021114/vnct.m4a
|
Thành Trung: Xin chào chị Ngọc Ánh, xin chào quý thính giả và các bạn thân mến. Trước hết, Thành Trung phải đính chính lại là Thành Trung không phải là công tử Giả Bảo Ngọc vừa "sinh ra đã ngậm ngọc" được mọi người khi nhìn thấy đã yêu quý, cũng không phải là người vô công rồi nghề như nhị công tử Giả Liên.
Ngọc Ánh: Ngọc Ánh đã xem qua bức ảnh Thành Trung hóa trang thành Giả Bảo Ngọc chụp ở Di Hồng Viện rồi, đầu đội mũ kim sơn khảm ngọc, mặc bộ áo gấm, tay phải xòe quạt, dáng điệu đó trông đẹp trai hơn Giả Bảo Ngọc và Giả Liên nhiều. Bên cạnh lại còn có hai người đẹp, bên trái là Dung Dung đáng yêu, bên phải là Thiên Thư thùy mỵ.
Thành Trung: Chị Ngọc Ánh à, đấy là bộ trang phục Thành Trung thuê ở Đại Quan Viên đấy, bộ trang phục mà chị vừa miêu tả giống hệt trong phim "Hồng Lâu Mộng", tuy nhiên, Thành Trung không đi ủng gấm mà đi đôi giày màu đen của mình, ống kính quay lộ hết rồi. Thật ra hôm đó cũng không để ý lắm đến vấn đề trang phục, kiểu tóc nên cũng không tránh khỏi sơ sót.
Ngọc Ánh: Thành Trung có thể giới thiệu sơ qua buổi quay hôm đó với các bạn thính giả không?
Thành Trung: Vâng, đoạn phim quay hôm đó có tên là "Nhân vật trong phim Hồng Lâu Mộng", với chủ đề "Hồng Lâu Mộng" sẽ dẫn dắt các bạn đến Đại Quan Viên. Dung Dung phụ trách kịch bản, Ngụy Vi quay phim, Thiên Thư làm thư ký và các công tác khác. Về mặt kịch bản, đoạn phim được phân thành gần 20 phân cảnh, tuy nhiên do thời gian có hạn nên hôm đó chỉ làm được hơn một nửa phân cảnh của kịch bản thôi. Thực ra hôm đó Thành Trung cũng khá bất ngờ. Trước khi đi quay, Ngụy Vi chỉ nhắn với Thành Trung là đi Đại Quan Viên tham gia làm chương trình, nhưng cũng không nói rõ là chương trình gì. Sau đó khi xem kịch bản thì mới biết là đi quay đoạn phim này. Buổi quay của ê-kíp diễn ra trong khoảng 5-6 tiếng, cả ê-kíp cũng nỗ lực làm cho tốt nhưng dù sao cũng là lần đầu thực hiện công việc này, nên nên đôi khi nhiều cảnh quay cũng không được ưng ý cho lắm.
Ngọc Ánh: Những nơi này có dễ tìm không vậy Thành Trung?
Thành Trung: Trước đó, hai bạn trong ê-kíp là Dung Dung và Thiên Thư đã đến Đại Quan Viên khảo sát thực địa trước rồi. Do vậy, hôm đi quay cũng thuận lợi.
Ngọc Ánh: Khi quay đoạn phim này có gì thú vị không? Có bị du khách nào thấy kỳ kỳ không vậy?
Thành Trung: Có chứ chị, buổi quay hôm đó cũng rất thú vị. Vì kịch bản có cả những phân cảnh hỏi đường, hỏi các địa điểm trong Đại Quan Viên, lúc đầu khi hỏi một số khách du lịch, có người thì họ cũng không biết đường, có người thì lúc đầu họ tưởng là mình hỏi thật nên cũng trả lời thật, nhưng khi biết mình đang quay phim rồi thì họ cũng mới ngớ người ra.
Đến lúc Thành Trung mặc trang phục hóa trang Giả Bảo Ngọc, thì cũng có nhiều người đứng xem, họ cũng không biết là mấy bạn trẻ này đang làm gì đây. Mà chị Ngọc Ánh và các bạn biết không, khi đứng quay ở trước cửa Di Hồng Viên, vì lối ra vào ở đây tương đối nhỏ, lượng người qua lại tương đối lớn, nên cả ê-kíp cứ phải tranh thủ lúc vắng người thì nhanh chóng quay cho kịp. Lúc đó Thành Trung đứng tạo dáng theo kiểu của Giả Bảo Ngọc cũng rất là mỏi, nhưng cũng thấy vui.
Ngọc Ánh: Thành Trung du học tại Bắc Kinh đã 5 năm rồi, trước đây có từng đến Đại Quan Viên chưa nào?
Thành Trung: Vâng, đúng vậy, mặc dù sống ở Bắc Kinh đã hơn 5 năm rồi, nhưng quả thật đây là lần đầu tiên Thành Trung đến Đại Quan Viên. Có thể nói, khi đặt chân đến Đại Quan Viên, Thành Trung cũng hơi có cảm giác kỳ bí, phong cảnh và kiến trúc ở đó lại làm cho Thành Trung liên tưởng đến các nhân vật và các tình tiết trong bộ phim "Hồng Lâu Mộng". Những rặng liễu, non bộ, cầu đá, những hồ nước nho nhỏ cùng những mái đình, gác tía lầu son đã làm nên vẻ đẹp rất thơ mộng, có cái gì đó rất huyền ảo hư hư thực thực của Hồng Lâu Mộng. Tất cả dường như vẫn còn tràn đầy sức sống và sự quyến rũ đến thê lương.
Ngọc Ánh: Sao lại "có thể nói là thê lương" hả Thành Trung?
Thành Trung: Không biết chị Ngọc Ánh và các bạn có cảm nhận thế nào, nhưng đối với Thành Trung mà nói, khi hình dung đến nội dung và tình tiết trong Hồng Lâu Mộng là Thành Trung lại liên tưởng đến một cái gì đó có cảm giác dường như ủy mị, sầu phiền, lâm ly bi đát, trông đến thê lương. Nhìn cô Lâm Đại Ngọc có những lúc ngồi bên cầu đá bên hồ, dưới rặng liễu, mắt đượm buồn xa xăm trông đến là não lòng. Hình dung đến cảnh này, Thành Trung lại chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới của Việt Nam vào những năm 30-45 của thế kỷ trước là Xuân Diệu trong bài "Đây mùa thu tới":
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng.
Có thể nói hình ảnh liễu rủ bóng bên hồ như đứng chịu tang, cũng như người con gái có ánh mắt đượm buồn xa xăm, khung cảnh đó thật là đìu hiu.
Ngọc Ánh: Vâng, thưa các bạn, nói đến Hồng Lâu Mộng thì không thể không nói đến những bài thơ trong tác phẩm. Đó là một phần không thể thiếu làm nên thành công và sức sống trường tồn của tác phẩm này. Có thể nói, thơ ca trong tác phẩm đã được đưa lên thành đỉnh cao của nghệ thuật nhằm diễn đạt bối cảnh, tình tiết và nội tâm nhân vật, có thể nói đó là nét tài tình trong phong cách nghệ thuật độc đáo của Tào Tuyết Cần. Với thủ pháp này, hầu hết những bài thơ trong Hồng Lâu Mộng đều phát huy được dụng ý nghệ thuật, trở thành công cụ đắc lực đẩy tình tiết trong tác phẩm lên cao trào, nó vừa có giá trị về mặt nội dung lại vừa có giá trị về mặt nghệ thuật. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều cho rằng, những bài thơ trong Hồng Lâu Mộng tuy là mượn lời nhân vật nhưng đều do Tào Tuyết Cần sáng tác. Do vậy, cũng có người nói rằng, thơ của Tào Tuyết Cần không phải là để nhàn ngâm. Cũng giống như Tào Tuyết Cần chắt lọc tinh huyết đời mình để xây dựng bộ tác phẩm như vậy :
Xem ra chữ chữ toàn bằng huyết,
Cay đắng mười năm khéo lạ lùng
Thành Trung: Có thể nói, việc đưa thơ ca lồng ghép vào trong tác phẩm là điều không phải hiếm trong lịch sử văn học, đặc biệt là trong nền văn học giàu truyền thống như Trung Quốc.
Hồng Lâu Mộng miêu tả về một gia tộc quyền quý, có đời sống phong lưu. Từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần đều có một sự hưởng thụ thật sự, họ có những thú chơi tao nhã, và thơ là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Tác giả Hồng Lâu Mộng đã miêu tả dày đặc những cuộc đối thơ, chơi chữ, vịnh cảnh,... của một gia đình quyền quý, và có người cho rằng, chưa bao giờ trong tiểu thuyết Trung Hoa lại chứng kiến một cuộc phô bày thơ ca với mật độ dày đặc đến vậy. Các cảnh làm thơ phú, văn chương liên tiếp hiện ra trong các hồi, có thể nói ¼ tác phẩm chìm trong thơ ca. Chính vì vậy, với tư cách là người cũng đã trải qua cuộc sống vương giả, đồng thời lại cũng là một nhân tài trong thi phú, nên thơ ca là một trong những phần không thể thiếu trong đời sống vương giả của Tào Tuyết Cần, và đặc biệt hơn, để phác họa lại một các chân thật và sinh động nhất những cuộc bể dâu trong cuộc đời, thì thơ cà càng không thể là một phần không thể thiếu trong tác phẩm của Tào Tuyết Cần.
Qua ngòi bút của Tào Tuyết Cần, chúng ta có thể thấy, trong xã hội phong kiến, thi ca luôn là một phần không thể tách rời trong cuộc sống vương giả, quyền cao chức trọng. Nó vừa chứng minh sự sang trọng trong đời sống tinh thần cũng như vật chất của gia đình giàu sang quyền quý, nó vừa cho thấy những con người trong đời sống đó cũng rất trí tuệ, tài hoa, tao nhã chứ không phải là phàm phu tục tử. Đối với đời sống nhà họ Giả, mặc dù cũng tồn tại những chuyện trăng gió sắc dục, nhưng bên cạnh đó, về mặt đại thể đều là những những người thanh nhã.
Chính vì vậy, có thể thấy rằng, thơ trong Hồng Lâu Mộng luôn được diễn đạt trong nhưng khung cảnh tao nhã, tình tứ, sang trọng và quý phái. Dù là trong bất kể tâm trạng nào, thơ của các nhân vật trong Hồng Lâu Mộng đều toát lên vẻ đẹp sang trọng, tao nhã.
Ngọc Ánh: Các bạn thân mến, những bài thơ và từ trong "Hồng Lâu Mộng" có giá trị nghệ thuật rất cao và có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Bộ phim truyền hình "Hồng Lâu Mộng" xây dựng năm 1987 đã phổ nhạc cho một số bài thơ và từ của tác phẩm, ví dụ như bài "Hảo liễu ca", được hầu hết những người yêu thích "Hồng Lâu Mộng" biết hát và thích hát.
Bài "Hảo liễu ca" xuất hiện trong hồi một của bộ phim "Hồng Lâu Mộng", cô bé Anh Liên, con gái diệu của ông Chân Sĩ Ẩn bị kẻ buôn người bắt cóc, sau khi xảy ra trận hỏa hoạn khiến cho gia đình ông cửa nát nhà tan, hai vợ chồng ông đành phải dọn về quê. Lại gặp phải lúc "Lúa không được mùa, chuột gặm đầy đồng", không còn chỗ nào để nương thân, ông Sĩ Ẩn đành phải bán ruộng lúa và tài sản của mình đi, phải đến ở nhờ nhà bố vợ. Ông bố vợ lại là người ti tiện tham lam, đã lừa số tiền còn lại của con rể Sĩ Ẩn. Khi ông đang chống gậy đi trên đường phố, bỗng thấy một người như điên như dại khập khiễng đi về phía ông, trong miệng lẩm bẩm bài hát này. Trải qua nửa cuộc đời trắc trở, cuối cùng ông Chân Sĩ Ẩn đã tỉnh ngộ, dưới sự chỉ dẫn của hai vị tiên, ông đã xuất gia. Sau đây, mời các bạn nghe Thành Trung đọc bài thơ "Hảo liễu ca" :
Thành Trung: Bài "Hảo liễu ca" (Người dịch: nhóm Vũ Bội Hoàng)
Người đời đều cho thần tiên hay,
Mà chuyện công danh lại vẫn say!
Xưa nay tướng soái nơi nào đây,
Một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy!
Người đời đều cho thần tiên hay,
Những hám vàng bạc lòng không khuây!
Suốt ngày những mong chứa cho đầy,
Đến lúc đầy rồi nhắm mắt ngay!
Người đời đều cho thần tiên hay,
Nhưng thích vợ đẹp lòng không khuây!
Lúc sống ái ân kể suốt ngày,
Lúc chết liền bỏ theo người ngay!
Người đời đều cho thần tiên hay,
Muốn đông con cháu lòng không khuây!
Xưa nay cha mẹ thực khờ thay,
Con hiền cháu thảo ai thấy đây?
Ngọc Ánh: Bài thơ này đã tuyên truyền tư tưởng hư vô lẩn tránh hiện thực. Xét từ quan điểm tôn giáo, chúng ta sống trên đời này, công danh lập nghiệp, làm giàu phát tài, yêu đương cưới xin, chăm lo con cháu, nguyên do là vì mọi người ai nấy đều bị chữ "tình" che lấp vẫn chưa giác ngộ. Bài hát này với lời ca đơn giản dễ hiểu để minh chứng rằng hết thảy đều không thể dựa dẫm được.
Ngọc Ánh cảm thấy, bài "Hảo liễu ca" mang màu sắc tiêu cực, song lại có ý nghĩa xã hội và giá trị văn học độc đáo. Tác giả Tào Tuyết Cần xuất thân trong một gia đình phong kiến thượng lưu, đã đích thân quan sát quá trình mục ruỗng và xa đọa của giai cấp thống trị phong kiến, đã trải nghiệm quá trình đau khổ từ hưng thịnh đi đến sa sút của Giả phủ, tình cảm của ông hết sức phức tạp. Ông đã trút cả bầu tâm huyết của mình, hư cấu môi trường như thơ như họa của Đại Quan Viên, xây dựng nhiều hình ảnh thiếu nữ trẻ tuổi lương thiện trong trắng, phác họa nhiều sự vật có tình có nghĩa thú vị, nhưng cuối cùng đều bị huỷ hết, việc này khiến ông rơi vào tâm trạng đau khổ khó mà có thể bứt ra được. Chúng ta sau khi tìm hiểu thái độ sống của Tào Tuyết Cần, rồi đọc lại và nghiền ngẫm bài thơ "Hảo liễu ca" của ông, thì có thể đặt nó vào vị trí thích đáng để lý giải và cảm thông nội hàm của bài thơ này.
Thành Trung: Trong "Hồng Lâu Mộng" còn có một bài thơ thành công nhất về mặt nghệ thuật trong tiểu thuyết này là bài "Táng hoa ngâm", đây là một bài thể thơ cổ mà Lâm Đại Ngọc ngâm ở hồi thứ 27. Trong bài thơ "Táng hoa ngâm", Lâm Đại Ngọc đã mượn cảnh hoa nở rồi hoa tàn để cảm thán cho số phận không may của mình. Cả bài thơ tràn trề thứ tình cảm ai oán, ngôn từ như than như khóc, đã mô tả tâm trạng của Lâm Đại Ngọc mơ ước tự do và hạnh phúc một cách hão huyền, đã thể hiện đức tính cương nghị không chịu cúi đầu khuất phục trước xỉ nhục, nhơ bẩn.
Nói đến hoa tàn hoa rụng, mọi người thường bất giác cảm thấy thương tâm, cho rằng xuân đi rồi không bao giờ trở lại, năm tháng tốt đẹp không tái hiện, như tâm trạng của người Nhật Bản đối với hoa Anh đào vậy, thế nhưng khâu túi cẩm nang để đựng cánh hoa rụng, chôn hoa xuống đất, rồi vừa chôn vừa khóc vừa làm thơ để tưởng nhớ cánh hoa, những cử chỉ hành động như vậy có lẽ trên đời này chỉ Lâm Đại Ngọc mới có.
Cũng chính vì ông trời ưu ái phú cho nàng cả sắc đẹp, tài hoa xuất chúng lại si tình sâu sắc, nên mới dẫn đến cảnh nàng chôn hoa, và mới có được bài thơ "Táng hoa ngâm". Lâm Đại Ngọc mượn hình ảnh cánh hoa rơi để ví với số mệnh của mình, và gắn cuộc đời mình với cánh hoa rụng rơi. Sau đây xin mời các bạn nghe Ngọc Ánh đọc bài thơ "Táng Hoa ngâm"
Bài từ chôn hoa (Người dịch: Nhóm Vũ Bội Hoàng)
Thân này muốn vẫy vùng đôi cánh,
Nơi chân trời liệng cánh hoa chơi!
Nào đâu là chỗ chân trời,
Nào đâu là chỗ có đồi chôn hoa?
Sẵn túi gấm đành ta nhặt lấy,
Chọn nơi cao che đậy hương tàn.
Thân kia trong sạch muôn vàn,
Đừng cho rơi xuống ngập tràn bùn nhơ.
Giờ hoa rụng có ta chôn cất,
Chôn thân ta chưa biết bao giờ.
Chôn hoa người bảo ngẩn ngơ,
Sau này ta chết, ai là người chôn?
Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn,
Cũng là khi khách hồng nhan về già
Hồng nhan thấm thoắt xuân qua,
Hoa tàn người vắng ai mà biết ai!
Chị xem viết đến đây đã được chưa nhé.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |