• Ban tiếng Việt Nam
  • Các trang trên Facebook
  • Vài nét về CRI
  • Mồng 4 Tết : Điểm lại 4 cụm từ khoá hot nhất trong đời sống văn hoá người dân Trung Quốc năm 2015

    2016-02-14 11:34:58     cri


    D/H: Xin chào quý vị và các bạn, chúc mừng năm mới! Hoan nghênh quý vị và các bạn đón nghe chương trình đặc biệt mừng xuân Bính Thân của tiết mục "Tuần san Văn hoá", tôi là Duy Hoa.

    H/A: Chúc mừng năm mới, tôi là Hùng Anh.

    D/H: Thưa quý vị và các bạn, trong chương trình đặc biệt mừng xuân Bính Thân hôm nay, Hùng Anh và Duy Hoa sẽ giới thiệu với quý vị và các bạn 4 cụm từ khoá hot nhất trong đời sống văn hoá người dân Trung Quốc năm 2015.

    H/A: Vâng, ngoài ra, Duy Hoa và Hùng Anh đã chuẩn bị sẵn một số bài hát du dương êm tai mời quý vị và các bạn thưởng thức.

    D/H: Thưa quý vị và các bạn, năm Bính Thân là năm con khỉ, chú khỉ là loài động vật thường thấy trong văn hoá Trung Quốc, xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học, chẳng hạn, Tề Thiên Đại Thánh Tôn Ngộ Không trong tác phẩm kinh điển "Tây Du Ký".

    H/A: Vâng. Tôn Ngộ Không là hình ảnh chú khỉ người Trung Quốc quen thuộc nhất, Tôn Ngộ Không thông minh, hoạt bát, trung thành, căm ghét cái ác, bảo vệ lẽ phải, và chẳng có gì không làm được, là biểu tượng của mưu trí và dũng cảm trong văn hoá dân gian Trung Quốc.

    D/H: Vâng. Ngay vào đời nhà Hán Trung Quốc, cách đây khoảng 2000 năm, người dân Trung Quốc đã coi chú khỉ là động vật tốt lành, chủ yếu là vì chữ "Hầu" có nghĩa là "con khỉ" trong tiếng Trung có âm đọc giống với chữ "Hầu" có nghĩa là "hầu tước", trong nhiều tranh vẽ, hình ảnh chú khỉ đều có nghĩa là "phong hầu".

    H/A: Đúng vậy. Chẳng hạn, hình ảnh chú khỉ leo lên cây phong bắt lấy một chiếc ấn, có nghĩa là "đeo ấn phong hầu"; còn hình ảnh chú khỉ cưỡi trên lưng ngựa, có nghĩa là "Mã thượng phong hầu", tức là "được phong hầu ngay".

    D/H: Vâng. Còn hình ảnh hai chú khỉ ngồi trên cây tùng, hoặc hai chú khỉ cõng nhau, có nghĩa là "Bối bối phong hầu", tức là "đời đời phong hầu".

    H/A: Vâng. Qua những ví dụ kể trên, chúng ta đã biết chú khỉ được người Trung Quốc coi là loài động vật mang lại tốt lành và vận may. Vậy thì Hùng Anh cũng chúc mọi người chúng ta sẽ gặp nhiều vận may và điều tốt lành trong năm Bính Thân.

    D/H: Trước khi bắt đầu chương trình "Điểm lại 4 cụm từ khoá hot nhất trong đời sống văn hoá người dân Trung Quốc năm 2015", Hùng Anh và Duy Hoa xin mời quý vị và các bạn thưởng thức bài hát "Tiếng chuông năm mới" mang đậm bầu không khí vui nhộn, sôi động, do nhóm nhạc SNH48 thể hiện.

    H/A: Trên đây quý vị và các bạn vừa nghe là bài hát "Tiếng chuông năm mới" do nhóm nhạc SNH48 thể hiện.

    D/H: Tiếp theo chúng ta cùng bắt đầu điểm lại cụm từ khoá đầu tiên trong đời sống văn hoá người dân Trung Quốc năm 2015, đó là "điện thoại di động".

    H/A: Vâng. Điện thoại di động, nhất là điện thoại di động thông minh đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hoá và kinh tế của người dân Trung Quốc.

    D/H: Vâng. Người Trung Quốc không những dùng di động chát với bạn bè, chơi trò chơi, mà còn đọc sách, xem phim, chuyển khoản, mua sắm trực tuyến, thanh toán, gọi xe, mua vé xem phim và chọn chỗ ngồi, v.v.

    H/A: Vâng. Ở Trung Quốc, điện thoại di động có nhiều chức năng không thể thiếu được trong cuộc sống hiện đại.

    D/H: Vâng, chính vì vậy, người Trung Quốc thường nói nếu đi dạo phố có quên mang theo ví cũng không sao, chỉ cần mang theo di động thì chẳng có gì phải lo cả.

    H/A: Đúng vậy. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, điện thoại di động cũng là công cụ rất quan trọng, người dân Trung Quốc đã quen dùng những ứng dụng (APP) như Wechat cài đặt trên điện thoại di động để chúc Tết nhau.

    D/H: Vâng. Những năm qua, người dân Trung Quốc còn thích chơi trò chơi "Gửi tặng phong bao lì-xì điện tử" trên ứng dụng Wechat và Alipay, tạo nên bầu không khí ăn Tết sôi động.

    H/A: Để trò chơi "Gửi tặng phong bao lì-xì điện tử" thú vị hơn, người Trung Quốc thường áp dụng quy tắc chơi là: Mỗi lần gửi tặng phong bao lì-xì, chia cho một vài người theo cơ chế ngẫu nhiên, người nào may mắn nhất, nhận được phong bao lì-xì có tiền nhiều nhất thì người ấy tiếp tục gửi tặng phong bao lì-xì.

    D/H: Thông qua trò chơi "Gửi tặng phong bao lì-xì điện tử" này, người thân và bạn bè dù xa cách như thế nào, cũng như đang ở bên cạnh nhau, cùng trò chuyện về phong tục ăn Tết, cùng chơi trò chơi, tạo nên bầu không khí tươi vui và sôi động.

    H/A: Trong năm 2015, người dân Trung Quốc còn rất thích trò chơi "Lắc điện thoại di động" do các đài truyền hình hợp tác với Wechat đưa ra, khán giả chỉ cần "lắc điện thoại di động" trong khi xem tiết mục truyền hình, thì có thể nhận được phong bao lì xì.

    D/H: Sau đây, chúng ta cùng xem hai con số để cảm nhận hoạt động "Lắc điện thoại di động" đã thịnh hành và được hoan nghênh ở Trung Quốc như thế nào. Số liệu năm 2015 cho thấy, trong thời gian phát sóng chương trình Đêm Liên hoan mừng xuân năm mới của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, mọi người đến từ 185 nước đã lắc điện thoại di động 11 tỷ lần để được nhận phong bao lì-xì.

    H/A: Năm 2015, lớp trẻ Trung Quốc rất thích dùng điện thoại di động mua vé xem phim và chọn chỗ ngồi, chứ không phải đến quầy bán vé ở rạp xếp hàng mua vé như trước kia.

    D/H: Khán giả dùng điện thoại di động đặt mua vé và chọn chỗ ngồi không những bớt được phiền phức phải đến rạp sớm mới chọn được chỗ ngồi đẹp, mà còn được hưởng ưu đãi về giá, thông thường giá vé đặt qua mạng chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 giá vé mua tại quầy bán vé ở rạp

    H/A: Chính vì điện thoại di động thông minh có nhiều chức năng như trên, người Trung Quốc đã bỏ ra rất nhiều thời gian để xem di động, số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Nielson cho thấy, người Trung Quốc bình quân mỗi ngày sử dụng điện thoại di động thông minh 170 phút, trong khi đó, người Mỹ là 147 phút.

    D/H: Vì vậy, có nhiều người lo lắng, thiết bị điện tử đang thay thế giao lưu trực tiếp giữa người và người.

    H/A: Giới thiệu xong cụm từ khoá "Điện thoại di động" trong đời sống văn hoá của người Trung Quốc, sau đây Duy Hoa và Hùng Anh mời quý vị và các bạn thưởng thức bài hát "Niên Luân", bài hát trong bộ phim truyền hình "Hoa Thiên Cốt", do ca sĩ Trương Bích Thần thể hiện.

    D/H: Trên đây, quý vị và các bạn đã thưởng thức bài hát "Niên luân" do ca sĩ Trương Bích Thần thể hiện, đây là một bài hát được nhiều fan yêu thích trong năm 2015.

    H/A: Tiếp theo, Duy Hoa và Hùng Anh xin giới thiệu cụm từ khoá thứ hai trong đời sống văn hoá người Trung Quốc năm 2015, đó là "Phim cổ trang".

    D/H: Năm 2015, Trung Quốc có nhiều bộ phim truyền hình hay và xuất sắc, vừa để lại ấn tượng sâu sắc, vừa nhận được sự đánh giá cao của khán giả. Trong đó, hai bộ phim cổ trang "Lang Gia Bảng" và "Mễ Nguyệt Truyện" đã gây "sốt" tại Trung Quốc.

    H/A: Vâng. "Giang tả Mai lang, kỳ lân tài tử, đắc chi khả đắc thiên hạ". Đây là lời thoại nổi tiếng trong bộ phim "Lang Gia Bảng".

    D/H: Bộ phim "Lang Gia Bảng" chuyển thể từ tiểu thuyết mạng cùng tên của tác giả Hải Yến, kể lại câu chuyện xoay quanh nhân vật "Kỳ lân tài tử" Mai Trường Tô.

    H/A: Mai Trường Tô vốn là phó tướng Lâm Thù của quân Xích Diễm. 12 năm trước, do bị kẻ gian hãm hại, cả đội quân Xích Diễm 70 nghìn người bị kết tội mưu phản và tiêu diệt tại Mai Lĩnh, chỉ có phó tướng Lâm Thù sống sót, nhưng bị trúng độc.

    D/H: 12 năm sau, Lâm Thù thay đổi hoàn toàn diện mạo, trở thành "Kỳ lân tài tử" Mai Trường Tô, thành lập Giang Tả Minh, trở về kinh đô với thân phận là tài tử số 1 trong "Lang Gia Bảng".

    H/A: Với oán thù sâu như biển cả, Mai Trường Tô đã ngấm ngầm giúp đỡ bạn thân ngày xưa Tĩnh Vương xoay xở trong cuộc tranh đấu giữa Thái Tử và Dự Vương.

    D/H: Trong quá trình này, Mai Trường Tô đã trùng phùng với Quận chúa Nghê Hoàng, vợ chưa cưới trước kia, nhưng lại không dám nhận nhau.

    H/A: Nhằm rửa sạch oan tình, chấn hưng đất nước, Mai Trường Tô tuy sức khoẻ yếu đuối, nhưng vẫn kiên quyết giúp Tĩnh Vương lên ngôi Thái Tử, quá trình này hết sức gian nan và nguy hiểm.

    D/H: Tuy bộ phim "Lang Gia Bảng" có cốt chuyện hư cấu lịch sử, nhưng nội dung được đánh giá vô cùng chặt chẽ, bộ phim này không những đã gây sốt ở Trung Quốc và cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, mà còn được phát sóng ở Mỹ, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, v.v, và được Tổng Công ty Truyền hình Quốc tế Trung Quốc trọng điểm giới thiệu tại Liên hoan Truyền hình châu Phi.

    H/A: Trên trang mạng douban, mạng xã hội với mô hình người dùng tạo ra nội dung (UGC) nổi tiếng của Trung Quốc, bộ phim "Lang Gia Bảng" được chấm điểm 9,2, một điểm số rất cao.

    D/H: Sau đây, mời quý vị và các bạn thưởng thức bài hát "Khi gió thổi", bài hát trong phim "Lang Gia Bảng", do diễn viên Hồ Ca đóng vai Mai Trường Tô thể hiện.

    H/A: Trên đây, quý vị và các bạn vừa nghe là bài hát "Khi gió thổi", bài hát trong bộ phim truyền hình cổ trang "Lang Gia Bảng".

    D/H: Tiếp sau bộ phim "Lang Gia Bảng", bộ phim truyền hình "Mễ Nguyệt Truyện" dài 81 tập đã tiếp tục gây sốt màn ảnh nhỏ Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu của khán giả Trung Quốc đang mê mẩn dòng phim cổ trang.

    H/A: Tuy bộ phim truyền hình "Mễ Nguyệt Truyện" có tỷ lệ thu xem cao, nhưng chưa nhận được đánh giá cao như bộ phim "Lang Gia Bảng".

    D/H: Bộ phim "Mễ Nguyệt Truyện" kể lại câu chuyện của Mễ Nguyệt, Hoàng Thái Hậu buông rèm nhiếp chính đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

    H/A: Bộ phim truyền hình này có cốt truyện như sau: Trong thời kỳ Chiến Quốc, Mễ Nguyệt là công chúa nước Sở, được vua cha Sở Uy Vương chiều chuộng nhất.

    D/H: Sau khi Sở Uy Vương qua đời, cuộc sống của Mễ Nguyệt đã thay đổi hoàn toàn, mẹ nàng là Hướng thị bị Sở Uy Hậu trục xuất khỏi cung, Mễ Nguyệt cùng em trai Mễ Nhung đã tránh khỏi nhiều tai hoạ và nguy hiểm.

    H/A: Ngay từ thuở nhỏ, Mễ Nguyệt và công tử Hoàng Yết là đôi bạn thanh mai trúc mã, hai người cảm mến và yêu nhau, nhưng Mễ Nguyệt buộc phải đi cùng với chị gái Mễ Khu đến nước Tần vừa với thân phận là em gái đi theo hầu vừa làm vợ lẽ của Tần Huệ Văn Vương.

    D/H: Từ đó, Công chúa Mễ Khu trở thành Vương Hậu nước Tần, Mễ Nguyệt trở thành phi tần được vua Tần Huệ Văn Vương cưng chiều.

    H/A: Sau khi Mễ Nguyệt sinh con trai Doanh Tắc, tình cảm chị em giữa Mễ Khu và Mễ Nguyệt dần dần tan vỡ.

    D/H: Sau đó, các hoàng tử tranh giành ngôi vua, Tần Huệ Văn Vương tên là Doanh Tứ qua đời trong tâm trạng nuối tiếc và ân hận.

    H/A: Sau khi Tần Huệ Văn Vương qua đời, Mễ Nguyệt và con trai bị lưu đày tới nước Yến xa xôi.

    D/H: Không ngờ, Tần Vũ Vương Doanh Đãng chết vì bị thương quá nặng do nâng đỉnh, nước Tần rơi vào cảnh hỗn loạn. Nhờ lực lượng quân đội nước Nghĩa Cừ, Mễ Nguyệt và con trai được trở về nước Tần, dẹp yên loạn lạc trong nước Tần.

    H/A: Con trai của Mễ Nguyệt tên là Doanh Tắc đăng quang, là vua Tần Chiêu Tương Vương trong lịch sử. Mễ Nguyệt là người đầu tiên tự xưng Hoàng Thái Hậu trong lịch sử Trung Quốc, được gọi là Tuyên Thái Hậu.

    D/H: Khác với bộ phim "Lang Gia Bảng", bộ phim "Mễ Nguyệt Truyện" cải biên từ câu chuyện của Tần Tuyên Thái Hậu, nhân vật có thật trong lịch sử.

    H/A: Vâng. Do câu chuyện trong phim không phải là hư cấu, nên khó tránh khỏi bị những khán giả "tinh mắt" phát hiện ra những sai sót về trang phục, hoá trang, đạo cụ và sự thật lịch sử.

    D/H: Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, bộ phim "Mễ Nguyệt Truyện" là một bộ phim truyền hình dài tập hấp dẫn.

    H/A: Sau đây, mời quý vị và các bạn thưởng thức bài hát "Mễ Nguyệt Truyện", bài hát chủ đề của bộ phim "Mễ Nguyệt Truyện", do ca sĩ Nguyên Tử Phi thể hiện.

    D/H: Trên đây, quý vị và các bạn đã nghe bài hát "Mễ Nguyệt Truyện" do ca sĩ Nguyên Tử Phi thể hiện.

    H/A: Tiếp theo, Duy Hoa và Hùng Anh xin điểm lại cụm từ khoá thứ 3 trong đời sống văn hoá người Trung Quốc năm 2015, đó là "chương trình thực tế".

    D/H: Vâng. Những năm qua, là chương trình giải trí được đông đảo khán giả hoan nghênh, chương trình thực tế xuất hiện hàng loạt trên kênh vệ tinh của rất nhiều đài truyền hình của Trung Quốc.

    H/A: Trong số các chương trình truyền hình thực tế này, phần lớn là bắt nguồn từ Hàn Quốc, chẳng hạn như "Bố ơi, mình đi đâu thế", "Tôi là ca sĩ", "Anh em chạy trốn mau", "Thử thách cực hạn", "Tôi đi học đấy", "Minh yêu nhau đi", v.v.

    D/H: Vâng. Khán giả từng đánh giá chương trình thực tế "Thử thách cực hạn" như sau: Chương trình giải trí này có nội dung mới mẻ và đầy kịch tính, thể hiện sinh động tính cách của các ngôi sao tham gia chương trình, có các trò chơi đặc sắc thể hiện trí thông minh.

    H/A: Vâng. Chính vì vậy, những chương trình giải trí bắt nguồn từ Hàn Quốc này rất được khán giả Trung Quốc yêu thích.

    D/H: Vâng. Chương trình "Anh em chạy trốn mau" và "Tôi là ca sĩ" đã đứng đầu bảng về tỷ lệ thu xem trong toàn bộ chương trình được phát sóng cùng một thời gian, trở thành đề tài thảo luận sôi nổi của người dân Trung Quốc trong thời gian rảnh rỗi.

    H/A: Bám sát văn hoá là một trong những nguyên nhân mà các chương trình giải trí bắt nguồn từ Hàn Quốc gây sốt tại Trung Quốc.

    D/H: Vâng. Vì Trung Quốc và Hàn Quốc có quan niệm giá trị và lối tư duy khá giống nhau, cho nên các chương trình giải trí được bản địa hóa nhanh chóng và dễ được khán giả chấp nhận sau khi được nhập vào Trung Quốc.

    H/A: Điều đáng chú ý là, đông đảo ê-kíp sản xuất chương trình giải trí của Trung Quốc không những mời ê-kíp Hàn Quốc tham gia dàn dựng chương trình, mà còn hợp tác với họ khai thác mô hình chương trình mới.

    D/H: Trong bối cảnh các chương trình giải trí bắt nguồn từ Hàn Quốc xuất hiện dầy đặc trên màn ảnh nhỏ Trung Quốc, điều đáng mừng là những chương trình giải trí do Trung Quốc tự sáng tạo như "Bài hát hay Trung Quốc", "Người bạn diệu kỳ", "Chiến đấu vì cô ấy", "Bao la vùng trời", v.v. cũng được nhiều khán giả yêu thích.

    H/A: Có khán giả đánh giá rằng, dù về thiết kế các trò chơi, hay về sự biểu hiện của người dẫn chương trình và khách mời tham gia chương trình, những chương trình giải trí do Trung Quốc tự sáng tạo đều không hề kém so với chương trình giải trí Hàn Quốc.

    D/H: Điều này chứng tỏ, dựa vào bản địa, chương trình giải trí của Trung Quốc cũng có thể giành được thành công.

    H/A: Sau đây, mời quý vị và các bạn thưởng thức bài hát "Ding ge long dong qiang", bài hát chủ đề của chương trình thực tế "Ding ge long dong qiang", chương trình giải trí trải nghiệm nghệ thuật tuồng truyền thống Trung Quốc.

    D/H: Trên đây, quý vị và các bạn đã nghe bài hát "Ding ge long dong qiang", bài hát chủ đề của chương trình thực tế cùng tên.

    H/A: Tiếp theo, Duy Hoa và Hùng Anh xin giới thiệu cụm từ khoá thứ 4 trong đời sống văn hoá của người dân Trung Quốc năm 2015, đó là "đề tài giả tưởng".

    D/H: Vâng. Năm 2015, Trung Quốc xuất hiện những bộ phim đề tài khoa học viễn tưởng thu hút nhiều khán giả đến rạp xem, trong đó, bộ phim hài đề tài giả tưởng "Tróc yêu ký" đã lập nhiều kỷ lục về doanh thu phòng vé, đứng đầu trên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé các phim được công chiếu ở Trung Quốc đại lục.

    H/A: Vâng. Phải nói rằng, bộ phim "Tróc yêu ký" đã giành được thành tích vô cùng ấn tượng trên thị trường điện ảnh Trung Quốc.

    D/H: Theo nhiều nhà bình luận phim ảnh, một nguyên nhân mà bộ phim "Tróc yêu ký" thu được thành công là đạo diễn Hứa Thành Nghị dựa vào kinh nghiệm làm việc 26 năm ở Hãng phim hoạt hình DreamWorks, kể lại một câu chuyện nhỏ trong văn hoá truyền thống Trung Quốc một cách sinh động, thú vị, thích hợp cho cả người già lẫn trẻ em.

    H/A: Vâng. Bộ phim "Tróc yêu ký" đã phá vỡ định dạng trước kia, thông qua hình ảnh yêu quái dễ thương, thiện chí và chính nghĩa, khiến bộ phim hướng tới khán giả mọi lứa tuổi, thích hợp cho cả gia đình cùng xem.

    D/H: Vâng. Kể đến bộ phim đề tài giả tưởng và mạo hiểm năm 2015, bộ phim "Tầm Long Quyết" và bộ phim "9 tầng tháp quỷ" là hai bộ phim vô cùng ấn tượng.

    H/A: Đúng vậy. Hai bộ phim này đều chuyển thể từ tiểu thuyết mạng đề tài trộm mộ "Ma thổi đèn", hiệu quả đặc biệt về thị giác của hai bộ phim này cũng được đông đảo khán giả đánh giá cao.

    D/H: Nhất là bộ phim "Tầm Long Quyết" đã nhận được sự yêu thích của nhiều fan, họ cho rằng bộ phim "Tầm Long Quyết" có tình tiết hay và hiệu quả thị giác cao, còn có người đánh giá rằng, bộ phim này sắp đạt trình độ phim Hô-li-út Mỹ.

    H/A: Vâng. Trên trang mạng douban, bộ phim "Tầm Long Quyết" được cư dân mạng chấm điểm 7,9, một điểm số không thấp.

    D/H: Năm 2015, bộ tiểu thuyết "Tam Thể" của nhà văn Trung Quốc Lưu Từ Hân được trao giải Hugo, giải thưởng quốc tế nổi tiếng dành cho tác phẩm khoa học viễn tưởng.

    H/A: Cùng với công nghệ, hiệu quả thị giác của điện ảnh Trung Quốc ngày càng tiến bộ, chúng ta tin tưởng rằng, tác phẩm văn học khoa học viễn tưởng Trung Quốc có triển vọng được chuyển thể thành phim đề tài khoa học viễn tưởng xuất sắc.

    D/H: Vâng. Duy Hoa mong sao bộ phim "Tam Thể" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên dự định ra mắt khán giả vào năm 2016 sẽ là một bộ phim ấn tượng và hấp dẫn.

    H/A: Sau đây, mời quý vị và các bạn thưởng thức bài hát "Tầm Long Quyết", bài hát chủ đề của bộ phim "Tầm Long Quyết", do diễn viên Trần Khôn đóng vai Hồ Bát Nhất thể hiện.

    D/H: Trên đây, quý vị và các bạn đã nghe bài hát "Tầm Long Quyết", bài hát chủ đề của bộ phim cùng tên, do diễn viên Trần Khôn thể hiện.

    H/A: Thưa quý vị và các bạn, trên đây Duy Hoa và Hùng Anh cùng quý vị và các bạn đã điểm lại 4 cụm từ khoá hot nhất trong đời sống văn hoá người dân Trung Quốc năm 2015. Trước khi kết thúc chương trình đặc biệt mừng xuân Bính Thân hôm nay, Hùng Anh xin chúc quý vị và các bạn năm mới vui vẻ, sức khỏe dồi dào, an khang, hạnh phúc.

    D/H: Duy Hoa xin chúc quý vị và các bạn năm mới gặt hái được nhiều may mắn và hạnh phúc. Cảm ơn quý vị và các bạn đã đón nghe chương trình đặc biệt mừng xuân Bính Thân của tiết mục "Tuần san Văn hóa". Duy Hoa

    H/A: Hùng Anh

    Hợp: Xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào tiết mục "Tuần san Văn hoá" kỳ tới.

    Lời lưu ký
    Tin ảnh
    Tin cập nhật
    Ca nhạc theo yêu cầu thính giả
    • vu minh tuan : Bài I HAVE A DREAM của nhóm ABBA hay đấy.chúc mọi người vui vẻ,hạnh phúc.mong đc làm quen với mọi người qua sđt 01695317285
    • Giàng A Sênh : Em chào tất cả các anh chị trong ban tiếng Việt Nam. Chúc các anh chị có một sức khỏe thật bình an và luôn công tác tốt. Vậy là sắp đến tết Trung Thu rồi, em xin chúc các anh chị trong Ban tiếng Việt Nam có một tết trung thu thật vui vẻ và tràn đầy tiếng cười. Nhân dịp Trung Thu, xin quý Đài gửi hộ em bài hát CHÚC BẠN BÌNH AN tới Chị Ngọc Ánh ở Bắc hà, Em Nguyễn Thị Hà ở Bắc Giang đang học tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Linh ở Đồng Xa, Mai ở Bãi Rồng, Bé Linh Sao ở Vân Đồn, Cao Mỹ và Thu ở Chiềng khoong cùng toàn thể các bạn nghe đài, chúc mọi người luôn bình an cùng một tết Trung Thu vui vẻ. Mong được làm quen với tất cả các bạn. Em xin cảm ơn quý Đài rất nhiều.
    • tran van son : chau muon gui bai hat tinh ban toi nha chau va cac ban cung hoc lop 11d bai hat tinh ban chuc cac ban hoc tot nhe
    • khien nguyen: tu lau em da biet den chuong trinh hoc tieng pho thong Trung Quoc cua quy dai. thong qua chuong trinh em cung biet them nhieu chuong trinh khac. thong qua chuong trinh toi thu 7 em muon gui bai hat "doi canh tang hinh" toi mot nguoi dac biet, anh co biet danh la "gau truc" voi loi nhan: em chuc anh gau truc hoc tot, gio la thoi diem rat quan trong vi day da sap la nam cuoi cua chung minh roi bang moi gia thi anh phai no luc phan dau de duoc bang gioi de co the tiep tuc hoc lien thong len dai hoc de thuc hien uoc mo cua chung minh. anh hay luon nho rang luc nao em cung luon o ben canh anh.
    Xem tiếp>>