ong kinh 2014-11-26
|
Mẫn Linh xin chào mừng quý vị và các bạn đến với tiết mục Ống kính ASEAN hàng tuần của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc.
Các bạn thân mến, hôm nay và trong tiết mục hai tuần sau, Mẫn Linh sẽ giới thiệu với các bạn câu chuyện du học ở Quảng Tây của một số bạn trẻ Việt Nam, và sẽ mời Thành Trung từng du học tại Bắc Kinh, kết hợp câu chuyện du học của các bạn, chia sẻ đôi điều cảm nhận về cuộc sống du học. Xin chào Trung.
TT: Thành Trung xin chào các bạn thính giả.
M: Nhân vật câu chuyện hôm nay là bạn Nguyễn Thị Tâm, 19 tuổi.
"Lưu học sinh Việt Nam Nguyễn Thị Tâm, năm nay 19 tuổi, đang theo học tiếng Trung tại Trường Hoa kiều Quảng Tây, khẩu ngữ tiếng Phổ thông Trung Quốc của bạn rất tốt. Chúng tôi giao lưu với bạn bằng tiếng Phổ thông hoàn toàn không có vấn đề, thậm chí bạn còn nói được vài câu "tiếng Phổ thông Nam Ninh", hoặc thịnh thoảng bật ra vài câu tiếng Thiên Tân để đùa với chúng tôi.
Sau khi tìm hiểu, chúng tôi ngạc nhiên phát hiện bạn Tâm mới đến Quảng Tây được 3 tháng. Thắc mắc tại sao học 3 tháng có thể nói được tiếng Phổ thông lưu loát như vậy, bạn Tâm cho biết, cô đến từ thành phố Bắc Ninh, Việt Nam, thuộc miền Bắc Việt Nam, giáp với Quảng Tây, Trung Quốc. Cả gia đình bạn đều làm buôn bán trên biên giới, nên thường có dịp giao lưu với người Trung Quốc, vì vậy, ngay từ hồi còn nhỏ, bạn đã biết nói một số câu tiếng Trung.
Bạn Tâm cho rằng, nói tiếng Trung rất dễ, nhưng đọc và viết chữ Hán lại rất khó. Trước khi đến Nam Ninh, Quảng Tây, bạn không biết một chữ Trung Quốc nào, hiện bạn đã đọc được sách tiếng Trung đơn giản, nhưng vẫn còn phải cố gắng tập luyện hơn nữa.
Đối với mọi người mà nói, chắc hẳn ai cũng có một lần trong đời xa nhà, xa quê hương, bạn Tâm cũng không ngoại lệ. Khi vừa mới đến Quảng Tây, điều không quen nhất đối với bạn là nhớ nhà. Bạn cho biết, lúc mới đến, bạn thường chùm chăn và khóc, hàng ngày đều gọi điện thoại đường dài quốc tế về cho mẹ, nếu không thì sẽ mất ngủ cả đêm. Trong thời gian đầu sinh sống ở đất khách quê người, mất ngủ là chuyện bình thường".
M: Du học ở nước ngoài có thể mở rộng tầm nhìn và trang bị thêm cho mình nhiều kiến thức khác nhau, có thể nói là một sự từng trải mà mọi người hướng tới. Nhưng đối với các bạn lưu học sinh mà nói, những ngày mới bắt đầu cuộc sống du học, như bạn Tâm, thực sự rất khó. Trung đến Bắc Kinh du học từ năm 2009, mới đầu Trung cảm thấy khó thích ứng nhất là về mặt nào?
TT: Khó khăn ban đầu cũng vẫn là vấn đề ngôn ngữ, hồi đó TT cũng không biết tiếng Trung trước như bạn Tâm, TT sang đến Bắc Kinh mới bắt đầu học tiếng Trung, nên tương đối vất vả. Thêm điều nữa là khi đi ra đường, nhiều khi không hỏi được đường, vì người phương Bắc Trung Quốc có thói quen chỉ đường theo đông tây nam bắc, mà mình là người VN lại quen kiểu chỉ đường rẽ trái, đi thẳng, hay rẽ phải, cho nên, lúc hỏi đường ở Bắc Kinh, mặc dù được chỉ rõ ràng rồi nhưng cũng chịu không tìm ra được, vì có định hình được đông tây nam bắc như thế nào đâu".
M: Hồi mới xa nhà, Trung có thấy nhớ nhà không?
TT: Hồi mới đến Bắc Kinh, cũng là lần đầu tiên TT đi xa nhà, mà quả thật là xa thật, cách xa tận mấy nghìn km, do học hành khó khăn và vất vả, đôi lúc cũng nhớ nhà lắm chứ, nhưng sau cũng tự nhủ đầu tư thời gian vào học tập thì sẽ làm vơi đi nỗi nhớ nhà...
M: Vừa rồi bạn Tâm cũng nói rằng đọc và viết chữ Hán rất khó, chắc đây là khó khăn chung đối với người nước ngoài học tiếng Trung, phải không?
TT: Đúng vậy, đây cũng là khó khăn chung của các bạn sinh viên nước ngoài khi học Hán ngữ. Các phát âm của tiếng Trung có một số âm điệu khác với tiếng Việt, nên đôi khi phát âm cũng khó, đặc biệt là theo cách phát âm của giọng phía Bắc Trung Quốc thì cũng thấy khó thật. Về mặt viết chữ Hán và nhớ cách viết chữ Hán thì chắc phải cần cù chịu khó mới có thể nhớ được cách viết chữ Hán. Còn về phần ngữ pháp các cách viết luận văn mà nói, nếu là các bạn phải viết luận văn bằng tiếng Trung, quả thật là rất vất vả, nhưng nếu đã luyện quen rồi thì chắc cũng không thành vấn đề gì nữa rồi....
M: Vậy, bạn Tâm hiện đã quen với cuộc sống du học ở Quảng Tây chưa? Mời các bạn tiếp tục theo dõi câu chuyện hôm nay.
"Hiện nay, bạn Tâm là sinh viên hoạt động tích cực trong lớp, ngoài học tiếng Trung ra, bạn còn là cô giáo nhí dạy tiếng Việt cho các bạn lưu học sinh Lào và Thái Lan cùng lớp. Bạn tự hào vì tiếng Việt của các bạn học Lào và Thái Lan siêu 'giỏi', đây là kết quả mà mọi người giúp đỡ lẫn nhau.
Ngoài thời gian lên lớp, bạn Tâm và các bạn sinh viên nước khác thường hẹn nhau đi dạo phố, đây là việc mà bạn thích nhất. Từ "hang chó", một chợ nhỏ trong trường Đại học Quảng Tây đến trung tâm thành phố, rồi là Trung tâm Viêng Chăn, đều là những nơi mà bạn thường đến mua sắm. Mua quần áo, mỹ phẩm...rất thỏa thích. Những lúc thực sự không thể ra ngoài dạo phố, thì bạn sẽ ngồi lỳ trong ký túc xem phim truyền hình.
Bạn Tâm từng đến Bắc Kinh hai lần, thăm qua Cố Cung, Trường Thành, bạn thấy Bắc Kinh rất đẹp, nhưng không thích hợp sinh sống, vì rất lạnh. Trước Tết năm ngoài, bạn từng đến Bắc Kinh. Lúc đầu bạn cứ tưởng mình đến vào mùa đông nên Bắc Kinh mới rét như vậy, nhưng tháng 4 năm nay bạn lại đến Bắc Kinh, thấy Bắc Kinh vẫn không kém phần rét, bạn thấy mình thích hợp với cuộc sống ở Quảng Tây hơn. Khi hỏi về bạn muốn mang thứ gì về Việt Nam nhất, bạn suy nghĩ một lúc, rồi trả lời: 'Mang một người yêu về nước vậy'!".
M: Anh Trung có ý tưởng giống bạn Tâm không? Mang một người yêu về nước?
TT: Ồ, nếu được thì cũng học tập bạn Tâm, làm giống bạn Tâm thôi.
M: Vừa rồi bạn Tâm cho biết mình hay giao lưu với các bạn sinh viên nước khác. Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng, du học ở nước ngoài thì chắc chắn sẽ giao lưu với người bản địa nhiều hơn, nhưng thực ra điều đó chưa chắc, ngược lại, như bạn Tâm vừa nói, sẽ giao lưu với lưu học sinh đến từ các nước khác nhiều hơn, đúng không, Trung?
TT: Đúng vậy, vì nếu bạn ở trong khu ký túc của nhà trường, đa phần các trường đều bố trí cho các bạn lưu học sinh ở chung một tòa ký túc, cũng có trường hợp lưu học sinh ở chung với sinh viên bản địa, nhưng điều đó là rất hiếm. Do vậy, các bạn lưu học sinh đến từ các nước khác nhau trong thời gian ở chung tòa ký túc thì sẽ có nhiều điều kiện giao lưu với nhau nhiều hơn. Còn giao lưu với người bản địa hoặc sinh viện bản địa thì lại còn phụ thuộc vào mối quan hệ xã hội của từng người.
M: Còn về hoạt động giải trí, Mẫn Linh nghĩ rằng dù lưu học ở nước ngoài hay học ở trong nước thì không khác nhau là mấy, người thích mua sắm thì vẫn hay đi mua sắm, người thích tập luyện thì vẫn hay đi tập luyện, nhưng Trung chẳng hạn.
TT: Thành Trung nghĩ rằng, trong đời sống sinh viên thì các hoạt động vui chơi giải trí ngoài giờ học là không thể thiếu được rồi. Nói như Mẫn Linh là rất chuẩn rồi, tùy theo sở thích mà mỗi người đều chọn cho mình một thú vui riêng, như Thành Trung, ngoài việc thỉnh thoảng "dạo quanh phố phường dạo qua thị trường" thì mình cũng hay tập luyện thể thao, cùng bạn bè tụ tập vào mỗi dịp cuối tuần.
M: Cuối cùng bạn Tâm đã nhắc đến cái rét của Bắc Kinh. Mẫn Linh không đồng ý cách nói của bạn Tâm về Bắc Kinh không thích hợp sinh sống. Nhận xét của Trung là thế nào?
TT: TT nghĩ rằng ở Bắc Kinh thì chắc chắn là lạnh rồi, hơn nữa thời gian lạnh cũng kéo dài hơn hơn 6 tháng, nhiều bạn sống ở phía nam hoặc đến từ nhũng vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa như Việt Nam có lẽ chắc cũng không thích nghi được cái lạnh của Bắc Kinh. Nhưng bù lại, ở Bắc Kinh lại có hệ thống lò sưởi, nên thật ra chỉ khi đi ra ngoài mới lạnh, còn nếu ở trong phòng thì cũng rất ấm. Trong khi đó, như ở miền Bắc Việt Nam, mỗi khi có gió mùa đông bắc đến là lại cảm thấy lạnh từ ngoài phố vào trong nhà, vì cũng không có hệ thống lò sưởi mà, đặc biệt vào mùa rét nàng bân, trời vừa lạnh vừa mưa, có những hôm lạnh thấu xương, ngồi trong nhà đắp chăn rồi mà vẫn co ro.
M: Cảm ơn Trung đã chia sẻ những cảm nhận khi du học ở Bắc Kinh. Trong tiết mục tuần sau, Mẫn Linh và Thành Trung sẽ tiếp tục giới thiệu với các bạn câu chuyện du học của một chàng trai Việt Nam, bạn sẽ cho biết những điều tương đồng và khác nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam. Mời các bạn chú ý đón nghe.
Các bạn thân mến, Đài chúng tôi đã mở các chuyên trang Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, Diễn đàn Tuổi trẻ, Hộp thư Ngọc Ánh, Học tiếng Phổ thông Trung Quốc trên mạng xã hội Facebook, các bạn có thể truy cập để theo dõi các thông tin liên quan.
Tiết mục hôm nay đến đây là hết, cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |