ong kinh 2015-01-28
|
Ngày 18/1 vừa qua là kỷ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đều đã tổ chức hoạt động kỷ niệm 65 năm "Ngày kiến giao", từ đó mở màn cho hàng loạt hoạt động kỷ niệm của hai nước. Vậy, trong năm có ý nghĩa đặc biệt này, bạn biết những gì về lịch sử quan hệ hai nước Trung – Việt? Bài viết đăng trên tạp chí "Quảng Tây Đương đại" nhiều năm trước sau đây sẽ bật mí một số chi tiết về lịch sử quan hệ Trung Quốc – Việt Nam.
Thập niên 50 thế kỷ trước, có một ngôi trường Việt Nam đặc biệt ít được mọi người biết đến được xây trên đất nước Trung Quốc, tên tiếng Việt của trường là Khu học xá Trung ương, tiếng Trung gọi là Trường Dục Tài Nam Ninh Quảng Tây. Trường học này do Việt Nam quản lý và giảng dạy, còn Trung Quốc hỗ trợ thêm cố vấn, một số giáo viên và bảo đảm hậu cần, là bằng chứng lịch sử cho tình cảm "vừa là đồng chí vừa là anh em" giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Đó là những năm tháng khói lửa chiến tranh. Hơn nửa thế kỷ trước, Việt Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp rất quyết liệt. Khi thấy được ánh sáng thắng lợi, Đảng Lao động và Chính phủ Việt Nam lúc đó bức xúc cần đào tạo một lớp cán bộ cho khu giải phóng ngày càng được mở rộng, bên cạnh đó, cũng bắt đầu lên kế hoạch đào tạo nhân tài có kiến thức văn hóa, khoa học khá cao cho việc tái thiết đất nước sau chiến tranh.
Tuy nhiên, điều kiện dạy học ở Việt Nam bị kẻ xâm lược ném bom ác liệt hết sức gian khổ, các trường thậm chí chỉ có thể ẩn nấp dạy học trong rừng để tránh bom đạn chiến tranh. Để tìm một môi trường dạy học an toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân viết thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Mao Trạch Đông, mong Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng một số trường Việt Nam tại khu vực miền nam Trung Quốc.
Theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông đồng ý cho Việt Nam xây dựng một trường cán bộ cách mạng tại khu ngoại ô thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, do Trung ương Đảng Lao động và Chính phủ Việt Nam trực tiếp quản lý, Chính phủ Trung Quốc ngoài cung cấp miễn phí khu trường lớp và ký túc xá ra, còn hỗ trợ thêm cố vấn, bảo đảm hậu cần và toàn bộ chi tiêu của trường.
Ngày 1/10/1951, Chính phủ Việt Nam chính thức ban hành "Nghị quyết về thành lập Khu học xá Trung ương", đặt trụ sở ở một bãi cỏ cách Ngũ Lý Đình ở vùng ngoại ô phía tây Nam Ninh 2 km về phía tây. Nhằm giữ bí mật, Trung Quốc đặt tên cho trường là "Trường Dục Tài Nam Ninh Quảng Tây". Nhà trường lần lượt thành lập 7 phân hiệu gồm trường khoa học cơ sở cao đẳng, trường sư phạm cao cấp, trường sư phạm khoa học tự nhiên trung cấp, trường sư phạm khoa học xã hội trung cấp, trường sư phạm sơ cấp, trường Hoa ngữ và các trường phổ thông khác như trường trung học, tiểu học và mẫu giáo, từng bước xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh từ mẫu giáo đến đại học, trở thành cơ sở đào tạo nhân tài quy mô lớn đầu tiên của Việt Nam tại nước ngoài.
Để có thể sớm bắt đầu công tác dạy học, trước khi hoàn thành xây dựng các phòng dạy học và khu ký túc xá, nhà trường tạm thời đặt tại xã Tâm Khư cách thành phố Nam Ninh 10km. Ông Dương Xuân Nghiên, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Khu học xá Trung ương lúc đó nhớ lại rằng: Từ mùa hè năm 1951, gần 700 thiếu sinh quân Việt Nam lần lượt đi bộ đến Trung Quốc, đến vùng biên giới Trung – Việt có ô tô nguỵ trang của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đón, bảo vệ...Trường học tạm thời đặt tại Tâm Khư...người dân ở đây rất nhiệt tình, gần gũi như người nhà.
Ông Dương Chính Hồng là nhân viên bảo đảm hậu cần đợt đầu đến Trường Dục Tài làm việc, ông lúc đó là sĩ quan chuyên trách về hậu cần, ông hiện vẫn nhớ rất rõ vào một đêm tháng 7 năm 1951, ông ngồi ô tô của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có chở một số trẻ em Việt Nam từ 8-13 tuổi đến La Lại Pha ở xã Tâm Khư, các em mặc quần áo rách rưới.
Chủ tịch Hội cựu sinh viên Trường Dục Tài Việt Nam Phạm Đạo là một trong những trẻ em đến trường Dục Tài học tập lúc đó. Trong tập hồi ký, ông viết: "...Đến Nam Ninh, tôi cảm thấy mọi thứ đều mới lạ, rất phấn khởi. Nhà trường đã chuẩn bị cho chúng tôi một mâm cơm thịnh soạn, lần đầu tiên trong đời tôi được ăn các món ngon như vậy. Nhà trường còn phát cho chúng tôi quần áo mới, giầy mới, mũ mới, các thầy cô đều hòa nhã, gần gũi, như đối xử với con cái mình vậy".
Thời mà nhà trường mới được thành lập tại xã Tâm Khư, điều kiện rất gian khổ. Trụ sở nhà trường tạm thời đặt trong một ngôi đền cũ, các thầy cô được sắp xếp trong ngôi đền vừa làm văn phòng vừa làm nhà ăn, các em học sinh thì ở nhà bà con địa phương và một số lều bạt hoặc nhà tranh tạm thời. Nhà trường phát cho mỗi giáo viên một chiếc ghế vuông và một tấm gỗ làm bàn, vừa dùng để lên lớp, vừa dùng để ăn cơm, hội họp, xem phim,...còn bảng đen thì được ghép bằng ván gỗ sau đó sơn đen.
Trong điều kiện như vậy, những ngày nắng, các em được tập trung lên lớp tại một mảnh đất trống; những ngày mưa, thì các em ngồi trên giường trong lều bạt để nghe giảng. Mặc dù xã Tâm Khư lúc đó rất nghèo khó, nhưng đối với các học sinh Việt Nam từng trải qua mưa bom bão đạn, trèo đèo, lội suối, từng bị đe dọa bởi bom đạn mà nói, nơi đó đã là Thiên đường rồi. Sau khi đến Tâm Khư, mỗi đợt học sinh đều hoan hô: Đảng Cộng sản muôn năm!Mao Chủ tịch muôn năm, Bác Hồ muôn năm...
Cô Lưu Thiếu Minh là giáo viên đầu tiên đến Trường Dục Tài dạy tiếng Trung, cô miêu tả khung cảnh lúc đó thế này: Các em nữ sinh mắt rưng rưng lệ ôm tôi, một số em còn ôm cả người đầu bếp, công nhân khiêu vũ cùng...
Lúc đó, nước Trung Hoa mới được giải phóng, mọi việc đều cần phải bắt tay làm lại từ đầu, nhưng Chính phủ Trung Quốc đã dành sự chăm sóc chu đáo cho thầy trò Trường Dục Tài, ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các thầy cô và học sinh Việt Nam ra, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc còn thành lập một đội hậu cần gồm mấy chục người, đồng thời chỉ thị các đơn vị liên quan rằng, miễn là yêu cầu do Trường Dục Tài đề xuất thì đều phải tìm mọi cách để giải quyết.
Học sinh của Trường Dục Tài Trần Kháng Chiến viết trong tập hồi ký rằng: "Lúc đó cuộc sống của nhân dân Trung Quốc còn hết sức khó khăn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, nhưng lại dốc hết sức quan tâm, giúp đỡ chúng tôi, tạo điều kiện tinh thần và vật chất tốt nhất cho trường chúng tôi, bảo đảm các thầy cô và học sinh có thể yên tâm làm việc, học tập, sự trưởng thành của mỗi chúng tôi thời thơ ấu đều không thể tách rời sự quan tâm, yêu mến và giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc, tình cảm đó sẽ mãi mãi không phai nhạt trong lòng chúng tôi".
Các bạn thân mến, những ngày tháng học tập của các học sinh Việt Nam ở xã Tâm Khư hết sức gian khổ, nhưng lại không phải trải qua nỗi đau ly tán do chiến tranh. Sau đó, tại Quế Lâm và Nam Ninh cũng lần lượt thành lập các trường học Việt Nam, đã có những câu chuyện cảm động như thế nào? Mời bạn tiếp tục theo dõi tiết mục Ống kính ASEAN tuần sau. Tiết mục hôm nay..
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |