Tinh khí trong thận của người già suy dần, khiến Ngũ tạng và Lục phủ đều bị suy yếu, người già nên thường xuyên ăn các món bổ gan ích thận, trong đó bao gồm Kỷ tử, Hà thủ ô, Thục địa hoàng v.v; âm khí, dương khí và phủ tạng của trẻ em còn ở thời kỳ non yếu, cơ thể và khí đều chưa đầy đặn, trẻ em đang trong thời kỳ dạt dào sức sống, phát triển nhanh chóng, khi mắc bệnh dễ dẫn đến tỳ khí không đủ, gan khí dư thừa, trường hợp này có thể dùng các món ăn cam ngọt, mang tính bổ êm dịu, ví dụ như Phục linh, Sơn dược, Bạch biển đậu v.v.
Thể chất khác nhau thì biểu hiện tinh thần và tâm lý cũng không giống nhau, ngược lại, tinh thần không ổn định hoặc thay đổi dữ dội trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng khác nhau đối với cơ thể. Tinh thần của con người có sự thay đổi cả về vui, giận, lo, nghĩ, buồn, hoảng sợ và kinh hoàng. Tinh thần đóng vai trò ảnh hưởng trực tiếp đối với cơ thể, ví dụ vui quá thương tim, giận quá thương gan, lo quá thương phổi, nghĩ nhiều quá thương tỳ, kinh hoàng thái quá thương thận. Vì vậy, những người hay giận nên ăn các món chua ngọt, để dưỡng âm, xoa gan, tàng dương; những người hay buồn rầu nên ăn các món cay và tán để hành khí giải uất; những người hay kinh hoàng nên ăn các món cam để bổ khí và nâng khí.
Ẩm thực và thuốc đều có cả tứ tính và ngũ vị, ẩm thực có tính lựa chọn và tính khuynh hướng trong khi đóng vai trò quy kinh cũng như thăng giáng phù trầm đối với cơ thể con người. Trường hợp kén chọn ẩm thực nào đó trong dưỡng sinh và điều trị lâu ngày sẽ khiến âm dương phủ tạng trong cơ thể sản sinh hiện tượng quá thịnh hoặc quá suy, cũng gây ảnh hưởng tới thể chất. Ví dụ như những người thường hay ăn các món cay, dạ dày và đường ruột nóng nhiệt, dễ mắc bệnh trĩ, dẫn đến tức dạ dày, đau dạ dày, trường hợp này có thể ăn các món thanh nhiệt như hạt sen, mướp đắng, chuối v.v; những người thích ăn thịt béo, của ngọt dễ dẫn đến béo phì, nội sinh đờm thấp, có thể ăn các món tiêu đờm lợi thấp như Phục ling, Sơn dược, Trần bì và ăn uống nên thanh đạm v.v; ăn đồ sống và đồ nguội quá nhiều dễ phương hại tới tỳ dương, có thể ăn những thức ăn ôn bổ tỳ dương như gừng khô, hồi, vỏ quế, thịt cừu v.v.
Lao động quá sức không chú ý nghỉ ngơi cũng là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới thể chất. Lao động bình thường có thể làm cho khí huyết lưu thông và tăng cường cơ thể; nghỉ ngơi thích hợp có thể đỡ mệt, hồi phục thể lực và trí lực. Lao động chân tay, trí óc hoặc quan hệ tình dục quá mức trong thời gian dài có thể dẫn đến chức năng các cơ quan phủ tạng suy yếu, mệt mỏi, khí huyết bị hao tốn, ví dụ như đứng lâu thương cốt, đi nhiều thương gân, nhìn lâu thương huyết, lao động trí óc quá mức thương tim và tỳ, quan hệ tình dục quá mức thương thận. Trường hợp này có thể ăn các món bổ khí huyết, ích gan bổ thận như: cháo Hoàng kỳ, cao A giao, cao Dâu tằm....Trường hợp an nhàn quá mức có thể dẫn đến khí huyết không lưu thông, tỳ khí và vị khí suy yếu, cho nên có thể dùng các món hành khí hoạt huyết như trà Hồng hoa, cao Sâm kỳ v.v.
Thể chất của con người có thể xẩy ra một số thay đổi do chịu sự tác động tổng hợp của các nhân tố tồn tại khách quan. Môi trường thiên nhiên thích hợp, môi trường xã hội hài hòa, môi trường nhân văn tốt đẹp, môi trường làm việc thoải mái, môi trường đời sống gia đình hòa mục, giờ giấc ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần tâm lý ổn định, tập luyện sức khỏe thích đáng v.v có thể tăng cường thể chất, bằng không sẽ khiến thể chất suy yếu thậm chí mắc bệnh. Qua dưỡng sinh, điều trị, ăn uống hợp lý và điều phối chức năng của các cơ quan phủ tạng căn cứ tình hình cụ thể của mỗi người, cũng như cải thiện điều kiện hình thành thể chất sau khi ra đời, sẽ có thể bù đắp cho những điều bất cập có từ bẩm sinh, cải thiện thể chất ốm yếu trước đây.