• Ban tiếng Việt Nam
  • Các trang trên Facebook
  • Vài nét về CRI
  • Những ngày đầu đến Bắc Kinh

    2015-07-23 17:56:24     CRIonline

    N: Nam Dương xin chào mừng quý vị và các bạn đến với tiết mục Ống kính ASEAN phát vào tối thứ 4 hàng tuần và phát lại vào tối thứ 5.

    M: Mẫn Linh xin chào quý vị và các bạn. Các bạn thân mến, tập san dành riêng cho sinh viên Việt Nam đang theo học tại Trung Quốc "Cầu vồng Hữu nghị" ba tháng ra một số đã xuất bản số đầu tiên vào Quý I năm 2015, Ban Tiếng Việt Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc CRI sẽ tiếp tục hợp tác với Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh đồng xuất bản những số tiếp theo.

    N: Các bài viết trong tập san "Cầu vồng Hữu nghị" do chính các bạn sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường Đại học trên toàn thành phố Bắc Kinh gửi về cho Ban biên tập.

    M: Các bài viết trong tập san có nội dung hết sức phong phú và đa dạng. Có bài là những trải nghiệm chân thực, thú vị của các bạn sinh viên về đời sống du học, kinh nghiệm xin học bổng ở Trung Quốc, cũng có bài viết là công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng của các nghiên cứu sinh, đặc biệt rất nhiều bạn sinh viên mong muốn thông qua tập san này có thể quảng bá tới bạn bè quốc tế về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. "Cầu vồng Hữu nghị" còn là nơi để những cây viết không chuyên có cơ hội được thể hiện khả năng sáng tác thơ văn của mình.

    N: Vâng. Trong tiết mục hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một bài viết trong tập san "Cầu vồng Hữu nghị" số Quý Ⅱ.

    M: Vâng. Đây là bài viết của bạn Nguyễn Thị Thủy, sinh viên Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh: "Những ngày đầu đến Bắc Kinh".

    N: Xin mời Mẫn Linh.

    "Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh"

    Thấm thoát đã hai năm đặt chân đến Bắc Kinh. Hai năm không phải là quãng thời gian dài nhưng cũng đủ để cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị.

    Nhớ lúc nhận giấy báo nhập học, tim đập rộn ràng, lòng háo hức mong chờ được trải nghiệm cuộc sống du học như đúng mục đích khi nộp hồ sơ, trong đầu tưởng tượng đủ thứ mình sẽ được trải qua. Lo lắng cho ngày đầu đến Bắc Kinh, mình lên mạng tìm hiểu hết các diễn đàn người học tiếng Trung, diễn đàn người đi du học để mong có thể gặp được người cùng trường "Khoa kỹ". Một buổi sáng check mail, mình nhảy lên vì thích thú khi có anh Minh trả lời lại cũng sang nhập học cùng, lại vui mừng hơn nữa khi qua rất nhiều sự trợ giúp đã liên hệ được với chị Hà - người đã học ở "Khoa kỹ" một năm và đang về Việt Nam nghỉ hè. Ba anh chị em hẹn nhau ngày cùng bay sang Bắc Kinh.

    Trước khi đi vài hôm, mình đột nhiên bị ốm, người nóng như hòn than, cả nhà ai cũng lo lắng. Bố mẹ mang cháo, mang thuốc vào tận giường cưng nựng, hai đứa em quấn quýt không rời chị. Dù mệt nhưng vẫn gắng dậy ăn cháo, uống thuốc. Nước mắt trào ra vì cảm động trước tình cảm gia đình, thương bố mẹ lo cho con mà cả đêm thức trắng. Ngày đi sắp đến, người dù vẫn chưa khỏi ốm hẳn nhưng mình muốn bố mẹ bớt lo lắng nên giả vờ đã khỏe, ngồi dậy chơi, tươi cười nói chuyện với bà con hàng xóm đến chia tay. Làng quê nhỏ tuy nghèo nhưng tình người ấm áp.

    Ngày đưa con gái ra sân bay, bố mẹ rơi nước mắt thương đứa con gái bé bỏng xa nhà, hai đứa em mắt khóc đỏ hoe vì chia tay chị gái. Dù đã dặn lòng phải mạnh mẽ để cả nhà không phải lo lắng nhưng không thể ngăn nổi nước mắt rơi, thầm nhủ với lòng mình phải cố gắng học tập để không phụ lòng mọi người. Chia tay gia đình đi học, cảm giác bịn rịn có lẽ chỉ những ai đã đi xa mới có thể hiểu hết.

    Thành lầu Thiên An Môn ở Bắc Kinh

    Gần bốn tiếng ngồi trên máy bay cũng trôi qua. Cảm nhận đầu tiên khi đến đất Bắc Kinh gói gọn trong hai từ "lạ lẫm". Lạ lẫm với khí hậu khô hanh ở nơi đây, lạ lẫm với phương tiện giao thông tàu điện ngầm, lạ lẫm với cách thức cái gì cũng dùng thẻ từ, lạ lẫm với những người anh chị mới quen mà đã coi mình như em út trong nhà. Vừa kéo đống hành lý đến cổng trường thì gặp ngay một người anh đồng hương tên Long, anh ấy đã giúp mình xách đồ vào ký túc xá.

    Vừa tới phòng trực ký túc xá, mình đã được mấy anh chị người Việt nhiệt tình hỏi han. Mình nhút nhát không đủ tự tin để dùng tiếng Trung đã học hai năm ở nhà giao tiếp, tất cả đều nhờ chị Hà nói chuyện với mấy cô quản lý ký túc xá. Công tác nhận phòng ký túc xá diễn ra nhanh chóng.

    Chưa kịp rửa mặt thì đã được chị Hà gọi sang trường "Hàng không" ăn tối. Ngồi ăn cơm mà người cứ mệt như muốn xỉu đi, trong lòng thì nóng như lửa đốt vì chưa báo được con đã đến nơi an toàn với bố mẹ. Các anh chị nhiệt tình, hỏi han và giới thiệu tên, mình có cảm giác như đang ở trong một đại gia đình chứ không phải là nơi đất khách quê người nữa. Anh Tuyên, anh Quang, chị Ly, chị Loan... khoảng hai chục người mình không nhớ nổi tên lúc đó. May sao anh Tuân ngồi gần hỏi chuyện và cho mình mượn điện thoại nhắn tin báo về cho bố mẹ yên tâm.

    Cảm giác mới mẻ và thú vị khi rời trường "Hàng không" về ký túc xá bằng xe điện. Đứng giữa cổng trường mà không thể nhớ nổi phương hướng, các tòa ký túc đều có thiết kế giống nhau. Mười hai giờ đêm về đến phòng, bạn cùng phòng đã ngủ, mình mệt quá cũng nằm thiếp đi.

    Những ngày đầu đến chưa mua sim điện thoại, chưa có internet, mình như bị lạc lõng giữa cái thành phố rộng lớn này, tối đến đắp chăn nằm khóc nức nở vì ốm chưa khỏi, vì nhớ nhà, nhớ lúc ốm đau ở nhà có bố mẹ ở bên chăm sóc. Mình cũng chưa quen với đồ ăn bên này. Thời gian đầu thường phải ở phòng ăn mì tôm mang từ Việt Nam cho qua bữa. Người chỉ sau vài hôm mà gầy rộc ra. Mình không dám ra khỏi phòng một mình vì sợ lạc đường, cũng chưa quen với cách chỉ đường theo hướng Đông – Tây – Nam – Bắc của người Trung Quốc.

    Một tuần sau mình khỏi ốm, bắt đầu đi học trên lớp. Những khó khăn ban đầu dần được khắc phục. Nhà trường phát sim điện thoại cho sinh viên, mình cũng nhờ được anh chị khóa trên cách dùng internet. Mình sắm sửa đồ dùng nấu ăn và tự nấu những món ăn mình thích. Nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị Việt Nam cùng trường mà cuộc sống của mình dần đi vào ổn định. Mình tự tin hơn trong việc dùng tiếng Trung giao tiếp. Có thể tự đi ra ngoài một mình, tự mua đồ nấu ăn ở chợ. Ngoài thời gian lên lớp, lúc rảnh rỗi lại được các anh chị đưa đi chơi, khám phá Bắc Kinh. Nỗi nhớ nhà cũng nguôi ngoai khi hòa nhịp được vào cuộc sống ở nơi đây.

    Mình thấy trưởng thành hơn sau hai năm đi học xa nhà. Những khó khăn vất vả buổi đầu đem đến cho mình nhiều trải nghiệm hơn trong cuộc sống. Thầm cảm ơn những người anh, người chị đã giúp đỡ những lúc mình yếu đuối, nản lòng. Một mùa hè nữa lại sắp đến, sẽ có người đi và người ở lại nhưng kỷ niệm khoảng thời gian cùng sống ở Bắc Kinh với nhau thì sẽ còn mãi ở trong tim mỗi người.

    Nguyễn Thị Thủy

    Đại học Khoa học và Kỹ thuật Bắc Kinh

    N: Các bạn thân mến, chúng tôi đã hoàn thành thiết kế và in tập san "Cầu vồng Hữu nghị" số Quý Ⅱ. Ban biên tập hy vọng tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa tác phẩm của các bạn cho các số tới, đặc biệt là bài viết của các bạn sinh viên Trung Quốc đang lưu học tại Việt Nam và các bạn sinh viên Việt Nam đang học tập và có ý định lưu học tại các trường đại học ở những tỉnh thành khác của Trung Quốc, để chúng ta có cơ hội tăng cường hiểu biết về đời sống học tập và sinh hoạt của sinh viên Việt trên khắp nước bạn.

    M: Vâng. Những bài viết được chọn đăng, tác giả sẽ được hưởng nhuận bút theo quy định, đồng thời được tặng từ 02-05 số báo. Để thuận lợi cho việc chi trả nhuận bút, mỗi bài viết gửi về cần ghi rõ các thông tin: Tên tác giả (giống như tên trong hộ chiếu), tên trường đang theo học, số hộ chiếu, địa chỉ nhận thư, Zip code, điện thoại, email. Địa chỉ nhận bài viết: Bientap@hotmail.com

    N: Các bạn cũng có thể viết thư điện tử hoặc lưu ký trên các chuyên trang Facebook của Đài chúng tôi để xin tập san "Cầu vồng Hữu nghị" số Quý Ⅱ, chúng tôi sẽ kịp thời gửi cho các bạn nếu có họ, tên và địa chỉ nhận thư đầy đủ.

    M: Vâng. Kết thúc tiết mục, mời các thưởng thức bài hát "Cuốn sổ tay tôi luyện tuổi thanh xuân" do nhóm nhạc trẻ Trung Quốc TFBOYS trình bày.

    N: Lời ca có câu: Tuổi trẻ có nhiều điều không dự đoán trước được, nỗi buồn của tuổi dậy thì không đáng kể gì. Chúng tôi mong đợi các bạn cho biết nỗi buồn, nỗi vui của bạn thông qua bài viết gửi cho chúng tôi.

    M: Tiết mục hôm nay đến đây là hết. Mẫn Linh và Nam Dương xin thân ái chào các bạn.

    Lời lưu ký
    Tin ảnh
    Tin cập nhật
    Ca nhạc theo yêu cầu thính giả
    • vu minh tuan : Bài I HAVE A DREAM của nhóm ABBA hay đấy.chúc mọi người vui vẻ,hạnh phúc.mong đc làm quen với mọi người qua sđt 01695317285
    • Giàng A Sênh : Em chào tất cả các anh chị trong ban tiếng Việt Nam. Chúc các anh chị có một sức khỏe thật bình an và luôn công tác tốt. Vậy là sắp đến tết Trung Thu rồi, em xin chúc các anh chị trong Ban tiếng Việt Nam có một tết trung thu thật vui vẻ và tràn đầy tiếng cười. Nhân dịp Trung Thu, xin quý Đài gửi hộ em bài hát CHÚC BẠN BÌNH AN tới Chị Ngọc Ánh ở Bắc hà, Em Nguyễn Thị Hà ở Bắc Giang đang học tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Linh ở Đồng Xa, Mai ở Bãi Rồng, Bé Linh Sao ở Vân Đồn, Cao Mỹ và Thu ở Chiềng khoong cùng toàn thể các bạn nghe đài, chúc mọi người luôn bình an cùng một tết Trung Thu vui vẻ. Mong được làm quen với tất cả các bạn. Em xin cảm ơn quý Đài rất nhiều.
    • tran van son : chau muon gui bai hat tinh ban toi nha chau va cac ban cung hoc lop 11d bai hat tinh ban chuc cac ban hoc tot nhe
    • khien nguyen: tu lau em da biet den chuong trinh hoc tieng pho thong Trung Quoc cua quy dai. thong qua chuong trinh em cung biet them nhieu chuong trinh khac. thong qua chuong trinh toi thu 7 em muon gui bai hat "doi canh tang hinh" toi mot nguoi dac biet, anh co biet danh la "gau truc" voi loi nhan: em chuc anh gau truc hoc tot, gio la thoi diem rat quan trong vi day da sap la nam cuoi cua chung minh roi bang moi gia thi anh phai no luc phan dau de duoc bang gioi de co the tiep tuc hoc lien thong len dai hoc de thuc hien uoc mo cua chung minh. anh hay luon nho rang luc nao em cung luon o ben canh anh.
    Xem tiếp>>