Các bạn thân mến, ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch là một ngày Tết truyền thống tại Trung Quốc cũng như một số nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá. Mồng 5 tháng 5 âm lịch năm nay đúng vào ngày 16 tháng 6 tới. Liệu những phong tục tập quán trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt hay không? Trong tiết mục hôm nay, Sảnh Hoa sẽ giới thiệu với quý vị và các bạn về ngày tết truyền thống này tại Trung Quốc.

Các bạn thân mến, như các bạn đều biết, ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là "ngày giết sâu bọ" là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị chết hết. Ở Việt Nam và Trung Quốc, truyền thuyết về lịch sử ngày mồng 5 tháng 5 được dân gian lưu truyền khác nhau.
Các bạn thân mến, Tết Đoan ngọ là một trong những ngày lễ dân gian lớn của Trung Quốc. Đoan có nghĩa là ban đầu, "Ngọ" thông với chữ "Ngũ", cho nên "Đoan Ngọ" có nghĩa là "mồng năm". Theo thứ tự của Địa chi thì tháng 5 có nghĩa là tháng Ngọ, cho nên Đoan Ngọ còn có nghĩa là "Trùng Ngũ". Đến nay, có bốn năm cách nói khác nhau về nguồn gốc của phong tục ăn Tết Đoan Ngọ như: để tưởng nhớ Khuất Nguyên, hay là ngày giỗ Tô-tem của dân tộc Ngô Việt ngày xưa, hoặc là ngày đuổi tà trấn yêu v,v... thế nhưng cách nói lưu truyền rộng rãi và có ảnh hưởng nhất vẫn là ngày tưởng nhớ Khuất Nguyên---nhà yêu nước vĩ đại thời Xuân Thu.

Các bạn thân mến, ông Khuất Nguyên là vị trung thần nước Sở và còn là nhà văn hoá nổi tiếng thời cổ đại Trung Quốc. Tương truyền, Khuất Nguyên khuyên ngăn Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, uất ức và bất mãn với chế độ xã hội hồi bấy giờ, ông liền ôm đá gieo mình xuống dòng sông Mịch La tự vẫn để chứng minh cho sự trong sạch và tấm lòng yêu nước của mình, hôm đó đúng vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch. Để tưởng nhớ Khuất Nguyên, mỗi năm cứ đến ngày này, người dân địa phương lại chèo thuyền rồng trên sông Mịch La, thả bánh chưng hình tam giác buộc bằng chỉ ngũ sắc xuống sông cúng ông. Người xưa quan niệm rằng, chỉ ngũ sắc buộc bên ngoài sẽ làm cho cá sợ, khỏi đớp mất bánh; còn nếu như cá có đớp phải, thì ba cạnh của bánh chưng sẽ làm cá bị hóc. Cũng chính vì vậy, cứ đến Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 âm lịch, người dân Trung Quốc có phong tục tổ chức đua thuyền rồng và ăn bánh chưng hình tam giác.
<< 1 2 >>