N: "Chung quanh chúng ta, không có chuyện nhỏ", quý vị và các bạn thính giả thân mến, hoan nghênh các bạn đến với chương trình "Chung quanh chúng ta" phát vào tối thứ 6 hàng tuần và phát lại vào tối thứ 2 tuần sau, Nam Dương xin chào quý vị và các bạn.
H: Thu Huyền xin chào quý vị và các bạn.
N: Chị Huyền ơi, thứ 7 tuần trước, tức ngày 3/3, Kỳ họp thứ 5 Chính hiệp Trung Quốc khoá 11 đã khai mạc, và thứ 2 tuần này Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc khoá 11 cũng đã khai mạc.
H: Vâng, "Hai kỳ họp" không những là một sự kiện chính trị quan trọng nhất của Trung Quốc, mà còn là tiêu điểm thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Nam Dương ơi, tin rằng, có nhiều bạn thính giả bên máy thu thanh cũng đã theo dõi Báo cáo công tác Chính phủ do Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trình bày trước Quốc hội vào ngày 5/3.
N: Vâng, Báo cáo công tác Chính phủ là nội dung quan trọng nhất trong kỳ họp Quốc hội hàng năm, Đài chúng tôi cũng như mọi năm đã phát trực tuyến trên mạng về buổi trình bày Báo cáo công tác Chính phủ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo năm nay. Nếu có bạn nào không có điều kiện theo dõi buổi trực tuyến hôm đó cũng không sao, vì trong chuyên mục "Hai kỳ họp 2012" trên trang web Đài chúng tôi có đăng toàn văn Báo cáo công tác Chính phủ, các bạn có thể truy cập theo địa chỉ: vietnamese.cri.cn, tìm chuyên mục "Hai kỳ họp 2012" để đón đọc và đón xem các bài liên quan.
H: Vâng, Nam Dương ơi, như chương trình tuần trước chúng ta đã giới thiệu, trong các chương trình của mấy tuần này, chúng ta sẽ thảo luận một số đề tài nóng trong "Hai kỳ họp" năm nay, phải vậy không?
N: Vâng, "Hai kỳ họp" tuy là một sự kiện chính trị, nhưng các đề tài thảo luận tại kỳ họp đều là những đề tài liên quan chặt chẽ tới lợi ích thiết thân của người dân, vì vậy, trong chương trình mấy tuần này chúng ta sẽ cùng thảo luận một số đề tài được xem là nóng trong "Hai kỳ họp" nhé.
H: Ok.
N: Chị Huyền ơi, chị có để ý trong Báo cáo công tác Chính phủ năm nay có đề cập tới việc phát triển văn hoá không?
H: Vâng, qua tìm hiểu, Huyền được biết, trong Báo cáo công tác Chính phủ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói, phải thúc đẩy phát triển, phồn thịnh văn hoá. Văn hoá là ngôi nhà tinh thần của loài người, kế thừa văn hoá ưu tú là dòng chảy không ngừng nghỉ của một dân tộc. Phải cung cấp các sản phẩm văn hoá phong phú, chất lượng cao, không ngừng đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần của quần chúng nhân dân. Đi sâu thúc đẩy xây dựng hệ thống giá trị quan cốt lõi của Chủ nghĩa xã hội. Nam Dương ơi, thế hôm nay chúng ta sẽ thảo luận về đề tài văn hoá phải không?
N: Vâng, đúng vậy à chị, bởi vì đề tài văn hoá là đề tài thu hút các bạn trẻ quan tâm nhiều nhất.
H: Vâng, nói đến văn hoá, Huyền rất thích xem phim và nghe nhạc, đặc biệt là một số phim lịch sử Trung Quốc, qua đó có thể tìm hiểu rất nhiều kiến thức lịch sử Trung Quốc. Tin rằng, Nam Dương và các bạn thính giả cũng có cảm nhận giống như Huyền.
N: Vâng, chị nói rất đúng. Thế nhưng, hiện nay, có một hiện tượng đã khiến các bộ ngành liên quan, chuyên gia học giả và nhiều khán giả quan tâm và thảo luận sôi nổi. Đó là hiện tượng "bùng nổ" phim cổ trang đặc biệt là phim với đề tài ngược dòng thời gian trở về thời cổ đại đã chiếm một nửa thời lượng phát hình trên các kênh truyền hình Trung Quốc năm ngoái.
H: Vâng, Huyền phải công nhận, năm ngoái, Huyền cũng đã xem nhiều bộ phim cổ trang của Trung Quốc, có thể nói là một fan hâm mộ phim cổ trang.
N: Vâng, đâu phải chỉ có chị Huyền thích loại phim này, Nam Dương cũng rất thích xem những bộ phim này, và thực ra, Nam Dương có thể khẳng định là có nhiều bạn thính giả đang nghe đài cũng là khán giả trung thành của phim cổ trang Trung Quốc.
H: Vâng, ví dụ các bộ phim truyền hình như "Hoàn Châu Cách Cách", "Bao Thanh Thiên", "Tể tướng Lưu gù"... đã thu hút biết bao khán giả Việt Nam.
N: Vâng, thế nhưng, hiện nay, những phim cổ trang Trung Quốc đã ngày càng xa rời lịch sử, những năm gần đây, Trung Quốc rất thịnh hành một loại phim cổ trang đề tài "vượt thời gian", có nghĩa là kể về người hiện đại lội ngược dòng thời gian trở về thời cổ đại. Hiện tượng này cũng đã khiến các cơ quan hữu quan và chuyên gia học giả, thậm chí là khán giả rất quan tâm.
H: Vâng, theo Huyền được biết, cuối năm ngoái, Tổng Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình nhà nước Trung Quốc đã ban hành biện pháp cấm chiếu các phim liên quan tới đề tài đấu tranh cung đình, trinh sát hình sự và ngược dòng thời gian trở về thời cổ đại trên các kênh Vệ tinh từ 19 giờ tới 21 giờ kể từ ngày 1/1/2012.
N: Vâng, nhưng đây vẫn là đề tài được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn xã hội. Tại Hai kỳ họp Quốc hội và Chính hiệp năm nay, có rất nhiều đại biểu Quốc hội và ủy viên Chính hiệp đã đưa ra nhiều nhận xét khác nhau về những phim liên quan tới đề tài ngược dòng thời gian trở về thời cổ đại. Trong chương trình hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu một số quan điểm của các đại biểu Quốc hội, ủy viên Chính hiệp và cư dân mạng Trung Quốc.
H: Vâng, cũng rất mong các bạn viết thư chia sẻ quan điểm về vấn đề này với chúng tôi theo địa chỉ vie@cri.com.cn.
Phim "Cung" với đề tài ngược dòng lịch sử thịnh hành trong năm 2011
Phim "Bộ bộ kinh tâm" với đề tài ngược dòng lịch sử thịnh hành trong năm 2011
N: Chị Huyền ơi, trước hết, Nam Dương xin hỏi chị có nhận xét thế nào đối với những bộ phim cổ trang nói trên.
H: Huyền rất thích xem những bộ phim dã sử Trung Quốc, vì là người nước ngoài, nên muốn thông qua những bộ phim này tìm hiểu thêm kiến thức lịch sử của Trung Quốc. Thế nhưng, hiện nay một số phim cổ trang lại quá thoát ly lịch sử, thậm chí bịa đặt những câu chuyện lịch sử, điều này không có lợi cho phổ biến kiến thức lịch sử cho mọi người, nhất là đối với trẻ em và thanh niên.
N: Vâng, chị nói rất đúng. Nam Dương cũng cho rằng, do đây là thể loại phim dã sử nên miễn là tình tiết hợp lý, thì dù có một số chi tiết khác với lịch sử cũng có thể chấp nhận được. Có đại biểu Quốc hội thậm chí cho rằng, những phim ngược dòng thời gian trở về thời cổ đại cũng không phải là coi thường lịch sử.
Ông Phương Chí Viễn, Viện trưởng Học viện Văn hoá lịch sử và Du lịch Trường đại học Sư phạm Giang Tây Trung Quốc
H: Vâng, đại biểu này tên là Phương Chí Viễn, là Viện trưởng Học viện Văn hoá lịch sử và Du lịch Trường đại học Sư phạm Giang Tây Trung Quốc, ông từng hai lần tham gia chương trình "Diễn đàn Bách gia" của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ông từng công nhận bản thân ông là một người rất "mốt".
N: Vâng, về vấn đề các bộ phim đề tài ngược dòng thời gian trở về thời cổ đại rất thịnh hành trong năm 2011, ông vừa cười vừa nói, "thực ra, những bộ phim này rất thú vị".
H: Huyền nghe nói chuyên ngành nghiên cứu của ông Phương Chí Viễn là về lịch sử Đời Minh, ông từng hai lần tham gia chương trình "Diễn đàn Bách gia" trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đồng thời xuất bản một số cuốn sách như "Những câu chuyện kể về vua Gia Tính Nhà Minh" và "Lục hưng vong trong đời Vạn Lịch" , những cuốn sách này là tập hợp các bài nói chuyện của ông.
N: Vâng, nhiều phương tiện truyền thông trên mạng In-tơ-nét coi ông là "ngôi sao học thuật" và "ngôi sao hán học" hot nhất hiện nay.
H: Đề cập tới việc làm phim về đề tài trở về thời cổ đại rất thịnh hành trên màn hình nhỏ những năm qua, ông Phương Chí Viễn nói, nhu cầu thị trường vẫn lớn, chứng tỏ tính cần thiết của việc sản xuất những bộ phim thể loại này. Nhìn từ góc độ của một người nghiên cứu lịch sử, ông không cho rằng những phim này là sự coi thường lịch sử.
N: Vâng, ông Phương Chí Viễn nêu rõ, những bộ phim thể loại này ngoài rất thú vị ra, có nhiều chi tiết đề cập tới những hiện tượng xã hội hiện nay, dùng phương thức kể chuyện qua phim để phản ánh những hiện tượng xã hội nóng hổi.
H: Ông Phương Chí Viễn nói, tuy loại phim này ông xem không nhiều, nhưng ông cho rằng nó rất thú vị.
N: Vâng, ông nói ông là một người rất cởi mở, xem những bộ phim thể loại lịch sử này ông không cảm thấy bức xúc hay khó chịu. Ông nói, có nhiều khán giả thích xem phim cổ trang, vì vậy, sự tồn tại của những phim này là điều cần thiết.
H: Vâng, ông cho biết, văn hoá Trung Quốc rất rộng lớn và cởi mở, có thể đại diện cho nhiều tiếng nói khác nhau.
N: Vâng, có một số ủy viên Chính hiệp cũng có những quan điểm như vậy. Ủy viên Chính hiệp Trung Quốc Trần Duy Á khi trả lời phóng viên cho biết, có cầu thì sẽ có cung, người dân có thể đã xem quá nhiều phim chính thống, nên bây giờ muốn xem một số phim hài hước, đến một thời điểm nào đó, những phim đề tài ngược dòng lịch sử trở về thời cổ đại kiểu này chắc chắn sẽ không có nhiều người xem, khi đó sẽ lại xuất hiện một số đề tài mới. Chúng ta nên có thái độ bao dung.
H: Vâng, sau đây mời các bạn thưởng thức bài hát chủ đề "Huyền thoại tươi đẹp" trong bộ phim nổi tiếng Trung Quốc "Huyền thoại" do ngôi sao điện ảnh nổi tiếng Hồng Công Thành Long và ngôi sao Hàn Quốc Kim Hee Seon sắm vai chính và trình bày. Nam Dương ơi, bộ phim này cũng là một bộ phim thuộc đề tài ngược dòng lịch sử trở về thời cổ đại nhé, nhưng chất lượng của phim rất cao.
N: Vâng, vì vậy, phải nhìn nhận rằng, bất cứ là đề tài gì cũng có thể có những bộ phim chất lượng cao, điều quan trọng là người biên tập phải biết cách kết hợp các tình tiết trong phim với các sự kiện lịch sử, chứ không phải là đưa lên phim những tình huống bịa đặt, không sát thực tế.
N: Chị Huyền ơi, vừa rồi chúng ta đã giới thiệu một số quan điểm về tình hình phim cổ trang thịnh hành tại Trung Quốc. Thực ra, sở dĩ xuất hiện hiện trạng này cũng do một số nhân tố khách quan.
Ủy viên Chính hiệp, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Lương Hiểu Thanh
H: Vâng, Huyền được biết, ủy viên Chính hiệp, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Lương Hiểu Thanh từng trả lời phóng viên về vấn đề này cho biết, chính là do đề tài phim quá tập trung, tạo ra thành một quán tính thẩm mỹ cho khán giả, tức là xem một lần, hai lần, lâu rồi thành quen dần dần chấp nhận nó lúc nào không biết. Hơn nữa, do thị trường vẫn chấp nhận, nên các hãng phim và đạo diễn vẫn tiếp tục đầu tư cho thể loại phim này.
N: Vâng, ông Lương Hiểu Thanh cho biết, là một tác giả và biên tập thâm niên, ông công nhận khán giả có nhiều nhu cầu khác nhau, vì vậy ông kêu gọi, không thể chỉ có những phim đề tài lịch sử.
H: Nam Dương ơi, có thể là do Tổng Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình nhà nước Trung Quốc đã quy định cấm chiếu những phim với đề tài ngược dòng lịch sử trở về thời cổ đại vào "giờ vàng", hiện nay quả thực đã không còn phim đề tài này chiếu từ 19 giờ tới 21 giờ rồi. Ngoài khung "giờ vàng", trên các kênh truyền hình vẫn chiếu rất nhiều phim cổ trang.
N: Vâng, thực ra, cũng không phải ai cũng thích xem những bộ phim đề tài như vậy đâu. Có nhiều khán giả thậm chí cho biết, sau khi xem nhiều phim đề tài ngược dòng lịch sử, khiến họ cảm thấy đầu óc trống rỗng, mông lung.
H: Vâng, có một bạn tên là Trương Trác từng rất thích xem phim đề tài này. Nhưng sau một năm xem liên tục phim loại này, bây g̣iờ bạn Trác đã cảm thấy chán rồi.
N: Vâng, một số nhân sĩ trong ngành đã phàn nàn rằng phim đề tài ngược dòng lịch sử đã làm ảnh hưởng đến các bạn trẻ muốn tìm hiểu lịch sử. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ cũng đang phân tích tâm lý tại sao thích xem những phim này.
H: Vâng, một số bạn cho rằng, sau khi xem nhiều phim loại này cảm thấy rất mông lung, càng xem càng cảm thấy mất phương hướng.
N: Ngoài những nguyên nhân trên ra, cùng với sự trưởng thành và sự từng trải, ngày càng nhiều bạn trẻ "chia tay" với những bộ phim này.
H: Vâng, theo Huyền được biết, thực ra, các cơ quan quản lý như Tổng Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình nhà nước Trung Quốc cũng không phải hoàn toàn cấm sản xuất phim cổ trang, chủ yếu là để hạn chế việc sản xuất đại trà phim cổ trang với quá nhiều tình tiết nhố nhăng phản cảm.
N: Vâng, gần đây, Cục trưởng phụ trách quản lý truyền hình của Tổng Cục Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình nhà nước Trung Quốc Lý Kinh Thịnh đã cho biết, quy định về cấm chiếu phim đề tài ngược dòng lịch sử trở về thời cổ đại trong "giờ vàng" chỉ là điều tiết vĩ mô, miễn là phù hợp giá trị quan dòng chính, nội dung hay, những phim này vẫn sẽ nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của nhà nước và người dân.
H: Vâng. Các bạn thân mến, sau phần thảo luận trên đây, mời các bạn thưởng thức bài hát chủ đề của phim đề tài ngược dòng lịch sử thịnh hành tại Trung Quốc nhất năm 2011 "Bộ bộ kinh tâm", bài hát chủ đề này mang tên là "Thiên đường ba tấc" do ca sĩ Nghiêm Nghệ Đan trình bài.
N: Các bạn thân mến, mong những nội dung thảo luận trên đây sẽ là thông tin tham khảo bổ ích cho các bạn, do thời gian có hạn, chương trình hôm nay xin tạm ngừng tại đây. Trong chương trình tuần sau, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận một số đề tài nóng tại "Hai kỳ họp" năm nay, hoan nghênh các bạn đón nghe. Nếu bạn có ý kiến hoặc kiến nghị gì cũng mong các bạn viết thư đóng góp cho chúng tôi theo địa chỉ: vie@cri.com.cn, xin chào các bạn.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |