• Ban tiếng Việt Nam
  • Các trang trên Facebook
  • Vài nét về CRI
  • Người Việt Nam trải nghiệm Tết ở Bắc Kinh: Hương vị Tết Bắc Kinh đậm hay nhạt?

    2017-02-20 16:00:13     CRIonline


    Mẫn Linh xin chào mừng quý vị và các bạn đến với chương trình Ống kính ASEAN. Thế nào, các bạn đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu có vui không? Ở Bắc Kinh, mặc dù mọi người đã đi làm bình thường, nhưng ít nhiều vẫn còn không khí Tết, mọi người đều chia sẻ với nhau những câu chuyện ăn Tết. Hôm nay, Mẫn Linh rất vui được mời chị Thu Huyền, người Việt Nam đang làm việc tại Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc đến chia sẻ với chúng ta câu chuyện đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu tại Bắc Kinh. Xin chào chị Thu Huyền.

    H: Đầu xuân năm mới, TH chúc Mẫn Linh, quý vị và các bạn sức khoẻ dồi dào, gia đình hạnh phúc, công việc thuận lợi.

    M: Tết Nguyên đán là ngày lễ truyền thống quan trọng nhất của nhân dân hai nước Việt-Trung, là ngày cả gia đình đoàn tụ sum họp. Nhiều người đi làm xa đều tranh thủ về thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Sao năm nay chị lại quyết định ở lại Bắc Kinh ăn Tết?

    H: Bởi vì đây là năm cuối cùng Thu Huyền ở Bắc Kinh, Thu Huyền muốn được trải nghiệm không khí Tết ở nơi mà Thu Huyền đã gắn bó 7 năm.

    M: Vậy, chị đã chuẩn bị như thế nào cho cái Tết "một mình" năm nay?

    H: Năm nay là lần đầu tiên TH ăn Tết ở Bắc Kinh. Cũng như ở Hà Nội, từ sau ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công ông Táo về trời báo cáo "công tác" với Ngọc Hoàng, ở Bắc Kinh, mọi người bắt đầu bận rộn với việc dọn dẹp trang trí nhà cửa, dán câu đối, chữ phúc, treo đèn lồng đỏ, mua sắm các loại hàng Tết,...

    Trước Tết, ngoài đi siêu thị sắm hàng Tết, đi chợ hoa là một trong những khâu không thể thiếu đối với các chị em phụ nữ. Do chợ hoa gần cơ quan, nên TH và các đồng nghiệp tranh thủ đi "lượn" vào giờ nghỉ trưa, và không phải đi một lần mà đi đến ba lần.

    M: Chị có thể chia sẻ những cảm nhận khi đi chợ Hoa Bắc Kinh trước Tết không?

    H: Chợ hoa những ngày này đông khách nhất là các gian hàng bán cây cảnh, cây hoa các loại như lan hồ điệp, địa lan, hồng môn, đỗ quyên là nhiều nhất, .... Điều thú vị nhất là ở đây cũng có bán cả cây quất, mặc dù chỉ vài ba cây, nhưng cũng khiến TH có cảm giác thật gần gũi, bởi có thể cảm nhận được hương vị Tết Hà Nội ở xứ lạnh phương Bắc này.

    M: Chị thấy giá có "gần gũi" với Hà Nội không? Vì theo Mẫn Linh được biết, các cây cảnh, cây hoa bán vào dịp Tết ở Hà Nội không rẻ chút nào.

    H: Giá một chậu lan hồ điệp khoảng chục cành, đủ các loại màu tùy mình chọn vào khoảng 400-500 tệ, còn chậu địa lan khoảng chục cành thì cũng khoảng 1000 tệ. Khách hàng mua nhiều nhất có lẽ là hoa đỗ quyên đỏ, hồng, giá 40-80 tệ tùy theo chậu to hay nhỏ, nhưng cây đỗ quyên tỉa theo thế thì rất đắt, những cây đẹp cũng có giá khoảng 1200 tệ. Còn cây quất giá cũng đắt hơn các loại cây cảnh khác, cây nhỏ khoảng 150 tệ, cây to vừa phải cũng đến 500 tệ. TH đã mua một chậu đỗ quyên nhỏ giá 35 tệ và một chậu hoa lan hồ điệp hai cành giá 50 tệ.

    Hoa tươi cắm lọ thì các chị em tập trung mua vào ngày 29 Tết, người mua người bán, người ra người vào chợ tập nập. Người mua thì ngắm nghía lựa chọn sao cho có được bó hoa ưng ý nhất, người bán thì không ngớt giới thiệu để chiều lòng các "thượng đế" khó tính nhất. Giá hoa cũng tuỳ loại, hoa tuy-líp 5 tệ/bông, hoa lay-ơn, hoa hướng dương 10 tệ/bông, hoa hồng baby, hoa cẩm chướng 40 tệ/bó,...

    M: Sau khi nghe chị TH chia sẻ cảm nhận đi chợ hoa ngắm hoa, chọn hoa, mua hoa chắc các bạn thính giả thấy sắm Tết ở Bắc Kinh cũng chẳng khác gì Hà Nội nhỉ. Nhưng có một loại "hàng Tết" không có bán ở Hà Nội, đó là pháo.

    H: Vâng. Có một thứ rất khác và khiến TH háo hức nhất đó là mua pháo và đốt pháo đêm Giao Thừa. TH đã mua một bánh pháo loại bảo vệ môi trường (ít khói, ít bụi) giá 148 tệ, một hộp pháo chỉ thiên giá 50 tệ và một bó pháo hoa que giá 20 tệ.

    M: Theo Mẫn Linh được biết, ở Hà Nội là cấm đốt pháo vào dịp Tết. Vậy, cảm nhận được đốt pháo trong dịp Tết năm nay chắc rất đặc biệt, thưa chị.

    H: Sau hơn 20 năm kể từ khi Việt Nam có quy định cấm đốt pháo trong dịp Tết, TH lại có được cái cảm giác vừa hồi hộp, vừa sờ sợ khi đốt pháo. Ngày xưa, pháo không có nhiều loại và chất lượng như bây giờ, lũ trẻ con rủ nhau đốt pháo, chủ yếu là pháo dây và pháo tép, sau khi châm bằng que hương, thấy ngòi pháo đã bén thì co giò chạy ra chỗ khác, khi pháo nổ thì cả lũ hò reo rất khoái chí.

    M: Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã nới lỏng "lệnh cấm đốt pháo" thành "lệnh hạn chế đốt pháo" kể từ ngày 1/12/2005. Người dân được phép đốt pháo từ đêm Giao Thừa đến đêm Nguyên Tiêu theo giờ quy định. Cửa hàng bán pháo được dựng lên tạm thời tại các điểm quy định theo giấy phép của chính quyền địa phương. Chủng loại pháo phong phú đa dạng, có pháo bánh, pháo hoa, pháo chỉ thiên,..., pháo dành cho người lớn và cho trẻ em, giá thì vô cùng, từ vài chục, vài trăm đến vài nghìn tệ.

    Có hoa, có pháo, nhưng quan trọng là mâm cỗ đêm Giao Thừa, chắc mọi năm chị ở nhà không cần chuẩn bị hoặc chỉ là "trợ tá" của mẹ cho mâm cỗ Giao Thừa, năm nay chị lại phải tự lo?

    H: Các bạn thấy đấy, để chuẩn bị đón Tết, TH có đủ cả hoa lan hồ điệp, hoa đỗ quyên, pháo hoa, pháo bánh, bánh chưng, giò, nem rán- món ăn không thể thiếu trong nâm cỗ của các gia đình Việt Nam trong ngày Tết, sủi cảo-món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ đêm Giao Thừa của các gia đình Bắc Kinh. Xin bật mí với các bạn, sủi cảo là do cơ quan phát cho những người đi làm ngày 30 Tết, bánh chưng và giò là một người bạn Việt Nam cho, còn nem thì tất nhiên là TH tự làm.

    Đêm Giao Thừa, thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ với năm mới, khi mà các gia đình Trung Quốc xum vầy bên nhau xem chương trình Gala mừng Xuân Đinh Dậu trong tiếng pháo nổ giòn rã, cũng là lúc TH gọi điện về nhà chúc Tết bố mẹ và mọi người trong gia đình.

    M: Còn về các hoạt động vui chơi trong Tết, ngoài đốt pháo ra, người dân Bắc Kinh cũng hay đi lễ chùa, hội Xuân.

    H: Vâng. Sáng mùng 3 Tết, TH cùng hai đồng nghiệp đi lễ chùa Linh Quang. Chùa Linh Quang là một trong những ngôi chùa đẹp nhất trong quần thể khu phong cảnh Bát Đại Xứ ở Bắc Kinh, ở đây có thờ xá lị răng Phật.

    Điều khiến chúng tôi đều bất ngờ là năm nay khu phong cảnh Bát Đại Xứ cũng có tổ chức lễ hội, đèn lồng đỏ treo dọc lối đi từ cổng vào đến sân chính, mặc dù trời rét, nhiệt độ ban ngày xuống đến -1 độ, nhưng cũng không ngăn được dòng người nườm nượp đổ về đây trẩy hội. May mắn là khi TH đến nơi, cũng là lúc một nhóm diễn viên đang diễn trích đoạn "rước dâu" nổi tiếng trong các điển tích cổ Trung Quốc, mang đậm tính dân gian, sôi động, vui tươi, người thì vỗ tay hưởng ứng, người thì chụp ảnh, người thì quay phim,…, Chỗ thì diễn trò, chỗ thì biểu diễn trống, chỗ thì bán các loại đồ lưu niệm đặc sắc,…, không khí hết sức náo nhiệt.

     

     

    M: Ngoài hội Xuân ở Bát Đại Xứ, chị còn đi chơi hội nào nữa không?

    H: Cũng như ở Việt Nam, một trong những phong tục truyền thống được người dân Bắc Kinh giữ đến bây giờ mỗi dịp Tết đến Xuân về đó là trẩy hội Xuân. Những lễ hội nổi tiếng ở Bắc Kinh có hội Xuân tổ chức tại Công viên Địa Đàn, hội Xuân này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1984 đến nay đã trở thành "thương hiệu" của Bắc Kinh; hội Xuân tổ chức ở Công viên Long Đàm, Công viên Bạch Vân Quán, Công viên Đại Quan Viên, nơi quay bộ phim Hồng Lâu Mộng mà hầu như người Việt Nam nào cũng biết.

    Chiều mùng 4 Tết, TH cùng đồng nghiệp đi chơi hội Xuân Xưởng Điện tổ chức tại phố Lưu Ly Xưởng, một khu phố cổ chuyên bán các loại văn hóa phẩm nổi tiếng ở Trung Quốc và nước ngoài. TH biết đến tên phố "Lưu Ly Xưởng" này rất lâu rồi, qua sách giáo khoa từ hồi mới học tiếng Trung.

    Hội Xuân Xưởng Điện có thể nó là "thiên đường" để những người mê nghệ thuật thư pháp Trung Quốc "săn" các món đồ "văn phòng tứ bảo" đẹp với giá rẻ bất ngờ. Các sản phẩm văn hóa phong phú đa dạng, nào là bút lông, ống đựng bút, nghiên mực, sách cũ mới, …, rồi các loại tranh sơn thuỷ, tranh hoa, tranh chữ, các tác phẩm điêu khắc ngọc tinh xảo,…., Từ đầu phố đến cuối phố, người mua người bán khá đông, nhưng lại không ồn ào, đúng với "chất" của một lễ hội văn hóa.

    Đi sâu vào trong con ngõ cuối phố Lưu Ly Xưởng, chiếc biển hiệu và tranh áp phích treo bên ngoài một gian phòng nhỏ với dòng chữ "Một diễn viên, một sân khấu", "Rạp hát chỉ dành cho một khán giả" đã kích thích trí tò mò của TH và hai đồng nghiệp, chúng tôi quyết định "khám phá" nơi này với giá 100 tệ/người.

     

     

    M: "Rạp hát chỉ dành cho một khán giả" là thế nào? Mẫn Linh cũng chưa trải nghiệm bao giờ.

    H: "Rạp Khôi Đức Xã" là một gian phòng rộng chỉ khoảng 3 mét vuông, có đặt ba chiếc ghế, hai bên tường treo đầy các loại nhạc cụ và ảnh cũ của gia đình nghệ sĩ từ những năm 50 thế kỷ trước. Người nghệ sĩ già hơn 70 tuổi Dư Tiểu Chương, truyền nhân đời thứ ba đã biểu diễn cho chúng tôi xem 3 loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống Trung Quốc là hát văn cổ, hát vè đệm bằng nhạc cụ làm bằng xương bò và trò chơi chữ điệp âm. Mặc dù chỉ khoảng 10 phút, nhưng nghệ sĩ Dư Tiểu Chương đã giúp chúng tôi hiểu hơn về nghệ thuật văn hóa truyền thống dân gian địa phương, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, rất dân dã đời thường.

    M: Ở Việt Nam có phương pháp chơi chữ điệp âm này không ạ?

    H: Ở Việt Nam cũng có trò chơi chữ điệp âm, nhiều vùng nông thôn gọi là chại âm này, khi nói rất dễ bị vấp, bị líu lưỡi, bị nhầm, chẳng hạn như: Buổi trưa ăn bưởi chua; nồi đồng nấu ốc nồi đất nấu ếch; chị nhặt rau rồi luộc em nhặt rau luộc rồi; ông Bụt ở chùa Bùi cầm bùa đuổi chuột; nàng Lê lên núi lấy nước nấu lòng; lúa nếp là lúa nếp làng, lúa lên lớp lớp lòng nàng lâng lâng,…..

    M: Mặc dù thiếu sự sum họp gia đình, nhưng Tết năm nay của chị ở Bắc Kinh lại có thêm nhiều nguyên tố văn hóa nước ngoài.

    H: Vâng. Ăn Tết ở nơi đất khách quê người, nhưng cảm giác vẫn gần gũi và ấm áp, không khí Tết tẻ nhạt hay đậm đà có lẽ là cảm nhận riêng của mỗi người mà thôi, mặc dù không được ăn Tết cùng gia đình, nhưng ở đây có bạn bè và đồng nghiệp, có thể nói là TH đã có một cái Tết vui vẻ, thú vị và ấm áp ở Bắc Kinh.

    Một lần nữa chúc các bạn và gia đình năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý.

    Lời lưu ký
    Tin ảnh
    Tin cập nhật
    Ca nhạc theo yêu cầu thính giả
    • vu minh tuan : Bài I HAVE A DREAM của nhóm ABBA hay đấy.chúc mọi người vui vẻ,hạnh phúc.mong đc làm quen với mọi người qua sđt 01695317285
    • Giàng A Sênh : Em chào tất cả các anh chị trong ban tiếng Việt Nam. Chúc các anh chị có một sức khỏe thật bình an và luôn công tác tốt. Vậy là sắp đến tết Trung Thu rồi, em xin chúc các anh chị trong Ban tiếng Việt Nam có một tết trung thu thật vui vẻ và tràn đầy tiếng cười. Nhân dịp Trung Thu, xin quý Đài gửi hộ em bài hát CHÚC BẠN BÌNH AN tới Chị Ngọc Ánh ở Bắc hà, Em Nguyễn Thị Hà ở Bắc Giang đang học tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Linh ở Đồng Xa, Mai ở Bãi Rồng, Bé Linh Sao ở Vân Đồn, Cao Mỹ và Thu ở Chiềng khoong cùng toàn thể các bạn nghe đài, chúc mọi người luôn bình an cùng một tết Trung Thu vui vẻ. Mong được làm quen với tất cả các bạn. Em xin cảm ơn quý Đài rất nhiều.
    • tran van son : chau muon gui bai hat tinh ban toi nha chau va cac ban cung hoc lop 11d bai hat tinh ban chuc cac ban hoc tot nhe
    • khien nguyen: tu lau em da biet den chuong trinh hoc tieng pho thong Trung Quoc cua quy dai. thong qua chuong trinh em cung biet them nhieu chuong trinh khac. thong qua chuong trinh toi thu 7 em muon gui bai hat "doi canh tang hinh" toi mot nguoi dac biet, anh co biet danh la "gau truc" voi loi nhan: em chuc anh gau truc hoc tot, gio la thoi diem rat quan trong vi day da sap la nam cuoi cua chung minh roi bang moi gia thi anh phai no luc phan dau de duoc bang gioi de co the tiep tuc hoc lien thong len dai hoc de thuc hien uoc mo cua chung minh. anh hay luon nho rang luc nao em cung luon o ben canh anh.
    Xem tiếp>>