ong kinh ASEAN 2018-01-10
|
"Nếu một ngày nào đó, bạn có dịp đến với trường Đại học Trung Y Dược Thiên Tân và bắt gặp một chàng trai đam mê với y học cổ truyền, châm cứu, dược tễ đông y thì đó chắc hẳn là tôi, chàng 'giáo sư 9x' đầy năng lượng và sức trẻ".
Lời tự sự vừa rồi là của bạn Đào Xuân Hưng, sinh năm 1994, lưu học sinh Việt Nam tại Đại học Trung y dược Thiên Tân, Trung Quốc. Bạn là người sáng lập Câu lạc bộ Hán văn Đông y, từng được Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc trao giấy khen dành cho lưu học sinh ưu tú.
Bạn Đào Xuân Hưng sinh ra ở miền đất cảng Hải Phòng, ngay từ nhỏ tính tình phóng khoáng của con người đất Cảng nơi đây cũng ăn sâu vào suy nghĩ của Xuân Hưng. Lớn lên ở miền đất có nhiều trạng nguyên như Lê Ích Mộc, Trần Tất Văn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, và sinh ra trong gia đình quý chuộng tri thức, ông là bác sĩ, bà là giáo viên, từ nhỏ đã vun đắp cho bạn Xuân Hưng niềm yêu thích tri thức của nhân loại.
Hồi cấp ba, bạn Xuân Hưng đam mê bộ môn Tin học, chứ không phải Y học, sản phẩm lập trình chương trình phần mềm giáo dục Kỹ năng sống cho thanh thiếu niên đã đem lại cho bạn Hưng giải thưởng cao trong cuộc thi lần đó. Đam mê với Công nghệ thông tin là thế, nhưng cuối cùng Xuân Hưng lại quyết định rẽ lối sang một con đường khác, con đường y học cổ truyền.
"Ngày bé vốn ốm yếu hay cảm vặt, khi những liều thuốc tây y dường như trở nên bất lực với các căn bệnh ngày bé tôi hay mắc phải, thì cũng là lúc mà bố mẹ tôi thử dùng các bài thuốc y học cổ truyền để chữa trị, kỳ lạ thay, sau khi dùng những bài thuốc đông y ấy, tôi khoẻ mạnh lại ngay, từ đấy tôi bị hấp dẫn trước sự kỳ diệu của những phương thuốc y học cổ truyền. Lên năm mười bảy tuổi, một lần lạc lối giữa khu sách y học phương Đông trong căn phòng thư viện trường cấp ba, tôi nhớ rất rõ năm ấy là năm tôi học lớp mười một, đó là những cuốn sách về âm dương ngũ hành hệ thống kinh lạc và Trung dược, cứ thế tôi bị cuốn hút bởi từng trang từng dòng".
Đam mê Y học và lý luận phương Đông nên Xuân Hưng sớm tìm ra hướng đi của cuộc đời mình là ngành Y học cổ truyền. Quyết định thi vào Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam là một trong những sự "cứng đầu" của Xuân Hưng trước sự sắp đặt của bố mẹ, bởi đã từng có thời gian gia đình muốn Xuân Hưng theo đuổi con đường kinh tế nhưng Xuân Hưng kiên quyết bảo vệ việc chọn lựa chuyên ngành phù hợp với mình và quyết tâm khi lên Đại học sẽ không ngừng cố gắng với mong muốn ngày nào đó sẽ chứng minh được cho bố mẹ thấy sự lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn. Và quả thực Xuân Hưng đã không khiến bố mẹ thất vọng khi bước chân vào ngưỡng cửa của trường y học cổ truyền Việt Nam.
Lên đến năm thứ 3 đại học, cảm nhận được rõ vị trí của nền y học Đông y Trung Quốc trong nền y học chung của nhân loại, Xuân Hưng đã nhận thức được rằng mình phải trau dồi thêm tiếng Trung để đến gần hơn với kho tàng tri thức Đông y của nhân loại ấy. Vì lẽ đó, Xuân Hưng đã sáng lập nên Câu Lạc Bộ Hán Văn Đông Y.
"Câu Lạc Bộ Hán Văn Đông Y là một tổ chức dịch thuật, học tập và chia sẻ về tiếng Trung chuyên ngành, kiến thức lý luận Đông y, với số lượng các thành viên duy trì hoạt động liên tục. Ngày mới thành lập, câu lạc bộ của chúng tôi chỉ có vỏn vẹn hơn hai mươi người, ấy vậy mà hiện nay con số ấy đã lên đến hơn một trăm tám mươi người và ngày càng phát triển hơn nữa".
Câu lạc bộ "Hán Văn Đông Y", tổ chức có cơ cấu được xem là có thể sánh ngang với các tổ chức Đoàn Hội khác trong trường và là "đứa con tinh thần" của Xuân Hưng. Tháng 09 năm 2015 khi trở thành chủ nhiệm câu lạc bộ tiếng Trung - Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, Xuân Hưng đã áp dụng chương trình giảng dạy mới vào câu lạc bộ, chuẩn hoá các lớp tiếng Trung giao tiếp và tiếng Trung chuyên ngành, xây dựng hệ thống giáo trình, lịch học, lịch thi cho các thành viên trong câu lạc bộ. Để phát triển hơn cho các thành viên của câu lạc bộ về mặt ngoại ngữ và kiến thức, Xuân Hưng còn thường xuyên tổ chức đưa mọi người đi giao lưu với các câu lạc bộ tiếng Trung của Đại học Hà Nội, Đại học Quốc gia, và các câu lạc bộ bạn trong và ngoài trường.
Cũng trong thời gian này, Xuân Hưng đã tham gia nhiều các hoạt động do Đoàn trường tổ chức để nâng cao hơn nữa những kỹ năng sống. Đồng thời tham gia xây dựng hệ thống học tập Chiết tự Hán ngữ và bộ từ điển Hán ngữ chuyên ngành Trung y học đang trong giai đoạn hoàn thiện. Bên cạnh đó Xuân Hưng còn tham gia đội ngũ dịch thuật sách chuyên ngành Y học cổ truyền của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam như các sách Nội khoa học, Thương Hàn học, Ôn bệnh học, Phương tễ học... Đây cũng là lúc ước mơ một ngày được đặt chân lên đất nước Trung Hoa xinh đẹp, khám phá bầu trời tri thức y học phương Đông ươm mầm trong Xuân Hưng.
"Tôi vẫn nhớ rất rõ ngày hôm ấy, ngày 23 tháng 8 năm 2016, đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến thành phố cảng Thiên Tân-Trung Quốc. Cảm giác xúc động và ngỡ ngàng như một giấc mơ ngày đầu đặt chân lên mảnh đất Trung Quốc vẫn còn đọng trong tôi mãi đến hôm nay.
Thiên Tân là một thành phố tuyệt đẹp. Học tập và làm việc tại thành phố này với tôi là một điều may mắn, ở nơi đây tôi sống trong một Thiên Tân bình dị, với những con người Thiên Tân hiền hoà, dễ mến và hiếu khách; tôi luôn xem Thiên Tân như một ngôi nhà thứ hai của mình".
Xuân Hưng cho biết, các bạn du học sinh Việt Nam tại Thiên Tân rất tình cảm. Mọi người vẫn hay gọi Xuân Hưng bằng một biệt danh dễ mến "giáo sư 9x". Ở đây Xuân Hưng dễ dàng tìm thấy những chén trà nóng "rất Việt Nam", hay đôi khi là những bài nhạc Trịnh qua giọng hát của người bạn thân, gợi lên những niềm thương nhớ quê hương vô bờ bến. "Các tiền bối", những người anh, người chị đi trước ở nơi đây cũng tận tình chỉ bảo, như lớp học Nội kinh của anh Nguyễn Hoài Văn, lớp Thương hàn của anh Lê Minh Điệp; Xuân Hưng đã được học rất nhiều điều bổ ích từ họ.
"Học tập tại thành phố Thiên Tân xinh đẹp này, không chỉ là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời tôi, mà nơi đây còn để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Hồi đấy có dịp tôi được tham gia trực tại khoa châm cứu, bệnh viện trực thuộc số một, Đại học Trung y dược Thiên Tân. Trong khoa mỗi ngày đều có nhiều bệnh nhân ra vào nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh một cặp vợ chồng lớn tuổi. Với tôi, họ chính là đại diện cho hình ảnh những con người Thiên Tân tình cảm, chân thành và thuỷ chung.
Đó là một cặp vợ chồng nghèo, nhà họ ở khá xa bệnh viện, người chồng còn khoẻ mạnh, nhưng cụ bà lại không may bị trúng phong, bán thân bất toại. Đã nhiều tháng trôi qua, người chồng ấy ngày ngày vẫn đều đặn đưa vợ mình vào viện điều trị. Khi vào khoa, ông đưa bà xuống xe lăn bằng cách vắt hai tay bà lên vai, hai người đứng mặt đối mặt nhau, ông bước lùi từng bước một cho bà bước theo, trông giống như đang khiêu vũ, đến gần giường ông lại đặt bà xuống, lần lượt cởi giày và áo ngoài cho chủ nhiệm Vương châm cứu.
Tuy mắc bệnh như vậy nhưng tinh thần người vợ luôn rất lạc quan. Bà không nói được rõ, miệng chỉ mỉm cười nhẹ, nhưng ai cũng biết động lực của bà chủ yếu đến từ người chồng. Bởi chồng bà rất hóm hỉnh, ông hay động viên bà, "trêu chọc" cho bà cười, vào khoa ông còn hay "làm trò" cho các bệnh nhân khác trong khoa vui vẻ thêm và đôi khi còn cười phá lên.
Khi tôi bước chân vào khoa, ông nói với tôi, ông biết tôi là du học sinh Việt Nam, ngạc nhiên bởi điều này, tôi hỏi: "vì sao bác lại biết cháu là người Việt Nam ạ?". Ông từ tốn trả lời, bệnh viện này với ông không còn xa lạ gì nữa, ông đưa vợ đi châm cứu ở đây cũng khá lâu rồi, nên nhìn là biết ngay ai làsinh viên Trung Quốc, ai là du học sinh nước ngoài. Nói xong ánh mắt ông nhíu nhẹ, đôi môi hé lên một nụ cười nồng ấm, kéo căng những nếp nhăn trên gương mặt vất vả theo thời gian, đó cũng là lúc tôi cảm nhận được sự nồng hậu đến từ con người Thiên Tân qua những điều nhỏ nhặt và bình dị nhất".
Bệnh nhân vào khoa mỗi ngày đều rất đông, già trẻ lớn bé đều có, sau khi châm cứu chữa trị cho họ xong Xuân Hưng thường xin phép cô chủ nhiệm, mỗi ngày khi hai vợ chồng ông cụ vào khoa, cho phép mình được xoa bóp thêm tầm mười đến mười lăm phút cho cụ bà. Thế rồi từ đó, ngày nào cũng vậy, trong khi ngồi chờ thời gian để rút kim cho bà, Xuân Hưng và ông cụ trò chuyện cùng nhau. Biết Xuân Hưng đi du học xa gia đình, bạn bè, ông tỏ ra thấu hiểu và đồng cảm, có lúc lại động viên Xuân Hưng cố gắng học tập. Thế là không biết tự bao giờ, ông cụ trở nên gần gũi với Xuân Hưng hơn, cảm giác như người thân trong gia đình, giữa Xuân Hưng và ông không còn khoảng cách, nhờ thế mà nỗi nhớ nhà của Xuân Hưng cũng vơi đi nhường nào. Để cám ơn Xuân Hưng, có lúc ông còn mang cả quà ở nhà đến tặng Xuân Hưng, đôi khi chỉ là mấy quả táo, ít quà vặt ở quê, nhưng Xuân Hưng vẫn rất trân trọng và giữ mãi. Ngày cuối kết thúc đợt thực tập để chuyển sang viện mới, Xuân Hưng vẫn rút kim, xoa bóp bấm huyệt cho bà thêm lần cuối. Nhìn hình ảnh hai vợ chồng bước ra khỏi phòng bệnh, Xuân Hưng cảm giác họ vẫn luôn luôn như ngày đầu tiên, ấm áp, mặn nồng, say sưa trong "điệu nhảy của riêng họ".
"Tôi vẫn đang cố gắng từng ngày để thực hiện ước mơ khám phá Y học cổ truyền phương Đông. Bên cạnh đó sưu tầm lịch sử, văn hóa các nước trên thế giới, triết học Đông phương, công nghệ thông tin cũng là những việc tôi yêu thích và ham muốn tìm tòi. Bởi tôi tin rằng đây là những chiếc chìa khoá giúp tôi đến gần hơn với văn minh tri thức nhân loại".
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |