ong kinh 2014-11-05
|
Thu Huyền và đồng nghiệp tại Trạm quan trắc Hưng Long
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, để bạn bè trong và ngoài nước hiểu hơn về những đóng góp quan trọng của Viện Hàn lâm khoa học trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Trung Quốc, Đài Phát thanh Quốc tế và Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc phối hợp tổ chức hoạt động đưa tin phỏng vấn tại Bắc Kinh và Hà Bắc mang tên "Phóng viên trong và ngoài nước CRI đến thăm Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc" từ ngày 29-30/10/2014. Gần 10 phóng viên nước ngoài đến từ Việt Nam, Đức, Xri-lan-ca, U-crai-na, Bra-xin, Nhật Bản, Ấn Độ, v.v cùng hơn 20 phóng viên trong nước của Đài Phát thanh quốc tế Trung Quốc đã tham gia hoạt động lần này.
Trước hết, để các bạn có cái nhìn toàn diện hơn về cơ quan nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ cao uy tín nhất ở đất nước hơn 1,3 tỷ dân này, TH xin giới thiệu đôi nét về Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc.
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thành lập ngày 1/11/1949, là cơ quan nghiên cứu khoa học tự nhiên, tư vấn khoa học công nghệ, trung tâm nghiên cứu phát triển tổng hợp khoa học tự nhiên và công nghệ cao của Trung Quốc, có đóng góp hết sức quan trọng cho tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc gia của Trung Quốc. Viện Hàn lâm khoa học có 6 bộ môn khoa học, 12 viện, 104 cơ quan nghiên cứu, 85 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp nhà nước, 153 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp viện, 19 Trung tâm nghiên cứu công nghệ công trình nhà nước, 212 đài và trạm quan trắc dã ngoại, v.v, nhân viên nghiên cứu khoa học trong toàn viện lên tới hơn 50 nghìn người, làm việc tại hơn 20 tỉnh, thành trong cả nước.
Kể từ khi thành lập đến nay, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc luôn phục vụ yêu cầu chiến lược quốc gia và phát triển kinh tế xã hội, triển khai nghiên cứu khoa học xoay quanh đòi hỏi xây dựng hiện đại hoá, thu được nhiều thành quả khoa học công nghệ mang tính sáng tạo, đặt nền tảng cho các ngành khoa học chủ chốt của nước Trung Hoa mới, tự chủ phát triển hàng loạt lĩnh vực khoa học công nghệ cao mang tính chiến lược, hình thành hệ thống khoa học nghiên cứu đặc sắc Trung Quốc.
Phòng luận chứng nhiệm vụ khoa học vũ trụ
Chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi, nhưng đoàn phóng viên CRI đã được đến thăm Trung tâm Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ vũ trụ, cơ quan đóng vai trò dẫn dắt quan trọng 3 công trình cột mốc của Trung Quốc là vệ tinh ứng dụng, tàu vũ trụ có người lái và thám hiểm mặt Trăng; Viện Nghiên cứu công nghệ máy tính; Trạm quan trắc Hưng Long Đài Thiên văn quốc gia và Tập đoàn Su-gôn, doanh nghiệp nghiên cứu chế tạo thành công máy tính tính năng cao "Tinh Vân" có tốc độ thực hiện tối đa 3000 tỷ phép tính/giây, tốc độ xử lý thực tế đạt 1.271 nghìn tỷ phép tính/giây, trở thành siêu máy tính thực hiện hơn 1000 tỷ phép tính/giây thứ 3 trên thế giới.
Khi được tận mắt chứng kiến những thành quả khoa học công nghệ cao mà Trung Quốc giành được trong mấy chục năm qua trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ, công nghệ nhận dạng khuôn mặt, máy tính tính năng cao, v.v, TH hoàn toàn bị choáng ngợp bởi cơ sở hạ tầng hoành tráng và các thiết bị công nghệ tối tân, có cảm giác như lọt vào một bộ phim khoa học viễn tưởng vậy.
Mô hình Thiên Cung 1 gặp tàu Thần Châu 9 có người lái
Khi thăm quan Viện Nghiên cứu công nghệ máy tính, chiếc nôi của sự nghiệp máy tính Trung Quốc, điều TH cảm thấy tâm đắc nhất là các nhà khoa học ở đây không những chú trọng nghiên cứu phát triển công nghệ cao như siêu máy tính, v.v., mà còn hết sức quan tâm nghiên cứu các công nghệ hỗ trợ cho nhóm người yếu thế trong xã hội với các sản phẩm như sổ tay điện tử dành cho người khiếm thị, hệ thống dẫn đường tránh chướng ngại vật thông minh dành cho người khiếm thị, công nghệ nhận dạng ngôn ngữ cử chỉ dành cho người khiếm thính, v.v.
Đối với hệ thống dẫn đường tránh chướng ngại vật thông minh dành cho người khiếm thị, người sử dụng chỉ cần đeo một chiếc ba-lô đựng thiết bị sau lưng và một bảng điện tử nhỏ trước ngực, sau khi bấm nút khởi động, nếu gặp chướng ngại vật khi di chuyển về phía trước, hay bên phải, bên trái thiết bị sẽ tự động phát ra tiếng nói để nhắc nhở, khiến người khiếm thị cảm thấy an toàn và tự tin hơn khi đi lại trên đường. Có thể nói, những thành quả nghiên cứu khoa học này mang đậm tính nhân văn, cho thấy khoa học công nghệ cao của Trung Quốc đã được ứng dụng khá hiệu quả vào trong cuộc sống và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Kết thúc ngày tham quan và phỏng vấn tại Bắc Kinh thì trời cũng đã xế chiều. Những ngày cuối thu Bắc Kinh thời tiết se lạnh, hàng cây ngân hạnh bên đường đã khoác lên mình tấm áo vàng ươm, đoàn phóng viên CRI háo hức lên đường tiếp tục hành trình "khám phá bầu trời" đầy huyền bí tại Trạm quan trắc Hưng Long, Đài Thiên văn quốc gia, tỉnh Hà Bắc.
Trạm quan trắc Hưng Long, Đài Thiên văn quốc gia nằm trên dãy núi Vu Linh, huyện Hưng Long, tỉnh Hà Bắc, cao 960 mét so với mặt biển. Cơ sở này thuộc Phòng thí nghiệm mở quang học, Đài Thiên văn quốc gia, Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, là cơ sở quan trắc thiên văn quang học hằng tinh và hệ tinh, ở đây có các loại kính thiên văn như kính viễn vọng sợi quang phổ đa vật thể quan sát bầu trời (LAMOST), kính viễn vọng quang học 2,16 mét, kính viễn vọng hồng ngoại 1,26 mét, kính viễn vọng phản xạ 80 và 85mm, kính viễn vọng phản quang 60mm, v.v. Nơi đây là vùng núi cao, nên độ yên tĩnh và trong lành của không khí rất cao, hàng năm có từ 240-260 đêm quan trắc quang phổ, từ 100-120 đêm quan trắc đo ánh sáng, v.v.
Kính viễn vọng quang học 2,16m
Trong số những kính thiên văn thuộc diện tối tân nhất thế giới được tham quan ở Trạm quan trắc Hưng Long lần này, kính viễn vọng LAMOST đã để lại cho TH ấn tượng sâu sắc nhất.
Kính viễn vọng LAMOST là kính viễn vọng thu được số liệu quang phổ tỷ lệ cao nhất trên thế giới. Trên tiêu diện của LAMOST có lắp 4000 sợi quang học có thể định vị tự động, điều này có nghĩa là kính viễn vọng này có thể cùng lúc quan trắc tối đa 4000 quang phổ thiên thể.
Kính viễn vọng thường chỉ có thể quan trắc vị trí và độ sáng của thiên thể, nhưng kính viễn vọng LAMOST chủ yếu là để thu số liệu quang phổ thiên thể. Quang phổ thiên thể có thể cung cấp cho chúng ta thông tin vật lý phong phú, trong đó kể cả cự ly, nhiệt độ, kết cấu nguyên tố, v.v của thiên thể. Trong hàng trăm triệu số liệu ghi lại về thiên thể các loại hiện nay, chỉ có khoảng 0, 01% đã được tiến hành quan trắc quang phổ. Là kính viễn vọng thu được số liệu quang phổ thiên thể nhiều nhất trên thế giới, kính viễn vọng LAMOST sẽ có thể thu được số liệu khoa học khổng lồ, chỉ trong vài năm nhưng có thể hoàn thành nhiệm vụ quan trắc mà trước đây phải bỏ ra hàng trăm năm mới có thể hoàn thành.
Chuyên gia cho rằng, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng kính viễn vọng LAMOST, không những khiến Trung Quốc dẫn đầu thế giới về năng lực quan trắc quang phổ đa mục tiêu, mà còn tạo điều kiện cần thiết và hỗ trợ về kỹ thuật cho loài người tiến hành các hoạt động nghiên cứu quan trọng trong các lĩnh vực liên quan như kết cấu hệ Ngân hà và năng lượng tối.
Kính viễn vọng sợi quang phổ đa vật thể quan sát bầu trời (LAMOST)
Trước khi kết thúc hành trình, TH muốn chia sẻ thêm với các bạn một điều cũng khá thú vị về lĩnh vực khoa học "huyền bí" này đó là, địa điểm xây dựng trạm quan trắc quang học phải nằm ở khu vực càng tối càng tốt! Quả thực nếu như không được đích thân trải nghiệm, tin rằng nhiều bạn "ngoại đạo" giống như TH, sẽ không thể biết được ánh sáng của một ngọn đèn sẽ tác động lớn như thế nào đến hiệu quả quan trắc quang học. Và đó cũng là câu trả lời vì sao trên quãng đường dài quanh co từ chân núi đến Trạm quan trắc Hưng Long trên đỉnh núi, đoàn phóng viên chúng tôi không thấy có một ngọn đèn đường nào. Ngoài ra, để bảo vệ tối đa môi trường quan trắc ở đây, cán bộ nhân viên khi đi lại vào buổi tối chỉ được sử dụng đèn pin sáng yếu và phải kéo hết rèm cửa sổ vào trước khi bật đèn trong phòng!
Là phòng thí nghiệm mở và phục vụ các hoạt động công ích, hàng năm, Trạm quan trắc Hưng Long đều định kỳ tổ chức đón tiếp miễn phí các đoàn khách tham quan cũng như hoạt động cắm trại mùa hè và mùa đông phổ biến kiến thức khoa học dành cho học sinh. Đây cũng có thể coi là một trong những điểm tham quan lý tưởng khi các bạn đến Bắc Kinh du lịch, để có thêm thông tin chi tiết về thủ tục đăng ký tham gia, mời các bạn truy cập trang web của Trạm quan trắc Hưng Long: http://www.xinglong-naoc.org/
Phong viên CRI trải nghiệm quan trắc Mặt trời tại Đài thiên văn công cộng
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |