• Ban tiếng Việt Nam
  • Các trang trên Facebook
  • Vài nét về CRI
  • Cảm nhận của phóng viên VTC Chí Trung đối với các thành phố văn hóa Trung Quốc

    2011-10-12 15:19:32     cri

    Nghe Online-I          Nghe Online-II

    LQ - Thưa quý vị và các bạn, hoan nghênh quý vị và các bạn đến với tiết mục "Nối vòng tay hữu nghị" do La Thành và Lệ Quyên thể hiện.

    LT – La Thành xin chào quý vị và các bạn.

    LQ – Các bạn thân mến, sau khi tham dự lễ trao giải cư dân mạng toàn cầu bình chọn "Thành phố Văn hóa Trung Quốc" năm 2011 do Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc tổ chức ở Bắc Kinh, đoàn phóng viên gồm 33 người trong có 11 phóng viên nước ngoài đến từ 10 nước, như: Việt Nam, Ô-xtrây-li-a, Đức, Ai-cập, Thổ-nhĩ-kỳ, Nga, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Mông Cổ, Ấn-độ và phóng viên của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc đã đi thăm và phỏng vấn 4 thành phố Trung Quốc là: Bắc Kinh, Thành Đô, Nam Kinh và Tô Châu từ ngày 16 đến ngày 26 tháng 9 vừa qua. .

    LT – Tuy chỉ vẻn vẹn có 10 ngày và chỉ đi thăm 4 thành phố trong số 10 thành phố gồm: Bắc Kinh, Thành Đô, Tây An, Nam Kinh, La-sa, Đại Lý, Quảng Châu, Quế Lâm, Bình Dao và Thanh Đảo được cư dân mạng toàn cầu bình chọn là "Thành phố văn hoá nổi tiếng Trung Quốc", nhưng đã để lại cho đoàn phóng viên ấn tượng sâu sắc.

    LQ – Trong tiết mục "Nối vòng tay hữu nghị" hôm nay, trước hết LT và LQ xin giới thiệu với quý vị và các bạn những cảm nhận sau khi thăm quan và phỏng vấn 4 thành phố của anh Phạm Chí Trung phóng viên Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC Việt Nam

    LT – Sau đó là bài giới thiệu về hoạt động quà tặng tình thương dành cho trẻ em diễn ra ở biên giới hai nước Trung-Việt.

    LQ – LT này, những năm gần đây cùng với việc giao lưu giữa hai nước Trung – Việt ngày một dồn dập, cũng như sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc, nên có nhiều bạn Việt Nam đến thăm Trung Quốc cũng như thông qua các phương tiện truyền thông tìm hiểu về Trung Quốc, vì vậy, các bạn Việt Nam rất quen thuộc đối với những thành phố lớn cũng như danh lam thắng cảnh của Trung Quốc.

    LT – Mà nhất là thành phố Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc thì sau khi tổ chức Đại hội thể thao Ô-lim-pích năm 2008 đã để lại cho bạn bè 5 châu nói chung và các bạn vViệt Nam nói riêng ấn tượng sâu sắc.

    LQ – Nhưng khi đặt chân đến Bắc Kinh một cố đô với hơn 3000 năm lịch sử không biết các phóng viên nước ngoài trong đoàn đã có cảm nhận như thế nào ? Bây giờ chúng ta cùng nghe những lời tâm sự của anh Phạm Chí Trung phóng viên Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC Việt Nam. Anh Trung cho biết:

    Đây là lần đầu tiên tôi đến với đất nước Trung Quốc. Nơi dừng chân đầu tiên của tôi là Thủ đô Bắc Kinh – vì thế không thể tránh khỏi cảm giác choáng ngợp trước vẻ đẹp của thành phố.

    Một thành phố của những màu xanh

    Chẳng phải ngẫu nhiên mà tôi lại gọi Bắc Kinh như thế, bởi có 2 lý do: Một là người Bắc Kinh yêu thiên nhiên có ý thức cao trong bảo vệ môi trường và thứ 2, đây là một trong những thành phố an toàn nhất thế giới.

    Tôi đến Bắc Kinh vào một ngày thu. Mùa thu của Bắc Kinh trùng với mùa thu Hà Nội. Nhưng có sự khác biệt là tiết thu ở Bắc Kinh khô hơn, lạnh hơn và rất nhiều gió. Những làn gió lạnh thổi vào Bắc Kinh khiến ta nhớ những ngày gió mùa đông bắc ở Hà Nội.

    Còn nhớ cách đây hơn chục năm, khi xem bộ phim Khát Vọng của truyền hình Trung Quốc, những hình ảnh trong phim sao mà giống với cuộc sống Việt Nam. Những chiếc bếp than tổ ong trong căn nhà nhỏ mái ngói lô xô với những con người bình dị trong một gia đình ấm cúng. Nhưng giờ đây, Bắc Kinh đã có nhiều thay đổi. Vì môi trường, họ đã cấm hoàn toàn các loại bếp than tổ ong hoặc những loại bếp tương tự ảnh hưởng đến môi trường. Kể cả xe máy cũng đã không còn xuất hiện ở đây. Thay vào đó, từ sáng sớm, trên khắp ngả đường khu trung tâm đã dày đặc ô tô. Hiện tại, Bắc Kinh phát triển tới vành đai 7, vành đai 1 (trung tâm) chủ yếu tập trung các cơ quan trung ương, văn phòng, công ty và chung cư. Vành đai 1 hoàn toàn không có nhà riêng. Dân Bắc Kinh chủ yếu ở chung cư. Tôi ở một khách sạn 4 sao của quận Thạch Cảnh Sơn, cách trung tâm Bắc Kinh khoảng 15km, nhà chung cư ở đây mọc lên san sát. Cũng giống Hà Nội, từ tầng 6 trở lên. Dân Bắc Kinh chuộng căn hộ từ 60 – 80m2.

    Đặc biệt vào mùa thu, Bắc Kinh trồng nhiều hoa và có tới hàng trăm loài hoa khoe sắc ... tạo cho thành phố một vẻ đẹp đầy kiêu hãnh. Điểm đặc biệt là tại trung tâm Bắc Kinh, cuộc sống khá tĩnh lặng. Sự nhộn nhịp, sôi động chỉ tập trung ở các vành đai 2, 3, 4. Tại đây, tập trung rất nhiều trung tâm thương mại lớn. Khách du lịch có thể đi chơi, mua sắm cả ngày không biết chán. Trừ những thứ đã niêm yết giá, nếu bạn ra chợ mua món đồ nào đó thì phải coi chừng giá cả, người bán hàng có thể nói thách gấp 10 lần. Bên cạnh các khu mua sắm thường là nơi bán đồ ăn. Ở đây, chủ yếu là các hàng ăn nhanh với vô số những món ăn từ truyền thống đến hiện đại, mà món nào cũng được trình bày bắt mắt và vô cùng hấp dẫn: bánh bao, thịt cừu nướng, bò nướng, vịt quay, há cảo, vằn thắn...

    Ngoài sự phát triển nhanh về kinh tế, đời sống xã hội, cùng những nét đặc thù về văn hóa, Bắc Kinh còn nổi tiếng thế giới với những di sản mà bất cứ ai đã tới đây đều không thể bỏ qua: Đó là Thiên An Môn, Di Hoà Viên, Cố Cung, Trường quay phim Hồng Lâu Mộng, Thập tam lăng... và Vạn Lý Trường Thành. Tất cả đều đẹp, rộng lớn và choáng ngợp. Vậy mà, đi trong lòng Bắc Kinh, tôi vẫn nhớ về một Hà Nội cũng đang vào thu với hương hoa sữa nồng nàn toả trên những con phố yên bình…

    Đến Bắc Kinh lần này thật may mắn được tham dự Liên hoan Du lịch Quốc tế Bắc Kinh lần thứ 13, chương trình biểu diễn đặc sắc của hơn 30 đoàn đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã khiến Bắc Kinh chìm ngập trong biển cả tưng bừng.

    Bắc Kinh có hơn 3.000 năm lịch sử và hơn 850 năm cố đô, được tôn vinh là "cố đô 6 triều đại", nơi đây có rất nhiều danh thắng cổ tích và nhân văn, là sự kết tinh của nền văn hoá nghệ thuật Trung Quốc. Bắc Kinh giờ đây là Thủ đô của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, là trung tâm giao lưu chính trị, kinh tế và văn hoá của Trung Quốc, đang ngày càng thể hiện sức sống.

    Phong cách các công trình kiến trúc của Bắc Kinh rất đa dạng, phong phú, từ phong cách truyền thống của thành lầu Thiên An Môn, Tử Cấm Thành, Tứ Hợp Viện đến những công trình hiện đại như Sân Vận động Tổ chim, Khối nước, Đài Truyền hình Trung ương...các phong cách kiến trúc khác nhau nhưng lại rất hài hoà, đầu đâu cũng thể hiện sự bao dung và độ lượng của thành phố này.

    Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là những con ngõ của Bắc Kinh. Những con ngõ là cuốn sách lịch sử của Bắc Kinh, kể lại với mọi người những câu chuyện của Bắc Kinh ngày xưa. So với những phố cổ của Hà Nội, Việt Nam thì những con ngõ của Bắc Kinh khá rộng, hơn nữa nhiều gấp nhiều lần so với Hà Nội. Tại đây có rất nhiều cái tên rất quan thuộc như ngõ Hàng than, Hàng gạo, chợ gia cầm, chợ cá...chẳng khác nào như phố Hàng Ngang, Hàng Đào...của phố cổ Hà Nội vậy.

    Chí Trung còn tìm hiểu khá kỹ cuộc sống của người dân Bắc Kinh. Anh cho biết, cuộc sống của người dân nơi đây cũng giống như người dân các phố cổ Hà Nội, rất thư thả nhưng lại đậm đà bản sắc. Trong các ngõ của thành phố Bắc Kinh có bán rất nhiều đồ ăn vặt đặc sắc, cũng có rất nhiều những khách sạn hiện đại. Khi màn đêm buông xuống bạn có thể dạo bước bên hồ để thưởng thức cảnh đêm hoặc ngồi trên thuyền du lịch vừa ngắm cảnh vừa nghe những bản nhạc du dương trên thuyền.

    Anh Phạm Chí Trung cho biết, bốn mùa ở Bắc Kinh rất rõ rệt, Xuân, Hạ, Thu, Đông đều mang lại cảm giác mới mẻ cho mọi người. Bắc Kinh hiện là mùa Thu, thời tiết khô hanh, mát mẻ, cảm giác rất thoải mái. Chính vì vậy, càng tìm hiểu Bắc Kinh, Trung càng háo hức chỉ muốn hiểu hết Bắc Kinh.

    Trung Quốc có câu cổ ngữ "Trăm nghe không bằng một thấy", muốn tìm hiểu Bắc Kinh tốt nhất là đích thân trải nghiệm. Bạn bè các nước hãy mau mau đến Bắc Kinh, Bắc Kinh đang vẫy gọi các bạn.

    LQ - Nói về cảm nhận của mình sau khi thăm thành hpố Thành Đô thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, anh Phạm Chí Trung cho biết:

    Nhóm phóng viên chúng tôi đến Thành Đô, Thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc trong một ngày tiết trời se lạnh. Chúng tôi nghỉ chân tại khách sạn 4 sao Universal House, tọa lạc trên vùng đất đắc địa ở trung tâm thành phố.

    Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tới Thành Đô, là nhịp sống công nghiệp hối hả của thành phố rộng lớn này. Dọc theo những đại lộ thênh thang hàng chục làn xe là những cao ốc chót vót, những siêu thị khổng lồ lấp lánh ánh đèn.Vậy mà, Thành Đô lại là một thành phố có lịch sử rất lâu đời.

    Theo sử sách, vào năm 220, Lưu Bị nghe lời quân sư Khổng Minh, lui về Ba Thục, đốt đường sạn đạo để che mắt Tào Tháo, ẩn mình chiêu hiền đãi sĩ, lập ra triều đại Thục Hán và lấy Thành Đô làm kinh đô tạm thời. Trải qua bao thăng trầm dâu bể, Thành Đô đã trở thành một đô thị khổng lồ sánh ngang với Bắc Kinh, Thượng Hải, trong khi vẫn giữ được những góc lịch sử của cố đô một thuở.

    Dù nằm trên trục đường chính giữa trung tâm thành phố, đền Vũ Hầu vẫn giữ được không khí trang nghiêm với những mái ngói rêu phong cổ kính uốn lượn, những cây cầu đá vắt ngang hồ nước tung tăng cá vàng.

    Dọc theo lối đi lên chính điện là hai hành lang với những pho tượng cổ tạc hình những vị công thần nhà Thục. Trong chính điện, tượng của Khổng Minh và ba anh em kết nghĩa vườn đào Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi được tạc khắc rất sinh động và uy nghiêm. Phía sau điện thờ là khu vườn đào tái hiện câu chuyện "Kết nghĩa đào viên".

    Rời đền Vũ Hầu, chúng tôi đến khu phố cổ "Ngõ rộng hẹp". Trong tiết trời Thu, khu phố dường như càng đẹp hơn trong những giọt nắng vàng toả ánh hồng, lung linh những nếp nhà và đình chùa cổ lợp đá màu ghi sẫm với những mái đao cong vút lên bầu trời.

    Tại đây, du khách chen vai thích cánh trước dãy quầy hàng ẩm thực. Ngoài các loại lẩu Tứ Xuyên nóng bỏng và cay quắn lưỡi, còn rất nhiều món ăn đặc trưng được ưa chuộng nào gà cay, gà lạnh, tào phớ cay... món nào cũng lạ và hấp dẫn. Với những ai mê uống trà hẳn không thể bỏ qua thú uống trà truyền thống tao nhã của người Thành Đô - hé nắp tách, từ tốn gạt vài cánh trà còn bồng bềnh trong làn nước bốc hơi nghi ngút, rồi mới nhẩn nha nhấm nháp từng ngụm trà, lim dim mắt tận hưởng hương vị trà thơm man mác còn vấn vương.

    Thật may mắn, đoàn nhà báo chúng tôi được xem màn trình diễn nghệ thuật "Đổi mặt nạ" - nghe bạn Kiều, phóng viên Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc CRI nói đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc nhất chỉ có ở Thành Đô. Bên ấm trà thơm ngát, nhâm nhi vài hạt lạc rang, khoai sắn luộc, chúng tôi hoàn toàn bị cuốn hút vào các màn biểu diễn thật ấn tượng. Nào là uốn người đủ các thế vẫn giữ được bát nến trên đỉnh đầu, nào trình diễn hình tượng bóng các con vật bằng tay, kịch hài và khép lại bằng tiết mục "chốt" - đổi mặt nạ đủ sắc cầu vồng trong nháy mắt thật tuyệt vời...

    Buổi tối về khách sạn mà những dư vị cay nồng dường như còn đọng mãi trên đầu lưỡi, âm hưởng những giai điệu dân gian Tứ Xuyên vẫn còn váng vất trong đầu.

    Một lần đến với Thành Đô mà dường như đã thân quen từ rất lâu rồi.

    Công trình trị thủy Đô Giang Yến – Di sản thế giới

    Vào năm 251 trước Công nguyên, một công trình thủy lợi nổi tiếng thế giới được xây dựng. Người đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc áp dụng phương pháp khoa học trong trị thủy, góp phần trong việc xây dựng nền văn minh Trung Hoa xán lạn với nhiều phát minh mà cả thế giới phải kính nể. Đó là Lý Binh với công trình thủy lợi Đô Giang Yến ở Tứ Xuyên.

    Thời ấy, hơn 2.200 năm trước, vào mùa xuân và hè, khi nước lũ dâng cao, nước sông Mân tràn xuống, đổ vào vùng đồng bằng Thành Đô gây lũ lụt. Khi nước lũ rút đi, để lại những bãi đất nham nhở sỏi đá. Lý Binh – một viên quan nước Tần đã tận dụng những kinh nghiệm về khơi dòng dẫn nước trong trị lý nguồn nước của Đại Vũ thời Trung cổ, phép biện chứng tự nhiên "Tùy theo thực tế mà khơi dòng dẫn nước". Nhờ thế, hệ thống thủy lợi này đem lại nguồn lợi to lớn, tưới tiêu cho 700.000 hécta đồng ruộng thuộc hơn 40 huyện khác nhau, được coi như kiệt tác vĩ đại tạo phúc cho nhân dân.

    Vâng, đó là những thông tin lịch sử mà tôi ghi lại được trong chuyến thăm Đô Giang Yến. Quả thực, nếu được tận mắt chứng kiến công trình thủy lợi hùng vĩ này thì chắc chắn bạn cũng như tôi, sẽ vô cùng …. sửng sốt.

    Đô Giang Yến được hình thành bởi 3 bộ phận đập: Miệng cá phân dòng, luồng chia lũ và xử lý đất cát và cửa miệng nhập nước. Công trình thủy lợi tự động này giải trừ sự đe dọa của thủy hoạn, khiến cho vùng đồng bằng Tứ Xuyên vừa bình an, vừa đầy nước tưới tiêu, thành xứ "Thiên phủ" trù phú, mà Đô Giang Yến được ví như dải ngân hà kỳ diệu trên mặt đất. Hàng năm, hàng trăm chuyên gia thủy lợi nước ngoài, hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến nơi đây tham quan tìm hiểu, họ rất cảm phục trình độ khoa học của công trình.

    Vùng đất này khí hậu 4 mùa, cảnh sắc tươi đẹp, công trình thủy lợi kỳ vĩ cảnh làm cho khung cảnh trở nên ngoạn mục. Từ xa, bạn nghe được tiếng nước chảy, dù nước có dữ dằn như trận chiến Sơn Tinh Thủy tinh, du khách vẫn yên lòng, vì thủy tặc đã bị trị bằng khoa học từ thời cổ.

    Có một câu ngạn ngữ nổi tiếng "Con người sợ thời gian. Nhưng thời gian lại sợ các Kim tự tháp". Nhân loại đã kính nể các Pharaon xây nên kỳ quan ở Ai Cập châu Phi kia, thì cũng nên bổ sung: "Thời gian sợ Đô Giang Yến". Đâu chỉ thời gian, mà còn là những con sông dữ, những Thủy Tinh bị trị, mà Lý Binh với khát vọng trí tuệ vì dân đã làm nên công trình trường tồn như thế. Tháng 11-2000, Đô Giang Yến đã được công nhận là Di sản thế giới.

    Nam Kinh, thiên đường là đây ...

    Chia tay Thành Đô hoa lệ, đoàn 11 phóng viên nước ngoài chúng tôi đến với Nam Kinh - một trong bốn cố đô và là thành phố văn hóa lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc.

    Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đặt chân đến thành phố này là những hàng cây Ngô đồng được trồng 2 bên đường. Dưới ánh nắng nhẹ giữa thu, khắp thành phố đều rợp bóng râm mát.

    Đã đặt chân đến Nam Kinh, bạn tất phải đi qua tường thành. Những con đường lớn khúc khuỷu uốn lượn chạy dưới chân tường thành như đưa chúng tôi trở về với quá khứ lịch sử của một thời đại vàng son trong lịch sử Trung Hoa 6 thế kỷ qua - triều nhà Minh. Bức tường thành được xây dựng hơn 600 năm trước với chiều dài trên 33 km, là tường thành cổ dài nhất được bảo tồn trên thế giới hiện nay.

    Thành Nam Kinh còn được gọi là "Lăng vàng tự cổ Đế Vương Châu". Cách gọi này được bắt nguồn là do từ thời trung cổ đến tận ngày nay. Nam Kinh từng là kinh đô của các triều đại phong kiến: Đông Thổ, Tống, Tề, Trần, Nam Đường, Minh, Thái Bình Thiên Quốc và là thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc.

    Xin được giới thiệu qua đôi nét về Nam Kinh: Thành phố xinh đẹp này thuộc hạ lưu sông Trường Giang, cũng chính là thủ phủ của tỉnh Giang Tô. Du khách thập phương thường bị vùng sơn thủy hữu tình này thu hút bởi những điểm dừng chân như: sông Tấu Thủy, Thành Đầu Đá, Đài Vũ Hoa, hồ Từ Vũ, hồ Mê Thu, Lăng Minh Hiếu, chùa Kê Kê, Cửa Trung Hoa, núi Tây Hà, núi Trung...

    Đến Nam Kinh lần này, nhóm phóng viên chúng tôi có dịp được ngoạn cảnh đẹp như tranh của miếu Phu Tử và sông Tần Hoài.

    Miếu Phu Tử còn gọi là Khổng Miếu hoặc Văn Miếu, là nơi thờ nhà giáo dục và nhà tư tưởng Trung Quốc Khổng Tử. Khổng Tử trong thời cổ được tôn xưng là Khổng Phu Tử, nên nhân dân mới gọi miếu dùng để kỷ niệm ông là Miếu Phu Tử. Miếu Phu Tử Nam Kinh được xây dựng vào năm 1034, đến nay đã có gần nghìn năm lịch sử. Hiện nay, Miếu Phu Tử được trùng tu lại đã trở thành thắng cảnh du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.

    Khi màn đêm buông xuống, Nam Kinh đẹp như những vì sao, lộng lẫy như một nàng tiên kiều diễm. Đây mới chính là khoảnh khắc tuyệt với nhất để chiêm ngưỡng một Nam Kinh đẹp đến mê hồn.

    Chúng tôi xuống thuyền, thả hồn mình xuôi theo làn nước sông Tần Hoài - một nhánh của sông Trường Giang. Sông Hoài với chiều dài 110 km uốn mình bao bọc thành phố Nam Kinh. Từ thời kỳ Tần Thủy Hoàng cai trị, sông đã được đổi tên thành Tần Hoài. Đây là dòng sông rộng nhất ở Nam Kinh và là mạch máu của thành phố.

    Được sống trong những phút giây thư thái ngắm thành phố bên sông, một cảm giác thật tuyệt với khó tả đang trào dâng trong mỗi chúng tôi.

    Đến với Nam Kinh, người ta không thể làm ngơ trước những sản vật tuyệt vời của miền đất hứa. Trong bữa tiệc thân mật được lãnh đạo thành phố tổ chức chiêu đãi cánh nhà báo chúng tôi, có đến 20 món đặc sản nổi tiếng, nào là rau Kim Lăng, bánh củ cải Giang Tô, các món điểm tâm Nam Kinh, canh tiết vịt, cua hấp ... Ngoài ra, chúng tôi còn được thưởng thức rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trong một đêm huyền diệu ở Nam Kinh.

    Có lẽ là do sự cổ kính pha lẫn hiện đại của Nam Kinh mà mỗi nhà báo đến đây để khi ra về lòng vẫn đong đầy lưu luyến. Nam Kinh, thiên đường là đây...

    Mây trời non nước Tô Châu

    Tôi đến Tô Châu lần này với một niềm háo hức khó tả. Và rồi, qua hơn 200km từ cố đô Nam Kinh, Tô Châu hiện ra xinh đẹp và quyến rũ với những phố cổ mái nâu, tường trắng, những cây cầu duyên dáng, những tháp chuông chùa thấp thoáng sau rặng ngô đồng lấp lánh như dát bạc.

    Qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch, thành phố này giàu đẹp ngay từ cái tên: chữ Tô trong tên thành phố nghĩa là "cá" và "gạo". Nằm ở Đông Nam tỉnh Giang Tô, thuộc vùng đất màu mỡ nhất châu thổ sông Dương Tử, Tô Châu từ xưa đã lừng danh là "thiên đường hạ giới".

    Dưới ánh nắng chiều tà, chúng tôi được dịp ghé thăm Chuyết Chính viên – một trong 4 khu nhà vườn được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Xin được giới thiệu đôi chút với bạn đọc: Nhắc đến kiến trúc truyền thống của Trung Quốc nói chung và Tô Châu nói riêng, không thể không đề cập tới viên lâm hay còn gọi là nhà vườn. Trong câu tục ngữ "Trời có thiên đàng, đất có Tô Hàng", Tô Châu được so với thiên đường vì xưa nay Tô Châu nổi tiếng có nhiều khu vườn thanh nhã.

    Thời nhà Minh và nhà Thanh (từ thế kỷ 14 đến đầu thế kỷ 20) là giai đoạn phát triển cực thịnh của nền kinh tế và văn hóa phong kiến Tô Châu. Tô Châu trở thành khu vực sầm uất nhất của Trung Quốc. Nghệ thuật làm vườn thăng hoa, xuất hiện nhiều nhà nghệ thuật viên lâm, khiến hoạt động làm vườn đạt tới một đỉnh cao. Tô Châu lúc đó có hơn 200 vườn viên lâm, hiện nay chỉ còn giữ lại được vài chục vườn, trong đó 4 vườn viên lâm cổ điển: Chuyết Chính Viên, Lưu Viên, Võng Sư Viên và Hoàn Tú Sơn Trang với loại hình kiến trúc đầy đủ và được bảo tồn hoàn chỉnh, đã phô diễn một cách hệ thống và toàn diện nội dung trong các mặt bố cục, kết cấu, tạo hình, phong cách, màu sắc cũng như tu bổ, gia cụ, bày đặt... của nghệ thuật kiến trúc viên lâm thời cổ Tô Châu, đã phản ánh văn minh cư trú cao của vùng Giang Nam trong thời kỳ này, thể hiện thành tựu nghệ thuật cũng như trình độ khoa học kỹ thuật kiến trúc thành thị thời đó.

    Chuyết Chính Viên được xây theo phong cách nghệ thuật kiến trúc vườn đời nhà Minh. Trung tâm của vườn Chuyết Chính Viên là các hồ ao. Các hồ ao đều thả sen. Khi mùa hè tới, hương sen tỏa ngát. Giữa hồ Chính Chuyên Viên có một con thuyền bằng đá, trong khoang thuyền có đặt một chiếc gương lớn phản chiếu mọi cảnh đẹp trên bờ. Mọi công trình kiến trúc, đình, đài, các đều tọa lạc xung quanh, soi bóng mặt hồ. Về kiến trúc, đáng chú ý nhất là Viễn Hương đường có kết cấu khá đặc biệt, lòng nhà không có chiếc cột nào, các cột nhà được bố trí ở 4 hàng lang xung quanh. Bốn mặt của Viễn Hương đường lắp kính nên trông rất thoáng đãng.

    Buổi tối, sau bữa ăn đặc sản Tô Châu, đoàn phóng viên chúng tôi được tới thăm phố cổ Đường Sơn. Đây xứng đáng với tên gọi "Venice phương Đông". Mọi thứ hiện ra không khác gì trong một bộ phim cổ trang của Trung Quốc. Chúng tôi ngồi thuyền, dạo khắp các con kênh nhỏ xinh, ngắm nhìn những chiếc cầu vút cong trữ tình, trầm trồ thán phục những căn nhà lãng mạn nằm dọc hai bên bờ.

    Tiếp tục hành trình, chúng tôi dạo chơi ở những thôn cổ khác gần đấy mà tôi không thể nhớ hết tên. Nơi nào cũng rất cổ kính, nhà cửa lấp loáng nước, mái ngói đen sẫm, vườn cây cảnh xanh rì, hoa mọc từng khóm.

    Tôi biết mình may mắn được cảm nhận Tô Châu trong tiết trời thu mát mẻ với tấm lòng hiếu khách của những người bạn mới quen. Nếu có một lần nữa trong đời được mơ ước, tôi ước được trở lại Tô Châu.

    LT – Trên đây, các bạn vừa nghe những dòng tâm sự của anh Phạm Chí Trung phóng viên Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC Việt Nam sau khi thăm 4 thành phố Trung Quốc.

    LQ – Tiếp theo LT và LQ xin giới thiệu với quý vị và các bạn về hoạt động quà tặng tình thương dành cho trẻ em diễn ra ở biên giới hai nước Trung-Việt.

    LT – Các bạn thân mến, trong dịp Tết Trung Thu, ngày tết cổ truyền của hai nước Trung-Việt, các em học sinh của Trường tiểu học Độc Sơn thị trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc và Trường tiểu học Hồng Đại huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bình, Việt Nam thuộc khu vực biên giới hai nước Trung-Việt đều nhận được bánh Trung Thu và văn phòng phẩm của Hoạt động quà tặng tình thương xuyên biên giới.

    LQ - Hoạt động lần này đã hiến dâng tình thương yêu cho trẻ em khu vực nghèo khó biên giới Trung-Việt, tăng thêm sức sống cho tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

    LT - Niềm vui ngây thơ, nụ cười rạng rỡ của các em đúng như lời nói "Trung Thu có chung một vầng trăng, tình thương yêu không có biên giới".

    LQ - Hoạt động lần này đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ to lớn của huyện ủy Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc và huyện ủy Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, Đài Phát thanh Truyền hình Cao Bằng Việt Nam cũng như doanh nghiệp và nhân sĩ từ thiện của hai nước.

    LT - Đại diện của Ban tổ chức, doanh nghiệp tài trợ cũng như các nhà hảo tâm đã đến hai trường học của huyện Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc và huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam triển khai Hoạt động quà tặng tình thương,

    LQ - Kêu gọi nhân sĩ các giới xã hội truyền tình thương yêu cho các em thiếu nhi ở khu vực nghèo khó biên giới Trung-Việt, để các em có thể thưởng thức bánh Trung Thu trong dịp Tết Trung Thu, nhận được văn phòng phẩm trong thời gian khai giảng năm học mới, bắc nhịp cầu giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước bằng hành động thiết thực.

    LT - Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Cao Bằng, Việt Nam La Vũ Quang đã đánh giá cao hoạt động lần này

    LQ - Ông cho rằng, đây là một hoạt động công ích có ý nghĩa đặc biệt, vừa xích gần khoảng cách giữa nhân dân hai nước Việt-Trung, vừa thúc đẩy tình hữu nghị giữa các tỉnh biên giới Việt-Trung,

    LT - Đồng thời cũng mở ra trang sử hợp tác giữa Đài Phát thanh Truyền hình Cao Bằng với các phương tiện truyền thông Trung Quốc.

    LQ - Ông La Vũ Quang bày tỏ cảm ơn doanh nghiệp và nhân sĩ hảo tâm Trung Quốc đã tặng quà và hỗ trợ các em thiếu nhi Việt Nam trong dịp Tết Trung Thu.

    LT - Trước đây, các em thiếu nhi ở khu vực nghèo khó biên giới Trung-Việt cách nhau một đường biên giới, trên không là vầng trăng sáng, hàng năm cũng đều đón Tết Trung Thu.

    LQ - Nhưng năm nay có phần đặc biệt hơn, các em đã nhận được quà tặng tình thương, cùng cảm nhận niềm vui và hạnh phúc trong dịp Tết Trung Thu.

    Lời lưu ký
    Tin ảnh
    Tin cập nhật
    Ca nhạc theo yêu cầu thính giả
    • vu minh tuan : Bài I HAVE A DREAM của nhóm ABBA hay đấy.chúc mọi người vui vẻ,hạnh phúc.mong đc làm quen với mọi người qua sđt 01695317285
    • Giàng A Sênh : Em chào tất cả các anh chị trong ban tiếng Việt Nam. Chúc các anh chị có một sức khỏe thật bình an và luôn công tác tốt. Vậy là sắp đến tết Trung Thu rồi, em xin chúc các anh chị trong Ban tiếng Việt Nam có một tết trung thu thật vui vẻ và tràn đầy tiếng cười. Nhân dịp Trung Thu, xin quý Đài gửi hộ em bài hát CHÚC BẠN BÌNH AN tới Chị Ngọc Ánh ở Bắc hà, Em Nguyễn Thị Hà ở Bắc Giang đang học tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Linh ở Đồng Xa, Mai ở Bãi Rồng, Bé Linh Sao ở Vân Đồn, Cao Mỹ và Thu ở Chiềng khoong cùng toàn thể các bạn nghe đài, chúc mọi người luôn bình an cùng một tết Trung Thu vui vẻ. Mong được làm quen với tất cả các bạn. Em xin cảm ơn quý Đài rất nhiều.
    • tran van son : chau muon gui bai hat tinh ban toi nha chau va cac ban cung hoc lop 11d bai hat tinh ban chuc cac ban hoc tot nhe
    • khien nguyen: tu lau em da biet den chuong trinh hoc tieng pho thong Trung Quoc cua quy dai. thong qua chuong trinh em cung biet them nhieu chuong trinh khac. thong qua chuong trinh toi thu 7 em muon gui bai hat "doi canh tang hinh" toi mot nguoi dac biet, anh co biet danh la "gau truc" voi loi nhan: em chuc anh gau truc hoc tot, gio la thoi diem rat quan trong vi day da sap la nam cuoi cua chung minh roi bang moi gia thi anh phai no luc phan dau de duoc bang gioi de co the tiep tuc hoc lien thong len dai hoc de thuc hien uoc mo cua chung minh. anh hay luon nho rang luc nao em cung luon o ben canh anh.
    Xem tiếp>>