• Ban tiếng Việt Nam
  • Các trang trên Facebook
  • Vài nét về CRI
  • Chương trình giải trí "Bố ơi, mình đi đâu thế" và bộ phim cùng tên được hoan nghênh khiến chúng ta phải suy nghĩ; Vì sao ngày càng ít chương trình truyền hình giải trí do Trung Quốc tự sản xuất?

    2014-02-19 15:27:13     CRIonline


    Quyên: Xin chào quý vị và các bạn, hoan nghênh quý vị và các bạn đến với tiết mục "Tuần san Văn hoá". Tôi là Lệ Quyên.

    Hoa: Xin chào quý vị và các bạn, tôi là Duy Hoa. Lâu lắm không gặp, quý vị và các bạn còn nhớ Duy Hoa chứ?

    Quyên: Vâng, Duy Hoa đã không gặp thính giả qua làn sóng phát thanh trong một thời gian dài. Vì Duy Hoa nghỉ sinh em bé, tháng này mới trở lại làm việc.

    Hoa: Vâng, Duy Hoa rất vui được gặp lại quý vị và các bạn trong tiết mục "Tuần san Văn hoá".

    Quyên: Tết Nguyên đán và Tết Nguyên tiêu vừa đi qua, Duy Hoa ăn Tết thế nào nhỉ?

    Hoa: Vì con nhỏ, trong dịp Tết Nguyên đán Duy Hoa chỉ ở nhà trông con thôi. Thưa chị, trong dịp Tết năm nay có nhiều bộ phim ăn khách, chị có xem phim nào không?

    Quyên: Vâng, nhiều bộ phim đã công chiếu vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, và doanh thu bán vé cũng lập mức cao kỷ lục.

    Hoa: Từ mùng 1 Tết đến mùng 7 Tết, doanh thu bán vé trong cả nước Trung Quốc lên tới 1 tỷ 412 triệu Nhân dân tệ, cả thảy có 38 triệu 800 nghìn lượt khán giả đến rạp xem phim, suất chiếu phim lên tới 800 nghìn suất, đều lập mức cao mới.

    Quyên: Ngựa ô giành doanh thu bán vé cao là bộ phim "Bố ơi, mình đi đâu thế". Bộ phim này đã thu về 468 triệu Nhân dân tệ chỉ sau 7 ngày công chiếu.

    Hoa: Trong dịp Tết muốn mua một tấm vé đi xem phim "Bố ơi, mình đi đâu thế" không phải chuyện dễ, thậm chí xuất hiện hiện tượng ít thấy là khán giả xếp hàng chờ mua vé.

    Quyên: Trong phần 1 của tiết mục "Tuần san Văn hoá" hôm nay, Lệ Quyên và Duy Hoa sẽ giới thiệu với các bạn chương trình truyền hình "Bố ơi, mình đi đâu thế" và bộ phim cùng tên nhận được sự ủng hộ cuồng nhiệt ở Trung Quốc.

    Hoa: Trong phần hai của tiết mục, Duy Hoa và Lệ Quyên sẽ giới thiệu với các bạn tại sao ngày càng ít chương trình truyền hình do Trung Quốc tự sản xuất.

    Quyên: Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu nội dung phần đầu hôm nay. (Nhạc cắt)

    Hoa: Bộ phim "Bố ơi, mình đi đâu thế" ra đời từ chương trình giải trí cùng tên. Chương trình giải trí "Bố ơi, mình đi đâu thế" bắt đầu phát sóng từ ngày 11/10/2013 trên kênh vệ tinh Đài Truyền hình Hồ Nam, kể từ kỳ đầu tiên, chương trình này đã trở thành chương trình giải trí ăn khách nhất.

    Quyên: Nội dung của chương trình là: Bố trí hàng loạt nhiệm vụ cho 5 cặp bố con cùng hoàn thành, như vậy để tạo một khoảng thời gian khó quên, thu hẹp khoảng cách cho 5 cặp bố con ngày thường ít có thời gian ở bên cạnh nhau.

    Hoa: Với hình thức mới mẻ và nội dung tạo cảm giác ấm cúng, chương trình giải trí này đã dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi về quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong xã hội.

    Quyên: Là một chương trình tương tác giữa cha với con, chương trình "Bố ơi, mình đi đâu thế" là do Đài Truyền hình Hồ Nam mua bản quyền từ Đài Truyền hình MBC Hàn Quốc.

    Hoa: Trong chương trình, 5 ông bố ngôi sao phải một mình chăm sóc việc ăn ở cho con mình trong 72 tiếng đồng hồ khi đi dã ngoại, hai bố con phải cùng hoàn thành hàng loạt nhiệm vụ được bố trí.

    Quyên: Số liệu của công ty thống kê tỷ lệ thu xem cho thấy, về tỷ lệ thu xem chương trình "Bố ơi, mình đi đâu thế" luôn đứng đầu trong các chương trình phát sóng cùng giờ.

    Hoa: Về nguyên nhân chương trình ăn khách, tổng đạo diễn của chương trình Tạ Địch Quì cho rằng, vì trong văn hóa Trung Hoa luôn có quan niệm "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", nên trong quá trình trưởng thành của con cái ít thấy bóng dáng người cha. Chương trình này khiến mọi người phải nhìn nhận lại vai trò của người cha.

    Quyên: Vâng, vì các ông bố dốc quá nhiều sức lực vào việc "kiếm nhiều tiền hơn, xây dựng sự nghiệp lớn hơn", quá coi trọng cung cấp sự đảm bảo về vật chất cho gia đình, mà coi nhẹ giao lưu tinh thần với các thành viên gia đình.

    Hoa: Vâng, chính vì chương trình này đi vào điểm nóng xã hội hiện nay, cho nên mới rất thu hút khán giả và gây ảnh hưởng mạnh mẽ.

    Quyên: Thực ra, không chỉ ở Trung Quốc, ở Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có hiện tượng này, người cha ít ở bên cạnh con cái trong quá trình trưởng thành của con. Đây là vấn đề chung trong xã hội hiện đại.

    Hoa: Theo đạo diễn Tạ Địch Quì, những chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng âm nhạc chú trọng thực hiện giá trị cá nhân, còn chương trình "Bố ơi, mình đi đâu thế" chú trọng giá trị gia đình, kêu gọi mọi người phải dốc sức nhiều hơn cho gia đình và người nhà sau khi gặt hái thành công trong sự nghiệp.

    Quyên: Tuy phiên bản Trung Quốc xuất phát từ phiên bản Hàn Quốc, nhưng vẫn có sự khác biệt. Phiên bản Hàn Quốc giống chương trình giải trí hơn, còn phiên bản Trung Quốc giống phim tài liệu hơn.

    Hoa: Về sự khác biệt, đạo diễn Tạ Địch Quì cho biết, trong phiên bản Hàn Quốc có nội dung về hai bố con trò chuyện trước khi đi ngủ, nhưng thời lượng rất ít, chỉ sơ qua thôi; còn trong phiên bản Trung Quốc đã dành thời lượng dài hơn cho phần này.

    Quyên: Những người tham gia chương trình này đều là ngôi sao, ngày thường họ là tiêu điểm chú ý của rất nhiều công chúng, nên họ rất coi trọng bảo vệ đời tư, đặc biệt là con cái mình. Vì vậy, muốn thuyết phục những ngôi sao đồng ý tham gia chương trình là chuyện không hề dễ dàng.

    Hoa: Chẳng hạn, ngôi sao Lâm Chí Dĩnh, ca sĩ và diễn viên nổi tiếng Đài Loan, vốn không sẵn sàng tham gia chương trình vì không muốn con tham gia. Nhóm làm chương trình đã mang phiên bản Hàn Quốc đến cho anh Lâm Chí Dĩnh xem, sau khi xem xong anh cho rằng chương trình này rất bổ ích cho quan hệ bố con và sự trưởng thành của con, cuối cùng anh đã đồng ý tham gia chương trình này.

    Quyên: Trong chương trình cả thảy có 5 cặp bố con tham gia, mỗi một ngôi sao đều có phương thức giáo dục con cái khác nhau, nhưng dù có sự khác biệt như thế nào, điểm giống nhau là tình thương yêu giữa hai bố con, đây mới là điều then chốt mà chương trình muốn mang đến cho khán giả.

    Hoa: Chương trình "Bố ơi, mình đi đâu thế" còn có một điều khác với chương trình giải trí trước kia mua bản quyền từ nước ngoài. Những chương trình giải trí tìm kiếm tài năng xuất phát từ phiên bản nước ngoài như "Giọng hát hay Trung Quốc" đều có định dạng gốc phải tuân theo, còn chương trình "Bố ơi, mình đi đâu thế" thì không có định dạng gốc cụ thể.

    Quyên: Theo ông Tưởng Lương, trưởng nhóm đạo diễn tại hiện trường quay của chương trình, điều quan trọng của chương trình này không phải ở chỗ định dạng, mà đòi hỏi những biên đạo, nhà quay phim quen thuộc đề tài phim tài liệu phải phát hiện, ghi lại những thước phim, tình tiết thể hiện tình cảm chân thật.

    Hoa: Đạo diễn Tưởng Lương cho biết, thông qua làm chương trình này, anh có một cảm nhận là, chương trình giải trí của Trung Quốc nên chú trọng tìm kiếm và khai thác những thứ làm khán giả cảm động, thể hiện các mặt phong phú của đời sống con người.

    Quyên: Vâng, có lẽ một số khán giả xem chương trình "Bố ơi, mình đi đâu thế" chủ yếu là để tìm hiểu việc riêng tư của các ngôi sao, nhưng thực ra nội dung riêng tư của ngôi sao chỉ hạn chế trong một-hai kỳ thôi. Nếu chỉ dựa vào chuyện riêng tư của ngôi sao, là không thể thu hút được khán giả quan tâm theo dõi liên tục chương trình này.

    Hoa: Vâng, điều quan trọng là chương trình này tìm được những thứ làm khán giả cảm động. Ngoài bề ngoài sáng rực của ngôi sao ra, tình cảm "chân thật" và "thiện chí" mới là điều thu hút khán giả nhất.

    Quyên: Về chương trình giải trí này có đặc điểm như phim tài liệu, đạo diễn Tạ Địch Quì cho biết, những nội dung thể hiện trong chương trình hoàn toàn không phải được thiết kế, bố trí trước, chỉ có quy trình làm chương trình là được thiết kế.

    Hoa: Chẳng hạn, trong một kỳ chương trình bố con cùng đi thăm thôn Linh Thủy, Bắc Kinh, khi bắt đầu làm chương trình, nhóm làm chương trình trước tiên thu điện thoại di động của 5 cặp bố con, rồi dẫn họ tham quan 5 ngôi nhà, tiếp theo phân phát cơm trưa cho họ... Về những nội dung này đều có quy trình tường tận.

    Quyên: Ngoài quy trình là được thiết kế trước ra, 5 cặp bố con sẽ gặp tình huống như thế nào, sẽ nói những gì, nhóm làm chương trình hoàn toàn không cho biết trước. Cho nên, phải nói rằng, "chân thật" là điều làm cảm động khán giả của chương trình này.

    Hoa: Để làm chương trình hấp dẫn, nhóm làm chương trình đã phải rất nỗ lực. Chẳng hạn, để thể hiện trạng thái chân thật nhất của 5 cặp bố con, nhóm làm chương trình cả thảy quay nội dung với thời lượng hơn 1000 tiếng đồng hồ, cuối cùng chỉ chọn ra nội dung với thời lượng 3 tiếng đồng hồ.

    Quyên: Trong các chương trình giải trí hiện nay, phần lớn là chương trình với nội dung ca hát và nhảy múa, ít khiến khán giả phải suy nghĩ, còn chương trình "Bố ơi, mình đi đâu thế" ăn khách đã làm cảm động nhiều khán giả và khiến khán giả suy nghĩ về vai trò của người cha trong gia đình cũng như trong quá trình trưởng thành của con cái.

    Hoa: Quý vị và các bạn thân mến, trên đây Duy Hoa và Lệ Quyên đã giới thiệu với các bạn chương trình giải trí truyền hình "Bố ơi, mình đi đâu thế" cũng như bộ phim cùng tên ăn khách ở Trung Quốc. Sau đây mời quý vị và các bạn thưởng thức bài hát chủ đề của chương trình mang tên "Bố ơi, mình đi đâu thế".

    (Bài hát "Bố ơi, mình đi đâu thế")

    Quyên: Thưa quý vị và các bạn, trên đây các bạn đã nghe bài hát "Bố ơi, mình đi đâu thế", bài hát chủ đề của chương trình giải trí cùng tên.

    Hoa: Thưa quý vị và các bạn, trong nội dung phần hai của hôm nay, Duy Hoa và Lệ Quyên sẽ giới thiệu với các bạn, tại sao ngày càng ít chương trình truyền hình giải trí do Trung Quốc tự sản xuất.

    Quyên: Những năm qua, những chương trình giải trí ăn khách ở Trung Quốc như "Talent show", "Giọng hát hay Trung Quốc", "Tôi là ca sĩ", "Bố ơi, mình đi đâu thế", v.v, đều xuất phát từ phiên bản nước ngoài.

    Hoa: Theo con số thống kê chưa đầy đủ, kể từ năm 2008, mỗi năm Trung Quốc bình quân mua khoảng 20 chương trình truyền hình từ nước ngoài. Năm 2013, con số này lập kỷ lục mới, lên tới hơn 30. Có phương tiện truyền thông cho biết, hiện nay, khoảng 90% các chương trình giải trí truyền hình ăn khách ở Trung Quốc là mua phiên bản của nước ngoài.

    Quyên: Theo bà Trương Kiến Trân, phó nghiên cứu viên Viện nghiên cứu thời sự thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, sở dĩ đài truyền hình sẵn sàng mua bản quyền chương trình giải trí nước ngoài là vì những chương trình này có thể nâng cao tỷ lệ thu xem trong thời gian ngắn, nâng cao sức cạnh tranh và sức ảnh hưởng của đài. Ngoài ra, những chương trình này đã trải qua kiểm nghiệm trên thị trường nước ngoài, là chương trình chín muồi và thành công, có ít rủi ro về thị trưởng.

    Hoa: Còn có nhân sĩ phân tích cho rằng, mua bản quyền chương trình giải trí từ nước ngoài, một mặt là nhằm giảm thiểu rủi ro thất bại, vì chương trình nước ngoài có cơ chế sản xuất nghiêm ngặt.

    Quyên: Mặt khác, có thể lôi kéo những khán giả bị phương tiện truyền thông In-tơ-nét thu hút, đặc biệt là thanh niên, vì hiện giờ phương tiện truyền thông In-tơ-nét tạm thời không làm được những chương trình quy mô lớn đòi hỏi đầu tư nhiều, thao tác phức tạp và chu kỳ sản xuất dài.

    Hoa: Ở nước ngoài, khi sản xuất một chương trình, từ khâu đề xuất sáng kiến, đến tiến hành điều tra trên thị trường về sáng kiến, đến khâu sản xuất, phát sóng chương trình, cũng như tiêu thụ bản quyền, và cuối cùng chương trình chào tạm biệt khán giả, các khâu đều rất rõ ràng, hình thành một dây chuyền ngành truyền hình hoàn thiện.

    Quyên: Vâng. Ở nước ngoài phân công rất rõ ràng. Về khâu đề xuất sáng kiến, có công ty chỉ có vài nhân viên chuyên môn đề xuất sáng kiến hoặc kiến nghị sau khi tiến hành thảo luận và nghiên cứu nhu cầu của khán giả.

    Hoa: Sau đó, công ty sẽ bán sáng kiến cho công ty sản xuất chương trình hoặc đài truyền hình. Công ty sản xuất chương trình hoặc đài truyền hình trước tiên sẽ thảo luận trong nội bộ công ty về chương trình sản xuất theo sáng kiến có sức hấp dẫn hay không.

    Quyên: Nếu xác nhận có sức hấp dẫn, thì công ty sẽ đi đến thoả thuận với công ty đề xuất sáng kiến, và làm chương trình mẫu đơn giản. Nếu xác nhận không có sức hấp dẫn, thì công ty sẽ không mua sáng kiến.

    Hoa: Trước khi chính thức sản xuất chương trình, công ty sản xuất sẽ làm những công tác chuẩn bị như tiến hành điều tra chi tiết thị trường, mời khán giả xem chương trình mẫu đơn giản, đánh giá chương trình, phân tích thời gian phát sóng, mặt bằng phát sóng, rủi ro phát sóng v.v, thậm chí thử phát sóng, nếu chương trình thực hiện tỷ lệ thu xem cao, nhận được phản hồi tốt từ khán giả, thì mới chính thức sản xuất chương trình.

    Quyên: Ở Trung Quốc, tuy các đài truyền hình cũng có cơ chế sản xuất, kiểm nghiệm chương trình mới, nhưng nhìn chung thiếu sự coi trọng đối với thị hiếu khán giả, hoặc thiếu điều tra thị trường đầy đủ.

    Hoa: Hiện nay, một số đài truyền hình có thực lực cũng đồng loạt thúc đẩy nghiên cứu và tự sản xuất chương trình. Chẳng hạn, Đài Phát thanh và Truyền hình Thượng Hải đã thành lập nhóm sáng tác chương trình xuất sắc, huy động hàng trăm triệu Nhân dân tệ dùng để nghiên cứu và sản xuất chương trình mới.

    Quyên: Còn Đài Truyền hình Hồ Nam, Đài Truyền hình Giang Tô cũng đã hình thành cơ chế bình thường hoá thu thập phương án chương trình mới trong phạm vi cả đài, mỗi năm diễn ra hai lần.

    Hoa: Đài Truyền hình Chiết Giang thành lập ban nghiên cứu chương trình mới thuộc Trung tâm phát triển chiến lược, tập trung nhân tài xuất sắc nhất của cả đài để dốc sức nghiên cứu chương trình mới.

    (Nhạc cắt)

    Quyên: Quý vị và các bạn thân mến, tiết mục "Tuần san Văn hoá" hôm nay đến đây là hết. Hoan nghênh các bạn viết thư tay hoặc email trao đổi với chúng tôi.

    Hoa: Các bạn có thể gửi thư đến Phòng Văn hoá Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam nhờ chuyển Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc. Địa chỉ liên hệ cụ thể là: Phòng Văn hoá, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, số 46 phố Hoàng Diệu, Hà Nội.

    Quyên: Hòm thư điện tử của chúng tôi là: vie@cri.com.cn. Quý vị và các bạn thân mến, Lệ Quyên xin hẹn gặp lại quý vị và các bạn vào tiết mục "Tuần san Văn hoá" kỳ tới.

    Hoa: Duy Hoa xin chào tạm biệt quý vị và các bạn.

    Lời lưu ký
    Tin ảnh
    Tin cập nhật
    Ca nhạc theo yêu cầu thính giả
    • vu minh tuan : Bài I HAVE A DREAM của nhóm ABBA hay đấy.chúc mọi người vui vẻ,hạnh phúc.mong đc làm quen với mọi người qua sđt 01695317285
    • Giàng A Sênh : Em chào tất cả các anh chị trong ban tiếng Việt Nam. Chúc các anh chị có một sức khỏe thật bình an và luôn công tác tốt. Vậy là sắp đến tết Trung Thu rồi, em xin chúc các anh chị trong Ban tiếng Việt Nam có một tết trung thu thật vui vẻ và tràn đầy tiếng cười. Nhân dịp Trung Thu, xin quý Đài gửi hộ em bài hát CHÚC BẠN BÌNH AN tới Chị Ngọc Ánh ở Bắc hà, Em Nguyễn Thị Hà ở Bắc Giang đang học tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Linh ở Đồng Xa, Mai ở Bãi Rồng, Bé Linh Sao ở Vân Đồn, Cao Mỹ và Thu ở Chiềng khoong cùng toàn thể các bạn nghe đài, chúc mọi người luôn bình an cùng một tết Trung Thu vui vẻ. Mong được làm quen với tất cả các bạn. Em xin cảm ơn quý Đài rất nhiều.
    • tran van son : chau muon gui bai hat tinh ban toi nha chau va cac ban cung hoc lop 11d bai hat tinh ban chuc cac ban hoc tot nhe
    • khien nguyen: tu lau em da biet den chuong trinh hoc tieng pho thong Trung Quoc cua quy dai. thong qua chuong trinh em cung biet them nhieu chuong trinh khac. thong qua chuong trinh toi thu 7 em muon gui bai hat "doi canh tang hinh" toi mot nguoi dac biet, anh co biet danh la "gau truc" voi loi nhan: em chuc anh gau truc hoc tot, gio la thoi diem rat quan trong vi day da sap la nam cuoi cua chung minh roi bang moi gia thi anh phai no luc phan dau de duoc bang gioi de co the tiep tuc hoc lien thong len dai hoc de thuc hien uoc mo cua chung minh. anh hay luon nho rang luc nao em cung luon o ben canh anh.
    Xem tiếp>>