Thực phẩm và dược phẩm đều có tính năng của Tứ tính, Ngũ vị và Quy kinh. Áp dụng phương pháp điều trị bằng các món ăn có nghĩa là vận dụng tính thiên lệch của thực phẩm để uốn nắn sự suy thịnh của âm dương trong cơ thể con người, phát huy tác dụng của Ngũ vị và sự hòa hợp của thực phẩm đối với cơ thể, tiến hành điều hòa các cơ quan phủ tạng và điều phối âm dương, khiến cơ thể phục hồi lại trạng thái ngũ tạng an hòa, âm bình dương bí. Lý luận Tứ tính, Ngũ vị và Quy kinh là căn cứ quan trọng về lựa chọn thực phẩm trong dưỡng sinh và điều trị của Y dược Trung Hoa.
Quy kinh
Quy kinh là chỉ một số thực phẩm hoặc dược phẩm gây tác dụng nổi bật đối với một số phủ tạng, kinh lạc và vị trí nào đó trong cơ thể con người, thể hiện tính lựa chọn trọng điểm của các món ăn dùng cho dưỡng sinh và điều trị, là sự nhận thức của người thời xưa đối với tính lựa chọn tác dụng của thực phẩm dưỡng sinh và điều trị, là quy luật nội tại của thực phẩm dưỡng sinh và điều trị. Quy kinh của thực phẩm và dược phẩm có sự liên quan phần nào tới "vị", đúng như "Tố vấn. Chí chân yếu đại luận" viết: "Phu Ngũ vị nhập vị, các quy sở hỷ. Cố toan tiên nhập gan, khổ tiên nhập tim, cam tiên nhập tỳ, tân tiên nhập phế, hàm tiên nhập thận". Trường hợp bình thường, các món ăn vị cay quy kinh lạc phổi, thường dùng các thực phẩm vị cay phát tán như Gừng tươi, Tía tô, Nguyên tuy(rau mùi)chữa trị chứng biểu, chứng ho do phổi khí không tuyên thông gây nên; các món ăn vị cam quy kinh tỳ, thường dùng các thực phẩm vị cam tẩm bổ chứng hư như Táo đỏ, mật Ong nguyên chất, Sơn dược v.v chữa trị các chứng thiếu máu, cơ thể hư nhược; các món ăn vị chua quy kinh gan, thường dùng các thực phẩm vị chua như Ô mai, Sơn tra v.v chữa rị chứng bệnh gan và mật; các món ăn vị đắng quy kinh tim, thường dùng các thực phẩm vị đắng như Mướp đắng, chè Xanh v.v chữa trị các chứng tim bốc hỏa, chuyển chứng nhiệt sang ruột non...; các món ăn vị mặn quy kinh thận, thường dùng các món ăn vị mặn như thịt Rùa (Ba ba), Côn bố, Tảo biển chữa trị các chứng tiêu hao do máu gan và thận tinh không đủ như cường giáp, bệnh tiểu đường v.v.
Nói tóm lại, tác dụng của thực phẩm và dược phẩm đối với cơ thể con người được quyết định bởi Tứ tính, Ngũ vị và Quy kinh của chúng. Cho dù thực phẩm cùng tính và vị nhưng khác nhau về quy kinh, sẽ có tác dụng và quy kinh khác nhau, do tính, vị khác nhau, tác dụng cũng không giống nhau. Vì vậy, khi dưỡng sinh và điều trị bằng thực phẩm không những phải căn cứ tình hình tổng thể của mỗi người, mà còn phải kết hợp tác dụng về các mặt tính, vị và quy kinh của thực phẩm để xác định dùng thực phẩm gì dưỡng sinh và điều trị cho thích hợp, mới có thể thu được hiệu quả dự kiến.