Thực phẩm cấm kỵ khi bị ốm là chỉ vấn đề kiêng ăn trong quá trình bị ốm, bao gồm toàn bộ quá trình giai đoạn đầu, giai đoạn giữa bị ốm và giai đoạn phục hồi sức khỏe, liên quan chặt chẽ tới việc điều dưỡng, chăm sóc người bệnh cũng như sự phát sinh và diễn biến của bệnh tật. Trung Quốc có câu rằng: "ba phần trị, bảy phần dưỡng", trong đó cấm kỵ là một khâu hết sức quan trọng trong điều dưỡng. Ngay từ đời Tần và đời Hán đã có những tác phẩm "Hoàng đế Thần Nông thực cấm", "Thần nông Thực kỵ", "Lão Tử cấm thực kinh" v.v. "Bản thảo Cương mục" của đời Minh đã ghi chép tỷ mỉ về cấm kỵ thực phẩm. Thực phẩm cấm kỵ khi bị ốm một mặt liên quan tới dùng thuốc, tức là kiêng ăn một số thực phẩm sau khi uống thuốc; mặt khác cần phải lưu ý mối quan hệ liên quan tới bệnh, có nghĩa là xem xét toàn diện giữa tác nhân hàn, nhiệt, hư, thực, biểu lý, thượng hạ gây bệnh tật với tính, vị của thực phẩm, miễn là những thực phẩm bất lợi cho bệnh đều cần phải cấm kỵ.
Lúc đầu mắc chứng cảm gió, trường hợp cảm gió lạnh thì nên kiêng ăn đồ nguội và nhiều dầu mỡ; trường hợp ôn nhiệt và đang ở giai đoạn thanh giải cần phải kiêng thực phẩm sống và lạnh; trường hợp tà nhiệt ứ trệ, khiến nhiệt tà tăng cường, dẫn đến các triệu chứng khát nước, buồn bực, táo bón, thì cần phải giải nhiệt bằng sự hỗ trợ của hoa quả, có thể uống nước Lê, nước quả Quýt, nước Dưa hấu, ước cơm, chè Đỗ xanh v.v, không nên ăn nhiều đồ sống, lạnh và nhiều dầu mỡ.
Trong giai đoạn phục hồi sức khỏe sau khi cảm gió lạnh, tức giai đoạn vừa mới khỏi bệnh và đang trong phục hồi, vị khí trở lại, giảm sốt, mạch tĩnh, thân nhiệt bình thường thì con người rất muốn ăn, ăn bao nhiều cũng không đủ. Lúc này phải kiêng ăn thái quá không điều độ, càng phải cấm kỵ thực phẩm nhiều dầu mỡ, bằng không bệnh tái phát, kéo dài, thậm chí khiến bệnh tình xấu đi. Nói chung, trong giai đoạn uống thuốc, miễn là thực phẩm sống, nguội, đồ dính, nhiều dầu mỡ, đồ tanh và thực phẩm khó tiêu đều phải cấm kỵ
Chứng bệnh khác nhau thực phẩm cấm kỵ cũng không giống nhau, ví dụ như tỳ vị hư hàn, đỉa chảy, đau bụng, khi uống thuốc ôn trung tán hàn nên cấm kỵ thực phẩm sống và nguội, tính hàn như hoa quả, đồ tanh, đồ dính, hoạt tràng, nhiều dầu mỡ; bệnh nhân mất ngủ dùng thuốc an thần nên tránh trà đặc, cà phê; bệnh nhân dương hư không nên ăn hoa quả tươi sống, thức ăn tính hàn mát; những người âm hư và nhiệt thịnh kiêng ăn cay, nhiệt thương âm như rượu, hành, tỏi, ớt, gừng tươi; bệnh nhân thủy thũng kiêng ăn mặn; bệnh nhân tiêu khát (bệnh tiểu đường)kiêng đường; Dương chứng, mụn nhọt, mẩn gió, ghẻ lở kiêng thực phẩm cay, nhiệt, mùi thơm. Do phần lớn người mắc chứng hư đều xuất hiện chức năng dạ dày suy giảm, khó tiêu, hấp thụ không tốt, vì vậy, những người chứng hư kiêng thực phẩm tốn khí thương tân, nhiều dầu mỡ khó tiêu cùng thực phẩm rán và cứng, thích hợp thực phẩm thanh đạm mà dinh dưỡng phong phú.
Trong quá trình diễn biến của một số bệnh tật, có loại cấm kỵ gọi là kiêng ăn những đồ gây bệnh. Những đồ dễ gây bệnh là chỉ thực phẩm khiến các chứng mụn nhọt, mụn độc, mẩn ngứa, ghẻ lở, ho, hen suyễn v.v trở nên nghiêm trọng, hoặc dẫn đến tái phát. Ví dụ như trong thủy sản bao gồm, cá hố, cá chép, tôm, cua, con hào, sò hến; trong thịt gia súc bao gồm thịt Cừu, thịt Cầy, thịt Lừa, thịt Ngựa; trong rau xanh bao gồm rau Hẹ, Nấm hương, rau Cần, rau Thìa là v.v. Những thực phẩm trên phần lớn vị cam tính ôn, vị thơm tính nhiệt, trợ nhiệt sinh hỏa, đặc biệt là chứng mụn nhọt và mụn độc cần phải cấm kỵ.