Trong trận chung kết Giải vô địch bóng rổ nam châu Á kết thúc cuối tháng 9 vừa qua, đội bóng rổ nam Trung Quốc đã thắng sát nút đội bóng rổ nam Gioóc-đa-ni 1 điểm, giành chức vô địch giải lần này với thành tích toàn thắng, từ đó giành tư cách trực tiếp đi dự Đại hội Ô-lim-pích Luân Đôn năm 2012. Sau khi mất đi ngôi sao số 1 Diêu Minh, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Mỹ Bob Donewald, đội bóng rổ nam Trung Quốc đã lần lượt đoạt huy chương vàng Á vận hội Quảng Châu năm 2010 và Giải vô địch bóng rổ nam châu Á năm 2011, đáp án có thể gọi là được trong thể nghiệm bước đầu của thời đại "không có Diêu Minh".
Tuy trong 2 năm hai lần giành chức vô địch châu Á, nhưng phải nói rằng, đội bóng rổ nam Trung Quốc thắng không dễ dàng. Giải vô địch châu Á lần này, tuy đội Trung Quốc đã tránh khỏi đối thủ mạnh nhất là đội I-ran, thế nhưng vẫn bị đội Gioóc-đa-ni hầu như kìm hãm cho đến thời điểm cuối cùng. Gặp đội Hàn Quốc trong trận bán kết, số điểm của đội bóng cũng rất thấp. Vì sao bóng rổ nam Trung Quốc nhiều lần thi đấu vất vả như vậy tại châu Á? Đây là vấn đề đáng phải suy ngẫm.
Bắt đầu từ những năm 70 thế kỷ trước, cục diện "Trung Quốc chiếm ưu thế trong đua tranh với Hàn Quốc" là chủ đề duy nhất trong làng bóng rổ châu Á trong thời gian khá dài. Giải vô địch bóng rổ châu Á năm 2001, đội Li-băng lần đầu tiên lọt vào trận chung kết, khiến làng bóng rổ châu Á dần hình thành thế đối đầu giữa Đông và Tây. Trên thực tế, nếu Giải vô địch châu Á lần này đội Li-băng không có nhiều cầu thủ chủ chốt vắng mặt vì chấn thương, thì bóng rổ nam Trung Quốc rất có thể phải đứng trước cuộc quyết chiến trong vòng tứ kết. Sau khi Diêu Minh rời khỏi đội quốc gia, sức thống trị dưới rổ của đội Trung Quốc có phần giảm xuống, sự ổn định của cầu thủ hậu vệ cũng có phần khiếm khuyết, đã không có ưu thế tuyệt đối tại châu Á. Đội trưởng đội bóng rổ Trung Quốc Lưu Vĩ cũng thừa nhận, lần này giành chức vô địch trên sân nhà cũng không phải dễ dàng. Anh nói, lần này giành chức vô địch là điều hết sức quý giá. Phải nói rằng, đội Gioóc-đa-ni đã gây khó khăn rất lớn cho đội Trung Quốc. Cái gì càng khó thì càng đáng quý. Bởi vậy, tấm vé đi dự Đại hội Ô-lim-pích lần này rất đáng quý đối với chúng tôi, đội bóng cũng rất phấn khởi. Tiếp đến sẽ lại thi đấu trên đấu trường Đại hội Ô-lim-pích Luân Đôn. Chúng tôi sẽ giành vinh dự cho Trung Quốc.
Trong thi đấu ở bảng, năng lực của các cầu thủ dự bị của đội Trung Quốc đã bị mọi người nghi ngờ. Song đến giai đoạn đấu loại trực tiếp, các cầu thủ hậu vệ dự bị mà đại diện là Vu Chú Long, Dịch Lập đã phát huy rất khá, gánh vác không ít sức ép tấn công cho các cầu thủ trung phong Dịch Kiến Liên và Vương Trị Chất. Đào tạo nhiều điểm tấn công từ cầu thủ hậu vệ hơn, cũng là đề tài mà đội Trung Quốc phải đối mặt trong thời đại "không có Diêu Minh". Sau khi thắng đội Gioóc-đa-ni, là gương mặt mới, cầu thủ Vu Chú Long nói, lần đầu tiên khoác áo đội tuyển quốc gia giành chức vô địch châu lục, cảm thấy rất tự hào. Anh nói, "Lần đầu tiên đứng trên bục nhận giải thưởng, tôi cảm thấy rất tự hào là người Trung Quốc".
Nếu nói thua liền 5 trận tại Giải vô địch bóng rổ châu lục Cúp Xtan-cô-vích và thua liền 7 trận trong thi đấu thử nghiệm khiến huấn luyện viên trưởng đội Trung Quốc Bob Donewald chịu nhiều sức ép từ dư luận, lần này giành chức vô địch, đoạt tấm vé đi dự Đại hội Ô-lim-pích Luân Đôn, cũng đủ để ông Bob Donewald có chút yên lòng. Vị huấn luyện viên người Mỹ này cho rằng, bất kể vất vả hay nhẹ nhàng, nhiệm vụ trong giai đoạn năm 2011 của đội Trung Quốc đã tạm thời kết thúc. Tiếp đến, sự thách thức gay cấn ở Đại hội Ô-lim-pích Luân Đôn mới là mục tiêu cuối cùng của đội bóng rổ Trung Quốc. Ông nói, "Trước đó, phần lớn mọi người đều cho rằng chúng tôi không thể đoạt tấm vé đi dự Đại hội Ô-lim-pích Luân Đôn, nhưng hiện nay chúng tôi đã làm được điều này, chúng tôi sẽ đi thi đấu tại Đại hội Ô-lim-pích. Tôi chân thành cảm ơn các cầu thủ của tôi, bởi vì họ phải đến nơi thuộc về họ-đấu trường Đại hội Ô-lim-pích".