N: "Chung quanh chúng ta, không có chuyện nhỏ", quý vị và các bạn thính giả thân mến, hoan nghênh các bạn đến với chương trình "Chung quanh chúng ta" phát vào tối thứ 6 hàng tuần và phát lại vào tối thứ 2 tuần sau, Nam Dương xin chào quý vị và các bạn.
H: Thu Huyền xin chào quý vị và các bạn.
N: Chị Huyền ơi, theo chị nên làm thế nào để từ 200 Nhân dân tệ biến thành 300 nghìn Nhân dân tệ chỉ trong 23 ngày?
H: Ôi, trừ phi đi mua sổ số, nếu không đây sẽ là nhiệm vụ "bất khả thi".
N: Vâng, đây quả là một ước mơ không thể thực hiện đối với chị em mình. Nhưng, có một nữ sinh viên Trung Quốc đã hoàn thành được nhiệm vụ "bất khả thi" này.
H: Bạn sinh viên này đã làm thế nào hả Nam Dương?
N: Nữ sinh viên này đã đổi một đôi nhẫn trị giá 200 Nhân dân tệ lấy một ngôi trường cho các em tiểu học vùng núi tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Và trong "phiên trao đổi" cuối cùng, có một cư dân mạng giấu tên của Thượng Hải đã cam kết quyên góp 300 nghìn Nhân dân tệ để xây dựng một trường học cho các em học sinh.
H: Vâng, bạn nữ sinh viên mà Nam Dương vừa đề cập chính là chủ nhân tiểu blog "cô gái ước mơ", Huyền cũng từng nghe kể về cô gái này. Theo Huyền được biết, hiện nay, ngôi trường mang tên "Trường tiểu học ước mơ" đã được khởi công xây dựng tại thôn Giáp Nham, thị trấn Côn Trại, huyện Nạp Ung, tỉnh Quý Châu.
N: Vâng, cô gái này cho biết, chính sự tin cậy lẫn nhau và thiện chí của các bạn cư dân mạng đã khiến việc "đổi đồ lấy đồ" biến thành "đổi tình thương lấy tình thương", thực hiện ước mơ chung của mọi người. Trong chương trình "Chung quanh chúng ta" hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu câu chuyện "đổi nhẫn lấy trường học" cho các trẻ em vùng núi của nữ sinh có tiểu blog "cô gái ước mơ" này.
H: Vâng, hoan nghênh các bạn đón nghe.
Sức mạnh của tiểu blog: Một đôi nhẫn "đổi" một ngôi trường cho trẻ em vùng núi
N: Các bạn thân mến, cô nữ sinh này tên là Dương Ái Thanh, năm nay 21 tuổi, là sinh viên năm thứ ba Học viên Dân tộc Quý Châu. Ngày 1/2 năm nay, tại một hoạt động "đổi đồ lấy đồ" được tổ chức ở một quán cà-phê, bạn Thanh đã đã viết ước mơ của mình lên tiểu blog.
H: Vâng, ước mơ của bạn Thanh là "mong làm theo câu chuyện 'đổi kim băng lấy căn nhà', đó là có thể "đổi một đôi nhẫn lấy một ngôi trường" cho các em vùng núi Quý Châu. Mong các bạn có thể giúp tuyên truyền và tham gia trao đổi, biến ước mơ chung của mọi người thành hiện thực".
N: Vâng, câu chuyện "đổi kim băng lấy căn nhà" xảy ra cách đây vài năm, một thanh niên người Ca-na-đa đã đổi thành công một chiếc kim băng cài giấy màu đỏ lấy một căn nhà. Bạn Thanh cũng mong ước mơ của mình có thể thực hiện, tuy nhiên, lúc đầu ngay cả bản thân bạn Thanh cũng không nghĩ là mình có thể thực hiện được việc này, không ít bạn bè cho rằng, đây chỉ là chuyện cổ tích mà thôi.
H: Vâng, giá trị đôi nhẫn của bạn Thanh chỉ có 200 Nhân dân tệ, nhưng bạn Thanh cho biết, là một sinh viên bình thường, bạn Thanh chỉ có thể dùng cách này thực hiện dần dần ước mơ của mình, có thể phải mất một năm, cũng có thể là suốt đời, nhưng bất kể phải mất bao lâu, bạn Thanh đều sẽ kiên trì đến cùng.
N: Vâng, điều này thoạt nghĩ thì thấy thật khó thực hiện. Nhưng, điều khiến mọi người bất ngờ là chỉ sau vài tiếng đồng hồ, lưu ký trên tiểu blog của bạn Thanh đã được chuyển phát hàng nghìn lần, trở thành sức mạnh "tiếp sức" công ích. Ngày 5/2, lần trao đổi đầu tiên đã thực hiện thành công, môṭ cư dân mạng U-ru-mu-xi, Tây Cương đã đổi một viên ngọc Hoà Điện trị giá 3000 Nhân dân tệ lấy đôi nhẫn của bạn Thanh.
H: Quả là bất ngờ, những điều bất ngờ thú vị còn ở phía sau. Trung tuần tháng 2, một cư dân mạng của Thượng Hải tên là Triệu Nghệ Ninh đã đổi một chiếc nhẫn kim cương trị giá hơn 10 nghìn Nhân dân tệ lấy viên ngọc Hoà Điện này. Không những thế, diễn viên điện ảnh Chu Hiển Hân, quê ở tỉnh Quý Châu đã liên hệ với bạn Thanh bày tỏ, muốn quyên góp một chiếc nhẫn kim cương.
N: Vâng, ngày 23/2, một cư dân mạng của Thượng Hải cho biết, sẵn sàng quyên góp 300 nghìn Nhân dân tệ để xây dựng một ngôi trường.
H: Vâng, điều này thật khiến mọi người cảm động. Tuy nhiên, cư dân mạng Thượng Hải này cũng đã đưa ra một số yêu cầu với bạn Thanh như, chính quyền địa phương có ủng hộ việc này không? Giáo viên của trường sẽ giải quyết như thế nào? Trong quá trình xây dựng, làm thế nào thực hiện tốt công tác giám sát và quản lý? Khoản tiền từ thiện này sẽ sử dụng và quản lý như thế nào?
N: Đây đều là những vấn đềrất mấu chốt, bởi vì người quyên góp phải biết rõ tiền của mình sẽ được sử dụng như thế nào. Nhưng đây cũng là một vấn đề rất hóc búa đối với bạn Thanh, vì ước mơ này được thực hiện quá nhanh, bạn Thanh còn chưa kịp nghĩ đến những chi tiết này. Các bạn thân mến, các bạn có biết bạn Thanh sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào không, chúng ta hãy nghỉ đôi phút, thương thức một bài hát trước, sau bài hát này, Nam Dương và Thu Huyền sẽ tiếp tục giới thiệu câu chuyện "đổi nhẫn lấy trường học" của bạn nữ sinh có tiểu blog "cô gái ước mơ" này.
H: Vâng, mời các bạn thưởng thức bài hát "Đồng thoại", do ca sĩ Quang Lương trình bày.
Thả bài hát
N: Các bạn thân mến, hoan nghênh các bạn trở lại chương trình "Chung quanh chúng ta" hôm nay, chương trình hôm nay, Nam Dương và Thu Huyền sẽ giới thiệu với các bạn câu chuyện "đổi nhẫn lấy trường học" cho trẻ em vùng núi của bạn nữ sinh có tiểu blog "cô gái ước mơ".
H: Vâng. Các bạn thân mến, như chúng tôi đã giới thiệu trong phần trước của chương trình, chưa đến một tháng, đã có một cư dân mạng Thượng Hải sẵn sàng quyên góp 300 nghìn Nhân dân tệ để xây dựng một ngôi trường, đồng thời cũng đưa ra một số vấn đề chi tiết khi triển khai dự án mà bạn Thanh chưa kịp chuẩn bị.
N: Vâng, chính trong lúc này, lại có một cư dân mạng chủ động liên hệ với bạn Thanh, cam kết sẽ giúp giải quyết những lo ngại của bạn Thanh, cư dân mạng này chính là ông Lý Tiến, Bí thư Đảng ủy thị trấn Côn Trại, huyện Nạp Ung, tỉnh Quý Châu. Ông Tiến mời bạn Thanh đến thăm và cùng khảo sát tại thị trấn Côn Trại.
H: Vâng, trong 3 ngày khảo sát, những gì mắt thấy tai nghe đã để lại ấn tượng sâu sắc cho bạn Thanh – người chưa lần nào ra khỏi thành phố. Bà con nông dân sinh sống phân tán tại vùng núi, trời chưa sáng rõ, các em đã dậy để chuẩn bị đi học, có em phải đi bộ hơn 3 tiếng đồng hồ mới đến được trường.
N: Vâng, bạn Thanh cho biết, "khi tôi đến thăm nhà một em gái tên là Mẫn, em đã lấy tất cả ghế trong nhà ra cho tôi chọn để ngồi". Nhìn đôi mắt ngây thơ trong sáng của các em, tôi tự nhủ lòng mình, dù khó khăn đến mấy, tôi cũng sẽ kiên trì đến cùng".
Ngày 8/3, bạn Thanh đã ký Thoả thuận về xây dựng trường học với chính quyền thị trấn Côn Trại
H: Vâng, cơ quan giáo dục địa phương cũng đã cam kết sẽ thực hiện tất cả vấn đề của cư dân mạng Thượng Hải đưa ra. Ngôi trường được xây dựng tại thôn Giáp Nham, thôn đặc biệt khó khăn của thị trấn Côn Trại. Chính quyền địa phương còn cam kết sẽ xây dựng trường này thành một trường trung tâm, có đủ từ lớp 1 đến lớp 6, ngân sách chính quyền địa phương sẽ cấp phần chi phí xây dựng còn lại.
N: Ông Tiến cho biết, nếu mọi việc suôn sẻ, ngôi trường mới sẽ hoàn thành vào tháng 9, sẽ cải thiện môi trường học tập cho 220 học sinh tiểu học.
H: Ngày 29/2, cư dân mạng của Thượng Hải này đã gửi đến khoản tiền đầu tiên 100 nghìn Nhân dân tệ. Ngày 8/3, bạn Thanh đã ký Thoả thuận về xây dựng trường học với chính quyền thị trấn Côn Trại.
N: Vâng, người dân trong thôn sau khi biết tin cư dân mạng quyên góp tiền xây dựng trường học cho các em, đều rất phấn khởi và ủng hộ, thôn đã cấp 4 mẫu đất để xây dựng trường.
Nhạc
N: Diễn biến câu chuyện xem ra có vẻ rất thuận lợi nhưng thực ra cũng gặp khá nhiều khó khăn. Có người từng hoài nghi ý định của bạn Thanh. Nhưng, bạn Thanh không vì thế mà phiền lòng, vì chính những lo ngại này lại là động lực để bạn Thanh tiếp tục theo đuổi công việc của mình.
H: Bạn Thanh cho biết, ở nước ngoài, có người "đổi kim băng lấy căn nhà", bạn Thanh cũng muốn thử xem đôi nhẫn của mìnhh có đổi được một trường học không. Đổi căn nhà là vì bản thân mình, song cách làm của bạn Thanh là vì trẻ em nghèo vùng núi.
N: Vâng, trong thời đại tiểu blog, làm những việc công ích cũng đòi hỏi tính sáng tạo, qua tiểu blog có thể "phát trực tuyến", mọi người có thể theo dõi tiến triển dự án cho đến khi ngôi trường khánh thành.
H: Vâng, các trang mạng xã hội đã giúp xoá bỏ rào cản về vùng miền, nghề nghiệp... mở ra "thời đại tiểu blog", trong khi đó, những hoạt động công ích và từ thiện do các cư dân mạng tiểu blog phát động cũng đang thể hiện sức mạnh công ích qua mạng In-tơ-nét ở Trung Quốc.
N: Vâng, ví dụ như năm 2011, Chương trình "bữa trưa miễn phí cho các học sinh tiểu học vùng núi hoàn cảnh gia đình khó khăn của Trung Quốc" do các cư dân mạng đề xướng đã thúc đẩy hoạt động mang tính chất dân gian này trở thành một trong những chính sách của nhà nước; trước thềm năm mới 2012, cư dân mạng Trung Quốc đã đề xướng hành động "năm mới quần áo mới" – quyền góp quần áo mùa đông cho vùng sâu vùng xa cũng đã trở thành hành động tiếp sức "tấm lòng nhân ái" trong cộng đồng mạng In-tơ-nét.
H: Vâng, bạn Triệu Nghệ Ninh, người đổi một chiếc nhẫn kim cương lấy viên ngọc Hoà Điện của bạn Thanh cho biết, bạn cũng mơ ước xây dựng "một ngôi trường hy vọng" cho khu vực nghèo khó từ lâu rồi, bạn rất khâm phục việc làm của bạn Thanh, việc dùng chiếc nhẫn kim cương đổi viên ngọc Hoà Điện của bạn Ninh lần này là "mong làm việc có ích đúng lúc đúng chỗ".
N: Vâng, "chuyện cổ tích" vẫn chưa kết thúc, cư dân mạng Thượng Hải giấu tên quyên góp 300 nghìn Nhân dân tệ xây dựng ngôi trường này đến nay vẫn không muốn tiết lộ thông tin riêng của mình mà vẫn chỉ liên hệ với một mình bạn Thanh.
H: Vâng, nhưng có một chi tiết đã thể hiện tấm lòng nhân ái của bạn cư dân mạng này. Bí thư thị trấn Côn Trại Lý Tiến cho biết, trường học này dự định hoàn thành vào tháng 8 và đưa vào sử dụng vào tháng 9, nhưng bạn cư dân mạng Thượng Hải này đề nghị nên hoàn thành trước hai tháng, để đảm bảo đủ thời gian cho công trình xây dựng khô hoàn toàn.
N: Vâng, các bạn thân mến, hiện nay, những công tác giai đoạn đầu như thăm dò địa chất, thiết kế quy hoạch, san lấp mặt bằng... đã cơ bản hoàn thành, thiết bị công trình đã được đưa đến công trường xây dựng.
H: Vâng, Bí thư Lý Tiến cho biết, "chúng tôi cam kết trường học sẽ khánh thành vào tháng 7, và đưa vào sử dụng vào năm học mới tháng 9, đồng thời quá trình xây dựng sẽ được "phát trực tuyến" trên trang web "Nạp Ung nhân ái". Đây là tốc độ mới của công trình công ích khuyến học qua mạng In-tơ-nét do tiểu blog xác lập, là một trường tiểu học được xây dựng thông qua mặt bằng tiểu blog".
N: Vâng, bạn Thanh cho biết, ngôi trường là ước mơ chung của mọi người, vì vậy trường sẽ được đặt tên là "Trường tiểu học ước mơ".
H: Các bạn thân mến, sau khi giới thiệu xong câu chuyện "đổi nhẫn lấy trường học" cho trẻ em vùng núi của "cô gái ước mơ" Dương Ái Thanh, mời các bạn thưởng thức bài hát "Tiểu Tiểu" do ca sĩ Dung Tổ Nhi trình bày.
Thả bài hát.
N: Các bạn thân mến, trên đây Nam Dương và Thu Huyền đã giới thiệu quá trình biến "chuyện cổ tích" thành hiện thực của nữ sinh viên Dương Ái Thanh. Mong rằng sẽ có càng nhiều ước mơ như vậy có thể trở thành hiện thực. Các bạn thân mến, do thời gian có hạn, chương trình hôm nay xin khép lại tại đây, nếu các bạn có cảm nghĩ gì về câu chuyện hôm nay nói riêng hoặc chương trình "Chung quanh chúng ta" nói chung, hoan nghênh các bạn viết thư cho chúng tôi theo địa chỉ: vie@cri.com.cn. Xin chào và tạm biệt các bạn.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |