Trong bối cảnh tình hình việc làm không mấy lạc quan hiện nay, một thứ quan niệm đang ngấm ngầm lan toả dưới thôn quê, đó là tốt nghiệp đại học cũng tức là thất nghiệp, cho con học lên không bằng cho đi làm thuê. Tại Kỳ họp thứ ba Chính hiệp Trung Quốc khoá XI, rất nhiều ủy viên đã nêu đề án, kêu gọi chuyển đổi quan niệm, chuyển đổi kết cấu trong giáo dục ở nông thôn.
Ủy viên Chính hiệp Toàn quốc đến từ Ngô Châu, Quảng Tây, Lã Mãn Tiếu cho biết, theo số liệu liên quan, nhiều năm qua học sinh Cấp II học lên Cấp III ở vùng nông thôn Quảng Tây chỉ có khoảng 20%, số còn lại nếu không về quê làm ruộng sẽ vào thành phố trở thành lao động nông dân thế hệ mới.
Trong đề án của Đồng minh dân chủ Trung Quốc-một đảng phái dân chủ ở Trung Quốc cũng chỉ rõ, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là cơ chế đánh giá giáo dục ở nông thôn có phần sai lệch, đó là nhiệm vụ của học sinh Cấp III là phải thi vào đại học-cao đẳng, bởi vậy việc đánh giá chỉ coi trọng tỷ lệ thi đỗ đại học-cao đẳng. Dưới sự chủ đạo của quan niệm này, những học sinh nông thôn có học lực bình thường sau khi học hết Cấp III không có ý định tiếp tục học lên.
Các ủy viên Chính hiệp trong đề án đồng loạt kêu gọi giáo dục ở nông thôn cần phải chú trọng "giáo dục kỹ năng", mở rộng việc tuyển sinh trung cấp, nhất là các chuyên ngành về nông lâm nghiệp.
Ủy viên Lã Mãn Tiếu trong đề án của mình cũng kiến nghị rằng, đối với những học sinh cuối Cấp II không muốn học lên nữa, phải dựa vào sự hứng thú và ý nguyện của cá nhân để phân luồng giáo dục, tức các trường Cấp II nông thôn phối hợp với các trường dạy nghề ở thành thị tiến hành đào tạo dạy nghề.