ong kinh 2016-11-30
|
Ngày 28 tháng 8 năm 2007, tôi tạm biệt gia đình ở Hà Nội và lên đường đi Bắc Kinh. Mới đó mà đã chín năm rồi, chín năm sống, học tập và làm việc ở thành phố phương Bắc này.
Đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái hình ảnh mình kéo chiếc va li to kềnh đi từ cổng Đông đến cổng Tây của trường Đại học Dân tộc Trung Ương (trường Dân Đại) vào cái đêm 28 tháng 8 ấy. Tôi có cảm giác như mình đi mãi, đi mãi mà không đến được cổng Tây của trường. Sau này tôi đã hiểu ra, đó chỉ là một mé của khuôn viên trường mà thôi. Ấy vậy mà hồi đó cứ tưởng như mình đã đi bộ cả nửa thành phố Bắc Kinh rồi ấy. Thường là như thế, khi một nơi nào đó còn lạ lẫm với ta thì ta thấy nó quá rộng lớn, nhưng nếu đã thân quen rồi thì dường như tất cả chỉ nẳm trong lòng bàn tay, dẫu có nhắm mắt lại ta vẫn có thể hình dung rõ mồn một từng gốc cây, ngọn cỏ.
Tôi đến Bắc Kinh và trường Đại học Dân tộc Trung Ương Trung Quốc để theo học bậc Thạc sĩ khi vừa rời cương vị giảng viên khoa tiếng Trung Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Hồi đó tôi có một mơ ước giản dị là được sống trong môi trường ngôn ngữ tiếng Hán, được học tập cho thêm tiến bộ để sau này có thể trở thành một giảng viên tiếng Hán giỏi. Nhưng hình như cái duyên phận làm giáo viên tiếng Hán của tôi chỉ dừng lại ở đó. Vì một lí do rất tình cờ, vừa bước chân vào trường Đại học Dân tộc Trung ương tôi đã có cơ may được theo học ngành Dân tộc học, để rồi ngày càng quyết tâm theo đuổi cái công việc đầy gian nan này cho đến tận bây giờ…
With Beida Students
Quả thật, tôi vẫn luôn tự nói với mình rằng, được học ngành Dân tộc học ở trường Đại học Dân tộc Trung Ương là một cơ duyên, cũng là một may mắn lớn trong cuộc đời mình. Những ngày đầu tiếp xúc với chuyên ngành này, tôi luôn cảm thấy mình như đang bơi trong đại dương của những kiến thức văn hóa nhân loại, về lí luận cũng như thực tiễn. Có lúc thấy hơi đuối sức, nhưng sự hiếu kì và hăm hở muốn hiểu biết về những nền văn hóa, về những tộc người xa lạ đã tiếp sức rất nhiều cho tôi trong chặng bơi dài sức ấy. Ngày qua ngày, nhờ chăm chỉ học hành, tìm hiểu, tôi có cảm giác như mình đã dần dần có được sự hiểu biết sâu sắc hơn và toàn diện hơn về thế giới xung quanh…
Là một lưu học sinh thạc sĩ, lên lớp học các chuyên đề của ngành dân tộc học bằng tiếng Hán thật là một điều không dễ dàng gì đối với tôi khi đó. Tôi vẫn nhớ mãi câu hỏi mà thầy giáo hướng dẫn đã đặt ra cho tôi: "Em có biết ngành dân tộc học là gì không?" – Đây chắc chắn là điều cốt lõi của chuyên ngành mà thầy muốn tôi phải hiểu rõ: " Ngành dân tộc học là chuyên ngành giúp ta hiểu được bản chất của con người qua việc học hỏi nghiên cứu về văn hóa nhân loại". Câu nói của thầy tôi thật ngắn gọn súc tích, vậy mà nó khiến tôi bỗng hiểu ra tất cả. Đúng thế, chúng ta nghiên cứu dân tộc học là muốn tìm hiểu và giải quyết vấn đề con người đã và đang sinh tồn như thế nào? (Trong quá trình sinh tồn này, văn hóa có vai trò là một sản vật tất yếu mang tính thứ sinh, vì vậy văn hóa cũng đương nhiên trở thành đối tượng nghiên cứu của ngành dân tộc học). Chính quá trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi này sẽ giúp ta hiểu được bản chất của con người. Và khi đã có được câu trả lời rồi thì ta có thể đem nó vận dụng vào thức tiễn để giúp đỡ mọi người. Vì vây, tôi nghĩ rằng, mục đích cuối cùng của ngành dân tộc học chính là cố gắng lí giải và giúp đỡ mọi người, và thực ra, suy cho cùng cũng là để lí giải và giúp đỡ chính bản thân mình.
35 In Takla-Makan_Xinjiang On the Inner Monglian Grassland
Mang trong tâm trí những suy nghĩ này, năm 2011 tôi quay lại Bắc Kinh, cũng vẫn là trường Đại học Dân tộc Trung Ương, để theo học bậc tiến sĩ chuyên ngành dân tộc học. Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều có những thời điểm gian nan cùng những câu hỏi đôi khi thật khó có thể tìm lời giải đáp. Nhưng nếu bạn có thể bằng cách nào đó vượt qua những gian nan ấy và tìm được câu trả lời cho những câu hỏi mà cuộc sống đăt ra, thì đó cũng là lúc bạn đã vượt qua được chính mình, và những ngày tháng tốt đẹp chắc chắn sẽ không còn ở xa nữa. Đối với tôi, ba năm theo học bậc tiến sĩ chuyên ngành dân tộc học chính là cái "cách nào đó" mà tôi vừa nói trên đây…
Kì thực, năm năm trước, tôi quay lại Dân Đại học tiến sĩ là để tìm câu giải đáp cho câu hỏi cuộc sống của chính mình. Ba năm học Tiến sĩ ở trường Dân Đại và ba đợt điền dã đầy những "phép mầu" và cũng đầy mạo hiểm; có hạnh phúc và có đớn đau ấy đã giúp tôi dần dần tìm được lời giải đáp của mình, khiến cho trái tim tôi có một sức sống mới. Và cho đến nay, khi đã tốt nghiệp Tiến sĩ và trở thành giảng viên của trường Dân Đại rồi, ngoảnh đầu nhìn lại, tôi hiểu rõ rằng, những năm tháng học tiến sĩ và đi thực đia , đến nơi sinh sống của các tộc người để thu thập tài liệu thực tế (mà ngành dân tộc học vẫn gọi là đi diền dã) ở những vùng biên cương xa xôi có ý nghĩa và có giá trị biết nhường nào đối với cuộc sống của tôi…
Altai Region Winter 2012
Những vùng biên cương xa xôi nơi tôi làm điền dã ấy chính là vùng biên giới giữa Đông Bắc Tân Cương Trung Quốc và Siberia của Nga, rồi vùng biên thùy nơi Tây Nam Tân Cương gặp gỡ nước Cộng hòa Tajikistan. Đó cũng là nơi có rặng núi Altai lần lượt chạy xuyên các nước Trung Quốc, Nga, Mông Cổ và Kazakhstan. Và còn có cả nơi vẫn được gọi là "Nóc nhà của Thế giới", cao nguyên Pamir, vùng giáp ranh giữa Huyện tự trị của dân tộc Tajik Tashkorgan và Tajikistan. Giờ nhắm mắt hình dung lại, tôi vẫn nhìn thấy rõ mồn một những con đường gập ghềnh tối đen trên thảo nguyên Mông Cổ trong những chuyến bus đêm đường dài, những ngọn núi tuyết dựng đứng trong cái lạnh âm mấy chục độ, cái lạnh đủ để làm một đứa con gái đến từ phương Nam như tôi cảm thấy e sợ. Rồi những cồn cát trên sa mạc Taklamakan ở Nam Tân Cương dưới cái nóng trên 40 độ C… Và hơn thế nữa, là cái cảm giác bụng đói cồn cào và toàn thân mệt nhoài trên những con đường điền dã. Đó là những khi cần phải kịp giờ đáp một chuyến xe hay kịp tìm đến một bản làng/một khu định cư nào đó mà phải bỏ ăn suốt cả ngày… Nhưng những gì vẫn in sâu trong trí nhớ không chỉ là những nỗi gian truân, mà còn là niềm hạnh phúc được nhìn, được lắng nghe, được tìm hiểu và được học hỏi những điều hoàn toàn khác với nền văn hóa của đất nước mình. Là niềm vui khi được trăn trở và suy ngẫm với người dân địa phương vùng biên cương trong quá trình giữ gìn và bảo vệ nền văn hóa truyền thống của họ trước sức ép của nền kinh tế thị trường và công cuộc hiện đại hóa.
Có nhiều người đã từng hỏi tôi rằng tại sao tôi lại chọn phương Bắc để làm điền dã. Tôi nghĩ, có lẽ là vì phương Bắc là xứ sở của những cảnh đẹp thiên nhiên và nền văn hóa khác hẳn so với quê hương Việt Nam của tôi. Chính vì "khác hẳn" nên trong quá trình tìm hiểu nền văn hóa xa lạ này, tôi luôn dừng lại, suy ngẫm và so sánh với nền văn hóa của dân tộc mình, Điều này giúp tôi càng hiểu hơn mình là ai, mình từ đâu tới. Đây cũng là một lí do nữa khiến tôi thật sự muốn theo đuổi ngành Dân tộc học.
With the local Tajik in Tashkorgan
Đó là những ngày tháng học tập và điền dã trong quá khứ. Trở lại với hiện tại, bây giờ tôi đã tốt nghiệp Tiến sĩ Dân tộc học được hai năm rưỡi và trở thành chuyên viên nghiên cứu nước ngoài tại trường Đại học Dân tộc Trung Ương. Tôi thường lên lớp môn "Peoples of China" (Các Dân Tộc ở Trung Hoa) hay có bài giảng về "China's Cultural Ecology" (Văn hóa Sinh thái học Trung Hoa) cho sinh viên và giảng viên đại học Mĩ đến học tập và làm việc tại các trường đại học ở Bắc Kinh. Tôi thường có cảm giác thú vị sau mỗi buổi lên lớp, khi được chia sẻ với bạn bè thế giới những gì mình đã học được ở Trung Quốc về dân tộc thiểu số Trung Quốc trong tư cách là một… người Việt Nam! Ngoài ra, tôi còn tham gia giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam trong chương trình "Một vành đai – Một con đường" của trường Đại học Bắc Kinh và môn tiếng Việt chuyên ngành cho các em sinh viên ngành tiếng Việt khoa Đông Nam Á Học, cũng của trường Đại học Bắc Kinh. Mỗi một lần lên lớp cho sinh viên Đại học Bắc Kinh trong các chương trình này là một lần tôi được hưởng niềm vui. Tôi vui vì có dịp giới thiệu ngôn ngữ và văn hóa của đất nước mình cho các bạn sinh viên Trung Quốc, và cũng vui khi nhìn thấy các em ấy hứng thú, say sưa học tập với cả sự nhiệt thành.
With primary schoo students in Sichuan Muli Tibetan Autonomous County
Đó là những câu chuyện mà tôi muốn kể cho các bạn nghe. Những câu chuyện ở phương Bắc, nơi có thành phố Bắc Kinh, có trường Đại học Dân tộc Trung Ương và các thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp yêu mến; cùng với các miền đất xa xôi nhưng đã trở nên vô cùng gần gũi với tôi bởi những người bản địa thân thiện và nhiệt thành – những nơi tôi tìm được một phần ý nghĩa cho tuổi thanh xuân của mình.
Nguyễn Phương Trâm, giảng viên Việt Nam Trường Đại học Dân tộc Trung ương Trung Quốc
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |