
Đường sắt cao tốc là một phương thức vận chuyển mới trong xã hội hiện đại, có ưu thế rõ rệt về các mặt an toàn, nhanh chóng, tiện lợi, kinh tế, bảo vệ môi trường v.v. Sau khi bước vào thế kỷ mới, để phối hợp sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Trung Quốc, hệ thống đường sắt Trung Quốc quyết định coi việc phát triển đường sắt cao tốc là một phương hướng chính thực hiện hiện đại hóa. Dựa vào tự chủ sáng tạo, đường sắt cao tốc Trung Quốc từ không đến có, sau hơn 10 năm xây dựng đường sắt cao tốc và cải tạo, nâng cấp đường sắt vốn có theo hướng cao tốc, Trung Quốc hiện nay đã hình thành mạng lưới đường sắt cao tốc có quy mô lớn nhất và có tốc độ nhanh nhất trên thế giới. Năm 2011, nhiều tuyến đường sắt cao tốc chính trong đó gồm tuyến đường sắt cao tốc nối liền Bắc Kinh và Thượng Hải sắp thông suốt, tổng chiều dài các tuyến đường sắt cao tốc Trung Quốc sẽ vượt quá 13 nghìn km.
Tháng 1 năm 2004, Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra "Quy hoạch Mạng lưới đường sắt trung và dài hạn", đây là quy hoạch phát triển trung và dài hạn đầu tiên trong lịch sử đường sắt Trung Quốc, xác định mục tiêu đến năm 2020 tổng chiều dài đường sắt Trung Quốc lên tới 100 nghìn km, trong đó tổng chiều dài của các tuyến đường sắt chở khách có tốc độ lên tới 200 km/giờ trở lên sẽ lên tới hơn 12 nghìn km.

Tuyến đường sắt nối liền Bắc Kinh và Thiên Tân là tuyến đường sắt chở khách đạt tiêu chuẩn cao đầu tiên mà Trung Quốc khởi công xây dựng sớm nhất và hoàn thành sớm nhất, có tổng chiều dài khoảng 120 km, nối liền hai thành phố trực thuộc Trung ương là Thủ đô Bắc Kinh và Thiên Tân. Tuyến đường sắt này áp dụng hệ thống tổng hợp các công nghệ tiên tiến, khởi công xây dựng vào ngày 4 tháng 7 năm 2005, thông tàu toàn tuyến vào ngày 15 tháng 12 năm 2007. Ngày 1 tháng 8 năm 2008 tuyến đường sắt này chính thức đưa vào hoạt động. Đây là tuyến đường sắt cao tốc có tốc độ lên tới 350 km/giờ đầu tiên trên thế giới do Trung Quốc tự chủ nghiên cứu và xây dựng, điều này đánh dấu công nghệ đường sắt cao tốc của Trung Quốc đạt trình độ hàng đầu thế giới. Việc khánh thành tuyến đường sắt nối liền Bắc Kinh và Thiên Tân có thể nói là sự phát triển vượt bậc trong lịch sử đường sắt cao tốc Trung Quốc. Cục trưởng Cục Vận tải Bộ Đường sắt Trương Thự Quang cho biết, Bộ Đường sắt đã luận chứng nhiều lần công trình hệ thống có quy mô lớn này, cuối cùng xác định tuyến đường sắt cao tốc này phải do người Trung Quốc tự xây dựng. Ông nói:
"Chỉ dựa vào du nhập kỹ thuật, bất cứ nước nào cũng không thể nào hoàn thành hệ thống như thế này, các nước khác không có khả năng giúp chúng tôi xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc phù hợp với tình hình Trung Quốc và tình hình đường bộ Trung Quốc. Đường sắt cao tốc là một dây chuyền ngành công nghiệp rất lớn, có sức thúc đẩy kinh tế tăng trưởng lớn và thực hiện giá trị kinh tế rất cao, thị trường này chúng tôi không thể nhường cho người khác, chúng tôi nhất định phải dành cho người Trung Quốc mình tự làm."
<< 1 2 >>