Thống nhất Trung Quốc
Chống nhà Tùy và thành lập nhà Đường
Tùy Dạng Đế nhanh chóng bất mãn với Lý Uyên và Vương Nhân Cung, thái thú Mã Ấp (Sơn Tây) vì sự bất lực khi chống lại các cuộc xâm nhập của Đông Đột Quyết và các cuộc khởi nghĩa nông dân đang lớn mạnh. Trong đó có khởi nghĩa của Lưu Vũ Chu, đã nổi dậy và giết Vương Nhân Cung rồi chiếm lấy cung điện của Dạng Đế ở Thái Nguyên. Lý Uyên còn sợ hãi hơn khi có lời sấm rằng triều đại mới sắp xuất hiện, họ Lý sẽ thay họ Dương. Vì điều này Dạng Đế đã cho giết tướng quân Lý Hồn và cả họ vì cháu Lý Hồn là Lý Mẫn vốn là thân thuộc với nhà vua.
Lý Thế Dân là người động viên cha đứng lên khởi nghĩa chống lại nhà Tùy tại Thái Nguyên năm 617. Lý Uyên cũng có ý định nổi dậy chống Tùy, nhưng không biết rằng Thế Dân cũng có mưu đồ tương tự, Thế Dân đã mật mưu bàn với 2 thủ hạ của cha là Bùi Tịch và Lưu Văn Tĩnh. Thời cơ chín muồi, Thế Dân cho Bùi Tịch nói cho cha biết rằng nếu việc Lý Uyên thông dâm với phi tần của Dạng Đế ở Tấn Dương cung bị phát hiện, cả họ Lý sẽ bị giết. Lý Uyên đồng ý khởi binh, bí mật cho triệu hồi Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát từ Hà Đông đến Thái Nguyên và con rể là Sài Thiệu từ Trường An. Lý Uyên sau đó tuyên bố ủng hộ cháu nội của Dạng Đế là Dương Hựu đang ở Trường An làm hoàng đế. Lý Uyên cho hai con trai lớn làm tướng rồi đem quân xuôi nam, trên đường đã đánh bại 3 vạn quân Tùy ở Dương Định.
Khi quân họ Lý đến Hoắc Ấp, Hà Đông thì bị kẹt lại vì thời tiết và vì hết lương. Lý Uyên ban đầu muốn rút quân, nhưng bị Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân phản đối. Hoắc Ấp vốn được danh tướng nhà Tùy là Tống Lão Sinh trấn thủ, dưới trướng có 3 vạn tinh binh, lại ỷ vào thành cao hào sâu không chịu ra đánh, muốn quân họ Lý cạn lương rồi mới phá. Lý Uyên dùng mẹo, sai hai con trai đem kỵ binh đến trước thành dụ Tống Lão Sinh ra đánh. Tống Lão Sinh mắc mưu, cho là Lý Uyên hết lương nên đánh liều, liền đem quân ra ngoài giao chiến. Quân họ Lý ban đầu bị áp đảo, phải giả vờ bỏ chạy để quân Tùy đuổi theo. Sau đó Lý Uyên tung quân chủ lực đánh vào hai cánh của quân Tùy. Tống Lão Sinh muốn rút lui thì bị Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân dẫn kỵ binh chặn lại cắt mất đường lui. Lý Uyên lại cho một nhánh quân đến Hoắc Ấp phao tin Tống Lão Sinh đã chết. Quân Tùy nghe thế liền đầu hàng, Tống Lão Sinh thấy mất thành bèn tự sát.
Khi phá được Hoắc Ấp, Lý Uyên tiến quân vào Quan Trung, chiếm lấy kinh đô Trường An, tôn Dương Hựu làm hoàng đế, Dạng Đế làm Thái thượng hoàng. Việc Lý Uyên chiếm Trường An đã gây lên sự phản đối từ một thủ lĩnh khởi nghĩa khác là Tiết Cử, kẻ đã sai con trai là Tiết Nhân Cảo đem quân đánh Trường An. Lý Uyên cử Lý Thế Dân đi đánh, chỉ một trận là phá được Tiết Nhân Cảo. Điều này làm Tiết Cử do dự muốn đầu hàng Lý Uyên, nhưng đã bị các mưu sĩ phản đối. Khi nghe tin đông đô nhà Tùy là Lạc Dương bị Ngụy Công Lý Mật tấn công, Lý Uyên đã sai Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân, trên danh nghĩa là mang quân đi cứu viện, thực chất là thăm dò xem quan viên Lạc Dương có thần phục mình hay không. Các quan viên Lạc Dương từ chối sự tiếp viện của Lý Uyên, trong khi đó Lý Kiến Thành và Lý Thế Dân đều không muốn giao chiến giành quyền kiểm soát Lạc Dương hay giao chiến với Lý Mật tại thời điểm đó nên đã lui quân.
Một năm sau, khi nghe tin Dạng Đế bị Vũ Văn Hóa Cập hại chết, Lý Uyên ép Dương Hựu nhường ngôi, lật đổ nhà Tùy lập ra nhà Đường, phong cho con trưởng Lý Kiến Thành làm thái tử, Lý Thế Dân làm Tần Vương kiêm Thượng thư lệnh, tiếp tục coi việc quân. Lý Thế Dân là người chỉ huy quân đội đi thu phục hầu hết các vùng đất quan trọng bị chia rẽ sau khi thành lập nhà Đường, từ các đối thủ bao gồm: Tần Vương Tiết Nhân Cảo, Định Dương Khả hãn Lưu Vũ Chu, Trịnh Vương Vương Thế Sung và Hạ Vương Đậu Kiến Đức. Với sự dẫn dắt của nhà Đường nói chung và tài mưu trí thao lược của Lý Thế Dân nói riêng nên Trung Quốc đã dần thống nhất sau khi nhà Tùy sụp đổ.
Bình định phía Tây
Trong những năm 618 - 620, Lý Thế Dân bình phục được hết miền Tây Bắc Trung Hoa, thắng một trận lớn ở Sơn Tây.
Tháng 4 năm 619, Đột Quyết xúi giục Lưu Vũ Chu đánh Đường, tiến công Tiên Thứ (nay là Tiên Thứ thuộc tỉnh Sơn Tây), tập trung đánh Thái Nguyên. Quân Đường phải tăng viện mấy lần mà vẫn bị đại bại. Trấn giữ Thái Nguyên là Lý Nguyên Cát trong đêm dẫn bầu đoàn thê tử tháo chạy đến Trường An. Lưu Vũ Chu men theo phía nam Phần Thủy, Phổ Châu (Châu Trị nay thuộc Lâm Phần, Sơn Tây) tiến quân, hầu như không thành nào không phá. Tháng 10 lại qua Phổ Châu, Cối Châu (nay là Dực thành ở Sơn Tây). Cùng thời gian đó, một nông dân người Hạ Huyện tên là Lữ Sùng Mậu vì phản đối quân Tùy thực hiện vườn không nhà trống nên đã tập hợp quân khởi nghĩa cùng hưởng ứng với Lưu Vũ Chu. Vương Hành Bản trước cũng là Tùy tướng đang ở Bạc Bản cũng nhân cơ hội câu kết với Lưu Vũ Chu. Vì thế thành Hà Đông của nhà Đường trong phút chốc đã bị thất thủ.
Được tin Thái Nguyên thất thủ, Lý Uyên vô cùng kinh hãi: "Cường binh Phổ Dương có tới hàng vạn, lương thảo có thể dừng cả 10 năm, một nơi hưng thịnh như vậy mà phải mất vào tay bọn chúng". Quan Trung bị đe dọa, lòng người hoang mang nhụt mất chí phòng thủ. Lý Uyên thấy khó lòng mà chống cự, đành phải "hy sinh phía đông Hoàng Hà, thận trọng gìn giữ Quan Trung".
Lý Thế Dân thì lại không chịu buông xuôi mà cho rằng chỉ cần nỗ lực giành giật lại Hà Đông để tranh thủ tình hình có lợi ban đầu là có thể giữ được, hăng hái xung phong dẫn 3 vạn tinh binh đi bắt Lưu Vũ Chu, chiếm lại thành đã mất.
Lý Thế Dân quyết lợi dụng khoảng thời gian tháng 11 năm nay sông Hoàng Hà đóng băng, dẫn quân vượt qua sông đến đóng quân tại Bách Bích (nay là phía tây nam Tân Triết, tỉnh Sơn Tây) - nơi có thể trông thấy thuộc hạ của Lưu Vũ Chu là Tống Kim Cương. Tống Kim Cương vốn là thủ lĩnh một đội nghĩa quân hơn vạn người ở Dị Châu (nay là Dị Huyện, Hà Bắc) vừa bị Đậu Kiến Đức đánh bại nay quy hàng theo Lưu Vũ Chu, trở thành em rể của Lưu Vũ Chu.
Lý Thế Dân hiểu rằng đối với một kẻ thù hung mãnh như vậy, chỉ có thể bằng cách tranh thủ lúc có thời cơ thuận lợi mới có thể tiêu diệt; khinh suất manh động thì chỉ có thể bại. Vì vậy, sau khi định quân ở Bách Bích, chỉ cho bộ phận nhỏ binh mã ra quấy nhiễu, còn quân chủ lực kiên quyết không ra đánh, nằm im chờ cơ hội. Tống Kim Cương ra sức công thành nhưng Lý Thế Dân vẫn nằm im bất động, chỉ dùng cung bắn tên để đuổi lui quân địch.
Tháng 12, Lý Thế Dân cho một đội quân dùng chiến thuật "địch tiến ta lùi, địch lùi ta tiến" liên tục gặp thuận lợi và giành thắng lợi liên tiếp. Tướng lĩnh nhà Đường sốt ruột, thi nhau thỉnh chiến. Lý Thế Dân lại nhận thấy thời cơ chưa đến nên bỏ ngoài tai tất cả và ra nghiêm lệnh nằm im tịnh thủ Bách Bích.
Mãi tới tháng 4 năm sau, Tống Kim Cương mặc dù có tinh binh mãnh tướng nhưng rồi nhuệ khí cũng giảm. Lương thực dự trữ trong kho đã hết, hiện hoàn toàn duy trì bằng cách đi cướp bóc, lại thấy Lý Thế Dân cố thủ không chịu đánh, không có cách nào giành thắng lợi sớm nên đành cho bọn Tầm Tương đi sau yểm trợ để tản về phía bắc. Khi đó Lý Thế Dân mới chụp lấy cơ hội phá cổng thành, quyết đánh không tha.
Lý Thế Dân đuổi kịp và đại phá quân Tầm Tương tại Lữ Châu (nay là Hoắc Huyện, tỉnh Sơn Tây). Sau đó không một phút chậm trễ, tiếp tục đuổi theo, một ngày đêm hành quân hơn 200 dặm, đánh hơn 10 trận lớn nhỏ. Đuổi đến Cao Bích Lĩnh (nay thuộc phía nam Linh Thạch, tỉnh Sơn Tây) thì quân Lý Thế Dân cũng hết lương thảo, sĩ tốt cũng mệt mỏi nhiều. Lưu Hoằng Cơ vội kéo dây cương ngựa của Lý Thế Dân nói rằng: "Quân sĩ đói mệt, cho dù thế nào cũng phải chờ lương thảo tới. Đợi quân sĩ no bụng có đủ dũng khí rồi đuổi tiếp cũng chưa muộn mà!". Nhưng Lý Thế Dân bảo: "Tống Kim Cương cùng đường tháo chạy, quân lính đang phân tâm. Nếu chờ lương thảo tới, một khi cơ hội đã mất đi thì khi đó có hối cũng muộn rồi!". Nói rồi lại giục ngựa đuổi theo, đuổi đến Tước Thử Cốc (nay là Hiệp Cốc ở phía tây nam Giới Tức, tỉnh Sơn Tây), trong một ngày giao đấu với Tống quân 8 hiệp, bắt giết hơn vạn người, Tống Kim Cương lại tiếp tục tháo chạy.
Tướng sĩ cũng đang rất đói lại phải nhanh chóng tiến quân về phía bắc. Tống Kim Cương trong tay chỉ còn hơn vạn binh sĩ, vừa mới đến thành Giới Hưu, không thể ngờ rằng Lý Thế Dân đã đuổi đến nơi nên vừa lâm trận đã bị đánh bại bỏ lại binh mã tháo chạy về phía bắc.
Lý Thế Dân đang tìm cách chiêu hàng thuộc hạ của Tống Kim Cương là Uất Trì Cung và Tầm Tương thì có người vào báo: Lưu Vũ Chu ở Tịnh Châu (tức Thái Nguyên, thấy Tống Kim Cương bị thất bại hoàn toàn sợ Lý Thế Dân đuổi đến nên đã tháo chạy về phía bắc. Nghe tin, Lý Thế Dân vội vã dẫn kỵ binh ngày đêm bắc tiến. Lưu Vũ Chu, Tống Kim Cương quả thật bị sợ hãi vô cùng chi biết đem hơn 100 kỵ binh nhằm hướng Đột Quyết mà đi, về sau bị bỏ mạng ở Đột Quyết.
Vùng Hà Đông lại quay về với Lý Đường, một lần nữa thế tranh hùng hướng Đông của nhà Đường lại xuất hiện.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |