ong kinh ASEAN 2015-06-10
|
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam bế mạc mới đây đã xem xét dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội Việt Nam có ý kiến khác nhau đối với những quy định mới về họ, tên trong dự thảo.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, so với Bộ luật Dân sự hiện hành, dự thảo bổ sung thêm phần "chữ đệm". Ủy ban đề nghị cân nhắc vì việc sử dụng "Họ và tên" từ trước đến nay đã trở thành thông dụng. Việc thay đổi liệu có cần thiết không và có dẫn tới việc phải thay đổi các loại giấy tờ, văn bản hành chính hay không?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh quy định về họ, tên nên trên cơ sở duy trì nền nếp văn hóa Việt Nam; đồng thời bày tỏ: "Điều rất lạ là khi Việt kiều về nước thì dùng tên Việt Nam như Thanh Bùi, Phi Nhung, nhưng người Việt Nam ở Việt Nam lại có tên tiếng Việt kèm theo tiếng Tây".
Về việc khống chế họ, tên và chữ đệm không quá 25 chữ cái, có đại biểu cho rằng điều này là hợp lý. Vì thực tế có trường hợp đặt tên quá dài, có tên 30 đến 40 chữ cái, ảnh hưởng đến việc thể hiện trên hồ sơ, đưa vào danh mục và giao dịch.
Tuy nhiên, có đại biểu nhận xét: "Quy định họ tên không quá 25 chữ cái là vượt qua Hiến pháp. Tên dài có ảnh hưởng gì tới đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng đâu! Nên khuyến khích người dân đặt tên ngắn vì đặt tên phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tới con cái của họ, chứ không nên áp đặt".
Thực ra, rất nhiều nước đều đưa ra quy định về họ, tên công dân nước mình. Ví dụ như Trung Quốc. Trung Quốc có "Điều lệ về đăng ký họ, tên", trong đó có quy định họ, tên của công dân Trung Quốc gồm hai bộ phận là họ, tên, nên đặt từ 2 chữ Hán trở lên và 6 chữ Hán trở xuống. Tất nhiên, họ, tên của người dân các dân tộc thiểu số ngoại lệ. Ngoài ra, "Điều lệ" quy định, họ, tên không được bao gồm những nội dung sau đây: 1/Phương hại tới tôn nghiêm quốc gia hoặc dân tộc. 2/Trái với thuần phong mỹ tục; 3/Dễ gây hiểu lầm hoặc phản cảm.
Ở Thái Lan. Họ, tên của người Thái Lan thường bao gồm hai phần, tên trước họ sau, gọi tắt bằng tên. Ví dụ: Prem Tin-su-la-nôn-da, gọi tắt là Prem. Trước họ tên người Thái Lan thường có một tiền tố, tiền tố này chia thành ba loại. Thứ nhất là bình dân, tiền tố của tên nam giới là Nai, tiền tố của tên phụ nữ đã lập gia đình gọi là Nang, thiếu nữ thì là Nang-Sao. Thứ hai là quý tộc. Tiền tố này do Nhà vua ban tặng, tước vị từ cao đến thấp là Chao-Phya, Phya, Phra, Luang, Khun, có nghĩa là nếu trong tên người Thái Lan có những chữ này, thì người đó thuộc tầng lớp quý tộc ở Thái Lan. Loại thứ ba là Hoàng gia, thường chia theo mức độ thân sơ với Nhà vua, ví dụ Phra-Nang là chỉ Hoàng hậu, Chao-Fa là Công chúa hoặc Hoàng thái tử, v.v.
Còn ở In-đô-nê-xi-a, do có nhiều dân tộc và tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, nên họ tên của người dân In-đô-nê-xi-a cũng khá phức tạp. Tín đồ Hồi giáo hoặc tại những khu vực chịu ảnh hưởng lớn của Hồi giáo, mọi người thường đặt tên theo tên Hồi giáo, như Ali, Mohammed,... Tại những khu vực này, chỉ có họ của quý tộc mới được truyền từ đời này sang đời khác. Những người thuộc tầng lớp quý tộc không những có họ và tên, mà trước tên còn có tiền tố đại diện cho giới quý tộc như Sultan, Raden,... Còn họ của dân thường thì mỗi thế hệ đều khác nhau. Ví dụ tên Ali Sastroamidjojo, có thể gọi là Ali, cũng có thể gọi là Sastroamidjojo. Do người đặt tên Ali quá đông, nên thường gọi Sastroamidjojo. Còn những tín đồ Cơ đốc giáo hoặc tại khu vực chịu ảnh hưởng của Cơ đốc giáo, bất kể quý tộc hay dân thường, thường sử dụng tên Cơ đốc giáo, cũng có họ cố định. Ví dụ tên Hen-ri A-lếch Ru-đóp Ti-la (Henry Alexis Rudolf Tilaar), Tilaar là họ, còn lại đều là tên hết.
Ở Ma-lai-xi-a, chủ yếu có ba dân tộc là dân tộc Mã Lai, dân tộc Hoa, dân tộc Ấn Độ. Người dân tộc Mã Lai đa số đều theo đạo Hồi, vì vậy họ, tên người Mã Lai có nhiều điểm tương đồng với họ, tên người A-rập. Ví dụ tên Al-Mutawakkil Alallah Sultan Mahmood Iskandar al-Haj Ibni al-Marhum Sultan Ismail, Al-Mutawakkil Alallah Sultan là phong tước, Mahmood Iskandar là tên, al-Haj có nghĩa là người đó từng đến thánh địa Méc-ca hành hương, Ibni có nghĩa là con của ai đó, al-Marhum có nghĩa là đã quá cố, Sultan Ismail là tên và phong tước của bố.
Ở Mi-an-ma, họ, tên người Mi-an-ma đơn giản hơn. Người Mi-an-ma chỉ có tên, không có họ. Người Mi-an-ma thường đặt thêm một chữ trước tên để phân biệt giới tính, bậc đàn anh và đàn em. Trước tên của những người bậc đàn anh hoặc có địa vị xã hội thường có thêm một chữ "U" để bày tỏ lòng kính trọng, ví dụ như Tổng thống Mi-an-ma U Thên Xên, thực ra khi gọi chỉ cần gọi là Tổng thống Thên Xên, đối với đàn ông cùng lứa tuổi hoặc trẻ tuổi, thường thêm chữ "Ko"; đối với thanh thiếu niên hoặc trẻ em thường thêm chữ "Maung", ví dụ như Maung Sithu. Còn tên gọi chung của phụ nữ Mi-an-ma là "Ma", có nghĩa là "chị em". Người phụ nữ lớn tuổi được mọi người tôn trọng, bất kể là đã kết hôn hay chưa đều gọi là "Daw", có nghĩa là cô hoặc dì.
Tên của người dân Cam-pu-chia cũng như tên người Trung Quốc và người Việt Nam, họ trước tên sau, ví dụ như Nhà vua Cam-pu-chia đã quá cố Nô-rô-đôm Xi-ha-núc, Nô-rô-đôm là họ, Xi-ha-núc là tên. Người Cam-pu-chia cũng thường gọi tắt bằng tên như người Trung Quốc và người Việt Nam. Quý tộc và dân thường Cam-pu-chia cũng có khác nhau trong việc kế thừa họ. Thông thường chỉ có quý tộc mới kế thừa họ cha, dân thường thường dùng tên cha làm họ của mình, vì vậy họ của các thế hệ là khác nhau.
Họ, tên người Lào lại khác với tên người Trung Quốc và người Việt Nam, thường là tên trước họ sau, ví dụ Phoun Sipaseut, Phoun là tên, Sipaseut là họ. Người Lào thường gọi tắt bằng tên, tuy nhiên đối với một số người tương đối nổi tiếng thì thường gọi bằng họ. Nếu trước tên người Lào có chữ "Thao" thì có nghĩa là người đó là nam giới, trong khi đó trước tên của phụ nữ là chữ "Niang", còn chữ "Chao" và "Tiao" là xưng hô của giới quý tộc trước cách mạng, còn "Phagna" là danh hiệu do Nhà vua ban tặng. Sau khi kết hôn, phụ nữ Lào thường đổi họ theo chồng.
Trong các nước ASEAN, ngoài Việt Nam ra, từ họ, tên của người dân các nước ASEAN khác có thể phân biệt phần nào thân phận, địa vị xã hội hoặc tín ngưỡng tôn giáo của người đó.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |