Hùng Anh: "Trung Quốc ngày nay", giới thiệu về một Trung Quốc chân thực, hoan nghênh quý vị và các bạn đến với chương trình Trung Quốc ngày nay, tôi là Hùng Anh.
Hải Vân xin kính chào quý vị và các bạn.
Hùng Anh: Trong chương trình hôm nay, Hùng Anh và Hải Vân sẽ cùng quý vị và các bạn tìm hiểu về tết Trùng dương và văn hóa đạo hiếu Trung Quốc.
Hải Vân: Trước hết chúng ta cùng tìm hiểu về nguồn gốc kính trọng người già của tết Trùng dương.
Tết Trùng dương với nguồn gốc kính trọng người già
Hùng Anh: Trong ngày Trùng dương, người thời cổ Trung Quốc có phong tục cúng tế "sao Người già". "Sao Người già" là ngôi sao sáng thứ hai trong cả ngày, người thời cổ coi đó là cát tinh, phúc tinh và thọ tinh, tượng trưng cho may mắn, trường thọ và an khang.
Hải Vân: Theo ghi chép trong sử sách, kể từ thời nhà Chu, Trung Quốc đã bắt đầu đề xướng kính trọng người già, đồng thời có xây dựng Miếu Người già ở một vị trí cao, rộng tháng đãng ở phía nam ngoại ô kinh đô.
Hùng Anh:Trước tết Trung thu hàng năm, nhà vua dẫn các quan văn võ đến viếng Miếu Người già và cúng tế "sao Người già", đồng thời tìm ngắm "Sao Người già" trên bầu trời, cầu mong được hạnh phúc và sự phù hộ. Sau đời nhà Đường, hoạt động cúng tế "Sao Người già" được tổ chức vào ngày Trùng dương, sau đó dần dần trở thành ngày tết truyền thống trong dân gian.
Hải Vân: Đến sau đời nhà Kim và nhà Nguyên, do đều dựng đô tại Bắc Kinh, cho nên ở kinh đô không thể ngắm "Sao Người già" vì vị trí của "sao Người già" thiên về hướng nam, chỉ có những nơi ở 37 độ vĩ bắc về phía nam mới có thể nhìn thấy. Từ đó, tết Trùng dương dần dần diễn biến thành tết "Leo cao", tức leo núi hoặc dốc cao.
Câu chuyện hiếu thảo thời cổ Trung Quốc
Hùng Anh: Vào thời Xuân Thu, để tránh loạn lạc, ẩn sĩ nước Sở tên là Lão Lai Tử đã chọn cuộc sống nông canh ở phía nam chân núi Mông Sơn. Ông rất hiếu thảo cha mẹ, hàng ngày ngoài chăm sóc cha mẹ từng ly từng tý ra, ông còn cố gắng làm vui lòng cha mẹ. Tuy ông đã 70 tuổi, nhưng ông vẫn thường xuyên mặc bộ áo ngũ sắc, tay cầm trống bỏi chơi đùa như trẻ con để làm cho cha mẹ vui cười. Một lần, khi bưng nước vào nhà cho bố mẹ, ông bị vấp ngã, do sợ bố mẹ lo lắng, ông liền nằm trên đất làm bộ dạng mếu máo khóc lóc như trẻ con, khiến cho bố mẹ bật cười.
Hải Vân: Vào thời nhà Hán, có một người tên là Hàn Bá Dũ, cũng là một người hiếu thảo nổi tiếng. Mẹ ông giáo dục ông rất nghiêm khắc, hễ mắc lỗi là bị mẹ cho ăn đòn. Một hôm, khi bị mẹ quật, ông bỗng òa khóc. Mẹ rất ngạc nhiên, hỏi: "Mọi khi đánh con, con đều chịu được, hôm nay sao con lại khóc?" Ông Bá Dũ trả lời: "Thưa mẹ, mọi khi bị mẹ quật, con thấy đau, thì biết mẹ còn sức, người còn khỏe mạnh, nhưng hôm nay con không thấy đau, biết sức khỏe mẹ đã yếu dần, không còn khỏe mạnh như xưa nữa, nên con buồn quá không kìm được nước mắt, chứ không phải không chịu được đau ạ".
Hùng Anh: Nhà thơ nổi tiếng của đời nhà Đường Bạch Cư Dị cả cuộc đời đều rất quan tâm đến người dân bình thường, đặc biệt kính trọng người già. Khi làm quan ở các nơi, hễ đến địa phương, ông đều cho mời các cụ đức cao vọng trọng đến, lắng nghe ý kiến của họ. Nếu biết có cụ nào bị con cái ngược đãi, ông sẽ rất giận và lập tức sai người tìm con cái của các cụ đưa đến nha môn, giảng giải một cách hợp tình hợp lý, giúp họ biết được sai lầm của mình mà sửa đổi, cho đến khi con cái nhận lỗi và hứa sau này sẽ hiếu thảo với cha mẹ thì mới chịu thả họ về.
Hùng Anh: Hoan nghênh quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi chương trình Trung Quốc ngày nay, cùng tìm hiể về văn hóa đạo hiếu Trung Quốc.
Hải Vân: Vừa rồi chúng ta đã tìm hiểu về nguồn gốc kính trọng người già của tết Trùng dương và một số câu chuyện hiếu thảo của Trung Quốc thời cổ. Vậy tại sao người Trung Quốc lại coi trọng chữ "hiếu"?
Tại sao người Trung Quốc chú trọng hiếu thảo?
Hùng Anh: Chữ "hiếu" đã nói lên tất cả. Văn tự Trung Quốc là ký hiệu trí tuệ, chỉ một chữ hiếu đã chứa đựng cả một tinh thần văn hóa của dân tộc Trung Hoa. "Hiếu" là chữ hội ý, nửa trên là chữ "lão", tượng trưng cho thế hệ trước, nửa dưới là chữ "tử", tượng trưng cho thế hệ sau, ghép lại thành chữ hiếu tượng trưng cho thế hệ trước và thế hệ sau cứ nối tiếp nhau kéo dài vô tận, không giới hạn về thời gian và không gian, là một chỉnh thể sự sống không thể chia tách.
Hải Vân: À, hóa ra chữ "hiếu" này lại chứa đựng ý nghĩa sâu sắc đến vậy. Trước đây Hải Vân không hiểu sâu về chữ "hiếu", nay thì hiểu được rồi, vì thế hệ trước và thế hệ sau là một chỉnh thể sự sống không thể chia tách, cứ nối tiếp nhau, cho nên dân tộc Trung Hoa mới không ngừng sinh sôi nảy nở và phát triển.
Hùng Anh: Vâng. Hơn nữa, chữ "lão" ở trên, chữ "tử" ở dưới, có nghĩa là con cái cõng cha mẹ, hàm ý là biết ơn báo hiếu, uống nước nhớ nguồn. Do vậy, văn hóa của Trung Quốc xây dựng trên nền tảng đạo hiếu. Câu "Bách thiện hiếu vi tiên" (trong một trăm việc tốt thì hiếu thảo với cha mẹ là việc quan trọng nhất) đã nói lên cốt lõi của văn hoá Trung Quốc.
Hải Vân: Vâng. "Hiếu Kinh" có câu: "Phù hiếu, thiên chi kinh dã, địa chi nghĩa dã, nhân chi hành dã" có nghĩa là: Hiếu thảo, là quy luật của trời, chuẩn tắc của đất, là phẩm hạnh căn bản nhất của con người, là đạo lý đúng đắn không gì lay chuyển nổi, người dân nên lấy đó làm chuẩn tắc.
Hùng Anh: Câu này đã nâng tầm quan trọng của "hiếu thảo" lên ngang bằng với quy luật của thiên đạo, địa đạo.
Hải Vân: Thiên, địa đều có quy luật của nó, hành vi hiếu thảo của con người đương nhiên cũng như quy luật của trời và đất. Do vậy, hiếu thảo cha mẹ là đạo nghĩa muôn thủa. Hội nhập thiên, địa, nhân vào làm một, theo quy luật này, thiên hạ, đất nước sẽ được quản lý tốt. Đây là mô hình quản lý "trị vì thiên hạ bằng đạo hiếu" do Khổng Tử nêu ra sớm nhất. Trong khi đó, gia đình là tế bào của "thiên hạ", sự hài hòa của gia đình càng không thể tách rời với hiếu thảo.
Hùng Anh: Trong văn hóa truyền thống của Trung Quốc, hiếu thảo là cơ sở của đạo làm người, cũng là cơ sở của đạo đức xã hội. Một người sống trên thế gian này, sống hạnh phúc hay không, quyết định bởi người này có thể xử lý tốt 5 loại quan hệ, tức ngũ luân hay không.
Hải Vân: Loại quan hệ gì?
Hùng Anh: Phu phụ: chồng vợ, Phụ tử: cha con, trong đó gồm quan hệ mẹ con và bề trên với bề dưới, Huynh đệ: anh em, Quân thần: vua tôi, bây giờ chỉ quan hệ cấp trên cấp dưới, Bằng hữu: bạn bè. Nếu người xử lý 5 mối quan hệ này có tấm lòng hiếu thảo thì tất cả mọi vấn đề sẽ được giải quyết suôn sẻ.
Hải Vân: Tại sao vậy?
Hùng Anh: Bởi vì quan niệm về đạo hiếu của người thời cổ gồm sự kính trọng và tình yêu thương. Sự kính trọng có nghĩa là có tấm lòng tôn kính đối với tất cả mọi người và cảnh vật, tình yêu thương có nghĩa là tấm lòng yêu thương người khác, tấm lòng bác ái. Hiếu thảo là cội nguồn của tấm lòng yêu thương của một người. Con người trước hết phải biết yêu thương cha mẹ mình, sau đó mở rộng ra đến người khác, cuối cùng là yêu thương vạn vật. Nếu áp dụng sự kính trọng và lòng yêu thương này vào việc xử lý quan hệ vợ chồng, anh em, cấp trên với cấp dưới, bạn bè thì cuộc sống của chúng ta làm sao mà không hạnh phúc được cơ chứ?
Hải Vân: À, hóa ra là như vậy, thảo nào người Trung Quốc khi chọn bạn và đánh giá người đó có tấm lòng yêu thương thực sự hay không đều thông qua quan sát thái độ đối xử với cha mẹ của người này ra sao.
Hùng Anh: Đúng đấy, đó là cách làm trí tuệ, vì đạo hiếu là một thước đo chuẩn mực để đánh giá đạo đức phẩm chất của một người. Vì khó có thể tưởng tượng, nếu một người ngay cả bố mẹ mình cũng không kính yêu, thì người đó sẽ có được bao nhiêu thiện chí đối với xã hội.
Hải Vân: Vâng. Bất chấp thời đại biến đổi ra sao, bất chấp bạn đang ở vào địa vị xã hội hoặc hình thái ý thức, tín ngưỡng tôn giáo nào, hiếu thảo bố mẹ là đạo lý muôn thủa không thể đảo ngược.
Đạo hiếu là của cải chung của toàn nhân loại
Hùng Anh: "Bách thiện hiếu vi tiên" là truyền thống của người Trung Quốc. Chính vì vậy mà dân tộc Trung Hoa đã tồn tại và phát triển 5 nghìn năm mà không hề xuất hiện đứt quãng, sự kỳ diệu và độc đáo của thế giới này chính là nhờ có "đạo hiếu", điều này cũng thu hút sự quan tâm của các học giả trên thế giới.
Hải Vân: Trong cuốn "Lịch sử quan" được thế giới công nhận tính uy tín về lịch sử, bằng những tư liệu tường tận và tầm nhìn rộng mở, sắc bén khác người, nhà nghiên cứu kỳ cựu của Anh, Tiến sĩ Tang. En-bi đã đánh giá về lịch sử và tiến triển trong tương lai của Trung Quốc rằng:
Trong hơn hai nghìn năm từ khi Lưu Bang thành lập Nhà Hán năm 206-220 Công nguyên, trên thế giới chỉ có Trung Quốc thực sự là một nhà nước thống nhất. Sau đó tuy trải qua nhiều triều đại, cũng từng có thời gian chia tách nhưng thời gian không dài. Sau này Đảng Cộng sản Trung Quốc lại thống nhất đất nước, Trung Quốc luôn là một nước lớn và thống nhất, đây là điều không thể có trong lịch sử phương Tây.
Gần một trăm năm qua người Trung Quốc đã nếm trải nỗi tủi nhục của nước ngoài, nhưng trong quá trình nhẫn nhục và đấu tranh, người Trung Quốc vẫn kiên trì văn hoá của mình, kiên trì lối sống của dân tộc, đây là điều vô cùng quý giá. Cho dù phải sống nơi đất khách quê người, nhưng người Trung Quốc không như người Ai-cập cổ đại bị văn hoá ngoại lai đồng hoá, vẫn mang trong người dòng máu Trung Hoa, giữ vững văn hoá của mình. Chẳng hạn như: Hiếu thảo cha mẹ, tôn sư trọng đạo, hiền hoà lương thiện, giúp đỡ người khác. Và còn nữa, "Tế tổ", điều mà người phương Tây không sao hiểu nổi, tổ tiên chưa từng gặp mặt, thậm chí cách xa vời vợi đã mấy trăm năm, hàng nghìn năm vẫn được cúng tế, tôn kính, điều này nói lên người Trung Quốc đôn hậu biết bao. Tại những nơi có người Hoa sinh sống tập trung ở hải ngoại, phần lớn đều lập Từ đường, chùa chiền, miếu mạo. Đến ngày lễ ngày tết hàng năm đều không quên tế tổ, bái phật, khiến mọi người xem mà vui và bái phục sát đất. Họ kính trọng những người quá cố như vậy thì làm gì có chuyện lại không kính trọng những người đang sống quanh mình? Tập tục thờ cúng đã khơi dậy lòng tự tôn dân tộc cao thượng, khơi dậy tình thân và tình thương yêu đùm bọc giữa con người với con người, nó sẽ đi theo mỗi người cho đến hết cuộc đời. Dân tộc Trung Hoa làm sao có thể bị diệt vong? Không những không bị diệt vong, mà còn sẽ phục hưng. Nếu hỏi cội nguồn của văn hóa Trung Hoa ở đâu? Không gì khác chính là ở chữ "Hiếu" vô bờ bến này.
Hùng Anh: Không ngờ một học giả nước ngoài lại có thể nhìn nhận văn hóa Trung Quốc đến mức độ sâu sắc đến vậy, qua sự đánh giá của ông, Hùng Anh cũng như nhiều người Trung Quốc kể cả nhân dân các dân tộc khác cũng có thể tăng thêm sự hiểu biết đối với ý nghĩa đạo hiếu nói riêng và văn hóa của dân tộc Trung Hoa nói chung.
Hải Vân: Có thể nói, "Đạo hiếu" là bản tính của con người, là của cải chung của toàn nhân loại. Một lần, trang nhất "Tuần báo Cuộc sống" của Mỹ có đăng tải "lời nói đầu" mà tạp chí "Cơ hội" của Mi-lan, I-ta-li-a mời Bin Ghết viết nhân dịp phát hành số đầu tiên tháng 7/2001, điều khiến mọi người không ngờ được là, đề tài mà Bin Ghết viết lại là: "Việc mà thiên hạ không thể chờ đợi là hiếu thảo".
Hùng Anh: Hoan nghênh quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi chương trình Trung Quốc ngày nay, cùng Hùng Anh và Hải Vân tìm hiểu về văn hóa đạo hiếu Trung Quốc.
Hải Vân: Vừa rồi chúng ta nói "đạo hiếu" là của cái vô cùng quý giá của dân tộc Trung Hoa nói riêng và toàn nhân loại nói chung, đáng được trân trọng, tôn vinh và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, thế nhưng do nhiều nguyên nhân lịch sử cũng như xã hội, quan niệm hiếu thảo của người Trung Quốc hiện đại lại dần dần mờ nhạt đi.
Xã hội ngày nay cần hiếu thảo
Hùng Anh: Một trăm năm qua, người Trung Quốc tiến hành "gạn đục, khơi trong" đối với văn hoá truyền thống của mình, rất nhiều những thứ ưu tú bị gạt bỏ, "Đạo hiếu" cũng dần dần trở nên mơ hồ. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, luồng gió Tây chuyển hướng sang Đông, theo đuổi văn minh vật chất, coi nhẹ đức hiếu vốn có, quan niệm tiền trên hết đã tác động mạnh mẽ đến kết cấu gia đình, ý thức hệ và cách thức giao tiếp truyền thống, quan niệm luân lý đạo đức xã hội ngày càng phai nhạt, thậm chí xuất hiện những hiện tượng xã hội trớ trêu con cái không nuôi dưỡng cha mẹ, và phải lập pháp về "nuôi dưỡng cha mẹ" v.v, không thể không khiến mọi người lo lắng và trăn trở.
Hải Vân: May mắn thay, trong khi đó cũng có rất nhiều người Trung Quốc ý thức được tầm quan trọng của văn hoá truyền thống đặc biệt là văn hóa đạo hiếu, áp dụng nhiều biện pháp liên quan và hành động cụ thể nhằm khôi phục đạo hiếu.
Hùng Anh: Bí thư thành ủy thành phố Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông Lý Trường Thắng mới đây cho biết, cần phải lấy đạo hiếu làm "vạch đỏ" khi đề bạt hoặc bổ nhiệm cán bộ, những người không hiếu thảo không được đề bạt! "Hàng tuần phải giúp bố mẹ làm việc nhà một lần, hàng tháng phải đưa bố mẹ đi cắt tóc một lần, ngâm chân nước nóng cho bố mẹ; sinh hoạt phí cho bố mẹ hàng năm không được thấp hơn mức trung bình lương tháng..." đã trở thành yêu cầu bắt buộc của toàn bộ cán bộ.
Hải Vân: Một số nơi như huyện Ngụy tỉnh Hà Bắc, huyện Thiệu Dương tỉnh Hồ Nam, thành phố Kim Xương tỉnh Cam Túc cũng từng đưa ra quy định: "không được đề bạt cán bộ không hiếu thảo"; Trong Chuẩn tắc thực thi "Cơ chế đề cử tên thật hiệu trưởng trường trung học năm 2012" của Trường Đại học Bắc Kinh cũng quy định rõ: "người không thiếu thảo bố mẹ không được đề cử".
Hùng Anh: 12 doanh nghiệp Quận Giang Bắc thành phố Ninh Ba tỉnh Chiết Giang xây dựng "chế độ nghỉ phép công báo đáp cha mẹ", biến việc thường xuyên về nhà hỏi thăm bố mẹ thành hành động thực tế, thiết lập ngày nghỉ công để đông đảo nhân viên có thời gian về nhà hỏi thăm bố mẹ, đoàn tụ với gia đình.
Hải Vân: Một doanh nghiệp dân doanh của tỉnh Sơn Đông đã cấp 1,38 triệu Nhân dân tệ "lương hiếu thảo" cho bố mẹ của 6500 nhân viên. Từ tháng 4 năm 2010 đến nay, doanh nghiệp này hàng tháng đều phát "lương hiếu thảo" cho bố mẹ của nhân viên, tổng cộng đã lên tới hơn 44 triệu Nhân dân tệ.
Những hiếu tử đương đại Trung Quốc
Hùng Anh: Ông Bằng Đăng Hoài là "bậc thầy nghệ thuật biến mặt nạ" kịch Tứ Xuyên nổi tiếng thế giới, từng lập kỷ lục Ghi-nét thế giới về thay 14 mặt nạ và lật lại 4 mặt nạ trong 25 giây. Trên sân khấu, ông là bậc thầy nghệ thuật, trong cuộc sống, ông là người con hiếu thảo quỳ xuống để cắt móng chân cho mẹ. Ông luôn nhớ gia huấn "hiếu, trung, thiện", mở rộng tấm lòng hiếu thảo cha mẹ đến sự nghiệp từ thiện xã hội, ông lần lượt quyên góp gần 200 nghìn Nhân dân tệ để giúp đỡ người khác. Khi đảm nhận Sứ giả từ thiện tỉnh Tứ Xuyên, ông phát huy đầy đủ sức ảnh hưởng xã hội của mình, nỗ lực giúp đỡ người khác, lần lượt huy động 60 doanh nghiệp quyên góp 3 triệu Nhân dân tệ cho khu vực nghèo khó ở tỉnh Tứ Xuyên.
Hải Vân: Để hoàn thành nguyện vọng của bố, cũng muốn làm tròn tâm nguyện đi du lịch của mẹ, hai anh em Vương Khải và Vương Nhuệ gần 60 tuổi đã tự làm chiếc xe ba gác "báo hiếu", đi bộ kéo xe ba gác chở người mẹ gần 80 tuổi đi du lịch cả nước, lần lượt hai lần xuất phát từ quê, mất khoảng hai năm, đi bộ 18,5 nghìn ki-lô-mét, đi hỏng 37 đôi giầy, đi đến hơn 600 thành phố, đi khắp cả nước, đã làm nên một kỳ tích về hành trình biết ơn báo hiếu. Tấm lòng hiếu thảo của hai anh em đã làm cảm động rất nhiều người dọc đường đi, hành trình của hai anh em cũng được tôn vinh là "Hiếu hành thiên hạ".
Hùng Anh: Ông Mã Phúc Kiến, một nông dân bình thường, sống bằng nghề bán cá, cuộc sống vốn bình lặng, nhưng chỉ vì một ông già đến mua cá mà cuộc sống của ông đã hoàn toàn thay đổi. Ông bắt đầu thiết lập quỹ "hiếu thảo bố mẹ", để khen thưởng những công dân đạo tốt của huyện Đức Thanh, đem số tiền ông làm lụng vất vả mới kiếm được cho những người con hiếu thảo bố mẹ. Sau đó, nhà ông lại đón rất nhiều người già không quen biết đến ở, có người thiểu năng trí tuệ, có người liệt nửa người, còn có những người không thể tự chăm sóc cho bản thân, trước sau đã nuôi dưỡng hàng trăm người già, rất nhiều người già được chăm sóc miễn phí. Nhà ông dần dần trở thành trung tâm người cao tuổi của huyện Đức Thanh. Ông tân trang lại ngôi nhà ba tầng của mình dành cho trung tâm, cả nhà mình dọn vào ở căn gác 14 mét vuông. Tâm nguyện lớn nhất của ông là để người già được sống vui khỏe.
Hải Vân: "Đời người ai chẳng có lúc về già". Người già là cầu nối lịch sử, là nhân chứng và người đại diện cho lịch sử, không kính trọng người cao tuổi cũng tức là không tôn trọng lịch sử, mong sao những người con trong thiên hạ đều noi theo những tấm gương hiếu thảo xưa và nay, thực hành đạo hiếu, làm tròn bổn phận.
Hùng Anh: Cũng chúc cho những bậc cha mẹ, các cụ già trong thiên hạ an khang, mạnh khoẻ, trường thọ, hạnh phúc, vui vẻ. Chương trình "Trung Quốc ngày nay" xin tạm dừng tại đây, Hải Vân và Hùng Anh xin tạm biệt với quý vị và các bạn và hẹn gặp lại với các bạn trong chương trình này tuần sau.
Hải Vân: Xin chào và hẹn gặp lại.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |