"Những điều kiêng kỵ về ăn uống" là chỉ các trường hợp "không thích hợp" trong ăn uống. Căn cứ sớm nhất của những điều kiêng kỵ về ăn uống bắt nguồn từ "ngũ vị sở cấm"được ghi trong "Hoàng đế Nội kinh", trong đó chỉ rõ ngũ cấm bao gồm: bệnh gan cấm cay, bệnh tim cấm mặn, bệnh tỳ cấm chua, bệnh thận cấm cam, bệnh phổi cấm đắng". Sau đó, các y gia không ngừng tổng kết và phát triển trong thực tiễn, dần dần hình thành hệ thống lý luận và học thuyết để cho mọi người làm theo. Cuốn "Thương hàn tạp bệnh luận" của đời Hán viết: trong vị thực phẩm, vị thì tương nghi với bệnh, vị thì tương khắc với bệnh, nếu dùng một cách thích hợp sẽ bổ ích cho cơ thể, bằng không sẽ dẫn đến bệnh. Vì thế, dinh dưỡng và chữa bệnh bằng các vị thực phẩm thích hợp được gọi là dưỡng sinh và điều trị bằng thực phẩm, trường hợp cấm dùng những thực phẩm không thích hợp gọi là những điều kiêng kỵ về ăn uống, trong dân gian được gọi là "cấm khẩu" hoặc "kỵ khẩu". Cuốn "Ẩm thực tu tri"của đời Nguyên nhấn mạnh: "Ẩm thực có tác dụng dưỡng sinh, nhưng lại không biết tính thực phẩm có cả tương nghi và tương kỵ, khi ăn lẫn lộn, trường hợp nhẹ làm cho Ngũ tạng bất hòa, trường hợp nghiêm trọng sẽ gây nên tai họa".
Đối với những điều kiêng kỵ về ăn uống theo ghi chép của người thời xưa, chúng ta cần phải nghiệm chứng qua thực tiễn và nghiên cứu khoa học, bỏ cặn bã giữ tinh hoa, bỏ giả dối giữ chân thực, như vậy mới có thể thực sự chỉ đạo thực tiễn dưỡng sinh và điều trị.