"Bác Hoa ơi, cây lúa chết do bị thối gốc, rất có thể do vi khuẩn trong đất tấn công, hiện giờ chỉ có cách là phun thuốc bảo vệ thực vật vào gốc lúa để làm dịu tình trạng này, sang năm bác phải phun thuốc hoặc trộn thuốc vào đất để giải quyết triệt để vấn đề thối gốc hại lúa".
Anh Triệu Bằng Phi, Tiến sĩ của Trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc đang nói chuyện qua Wechat bằng điện thoại di động tại "Vườn khoa học-công nghệ" thị trấn Bạch Trại, huyện Khúc Chu, tỉnh Hà Bắc, nét mặt hết sức nghiêm túc.
Anh Phi cho phóng viên biết, hiện nay phần lớn lúa mì ở đồng bằng Hoa Bắc đã được tưới nước vụ xuân, đang trong thời gian làm đòng, song, ruộng lúa của bác Khúc Triệu Hoa hơn 70 tuổi của thôn Tư Tại, thị trấn Bạch Trại lại xuất hiện hiện tượng cây lúa chết do bị thối gốc. Bác vừa đau lòng vừa sốt ruột, nhờ láng giềng chụp ảnh bằng điện thoại di động và nhắn tin nói rõ tình hình cho anh Phi qua ứng dụng Wechat, anh vừa nhận được tin nhắn lập tức trả lời ngay.
Ông Lỗ Quân Hỷ năm nay 48 tuổi, trưa nào ông cũng phải đi một vòng quanh ruộng, kiểm tra tình hình sinh trưởng của mạ lúa mì và sâu bệnh, phát hiện có vấn đề sẽ chụp ảnh lại rồi gửi cho các giáo viên và sinh viên của Trường Đại học Nông nghiệp để được hướng dẫn kịp thời. Ông Hỷ cho biết, "Chụp vài tấm ảnh, nói vài câu, các thầy cô giáo và sinh viên không cần chạy qua đây, đã có thể giúp chúng tôi giải quyết được vấn đề đồng áng, tiện lợi lắm".
Giống như ông Hỷ, những năm gần đây, bà con địa phương đều đã sử dụng những ứng dụng như Wechat, Weibo, QQ... liên hệ trực tiếp với giáo viên và sinh viên Đại học Nông nghiệp và kỹ thuật viên nông nghiệp của huyện, một số bà con còn đưa những điều tâm đắc của mình về kỹ thuật nông nghiệp lên mạng, cùng nhau trao đổi. Trên trang cá nhân Weibo và QQ của nông dân Lý Tân Anh, ở thôn Trương Trang phần lớn đều là ảnh và thông tin liên quan đến trồng trọt nông nghiệp và kỹ thuật nuôi trồng, nội dung phong phú, thông tin cập nhật, nhận được sự hoan nghênh của đông đảo bà con.
Năm 2009, khi Trường Đại học Nông nghiệp Trung Quốc và huyện Khúc Chu bắt đầu phối hợp thành lập "Vườn khoa học-công nghệ", các giáo viên và sinh viên của Trường Đại học Nông nghiệp ăn ở ngay tại đồng ruộng, cung cấp dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cho bà con nông dân, cho đến nay đã che phủ 23 thôn. Những năm gần đây, cùng với việc từng bước phổ biến các ứng dụng di động như Weibo, Wechat,... họ bắt đầu hướng dẫn bà con sử dụng khoa học công nghệ in-tơ-nét di động, triển khai hướng dẫn kỹ thuật trên mạng, đồng thời còn cập nhật những kiến thức kỹ thuật nông nghiệp như tưới tiêu, bón phân, trừ sâu, trừ cỏ... trên Weibo và Wechat, giúp cho bà con kịp thời tiếp nhận thông tin và tổ chức sản xuất nông nghiệp.