• Ban tiếng Việt Nam
  • Các trang trên Facebook
  • Vài nét về CRI
  •  Tản văn: ĐÁNH     

    2014-04-21 16:42:26     CRIonline

    Đánh

    (Trích trong tản văn "Tôi và cha chú" của Tác giả Diêm Liên Khoa )

    Người dịch Diệp Thủy (Minh Thương)


    Cho đến bây giờ, cha đã hai mươi tư hai mươi lăm năm không nói với tôi một câu rồi. Cây liễu trước đống đất vàng chôn ông, đã rất to, rất to rồi. Không biết hai mươi tư hai mươi lăm năm nay ông có nhớ tôi không, nhớ con trai con gái của ông và mẹ của tôi không, nếu như nhớ, thì ông nhớ những gì, nhắc lại những gì nhỉ. Nhưng mà tôi, trong hai mươi lăm năm nay, luôn luôn nhớ cha, nhớ ngày thơ ấu của tôi, nhớ những lời mắng mỏ và những trận đòn ông đánh tôi. Dường như, mỗi lần nhớ đến cha, đều bắt đầu từ những trận ông đánh đòn tôi.

     Diêm Liên Khoa


    Trận đòn đau đầu tiên mà tôi có thể nhớ được là khi tôi bảy tám tuổi, thời thiếu niên, học tiểu học. Trường học là một ngôi miếu cũ ở trên trấn, cách nhà hai dặm đường, hoặc là hơn hai dặm một chút. Lúc đó, trước ngày tết Xuân mỗi năm, cha đều trăm phương nghìn kế để dành vài đồng bạc, rồi đem mấy đồng tiền đó nhờ người quen đến hợp tác xã tín dụng trong thôn, tất cả đều đổi thành một xấp tiền giấy một hào mới tinh, đặt dưới chiếc gối chiếu sậy, chờ đến hôm mùng 1 Tết, mỗi người một tờ, vài tờ phát cho con trai con gái, cháu trai cháu gái của ông và đến trước rằm tháng Giêng, cho các con cháu của bà con họ hàng đến nhà tôi chúc Tết. Nhưng mà năm đó, khi cha sắp phát hết tiền cho con cháu, thì mấy chục trong trăm tờ tiền một hào lại chẳng còn lại là bao. Năm đó, tôi đã sớm phát hiện ra dưới chiếu sậy giấu những tờ tiền mới cứng.

    Năm đó, tôi còn phát hiện trên đường tôi đi học, giá chiếc bánh nướng vừng mà một người họ hàng xa của tôi bán cũng một hào một chiếc. Mỗi ngày khi tôi đi học, luôn rút trộm dưới chiếu một tờ tiền, trên đường đi mua một chiếc bánh nướng ăn. Thỉnh thoảng to gan lên, rút ra hai tờ, khi tan học lại mua một chiếc bánh nướng ăn. Năm đó, từ mùng 1 đến mùng 5 Tết, cha không tỏ thái độ gì với tôi, càng không đánh tôi và mắng tôi, ông đối xử với tôi như mọi năm, để cho tôi háo hức đón một cái Tết. Nhưng đến ngày mùng 6 Tết, cha hỏi tôi đã trộm tiền phải không. Tôi nói không, cha càng nghiêm giọng bắt tôi quỳ xuống. Lại hỏi tôi có lấy trộm không, tôi nói không, cha liền tát tôi một cái. Lại hỏi tôi có lấy cắp tiền không, tôi vẫn nói không, cha liền dồn sức tát mạnh hơn nữa vào mặt tôi. Không nhớ rõ cha tổng cộng đã tát tôi bao nhiêu cái, chỉ nhớ rằng cha trực đánh cho đến khi tôi nói tôi ăn trộm mới chịu buông tay. Còn nhớ mặt tôi vừa nóng vừa đau, cho đến khi không thể chịu được nữa tôi mới nói số tiền đó quả thực là tôi ăn trộm, nói tôi ăn trộm tiền rồi đem đi mua bánh nướng ăn hết rồi. Sau đó, cha không nói gì thêm nữa, ông quay đầu sang một bên. Tôi không biết ông quay đầu sang một bên làm gì, ông không nhìn tôi, cũng không nhìn anh trai và các chị tôi, nhưng chờ khi ông quay đầu lại, chúng tôi đều nhìn thấy trong mắt ông đọng lệ.

    Lần thứ hai, vẫn là trước khi tôi 10 tuổi, tôi và mấy đứa bạn đến ruộng nhà người ta ăn trộm dưa chuột. Chỉ vì ăn trộm dưa chuột, cha tôi có lẽ sẽ không đánh tôi, chí ít cũng sẽ không đánh tôi đau như vậy. Chủ yếu là bởi vì chúng tôi ăn trộm dưa chuột rồi, trong chúng tôi còn có đứa ăn trộm tiền bán dưa chuột cả một mùa của nhà người ta. Người ta theo đó mà tìm đến nhà mỗi đứa chúng tôi, nói ăn trộm dưa chuột thì thôi, nhưng tiền bán dưa cả mùa là khẩu phần lương thực của nhà người ta trong một năm, không trả tiền cho người ta, người ta sẽ không thể nào sống qua ngày trong năm đó. Cha có lẽ cho rằng số tiền đó là do tôi ăn cắp, dù sao thì tôi cũng đã có tiền lệ, sau khi chờ người ta đi rồi, cha cài then cổng lại, để tôi quỳ trên một phiến đá ở góc sân, sau khi đánh tôi bôm bốp một hồi trước, mới hỏi tôi có lấy trộm tiền của nhà người ta không. Bởi vì tôi thực sự không lấy trộm, liền nói thực sự không lấy, cha lại không ngừng tát bôm bốp lên mặt tôi, đánh cho đến khi ông không còn sức lực, thở hổn hển, rồi mới ngồi xuống nhìn tôi đăm đăm. Lần đó, mặt tôi bị tát đến sưng cả lên, sưng đến mức giống như một mảnh đất xốp tơi. Bởi vì trong lòng oan ức, cho nên tôi liền đi ngủ sớm, cơm tối cũng không ăn. Lên giường rồi thì cũng ngủ say luôn. Ngủ cho đến khi nửa đêm cha lay tôi tỉnh dậy, hỏi tôi như thể cầu xin: "Con thực sự không lấy tiền của nhà người ta chứ?" Tôi gật đầu với cha. Sau đó, sau đó cha liền khe khẽ xoa đầu tôi, lại quay mặt sang một bên, đi nhìn màn đêm và ánh trăng ngoài cửa sổ. Nhìn một lúc thì ông đi ra ngoài. Đi ra ngoài ngồi lẻ loi xuống chiếc ghế trên nền đất lát đá mà tôi đã quỳ trong góc sân, ông nhìn lên không trung, mặc cho sương đêm thấm vào ướt đẫm, cho đến khi tôi lại ngủ thêm một giấc rồi tỉnh dậy đi tiểu, thấy cha vẫn lặng lẽ ngồi ở đó.

    Lúc đó, tôi không biết cha ngồi đó nghĩ ngợi những gì. Mấy chục năm qua đi rồi, tôi vẫn không biết khi ấy cha ngồi đó rốt cuộc trầm tư hay ngẫm ngợi điều gì về gia đình và cuộc sống.

      Sách  "Tôi và cha chú" của Diêm Liên Khoa


    Lần thứ ba, trận đòn cha nên đánh tôi nhất nhất, và nên đánh tôi đến mức mặt mũi sưng vù, rách đầu máu chảy, thế nhưng cha lại không đánh tôi. Đó là tôi không để cho cha đánh tôi. Lúc đó tôi đã qua 10 tuổi, có lẽ cũng đã mười mấy tuổi rồi, đến công sở xã chơi, nhìn thấy trên bệ cửa sổ trong phòng cán bộ xã, có đặt một chiếc hộp cạo râu bằng nhôm tinh xảo đẹp mắt, tôi liền thò tay qua khe cửa sổ, lấy luôn chiếc hộp cạo râu đó ra, mang về nói với cha, con nhặt được chiếc hộp cạo râu này ở trên đường.

    Cha hỏi: "Ở đâu?"

    Tôi nói: "Ở trước cửa lớn của công sở xã".

    Cha không phải là người thích hỏi đến từng gốc rễ, tôi cũng không còn là một đứa trẻ nông thôn đơn thuần trong trắng nữa. Sau này, chiếc dao cạo râu đó, cha vẫn cứ dùng mãi dùng mãi cho đến về sau. Cứ cách vài ba ngày, mỗi khi thấy cha vừa soi vào chiếc gương nhỏ trong hộp dao cạo vừa cạo râu, là trong lòng tôi lại cảm thấy đặc biệt ấm áp và dễ chịu, giống như đó là món quà mà tôi mua tặng cha vậy. Không biết vì sao, tôi chưa từng hối hận cho lần ăn cắp thực sự đó, chưa từng suy nghĩ đến việc người cán bộ nhà nước bị ăn trộm đó. Cho đến khi nhiều năm đã trôi qua, khi tôi nhập ngũ về nhà nghỉ phép, thấy người cha đang bị bệnh vẫn dùng chiếc dao cạo râu đó cạo râu, trong lòng mới có một chút cảm xúc chua xót dâng lên không nói nên thành lời. Tôi nói với cha rằng: "Chiếc dao cạo râu này cha dùng lâu năm rồi, lần sau về con mang cho cha chiếc mới nhé". Cha nói: "Không cần, vẫn tốt mà, bền nữa, cha chết rồi chiếc dao cạo này vẫn chưa hỏng".

    Nghe đến đây, tôi như muốn rơi lệ, cũng giống như cha đánh tôi năm đó, tôi quay mặt sang một bên.

    Quay mặt sang một bên, bất chợt tôi nhìn thấy trên tờ "Hà Nam Nhật báo" đã cũ dán trên góc tường nhà tôi đã lâu năm, đăng mục lục tạp chí "Bách hoa viên" số thứ 2 năm 1981 thành phố Trịnh Châu. Trong mục lục số đó có một tác phẩm của tôi, tên tác phẩm là "Người phụ nữ lĩnh tiền trợ cấp", sau đó, tôi nói với cha, tác phẩm của tôi đăng rồi, tên tác phẩm ở trên tờ báo dán ở bức tường trong nhà, có mục lục và tên của tôi. Cha liền quay khuôn mặt đã cạo một nửa lại, nhìn vào chỗ tôi chỉ trên tờ báo.

    Hơn hai năm sau, cha tôi mắc bệnh qua đời. Tôi về nhà an táng cha xong, khi thu dọn những đồ đạc mà cha đã dùng, tôi nhìn thấy chiếc hộp dao cạo râu lặng lẽ đặt trên bệ cửa sổ nhà tôi, lớp sơn màu vàng đã tróc hết, màu nhôm trắng sáng nhấp nháy, mà trên vách tường đối diện phía chếch cửa sổ, dưới tên tôi trong mục lục "Bách hoa viên", lại bị rất nhiều vết tay ấn vào, in ra một vòng lem luốc màu đen rất to, đến mức gần như ba chữ "Diêm Liên Khoa" đều không rõ nữa.

     Nguyễn Thị Minh Thương (bút danh Diệp Thủy) và Diêm Liên Khoa

    Tính cho đến hôm nay, cha tôi đã rời xa tôi một phần tư thế kỉ rồi. Trong hai mươi tư hai mươi lăm năm nay, tôi không ngừng viết tiểu thuyết, không ngừng nhớ cha tôi. Mà mỗi lần nhớ cha, lại dường như đều bắt đầu từ những đòn ông đánh tôi. Tôi không ngờ rằng, sống đến hôm nay, những lần đánh đòn của cha đối với tôi, lại làm cho tôi cảm thấy được an ủi và hạnh phúc như vậy, lại làm cho tôi mỗi khi nhớ lại, đều không kìm được liền dùng tay xoa xoa lên đầu con trai tôi. Nhưng đáng tiếc là, lần mà cha nên đánh tôi đau nhất, đánh thậm tệ nhất, lại bị tôi che giấu đi rồi. Hơn nữa cho đến hôm nay, tôi vẫn không hề hối hận bởi lần ăn cắp thực sự đó. Chỉ là cảm thấy, nếu như sau lần tôi thực sự ăn cắp đó, cha lại có thể đánh tôi một lần nữa thật đau thì tốt. Trong cuộc đời của cha, nếu như có thể đánh tôi thật đau mười lần tám lần nữa thì tốt. Cảm thấy nếu như hôm nay cha vẫn còn có thể đánh tôi và mắng tôi như ngày trước, thì tôi sẽ hạnh phúc và an ủi nhường nào.

    Lời lưu ký
    Tin ảnh
    Tin cập nhật
    Ca nhạc theo yêu cầu thính giả
    • vu minh tuan : Bài I HAVE A DREAM của nhóm ABBA hay đấy.chúc mọi người vui vẻ,hạnh phúc.mong đc làm quen với mọi người qua sđt 01695317285
    • Giàng A Sênh : Em chào tất cả các anh chị trong ban tiếng Việt Nam. Chúc các anh chị có một sức khỏe thật bình an và luôn công tác tốt. Vậy là sắp đến tết Trung Thu rồi, em xin chúc các anh chị trong Ban tiếng Việt Nam có một tết trung thu thật vui vẻ và tràn đầy tiếng cười. Nhân dịp Trung Thu, xin quý Đài gửi hộ em bài hát CHÚC BẠN BÌNH AN tới Chị Ngọc Ánh ở Bắc hà, Em Nguyễn Thị Hà ở Bắc Giang đang học tại trường Đại Học Quốc gia Hà Nội, Linh ở Đồng Xa, Mai ở Bãi Rồng, Bé Linh Sao ở Vân Đồn, Cao Mỹ và Thu ở Chiềng khoong cùng toàn thể các bạn nghe đài, chúc mọi người luôn bình an cùng một tết Trung Thu vui vẻ. Mong được làm quen với tất cả các bạn. Em xin cảm ơn quý Đài rất nhiều.
    • tran van son : chau muon gui bai hat tinh ban toi nha chau va cac ban cung hoc lop 11d bai hat tinh ban chuc cac ban hoc tot nhe
    • khien nguyen: tu lau em da biet den chuong trinh hoc tieng pho thong Trung Quoc cua quy dai. thong qua chuong trinh em cung biet them nhieu chuong trinh khac. thong qua chuong trinh toi thu 7 em muon gui bai hat "doi canh tang hinh" toi mot nguoi dac biet, anh co biet danh la "gau truc" voi loi nhan: em chuc anh gau truc hoc tot, gio la thoi diem rat quan trong vi day da sap la nam cuoi cua chung minh roi bang moi gia thi anh phai no luc phan dau de duoc bang gioi de co the tiep tuc hoc lien thong len dai hoc de thuc hien uoc mo cua chung minh. anh hay luon nho rang luc nao em cung luon o ben canh anh.
    Xem tiếp>>