Thực phẩm và dược phẩm đều có tính năng của tứ tính, ngũ vị và quy kinh. Áp dụng phương pháp điều trị bằng các món ăn có nghĩa là vận dụng tính thiên lệch của thực phẩm để uốn nắn sự suy thịnh của âm dương trong cơ thể con người, phát huy tác dụng gần gũi của Ngũ vị thực phẩm đối với cơ thể, tiến hành điều hòa các cơ quan phủ tạng và điều phối âm dương, khiến cơ thể phục hồi lại trạng thái ngũ tạng an hòa, âm bình dương bí. Lý luận Tứ tính, Ngũ vị và Quy kinh là căn cứ quan trọng về lựa chọn thực phẩm trong dưỡng sinh và điều trị của Y dược Trung Hoa.
Tứ tính
"Tứ tính" là chỉ bốn tính chất khác nhau giữa hàn, nhiệt, ôn, mát, trong đó hàn và mát, nhiệt và ôn có đặc tính chung, chỉ khác về mức độ, ôn có độ "nóng" ít hơn tính nhiệt, mát có độ "lạnh" ít hơn tính hàn. Tứ tính hàn, nhiệt, ôn, mát tương ứng với hàn nhiệt của bệnh. "Tố vấn.Chí chân yếu đại luận" viết: "Hàn giả nhiệt chi, nhiệt giả hàn chi". Đây là mẹo lựa chọn sử dụng thuốc trong điều trị, cũng là căn cứ quan trọng trong lựa chọn thực phẩm. Thực phẩm tính hàn và tính mát có tác dụng tư âm, thanh nhiệt, tiết hỏa, mát máu, giải độc v.v, cho nên thường hay dùng cho chứng nhiệt; thực phẩm tính ôn nhiệt có tác dụng tán hàn, ôn lý, trợ dương v.v, thường hay dùng cho chứng hàn. Xét về các thức ăn hàng ngày, đa số là thực phẩm tính bình hòa, tiếp theo là thực phẩm tính ôn nhiệt, rồi đến thực phẩm tính hàn và tính mát. Thực phẩm tính ôn nhiệt thường gặp chủ yếu bao gồm thịt gà, hải sâm, tỏi, gừng tươi, rượu, đường đỏ, dấm v.v; thực phẩm tính hàn và mát bao gồm thịt vịt, măng, gan lợn,rau chân vịt, rong biển, mướp đắng, bí đao, dưa hấu, đỗ xanh v.v.