Theo tin Tân Hoa xã: Đoàn thể thao Trung Quốc đã lập thành tích tốt tại Ô-lim-pích Luân Đôn với 38 huy chương vàng, 27 huy chương bạc và 23 huy chương đồng, thể chế quản lý và cơ chế bồi dưỡng hiện có đã có công lao rất lớn. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã tích cực thi hành cải cách chuyên nghiệp hoá, thị trường hoá một số môn thể thao theo thông lệ quốc tế, thu được hiệu quả nhất định. Nhiều năm qua, Trung Quốc ra sức thi hành cải cách thể chế thể thao, đã xuất hiện cục diện tốt đẹp cùng phát triển về cả ba mảng các môn thể thao Ô-lim-pích, thể thao chuyên nghiệp chủ yếu là bóng đá và bóng rổ cùng các môn thể thao ngoài Ô-lim-pích như wu-shu, cờ vây, leo núi v.v.
Từ xạ thủ Hứa Hải Phong năm 1984 đến vận động viên nhảy cầu nữ Trần Nhược Lâm năm 2012, trong 28 năm, theo đà sức mạnh tổng hợp của đất nước không ngừng nâng cao, thể thao thi đấu của Trung Quốc cũng ngày càng lớn mạnh. Đoạt 100 tấm huy chương vàng đầu tiên tại Thế vận hội Ô-lim-pích phải mất 20 năm, đoạt 100 tấm huy chương vàng thứ hai chỉ mất 8 năm, Đoàn thể thao Trung Quốc nhiều lần lập thành tích rực rỡ tại Thế vận hội Ô-lim-pích đã nâng cao tầm ảnh hưởng quốc gia và niềm tự hào dân tộc của Trung Quốc.
Không cần phải né tránh, cơ chế quản lý các môn thể thao Ô-lim-pích của Trung Quốc có thể tập trung, điều phối hiệu suất cao tài nguyên nguồn thể thao trong nước, là biện pháp nâng cao thành tích thể thao nhanh nhất. Nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới cũng phát triển thể thao thông qua hình thức tài trợ xã hội và phát triển thị trường, nhưng đồng thời cũng thông qua đầu tư của Nhà nước để nâng cao sức đua tranh tại Thế vận hội Ô-lim-pích. Lấy ví dụ nước Anh, từ 9 huy chương vàng, xếp thứ 10 ở A-ten, đến 19 huy chương vàng, xếp thứ 4 tại Bắc Kinh rồi đến 29 huy chương vàng và xếp thứ 3 trên sân nhà, đầu tư của Nhà nước không ngừng tăng lên. Sau khi xin đăng cai thành công Thế vận hội Ô-lim-pích, để thực hiện mục tiêu lọt vào hàng ngũ những nước đứng đầu bảng Tổng sắp huy chương ngay tại nước mình, Chính phủ Anh cam kết đầu tư một tỉ bảng Anh trong 6 năm để chuẩn bị cho Thế vận hội Ô-lim-pích, kết quả Đoàn thể thao Anh đã đứng thứ ba bảng Tổng sắp huy chương.
Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá thể thao Viện Khoa học xã hội thành phố Bắc Kinh Kim Sán nói, không còn nghi ngờ gì nữa, cơ chế quản lý thể thao hiện hành đã phát huy vai trò thúc đẩy, trong khi khẳng định vai trò cũng phải không ngừng hoàn thiện, đi con đường phát triển phù hợp quy luật thể thao, để xã hội và doanh nghiệp tham gia vào Phong trào toàn dân rèn luyện thân thể và công nghiệp thể thao, thúc đẩy sự phát triển thể thao toàn dân. Đồng thời, phát triển thể thao hoàn toàn gửi gắm vào thị trường, hiện nay xem ra có lẽ còn thiếu tính khả thi, vừa không thể kỳ vọng Nhà nước tiếp tục đầu tư cao, cũng không thể hoàn toàn bỏ mặc.
Thế vận hội Ô-lim-pích được cả thế giới quan tâm, nhiều nước đều rất coi trọng thành tích tham dự Ô-lim-pích, không ít nước còn đầu tư ngân sách ở mức độ khác nhau để chuẩn bị cho việc tham dự Ô-lim-pích. Trung Quốc dựa vào ưu thế chế độ của mình, tập trung sức mạnh nắm bắt tốt các môn thể thao thế mạnh, giành được thành tích cao tại Ô-lim-pích, cơ chế này đáng để tự hào và tiếp tục kiên trì. Nhưng trong làng thể thao thế giới hiện nay, thể thao chuyên nghiệp giữ đà phát triển nhanh chóng, sức ảnh hưởng trên thế giới của Giải vô địch bóng đá thế giới, NBA, Cúp các đội vô địch bóng đá quốc gia châu Âu, các giải bóng đá chuyên nghiệp châu Âu như Giải bóng đá Ngoại hạng Anh, Giải vô địch bóng đá Tây Ban Nha v.v, bốn Giải Grand Slam quần vợt đã rất lớn. Cho dù tại Ô-lim-pích Luân Đôn, bóng rổ nam, trận chung kết quần vợt đơn nam có sự tham gia của các siêu sao chuyên nghiệp như Kobe Bryant, Federer, Murray v.v cũng được coi là những giải được quan tâm cao nhất. Vận động viên Trung Quốc giành được đột phá trong những môn thể thao chuyên nghiệp này, không những đã mang lại vinh quang cho đất nước, mà còn được nhân dân Trung Quốc mong đợi. Bởi vậy, trong khi duy trì sức đua tranh tại Thế vận hội Ô-lim-pích, Trung Quốc cũng phải tích cực chủ động thi hành chuyển đổi chiến lược, ra sức phát triển tốt giải chuyên nghiệp bóng đá, bóng rổ, ra sức bồi dưỡng lực lượng hậu bị của bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, quần vợt v.v, phấn đấu giành được đột phá trong thể thao chuyên nghiệp, bồi dưỡng càng nhiều các ngôi sao Trung Quốc có tiếng tăm và có ảnh hưởng trên quốc tế như Diêu Minh, Lý Na. Nhưng chúng ta cũng phải tỉnh táo nhìn nhận rằng, trong khi giành được thắng lợi ở Ô-lim-pích Luân Đôn, Đoàn thể thao Trung Quốc cũng đã bộc lộ trình độ thấp ở các môn thể thao chuyên nghiệp như bóng đá, bóng rổ, quần vợt v.v , thiếu người kế cận, nhiệm vụ giành được đột phá trong thể thao chuyên nghiệp vẫn gánh nặng đường xa.
Trong "Đề cương Chương trình giành vinh quang cho đất nước tại Thế vận hội Ô-lim-pích từ năm 2011 đến năm 2020", Tổng cục Thể dục-Thể thao Trung Quốc đã nêu rõ mục tiêu phát triển và nhiệm vụ chủ yếu: "tích cực tìm tòi mô hình phát triển thể thao chuyên nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy vững chắc sự phát triển chuyên nghiệp hoá thể thao, bước đầu hình thành thể chế quản lý và cơ chế vận hành thể thao chuyên nghiệp mang đặc sắc Trung Quốc do Nhà nước chủ đạo, quy hoạch khoa học, dựa vào thị trường, quản lý quy phạm, quyền sở hữu rõ ràng và vận hành hiệu quả cao". Điều này cần phải trở thành định hướng phấn đấu của thể thao Trung Quốc.