc hẳn trẻ em Trung Quốc hay Việt Nam đều thích như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới…
MC: Một nét tương đồng thú vị giữa hai nước chúng ta phải không các bạn.
D: Không chỉ có thế đâu chị Mẫn Linh và các bạn ạ. Đoàn phóng viên chúng tôi còn có may mắn xem một buổi biểu diễn Kinh Kịch.
MC: Kinh kịch, chắc hẳn nhiều bạn thính giả đã từng nghe tới. Vốn có nguồn gốc từ miền Nam Trung Quốc, sau đó du nhập vào Bắc Kinh, nhưng qua quá trình dung hòa và phát triển, Kinh kịch ngày nay đã trở thành loại hình nghệ thuật nổi tiếng, mang tính biểu tượng của Bắc Kinh.
D: Hôm đó, trước khi xem biểu diễn, tôi có được truyện trò cùng các diễn viên, các nghệ sỹ trong phòng hóa trang. Được biết, Kinh kịch rất chú trọng đến trang phục, cách trang điểm gương mặt của nhân vật. Mỗi màu sắc, mỗi nét vẽ đều nói lên tính cách và số phận của nhân vật. Ví dụ như vở diễn hôm đó chúng tôi xem có tên là "Bá Vương biệt Cơ", kể về Sở Bá Vương Hạng Vũ bị quân Hán vây khốn, tình thế nguy cấp. Ngu Cơ, vợ của Hạng Vũ vì không muốn chồng vướng bận khi phá vòng vây mà xin chết. Lựa lúc tướng sĩ không để ý, nàng lấy gươm tự vẫn. Hạng Vũ thương vợ mà rơi nước mắt. Vì thế mà gương mặt của nhân vật Hạng Vũ được vẽ bằng chủ yếu bằng màu đen trắng, các nét vẽ hướng xuống, cho thấy mộT bộ mặt buồn bã, ủ rũ và đau khổ.
MC: Vâng. Hình như Kinh kịch của Trung Quốc có những nét tương đồng với nghệ thuật Tuồng của Việt Nam.
D: Vâng. Trong nghệ thuật Tuồng của Việt Nam, các nhân vật cũng được trang điểm toàn bộ gương mặt, qua đó nói lên tính cách và số phận của nhân vật, đồng thời mũ áo, trang phục biểu diễn cũng rất đẹp, rất cầu kỳ, giống như trong Kinh kịch vậy.
MC: Điều này càng chứng minh hai nước Việt Nam – Trung Quốc chúng ta không chỉ gần gũi về địa lý, mà trong văn hóa cũng có nhiều nét tương đồng.
D: Trong thời gian sống và làm việc tại Bắc Kinh, càng tiếp xúc, càng tìm hiểu về Bắc Kinh và nhất là nhận ra nhiều nét tương đồng trong văn hóa, lối sống, tính cách giữa người dân Trung Quốc và Việt Nam, tôi càng thêm yêu quý Bắc Kinh nói riêng và đất nước Trung Quốc nói chung. Cảm ơn Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc đã cho tôi cơ hội tìm hiểu Bắc Kinh, tìm hiểu Trung Quốc, và cũng cảm ơn quý vị thính giả đã lắng nghe những chia sẻ của tôi.
MC: Cảm ơn Duy, cảm ơn những chia sẻ của bạn. Tạm biệt và hẹn gặp Duy trong một ngày gần nhất. Chương trình Ống kính ASEAN đến đây là hết, hẹn gặp lại quý vị thính giả vào chương trình tuần sau.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |