• Ban tiếng Việt Nam
  • Các trang trên Facebook
  • Vài nét về CRI
  • Cô giáo Hạ Lộ: "Tôi đến với tiếng Việt như một cơ duyên"

    2017-05-04 09:43:59     CRIonline

    Mẫn Linh rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình "Ống kính ASEAN" tuần này của Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc.

    Mở đầu chương trình, Mẫn Linh xin chia sẻ với các bạn một câu chuyện của bạn Mẫn Linh. Năm lớp 12, trước ngày thi đại học, một trường đại học ngoại ngữ, Mẫn Linh tạm gọi là trường A đến trường cấp ba mà bạn Mẫn Linh đang học tuyển sinh cho chuyên ngành tiếng Việt, những học sinh trúng tuyển sẽ được miễn thi vào học trường đại học A, một trường khá nổi tiếng ở Bắc Kinh. Nhưng khi kiểm tra kỹ năng phát âm, ban giám khảo phát hiện bạn Mẫn Linh không phát âm được một số âm trong tiếng Việt, và nói rằng bạn ấy không thích hợp học tiếng Việt. Thế là bạn Mẫn Linh bị loại, đành phải tham gia cuộc thi đại học. Nhưng, điều khiến bạn ấy bất ngờ là, giấy báo nhập học mà bạn nhận được lại của khoa tiếng Việt của một trường đại học khác. Chúng tôi thường nói đùa rằng, cơ duyên đã đưa bạn ấy đến với tiếng Việt. Câu chuyện hôm nay cũng là về cơ duyên với tiếng Việt, nhưng không phải câu chuyện của bạn Mẫn Linh, mà là câu chuyện của cô giáo dạy tiếng Việt tại Đại học Bắc Kinh đăng trên tập san "Cầu vồng Hữu nghị" do Đài chúng tôi và Hội lưu học Việt Nam tại Bắc Kinh đồng xuất bản. Bài viết mang tên "Cô giáo Hạ Lộ: 'Tôi đến với tiếng Việt như một cơ duyên' " của bạn Hạnh Quyên, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Sư phạm Thượng Hải.

    Cô Hạ Lộ

    Một ngày thu vàng dạo chơi trong khuôn viên trường Đại học Bắc Kinh, có thể bạn sẽ bắt gặp một cô gái có dáng người thanh mảnh, cao ráo đang chầm chậm thả bộ trên con đường nhỏ trải đầy lá thu bên hồ Vị Danh (未名湖). Cô gái có đôi mắt rất sáng và nụ cười tươi ấy sẽ vui lòng giới thiệu cho bạn về ngôi trường Bắc Đại (Đại học Bắc Kinh) của mình, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên hơn khi được nghe cô ấy trò chuyện bằng tiếng Việt. Cô mang một cái tên rất nhẹ nhàng – Hạ Lộ (夏露).

    Hạ Lộ hiện là Phó Giáo sư giảng dạy tiếng Việt tại khoa Đông Nam Á thuộc Học viện Ngoại ngữ trường Đại học Bắc Kinh, chuyên giảng dạy các môn học có liên quan đến ngôn ngữ, văn hoá và văn học Việt Nam. Cô bắt đầu bén duyên với tiếng Việt thật tình cờ vào năm 1993 khi bước chân vào giảng đường Đại học Bắc Kinh. Vốn đăng ký nguyện vọng vào khoa tiếng Anh nhưng sau đó trường lại chọn cô sang chuyên ngành tiếng Việt. Thời gian đầu việc học tiếng Việt với cô thật khó khăn và miễn cưỡng, vì thứ tiếng này không phải sự chọn lựa từ niềm yêu thích của bản thân. Nhưng mưa dầm thấm lâu, đến khi học năm thứ ba đại học cô mới nhận ra tiếng Việt là một phần niềm đam mê trong mình, để rồi quyết định sẽ theo đuổi nó lâu dài. Sau khi tốt nghiệp đại học, dù được đặc cách học thẳng lên chương trình Thạc sỹ nhưng cô đã quyết định bảo lưu kết quả một năm để đến Đại học Dân tộc Vân Nam tham gia xây dựng khoa tiếng Việt tại đây và giảng dạy khoá học sinh chuyên ngành tiếng Việt đầu tiên của trường. Sau một năm công tác và làm việc tại Vân Nam, Hạ Lộ trở về Đại học Bắc Kinh, bắt đầu chương trình Thạc sỹ chuyên ngành Văn học Ngôn ngữ Việt Nam.

    Cô đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên vào một ngày thu tháng 9 năm 2000, trên danh nghĩa học giả nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Chuyến đi kéo dài tám tháng đã đem đến cho cô nhiều cảm xúc và ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam, lưu lại trong cô những kỷ niệm khó quên. Với cô, Việt Nam thời đó tuy kinh tế chưa phát triển như hôm nay, đất nước và người dân vừa phải trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, đằng đẵng thế nhưng họ vẫn sống rất lạc quan, hài hước, cần cù, chăm chỉ và đặc biệt là vô cùng mến khách.

    Năm 2008, với đề tài "Sự truyền bá và ảnh hưởng của tiểu thuyết triều đại Minh, Thanh tại Việt Nam", Hạ Lộ đã nhận được học vị Tiến sĩ chuyên ngành Văn học cổ đại của Đại học Bắc Kinh. Từ năm 2001, Hạ Lộ đã tham gia giảng dạy và đào tạo rất nhiều khoá sinh viên học tiếng Việt tại Đại học Bắc Kinh, không chỉ giảng dạy mà cô còn truyền cho sinh viên sự yêu mến tiếng Việt.

    Với Hạ Lộ, tiếng Việt luôn là thứ ngôn ngữ "giàu và đẹp", cô rất tâm đắc với cách sử dụng đại từ nhân xưng phong phú và mang đầy sắc thái tình cảm trong ngôn ngữ này. Theo cô, đại từ nhân xưng trong tiếng Việt rất khó dịch vì còn tuỳ vào nhiều yếu tố khác nhau, nhưng nó đặc biệt ở chỗ, không chỉ là đại từ nhân xưng thông thường mà còn thể hiện khéo léo mối quan hệ, sự thân thiết và mức độ tình cảm giữa người với người.

    Trong những giờ giảng của mình, không chỉ tận tình chỉ dạy học sinh cách phát âm, cách đọc, cách viết tiếng Việt sao cho đúng, cho lưu loát mà Hạ Lộ còn giới thiệu đất nước, con người và văn hoá Việt qua những câu chuyện, những điều mà chính cô từng trải nghiệm trong rất nhiều những chuyến viếng thăm đất nước hình chữ S này. Bởi cô biết chỉ có những điều mắt thấy tai nghe, những tình cảm thực sự giữa con người với nhau mới có sức thuyết phục hơn là sách vở.

    Bên cạnh việc giảng dạy tiếng Việt, Hạ Lộ còn dành phần lớn thời gian vào nghiên cứu và dịch thuật các tác phẩm văn học Việt Nam. Hiếm thấy một người Trung Quốc nào lại dành nhiều tình cảm cho văn học Việt Nam như thế. Cô đọc và nghiên cứu Truyện Kiều, Truyền Kỳ Mạn Lục, thơ Hồ Xuân Hương... nhưng cũng không bỏ qua dòng văn học hiện đại và đương đại của Việt Nam. Do có thời gian dài làm cộng tác viên phiên dịch cho Hội Nhà văn Trung Quốc, Hạ Lộ có cơ hội phiên dịch và tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Việt Nam đến thăm Trung Quốc. Cô đã dịch thuật và đăng báo các tác phẩm thơ văn của các tác giả Việt Nam như Bảo Ninh, Hữu Thỉnh, Nguyễn Ngọc Tư, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều... Mới đây nhất, cô vừa hoàn thành công việc biên dịch cho tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, và cuốn sách đang trong giai đoạn xuất bản sẽ ra mắt độc giả Trung Quốc trong nay mai.

    Việc tìm hiểu và nghiên cứu văn học hỗ trợ rất nhiều cho công việc giảng dạy tiếng Việt của Hạ Lộ. Trong những giờ lên lớp, cô giới thiệu cho học sinh của mình đọc và thảo luận những tác phẩm văn thơ Việt Nam. Cô cho biết học sinh của mình rất thích các tác phẩm văn học Việt Nam mà họ được đọc, rất nhiều bạn sinh viên chọn lựa những tác phẩm này làm đề tài cho khoá luận tốt nghiệp của mình. Nhưng Hạ Lộ cũng lấy làm tiếc bởi do nhiều nguyên nhân mà hiện nay tác phẩm văn học Việt Nam chưa được giới thiệu nhiều và rộng rãi tại Trung Quốc, độc giả Trung Quốc không biết nhiều về văn học Việt Nam, ngay cả ở những trường đại học có mở chuyên ngành tiếng Việt thì những môn học liên quan đến văn học Việt Nam cũng còn khá hiếm. Đại học Bắc Kinh là một trong những trường mà giáo sư có được thoải mái lựa chọn nội dung giảng dạy, thế nên chuyên ngành tiếng Việt tại đây cũng đem lại cho sinh viên cơ hội tiếp cận văn học Việt Nam nhiều hơn những cơ sở có đào tạo tiếng Việt khác tại Trung Quốc.

    Niềm vui của cô Hạ Lộ trong công việc giảng dạy rất đơn giản, chỉ cần giới thiệu được cho sinh viên những cơ hội tiếp cận với văn hoá và văn học Việt Nam là đủ, cô vui mỗi khi đem lại cho sinh viên của mình nguồn cảm hứng tự tìm tòi và nghiên cứu về Việt Nam. Đó chính là niềm yêu thích tiếng Việt mà Hạ Lộ nhận được từ những thầy cô ngày xưa, giờ thì cô truyền nó lại cho học trò của mình.

    Hạ Lộ đi nhiều, đọc nhiều và tiếp xúc nhiều. Với cô, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay những vùng đất khác của Việt Nam đều là những nơi quen thuộc trong trái tim cô, và con người Việt Nam với cô cũng rất đỗi gần gũi. Với ý tưởng để người Trung Quốc hiểu thêm về con người Việt Nam, cô hiện đang theo đuổi và hoàn thiện cuốn sách tiếng Trung Quốc có tựa đề "Những người Việt tuyệt vời trong mắt tôi" do chính mình biên soạn, để giới thiệu về họ - những con người Việt Nam giản dị, chân thành mà cô từng biết hay đã từng gặp mặt ở một nơi nào đó.

    Cơ duyên đã khiến Hạ Lộ gắn bó cuộc đời mình với tiếng Việt cũng như đưa đến cho cô nhiều bạn bè Việt Nam thân thiết. Nhưng Hạ Lộ mới là người chủ động đem tất cả những tình cảm với Việt Nam ấy gửi vào mỗi bài giảng, bài nghiên cứu, thơ văn của mình. Cô vẫn miệt mài xây nhịp cầu giới thiệu ngôn ngữ và văn học Việt Nam với Trung Quốc, hiếm có một người nước ngoài nào lại hiểu và yêu Việt Nam nhiều như thế.

    Và biết đâu vào một ngày thu nào đó, bạn sẽ lại gặp Hạ Lộ đang dạo bước trên con đường ven hồ nhưng không phải là hồ Vị Danh ở Bắc Đại mà là hồ Hoàn Kiếm của Thủ đô Hà Nội, cô dạo bước và cùng hoà mình vào nhịp sống ở thành phố này như một người Việt thực thụ vậy.

     "Cầu vồng Hữu nghị" là tập san giới thiệu về cuộc sống du học của các bạn lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc. Các bạn cũng có thể thể hiện khả năng sáng tác thơ văn của mình thông qua gửi bài viết tới địa chỉ bientap@hotmail.com. Hoặc nếu bạn muốn đón đọc các bài trong tập san, cũng có thể gửi yêu cầu xin tập san qua chuyên trang Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc trên mạng xã hội FB.

    Lời lưu ký
    Tin ảnh
    Tin cập nhật
    Ca nhạc theo yêu cầu thính giả
    • vu minh tuan : Bài I HAVE A DREAM của nhóm ABBA hay đấy.chúc mọi người vui vẻ,hạnh phúc.mong đc làm quen với mọi người qua sđt 01695317285
    • Giàng A Sênh : Em chào tất cả các anh chị trong ban tiếng Việt Nam. Chúc các anh chị có một sức khỏe thật bình an và luôn công tác tốt. Vậy là sắp đến tết Trung Thu rồi, em xin chúc các anh chị trong Ban tiếng Việt Nam có một tết trung thu thật vui vẻ và tràn đầy tiếng cười. Nhân dịp Trung Thu, xin quý Đài gửi hộ em bài hát CHÚC BẠN BÌNH AN tới Chị Ngọc Ánh ở Bắc hà, Em Nguyễn Thị Hà ở Bắc Giang đang học tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Linh ở Đồng Xa, Mai ở Bãi Rồng, Bé Linh Sao ở Vân Đồn, Cao Mỹ và Thu ở Chiềng khoong cùng toàn thể các bạn nghe đài, chúc mọi người luôn bình an cùng một tết Trung Thu vui vẻ. Mong được làm quen với tất cả các bạn. Em xin cảm ơn quý Đài rất nhiều.
    • tran van son : chau muon gui bai hat tinh ban toi nha chau va cac ban cung hoc lop 11d bai hat tinh ban chuc cac ban hoc tot nhe
    • khien nguyen: tu lau em da biet den chuong trinh hoc tieng pho thong Trung Quoc cua quy dai. thong qua chuong trinh em cung biet them nhieu chuong trinh khac. thong qua chuong trinh toi thu 7 em muon gui bai hat "doi canh tang hinh" toi mot nguoi dac biet, anh co biet danh la "gau truc" voi loi nhan: em chuc anh gau truc hoc tot, gio la thoi diem rat quan trong vi day da sap la nam cuoi cua chung minh roi bang moi gia thi anh phai no luc phan dau de duoc bang gioi de co the tiep tuc hoc lien thong len dai hoc de thuc hien uoc mo cua chung minh. anh hay luon nho rang luc nao em cung luon o ben canh anh.
    Xem tiếp>>