Tối ngày 3/9, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc do Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu rời Bắc Kinh lên đường tới Hà Nội viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
0 giờ ngày 4/9, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Vương Ấu Bình có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Duy Trinh, thông báo chuyên cơ của đoàn đại biểu Trung Quốc sẽ tới Hà Nội vào khoảng 7 giờ, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh cho biết sẽ lập tức báo cáo Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Vào khoảng 2 giờ rạng sáng, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh gặp Đại sứ Vương Ấu Bình, trả lời đồng ý, nhưng lại có điều gì đó khó nói, đồng chí cho biết: Việt Nam chưa sẵn sàng cho lễ viếng; hiện đang tiến hành xử lý để bảo quản và giữ gìn lâu dài thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vậy đoàn đại biểu đến viếng sẽ không tiện.
Sau khi gửi điện báo cáo phản hồi của phía Việt Nam và tình hình của cuộc gặp đồng chí Nguyễn Duy Trinh với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đại sứ Vương Ấu Bình lập tức đáp xe đến Sân bay Nội Bài đón đoàn. Các nhà lãnh đạo Việt Nam ra đón đoàn tại sân bay có: Thủ tướng Phạm Văn Đồng; Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngoài ra, còn có Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, đồng chí Bùi Quang Tạo, v.v.
7 giờ sáng, chuyên cơ không hạ cánh đúng giờ xuống Hà Nội. Hóa ra, sau khi nhận được bức điện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam trên không trung, đoàn đại biểu đã hạ cánh khẩn cấp xuống Nam Ninh, qua nghiên cứu đoàn quyết định tiếp tục thực hiện chuyến đi theo kế hoạch, bởi vậy mới đến muộn hai tiếng.
Các đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyễn Giáp vừa gặp Thủ tướng Chu Ân Lai đã khóc nức nở. Thủ tướng Chu Ân Lai ngấn lệ an ủi từng người, và nói: "Tôi đến muộn rồi, tôi đến muộn rồi".
Về nguyên nhân đến muộn hai tiếng đồng hồ, Thủ tướng Chu Ân Lai giải thích với các nhà lãnh đạo Việt Nam: "Lần này thời gian rất gấp, trên đường đi nhận được thông báo của đồng chí Nguyễn Duy Trinh về sự sắp xếp đối với lễ quốc tang của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, biết được không thể viếng thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng do chúng tôi đang trên đường, vì vậy vẫn đến. Lúc tổ chức lễ tang, chúng tôi sẽ một lần nữa cử đoàn đại biểu đến tham gia, lần này chúng tôi đến chia buồn trước".
Sau đó, Thủ tướng Chu Ân Lai đã chuyển bức điện chia buồn của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Bức điện viết: "Trong những năm tháng nhân dân Trung Quốc tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng dân chủ, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mấy lần đến Trung Quốc, cùng chung hoạn nạn, kề vai chiến đấu với nhân dân Trung Quốc, đã vun đắp nên tình cảm giai cấp vô sản nồng hậu với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi cách mạng Trung Quốc và Việt Nam giành thắng lợi, đồng chí đã nỗ lực bền bỉ vì tình hữu nghị anh em và tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam...phẩm chất cách mạng cao cả và tinh thần chiến đấu không sợ cường bạo của Người, sẽ...mãi mãi để lại dấu ấn trong lòng nhân dân Trung Quốc".
Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Sáng 4/9, Thủ tướng Chu Ân Lai hội đàm và hội kiến các đồng chí lãnh đạo Việt Nam như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Thủ tướng Chu Ân Lai nói rằng, đối với cá nhân tôi, tôi và Hồ Chủ tịch là bạn lâu năm nhất, mong có thể sắp xếp tổ chức lễ viếng trước chân dung của Hồ Chủ tịch cho chúng tôi, khi chính thức tổ chức lễ truy điệu, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ một lần nữa cử đoàn đại biểu đến tham dự.
Lễ truy điệu diễn ra chiều 4/9. Linh đường được đặt ở đại sảnh Phủ Chủ tịch, đại sảnh cao, rộng, sáng sủa, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận quốc thư của đại sứ các nước, tổ chức hoạt động quốc gia quan trọng. Đây là lễ truy điệu tổ chức riêng cho đoàn đại biểu Trung Quốc do Thủ tướng Chu Ân Lai đứng đầu, nơi viếng chính thức là ở Hội trường Ba Đình.
Khi Thủ tướng Chu Ân Lai bước vào linh đường, các thành viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn đứng đầu lần lượt ôm thắm thiết Thủ tướng Chu Ân Lai. Đoàn đại biểu Trung Quốc đã đặt vòng hoa trước bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chu Ân Lai đứng nghiêm mặc niệm trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng nhớ sâu sắc người bạn nước ngoài này. Kết thúc mặc niệm, Thủ tướng Chu Ân Lai viết sổ tang, các thành viên trong đoàn lần lượt ký tên trên sổ tang.
7 giờ tối, Việt Nam bí mật mời Thủ tướng Chu Ân Lai và đồng chí Diệp Kiếm Anh đến bệnh viện viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là đoàn đại biểu nước ngoài duy nhất được chiêm ngưỡng thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chu Ân Lai đã từ biệt lần cuối cùng với người bạn cũ hơn 40 năm của mình.
Hình ảnh lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 8/9, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Trung Quốc thứ hai do Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm dẫn đầu đến Hà Nội tham dự lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn đại biểu thứ hai do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Lý Tiên Niệm làm trưởng đoàn, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Ban Cách mạng tỉnh An Huy Lý Đức Sinh làm phó trưởng đoàn, các thành viên trong đoàn gồm Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Vương Ấu Bình, v.v.
Tối cùng ngày, các nhà lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam gồm các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, v.v. đến khách sạn hội kiến đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Trung Quốc. Hôm sau, đoàn đại biểu Trung Quốc cùng 31 đoàn đại biểu nước ngoài khác đã tham dự lễ quốc tang long trọng diễn ra ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Trung Quốc lần lượt cử hai đoàn đại biểu đến Hà Nội chia buồn và viếng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc, cũng là trường hợp hiếm thấy trên trường quốc tế. Lúc đó Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, dư luận nước ngoài cho rằng hành động ngoại giao của Trung Quốc là "rất bất thường", là "sự ủng hộ đối với nhân dân Việt Nam trong thời kỳ khó khăn nhất".
Trong thời kỳ tiến hành cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kề vai sát cánh, dành sự ủng hộ lớn nhất cho nhau. Đây chính là tình hữu nghị truyền thống "vừa là đồng chí, vừa là anh em" do các nhà lãnh đạo tiền bối, trong đó có Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công vun đắp. Chúng tôi đã giới thiệu toàn bộ 5 bài về "Tình hữu nghị giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Hồ Chí Minh" , cám ơn sự đón nghe và đón đọc của các bạn.