Thời Tần-Hán là thời kỳ bước đầu hình thành hệ thống Dưỡng sinh và Điều trị của Y dược Trung Hoa. Sự ra đời của những cuốn sách kinh điển Trung Y như "Hoàng đế Nội kinh", "Thần nông Mộc thảo kinh" và "Thương hàn Tạp bệnh luận" đã kiến tạo thành công hệ thống lý luận độc đáo về Trung Y học. Trong đó có rất nhiều sách trình bày về "chăm sóc sức khỏe bằng các món thực phẩm và "điều trị qua ăn uống", đặt cơ sở lý luận về dưỡng sinh và điều trị của Y dược Trung Hoa.
"Hoàng đế Nội kinh" ra mắt độc giả vào thời kỳ giữa và sau Tây Hán thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, là bộ sách y sớm nhất được bảo tồn ở Trung Quốc, tổng kết toàn diện thành tựu y học của thời Xuân Thu Chiến Quốc và các thời đại trước của Trung Quốc, chiếm vị trí hết sức quan trọng trong lịch sử phát triển Trung Y. "Hoàng đế Nội kinh" đã trình bày khá hệ thống dưỡng sinh và điều trị bằng các món ăn, xác định rõ nguyên tắc và phương pháp dưỡng sinh và điều trị. Một số nội dung của "Hoàng đế Nội kinh" đã trình bày tác dụng quan trọng của các món ăn trong việc phòng chống bệnh tật và tăng cường sức khỏe, giới thiệu cụ thể nguyên tắc điều trị bằng các món ăn, đặt cơ sở lý luận cho phát triển y học dưỡng sinh và điều trị qua ăn uống. Trong cuốn "Tố Vấn. Bình nhân Khí tượng luận" viết: "Nhân dĩ thủy cốc vi bản". Về sau "Tố vấn. Sinh khí thông thiên luận" lại viết: "Ân chi sở sinh, bản tại ngũ vị, âm chi ngũ quan, thương tại ngũ vị". Nói lên thực phẩm là nguồn sinh trưởng của cơ thể con người, đồng thời chỉ rõ nếu ăn uống không chế độ sẽ phương hại tới sức khỏe và gây bệnh. Trong cuốn "Tố vấn.Tạng khí pháp thời luận" viết: "Đại độc trị bệnh, thập khứ kỳ lục, thường độc trị bệnh, thập khứ kỳ thất, tiểu độc trị bệnh, thập khứ kỳ bát, vô độc trị bệnh, thập khứ kỳ cửu, cốc nhục quả thái, thực dưỡng tận chi". Điều này đã thể hiện hạn mức dùng thuốc trị bệnh của người thời xưa, đồng thời cũng ghi lại tác dụng trừ tà nâng đỡ chính khí của các món ăn trong trị bệnh. Đó tức là "Độc dược công tà, ngũ cốc vi dưỡng, ngũ quả vi trợ, ngũ súc vi ích, ngũ thái vi sung, khí vị hợp nhi phục chi, dĩ bổ ích tinh khí". Câu này nói lên người thời xưa phản đối quan điểm duy dược, chủ trương trong quá trình trị bệnh nên căn cứ tình hình thịnh suy của chính khí và tà khí trong cơ thể để lựa chọn hợp lý phương pháp điều trị bằng ăn uống hay là điều trị bằng thuốc. "Hoàng đế Nội kinh" đã chỉ rõ một số phương pháp cụ thể về điều trị dưỡng bệnh bằng thực phẩm, kiêng kỵ về ăn uống, vệ sinh thực phẩm v.v. Trên 50% trong số các bài thuốc của "Hoàng đế Nội kinh" đều chứa thành phần thực phẩm.
Cùng với sự phát triển của Trung Y học, Bản thảo học cũng được phát triển. "Thần nông Bản thảo kinh" ra đời từ đời Hán là bộ tác phẩm dược học sớm nhất còn được bảo tồn ở Trung Quốc hiện nay. Trong sách đã thu thập rất nhiều món ăn có công hiệu thuốc như: Đại táo, Kỷ tử, Đỗ đỏ, cùi Long nhãn v.v, trong sách đã trình bày cả về công hiệu chữa trị, công hiệu chữa trị chủ yếu, cách dùng v.v của các món ăn, đóng vai trò quan trọng đối với thúc đẩy sự phát triển của thực phẩm bản thảo học. Các loại thuốc ghi trong Bản thảo học đời Tây Hán đã tăng lên rất nhiều, đây là kết quả vua Hán Vũ Nam chinh Bắc chiến, mở rộng bản đồ, khiến vật liệu thuốc nhiệt đới của miền Nam và vật liệu thuốc hàn đới của miền Bắc được trao đổi lẫn nhau trong chiến tranh. Vào khoảng năm 122 công nguyên, khi trở về sau chuyến làm sứ giả ở khu vực miền Tây, Trương Khiên đã mang về hạt giống cây lựu, hạch đào, bầu, tỏi, dưa hấu, v.v, bước sang đời Đông Hán, Mã Viện lại từ khu vực miền Nam mang về hạt Ý dĩ, nhờ đó đã đưa chủng loại thực phẩm và thực phẩm có công hiệu thuốc tăng lên rất nhiều.
Trong cuốn "Thương hàn Tạp bệnh luận", Trương Trọng Cảnh đã trình bày nguyên tắc "trị bệnh theo phương pháp biện chứng", cho đến hiện nay nguyên tắc này vẫn tiếp tục chỉ đạo thực tiễn lâm sàng Trung Y một cách hữu hiệu và đã hình thành một trong những đặc sắc của Trung Y Dược học, chính đây là căn cứ "dinh dưỡng điều trị biện chứng" về dưỡng sinh và điều trị Trung Y. Món canh Đương quy-Gừng tươi-thịt Cừu và canh Bách hợp-thịt gà giới thiệu trong sách là hai bài thuốc chữa trị bằng thực phẩm điển hình. Bên cạnh đó còn có các bài thuốc nổi tiếng dùng chung cả gạo lẫn thuốc, ví dụ như canh hoa Đào, canh Trúc diệp-Thạch cao, canh bách Hổ v.v, trong các bài thuốc đó đều dùng đến gạo. Ngoài ra, trong cuốn "Thương hàn Tạp bệnh luận" còn nhấn mạnh việc kiêng ăn trong dưỡng sinh và trị bệnh, ví dụ như "Tất cả các món ăn đều có tác dụng dưỡng sinh, ăn không hợp sẽ có hại cho sức khỏe, sử dụng thích hợp sẽ có lợi cho sức khỏe, bằng không tất sẽ gây bệnh và có thể dẫn đến bệnh hiểm nghèo, các trường hợp này đều rất khó chữa". Tư tưởng này của Trương Trọng Cảnh đã làm phong phú nội dung về dưỡng sinh và điều trị bằng Y dược Trung Hoa.