• Ban tiếng Việt Nam
  • Các trang trên Facebook
  • Vài nét về CRI
  • Tìm hiểu Nhà công-ten-nơ của lao động Cam-pu-chia tại Thái Lan

    2016-03-09 11:37:44     CRIonline

     

         

    Thủ đô Băng-cốc, Thái Lan luôn thu hút du khách các nơi trên thế giới bởi sự sầm uất của đô thị quốc tế và cuộc sống ban đêm phong phú, tuy nhiên bề ngoài hiện đại với các tòa nhà cao ốc san sát của Băng-cốc lại tương phản với hình ảnh những người công nhân nước ngoài giá rẻ đang phải gồng mình xoay xở trong cảnh túng bấn. Mời các bạn cùng phóng viên đến thăm một khu nhà công nhân của một công trường ở ngoại ô Băng-cốc.

    Khoảng 6 giờ chập tối, tại một công trường ở ngoại ô phía đông Thủ đô Băng-cốc, Thái Lan dần dần tập trung những người công nhân vừa kết thúc công việc trong ngày, trong số họ, có người đá bóng trên sân bóng sơ sài trước khu nhà công nhân, có người bước vào nhà tắm để gột rửa những mệt nhọc sau một ngày làm việc vất vả, có người trở về ký túc xá mở ti-vi chờ xem phim truyền hình Thái Lan phát vào giờ vàng tối hàng ngày trên kênh 3 Đài Truyền hình Thái Lan, trẻ em đùa nghịch trên mảnh đất trống, mùi khói bếp lẫn với hương vị thức ăn như nhắc nhở mọi người màn đêm đã buông xuống.

     

     

    Đốc công Thái Lan của công trường Xu-ra-chai cho biết, đây là một công trường xây nhà chung cư, hiện có khoảng hơn 300 công nhân, sau này sẽ lần lượt thuê thêm 800-900 công nhân sau khi khởi công toàn diện, giống như những công trường các nơi khác ở Thái Lan, công nhân ở đây đa số đều đến từ các nước tương đối kém phát triển như Mi-an-ma, Cam-pu-chia. Điều khác với các công trường khác, cũng là đặc điểm của công trường do ông Xu-ra-chai quản lý này, đó là tất cả khu nhà dành cho công nhân đều làm từ công-ten-nơ cũ, chứ không phải là nhà tạm lợp mái tôn. Ông nói:

    "Môi trường ở đây rất khá, phòng ký túc xá cũng không oi và chật, hiện nay chúng tôi không dùng tấm tôn nữa, mà dùng công-ten-nơ, an toàn hơn, môi trường cũng tốt hơn, ngoài ra còn có thể mở thông giữa các công-ten-nơ, như vậy không dễ xảy ra hỏa hoạn, nếu cần di chuyển thì cũng có thể dọn đi luôn, dọn vệ sinh cũng tiện hơn. Nếu là nhà lợp mái tôn, mỗi lần dùng xong đều phải tháo gỡ, bây giờ thì không cần nữa, có thể sử dụng nhiều lần và tiết kiệm hơn".

    Công trường của ông Xu-ra-chai cả thảy có 162 chiếc công-ten-nơ, sau khi cải tạo, mỗi phòng ký túc xá có thể ở hai người, ngoài ký túc xá ra, nhà vệ sinh công cộng, v.v. đều cải tạo từ công-ten-nơ. Ông Xu-ra-chai cho biết, các công nhân ở đây đa số đến từ Cam-pu-chia, hàng ngày làm từ 7 rưỡi sáng đến 5 rưỡi chiều, sau khi hết việc, các công nhân có thể hoạt động tự do trong khu nhà ở, công trường cũng cho phép người nhà của công nhân bày bán một số đồ lặt vặt, cơm, rau, con cái của họ cũng có thể lên lớp trong trường tiểu học tạm thời trong khu nhà.

     

    Chị Bun, cô giáo duy nhất của trường học ở khu công trường cho biết, công trường này có 7-8 trẻ em Cam-pu-chia, các em đều theo cha mẹ đến đây, mặc dù chị không thể gánh vác trách nhiệm dạy học theo đúng nghĩa ở đây, nhưng có thể bảo đảm các em được chăm sóc khi cha mẹ đi làm.

    "Ở trường, tôi sẽ dạy các em một số tiếng Thái, để các em có thể giao lưu, trao đổi với người bản địa hoặc mua sắm. Có thể tôi cũng học tiếng Cam-pu-chia với các em, nếu khu nhà công nhân này chuyển sang nơi khác, trường học này cũng sẽ được chuyển cùng, tôi cũng đi theo".

    Chị Na, 30 tuổi, đến từ một làng quê ở tỉnh Xiêm Riệp, Cam-pu-chia, đi theo chị đến đây còn có chồng chị và con trai 4 tuổi. Chị gái, anh rể và hai đứa con trai cũng làm việc trong cùng một công trường với chị, ngoài ra, cháu gái vừa tròn 18 tuổi cũng gia nhập đội ngũ xuất khẩu lao động này. Chị Na cho biết, nhiều nơi ở Cam-pu-chia vẫn rất nghèo, xuất khẩu lao động hầu như là con đường có thể kiếm tiền duy nhất của họ.

    "Có người quen nói rằng đến Thái Lan làm việc kiếm được nhiều tiền, nên tôi đã đi, năm đầu tiên thực ra không tiết kiệm được tiền, bởi vì công ty làm các giấy tờ như hộ chiếu, thị thực cho chúng tôi, mỗi người phải nộp 30 nghìn Bạt, nếu không có tiền thì công ty sẽ ứng trước, vì vậy, tiền lương năm đầu hầu như đều bị khấu trừ để trả tiền cho công ty. Nhưng cuộc sống ở đây tốt hơn ở Cam-pu-chia, một số nơi ở Cam-pu-chia ngay cả điện cũng không có, ở nhà làm ruộng một ngày có thể chỉ kiếm được 50 Bạt".

    Cũng như chị Na, chị Đên, 28 tuổi cũng đến từ Cam-pu-chia, dù tuổi không lớn, nhưng chị đã làm việc gần chục năm tại các công trường lớn nhỏ ở Thái Lan, chị cho biết, những năm mà chị mới đến, lương ngày vào khoảng 225 Bạt, nhưng cùng với tuổi nghề tăng lên, hàng năm công ty đều tăng lương ngày của công nhân thêm 20 Bạt, hiện nay chị có thể kiếm được 300 Bạt/ngày như các công nhân nam giới, như vậy chị đã rất mãn nguyện. Chị Đên và chồng làm việc gần chục năm tại Thái Lan, nhưng lại không đưa con đến đây, bởi vì theo họ, dù sao ở Cam-pu-chia vẫn có thể tiếp nhận sự giáo dục hệ thống hơn.

    "Chúng tôi rất nhớ nhà, nhưng phải kiếm đủ tiền mới có thể về. Tôi không muốn đưa con đến đây, rất nhớ con, nhưng cũng không biết làm thế nào được. Chúng tôi cần kiếm tiền, hiện nay chúng tôi hàng tháng có thể gửi 2.000-3.000 Bạt về cho con".

     

    Tháng 5/2015, Thái Lan bị phanh phui vụ bê bối lao động trái phép, một dạo chính phủ và quân đội tăng cường tấn công lao động trái phép và buôn bán người, nhiều lao động Cam-pu-chia và Mi-an-ma làm việc phi pháp tại Thái Lan đều tạm thời rời Thái Lan. Biện pháp này cũng khiến nhiều công ty thuê lao động nước ngoài buộc phải tận khả năng tuyển dụng lao động hợp pháp, và làm đầy đủ các giấy tờ như giấy phép làm việc, v.v. cho các lao động. Mặc dù vậy, quyền lợi mà các lao động hợp pháp được hưởng vẫn rất có hạn, khi hỏi đến hợp đồng làm việc, chị Đên hỏi lại nhiều lần hợp đồng là gì, đối với các lao động như chị Đên mà nói, ký tên lên giấy tờ gì, liệu có được đảm bảo ngày nghỉ hợp pháp hay không đều không quan trọng.

    "Hợp đồng là gì? Chúng tôi sẽ ký một số giấy tờ, nhưng hoàn toàn không hiểu, cũng không biết nội dung là gì. Ở đây chúng tôi không có ngày nghỉ, ngày nào cũng phải làm việc, bởi vì làm việc mới có thu nhập, không làm việc thì sẽ không có thu nhập, cuối tuần cũng không nghỉ, trừ phi bị ốm mới đành phải xin nghỉ".

    Khi được hỏi liệu công ty có mua bảo hiểm tai nạn lao động ho công nhân không, chị Đên cũng lắc đầu và cho biết không biết từ "bảo hiểm" có nghĩa là gì, nhưng chị cho biết, rất may mắn chưa lần nào bị thương nghiêm trọng trong hàng chục năm làm việc, đa số trường hợp chỉ bị thương nhẹ ở chân và tay. Tuy nhiên trước đó không lâu, có tin cho hay tại công trường xây dựng đường sắt đô thị ở Băng-cốc xảy ra tai nạn khiến công nhân Cam-pu-chia bị thương nặng, nhưng những thông tin như vậy luôn nhanh chóng bị lãng quên do thân phận của những người công nhân nước ngoài không thể thu hút sự quan tâm của mọi người.

     

    Song song với tiến trình đô thị hóa ở Băng-cốc tiếp tục được phát triển cũng như bong bóng ngành bất động sản những năm qua, các tòa nhà cao tầng không ngừng "mọc lên" trong trung tâm thành phố, các dự án đường sắt đô thị và tàu điện ngầm cũng buộc phải mở rộng xây dựng do tình trạng giao thông ngày một ùn tắc, trong khi đó những người thực hiện xây dựng các tòa nhà cao tầng sang trọng và cơ sở giao thông này là những lao động nước ngoài bị người Thái Lan coi là tầng lớp thấp trong xã hội. Tiền lương thấp hơn người Thái Lan bình thường, không đóng bảo hiểm y tế, không ký hợp đồng chính thức, sự có mặt của những lao động này sẽ bị chìm nghỉm và không còn được ai nhắc đến tại đô thị Băng-cốc phát triển nhanh chóng này.

    Lời lưu ký
    Tin ảnh
    Tin cập nhật
    Ca nhạc theo yêu cầu thính giả
    • vu minh tuan : Bài I HAVE A DREAM của nhóm ABBA hay đấy.chúc mọi người vui vẻ,hạnh phúc.mong đc làm quen với mọi người qua sđt 01695317285
    • Giàng A Sênh : Em chào tất cả các anh chị trong ban tiếng Việt Nam. Chúc các anh chị có một sức khỏe thật bình an và luôn công tác tốt. Vậy là sắp đến tết Trung Thu rồi, em xin chúc các anh chị trong Ban tiếng Việt Nam có một tết trung thu thật vui vẻ và tràn đầy tiếng cười. Nhân dịp Trung Thu, xin quý Đài gửi hộ em bài hát CHÚC BẠN BÌNH AN tới Chị Ngọc Ánh ở Bắc hà, Em Nguyễn Thị Hà ở Bắc Giang đang học tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Linh ở Đồng Xa, Mai ở Bãi Rồng, Bé Linh Sao ở Vân Đồn, Cao Mỹ và Thu ở Chiềng khoong cùng toàn thể các bạn nghe đài, chúc mọi người luôn bình an cùng một tết Trung Thu vui vẻ. Mong được làm quen với tất cả các bạn. Em xin cảm ơn quý Đài rất nhiều.
    • tran van son : chau muon gui bai hat tinh ban toi nha chau va cac ban cung hoc lop 11d bai hat tinh ban chuc cac ban hoc tot nhe
    • khien nguyen: tu lau em da biet den chuong trinh hoc tieng pho thong Trung Quoc cua quy dai. thong qua chuong trinh em cung biet them nhieu chuong trinh khac. thong qua chuong trinh toi thu 7 em muon gui bai hat "doi canh tang hinh" toi mot nguoi dac biet, anh co biet danh la "gau truc" voi loi nhan: em chuc anh gau truc hoc tot, gio la thoi diem rat quan trong vi day da sap la nam cuoi cua chung minh roi bang moi gia thi anh phai no luc phan dau de duoc bang gioi de co the tiep tuc hoc lien thong len dai hoc de thuc hien uoc mo cua chung minh. anh hay luon nho rang luc nao em cung luon o ben canh anh.
    Xem tiếp>>