230214/vnct.m4a
|
Dốc bầu tâm sự trong ngày đầu năm mới
Tác giả: Quý Tiễn Lâm
Giáo sư Quý Tiễn Lâm thời trẻ
Đôi nét về tác giả: Giáo sư Quý Tiễn Lâm viết bài tản văn này vào ngày 1 tháng 1 năm 1994 cách đây đã 20 năm, tuy ông đã tạ thế, nhưng nay đọc lại vẫn khiến nhiều độc giả không khỏi cảm khái đối với thời gian. Giáo sư Quý Tiễn Lâm sinh năm 1911, là người huyện Thanh Bình tỉnh Sơn Đông, ông qua đời vào ngày 11 tháng 9 năm 2009, hưởng thọ 98 tuổi. Năm 1930, ông thi đỗ vào chuyên ngành văn học phương Tây Trường Đại học Thanh Hoa, chuyên về tiếng Đức. Năm 1935, ông đi du học ở Đức, học chuyên ngành văn học Ấn Độ, ông lần lượt học tiếng Phạn, tiếng Ba Li và tiếng Phạn hỗn hợp Phật giáo, ngôn ngữ cổ Tokharoi. Năm 1946, ông đắt đầu đến giảng dạy tại Trường Đại học Bắc Kinh.
Phạm vi lĩnh vực nghiên cứu học thuật của Giáo sư Quý Tiễn Lâm rất rộng, ông là bậc thầy Đông phương học nổi tiếng trong và ngoài nước. Đồng thời Giáo sư còn là nhà tản văn được độc giả trong và ngoài nước mến mộ.
Đêm Giao thừa, nửa đêm thức dậy, nhìn đồng hồ, đã một giờ rưỡi rồi, trong lòng rung động nhẹ: Lại một năm đã trôi qua.
Hồi còn nhỏ, cứ mong thời gian trôi nhanh, mong ngày lễ ngày Tết, mong mau khôn lớn thành người. Thế nhưng, thời gian tựa như dừng lại không trôi về phía trước, tâm hồn bé bỏng của tôi chứa đầy nỗi bất bình.
Thế nhưng, sau khi trải qua tuổi trung niên, cỗ xe nhân sinh như từ trên dốc cao trượt xuống, thời gian trôi đi nhanh như tia chớp vậy. Thời gian không tha thứ cho bất cứ ai, không hiểu biết tâm trạng của một ai, cứ thế mà chạy hộc tốc. Chỉ trong nháy mắt, thời gian cứ như "Vượn kêu bên sông nghe không dứt, Thuyền qua muôn núi vượt như bay" , sau khi trượt qua tuổi lục tuần rồi lại trượt qua tuổi thất thập, một số ít người may mắn hoặc người nào đó, lại trượt tiếp đến độ tuổi tám chín mươi. Con người ta sống đến độ tuổi này rồi, sẽ càng nhạy cảm hơn đối với dòng thời gian trôi đi. Thời còn trẻ trung thường tính thời gian bằng năm bằng tháng. Đến độ tuổi này rồi, thì tính thời gian bằng ngày bằng giờ.
Tôi thuộc người may mắn như người nào đó, trước mắt đang ở độ tuổi tám chín mươi. Cõi lòng tôi khác với các bạn trẻ, cũng khác với những người độ tuổi trung niên, muôn vàn rối rắm phức tạp, chỉ tóm tắt trong đôi ba câu tuyệt đối không thể nói rành mạch được. Mà bản thân tôi cũng không thể cơi thông ngọn ngành.
Nguyên Thủ tướng Ôn Gia Bảo đến thăm Giáo sư Quý Tiễn Lâm lúc sinh thời
Trong một năm qua, có thể nói là một trong những năm rực rỡ nhất trong cuộc đời tôi. Không hề có ý giữ gìn danh dự bị bôi nhọ, nhưng những lời khen ngợi không lường trước thì lại nhiều vô kể, chúng cứ đè lên mình tôi, khiến tôi cảm thấy nặng nề, cảm thấy không thể nào tiêu hóa được. Có một số danh hiệu, khi vừa đội lên đầu, bản thân tôi không khỏi kinh ngạc, cảm thấy rất không quen. Vào trước ngày Giao thừa, cũng tức là hôm kia, tại lễ trao giải thưởng sách quốc gia lần thứ nhất, trong mười mấy năm kể từ ngày cải cách mở cửa, trong số hơn 510 nghìn loại sách bao gồm văn học, khoa học tự nhiên, pháp luật, nông nghiệp, công trình, y học và quân sự,... sau khi được hơn 70 vị chuyên gia trong cả nước bình chọn cẩn thận và tỷ mỷ, tổng cộng sàng lọc ra chỉ còn lại có 45 loại sách đoạt giải thưởng quốc gia. Chỉ cần xem tỷ lệ con số, cũng có thể thấy rằng sách được đoạt giải thưởng khó biết chừng nào rồi. Tôi là giám khảo từ đầu chí cuối. Còn việc tôi có phần đoạt giải, thì nằm mơ cũng không hề nghĩ đến. Thế nhưng kết quả là tôi lại có hai cuốn sách đoạt giải. Khi thảo luận trong nhóm, tôi từng yêu cầu rút bỏ sách của tôi, nhưng Ban giám khảo không đồng ý. Tôi chỉ có thể không bỏ phiếu cho mình trong việc bình bầu. Đối với kết quả đoạt giải, nếu như bảo mình không phấn khởi, thì đó được coi là ra vẻ ta đây, là giả dối, cho nên tôi không làm như vậy. Cảm giác nhiều hơn trong lòng tôi đó là thấp thỏm không yên, cảm thấy bất an. Rất nhiều sách có giá trị, do nhiều nguyên nhân nên không đoạt giải, mà sách tôi thì lại trà trộn trong đó.
Trước đây, tôi nhiều lần nói rằng, tôi là người không có chí lớn, cái chí của tôi được nâng cao từng bước một, tựa như nước nổi thuyền cũng nổi theo vậy. Tôi tuyệt đối không phải là thiên tài, tôi tự đánh giá tài năng của mình thuộc loại trung bình. Nếu như trên người tôi còn có thứ gì đáng giá, thì đó là, tôi rất chăm chỉ, đây gần như tự an ủi mà thôi. Tôi là con người rất giàu tình cảm, là người tự am hiểu mình hơn cả người khác cần đến mình, là người có tư duy không lười biếng, có đầu óc không bao giờ ngừng hoạt động. Đây có lẽ chính là nguyên nhân mà tôi được lợi chăng. Trên đường tôi đi trong một năm qua, rắc đầy cánh hoa hồng, đâu đâu cũng là những gương mặt mỉm cười, đâu đâu cũng đều là ngợi khen. Tôi trở thành con người "có thể tiếp xúc" được. Muốn tìm hiểu tâm tình của tôi trong một năm qua, thì cần phải gắn kết tình cảnh và tính nết, với tình cảm của tôi lại với nhau. Bây giờ tôi "dốc bầu tâm sự", cũng chính là tâm tình của tôi, tâm tình của tôi trong một năm qua như thế nào nhỉ?
Trước hết, tôi không hề bị những hoa tươi và những lời ngợi khen làm đầu óc quay cuồng, bởi tôi rất tỉnh táo. Một người bạn bảo tôi rằng tôi đã quên đi tuổi tác của mình. Đây chỉ là hiện tượng bề ngoài. Mặc dù bề ngoài trông tôi tựa như sức sống rạt rào, có dã tâm sục sôi về nghiên cứu học thuật, công việc trong tay tôi quá nhiều so với khả năng gánh vác của con người ở độ tuổi tám chín mươi, khối lượng công việc của tôi có thể nói là nhiều hơn rất nhiều so với những người cùng độ tuổi tôi. Song tôi không hề đắc ý, tôi không quên tuổi tác của mình. Trong tiếng cười vui vẻ của bè bạn, trong cảnh vui đoàn tụ gia đình, trong cảnh đèn sáng rượu say, trong khi các danh dự lũ lượt đến với tôi, tuy tôi mỉm cười, trong lòng khoan khoái, nhưng cõi lòng tôi loé lên ý nghĩ rằng: "Vở kịch này sắp hạ màn rồi!"
Giáo sư Quý Tiễn Lâm
Tôi sợ chết chăng? Không, không, tuyệt đối không phải như vậy, tôi từng nhiều lần nói rằng, tính mạng của tôi lẽ ra đã kết thúc trong "Cuộc Đại Cách mạng văn hóa rồi", trong một dịp tình cờ nhỏ như sợi tóc, tôi đã may mắn được sống sót. Từ đó về sau, hết thảy tuổi tác của tôi đều như của cải nhặt về vậy; sống thêm này nào, coi như "được lãi" ngày ấy. Mà đối với cái chết, gần đây cũng đã hình thành sự nhìn nhận toàn diện của tôi: "Việc gì cũng nên dốc sức mà làm, không nên quá đắn đo suy nghĩ". Chết là quy luật tự nhiên, không một ai có thể chống nổi. Không nên bận tâm, mà bận tâm cũng vô dụng.
Trong bài tản văn "Lại qua bến đò Tây viên" của nhà văn Du Bình Bá có câu: "Từ nay chúng ta phải sống qua ngày một cách thật tỉ mỉ". Tôi mong rằng, hiện nay có thể sống những ngày trước mắt tỷ mỉ hơn, cho rằng phải khác thường một chút. Đặc biệt là đã bước lên đoạn đường cuối đời, lại càng phải như vậy. Cho nên, cảm giác về vở kịch của tôi hoàn toàn tích cực, không tiêu cực, càng không sợ chết.
Trước sự chỉ đạo của tâm tình như vậy, tôi suy nghĩ rất nhiều, tôi nghĩ đến nhiều người. Trước hết nghĩ đến những người bạn lâu năm. Năm ngoái, tôi mời sáu bảy người bạn đã thân quen với nhau suốt năm sáu chục năm đến sum họp. Ai nấy đều đã đầu tóc bạc phơ, song ai cũng vui mừng hết chỗ nói.
Tôi không chỉ nghĩ đến mấy người bạn cao tuổi, mà còn nghĩ đến các bạn trẻ, bao gồm các học sinh cùng đời với tôi, đời hai, đời ba, bất kể họ ở trong nước hay đang ở nước ngoài, tôi đều nghĩ đến từng người một. Gần đây tôi tiếp xúc với các em học sinh trẻ tuổi, tôi cho rằng, họ là các em nhỏ của tôi. Không hiểu sao tôi lại có tình cảm ngày một sâu sắc với các em nhỏ này, tuổi tác của các em hầu như đều là tỉ lệ thuận với tuổi tôi. Các em rạt rào sức sống, tương lai đẹp như gấm. Tôi phát hiện, các em là thế hệ động não, các em suy nghĩ đến rất nhiều vấn đề. Đức tính chất phác, ngay thẳng, đều làm tôi phải cảm động. Tục ngữ có câu: "Trường giang sóng sau đẩy sóng trước, trên đời người mới thay người cũ". Hy vọng và tương lai của đất nước gửi gắm vào các em, hy vọng và tương lai của nhân loại cũng gửi gắm vào các em. Đối với thế hệ trẻ này, biện pháp chính xác duy nhất là cảm thông và bảo hộ, dẫn dắt và giáo dục, đồng thời phải học tập ở các em. Nói chung là như vậy. Nói riêng thì, tôi cùng với các bạn trẻ khỏe mạnh như vâm ở bên nhau, trên mình họ sức sống rạt rào và tràn trề, dường như gột sạch chất khí đã về hoàng hôn trên mình tôi, tôi chợt cảm thấy mình trẻ trung lại những mấy tuổi. Tiếp xúc với các bạn trẻ quả là có thể kéo dài tuổi thọ của tôi. Các bạn học sinh trẻ tuổi chính là liều thuốc, là thần tiên của tôi. Tôi mong cho mình đắc thọ, không phải vì muốn ăn thêm mấy nghìn bữa cơm của trần gian. Cơm ăn của tôi hiện nay không lấy gì là ngon cả, cho nên ăn thêm mấy bữa cơm không có chút ý nghĩa nào cả. Hiện nay, công tác về học thuật nằm trong kế hoạch của tôi còn rất nhiều, như một người đang trong giây phút mặt trời lặn xuống núi, phía trước còn đoạn đường rất dài cần phải đi. Hiện nay tôi chỉ mong mình sống thêm mấy năm nữa, đi thêm mấy chặng đường nữa, làm thêm chút công việc cho học thuật, chỉ có vậy mà thôi.
Giáo sư Quý Tiễn Lâm và hai chú mèo Ba Tư
Về gia đình, mấy năm qua, gia đình tôi có nhiều biến cố. Bà ngoại tạ thế, xa rời chúng tôi. Con gái cũng ra đi trước tôi. Đây là vết thương không bao giờ có thể bù đắp được cho tình cảm của tôi. Mặc dù như vậy, tôi vẫn có một gia đình đầm ấm. Vợ tôi, con trai và cháu dâu ngoại vẫn xum vầy quanh bên tôi. Chúng tôi chung sống hòa mục, thương yêu tôn trọng lẫn nhau. Mỗi người đều là người đáng yêu nhất. Ngoài những người trong nhà ra, còn có hai thành viên gia đình nữa đó là hai chú mèo Ba Tư, một con nghịch ngợm, một con hiền lành, cũng đều là những chú mèo đáng yêu nhất. Bầu không khí gia đình vui vẻ tràn trề. Thế nhưng, cách đây ít lâu, vợ tôi bị tai biến mạch máu não phải nằm viện. Khi chưa mắc bệnh, bà ấy có thói quen không tốt là cứ ngồi trên giường cả ngày. Ngày thường hai vợ chồng chúng tôi không mấy nói chuyện gì với nhau. Thế nhưng, hằng ngày từ thư viện về nhà, tôi cứ hiềm đoạn đường như quá dài, chỉ mong nhanh về đến nhà. Về nhà rồi, ngồi xuống chiếc ghế mây đã rách, hai con mèo Ba Tư liền nhảy ngay vào lòng tôi, để tôi ôm chúng ngủ. Tôi cũng nhắm mắt lại, nghỉ một lát. Vừa mở mắt, đã trông thấy ánh nắng rọi vào cửa sổ, chảy xuống tấm thảm thành một dải ánh sáng, di động từ từ, trong mọi yên tĩnh, hết thảy suy nghĩ cũng như được nghỉ ngơi vậy, thoải mái dễ chịu. Niềm vui này không đáng để kể ra cho người ngoài nghe. Thế nhưng, bà nhà tôi mắc bệnh đột ngột. Trong những ngày nặng nề này, từ thư viện đi về nhà, trong tiềm thức của tôi, lại cảm thấy đoạn đường sao mà ngắn vậy, tôi mong nó dài ra, dài nữa, để tôi mãi mãi không bao giờ về tới nhà. Trong nhà thiếu một người ngồi trên giường tuy không nói năng gì nhưng toát ra ánh sáng và hơi ấm. Tôi cảm thấy vắng lạnh, tôi cảm thấy buồn tẻ, tôi không muốn bước chân vào cửa nhà. Thế nhưng, trước mắt, bà nhà tôi tuy còn đang nằm viện, nhưng bệnh tình đã được chuyển biến tốt. Tôi cứ mong bà ấy có thể mau ra viện về nhà, trong nhà có người tuy không nói năng gì nhưng có thể toát ra ánh sáng và hơi ấm, khiến tôi có thể hưởng thụ vẻ đẹp lặng lẽ và yên tĩnh.
Giáo sư Quý Tiễn Lâm
Tính ra, kể từ hôm nay, tôi đã 83 tuổi rồi, hầu như đã cận kề đến một thế kỷ rồi. Tuy tôi không thích đi du lịch, song cũng đã từng đặt chân đến 30 nước trên thế giới, có thể nói là cũng trông nhiều biết rộng rồi. Gần nửa thế kỷ ở trong nước, từng trải qua những giai đoạn quanh co khúc khuỷu, trải qua cảnh liễu râm hoa sáng, vui có buồn có, thuận lợi có trắc trở có. Đầu óc tôi hồi ức quá nhiều rồi. Công việc trước mắt nhiều vô kể, không ai có thể nói rõ liệu tôi đã đoạt bao nhiêu danh dự, nói rằng đã phá kỷ lục, cũng không khoa trương, thế nhưng, gánh nặng tinh thần và sức khỏe đã quá nặng rồi. Tôi đã có chút không thể gánh vác được nữa rồi. Mặc dù trên đây tôi nói rằng, tôi là con người một là không bi quan, hai là không chán đời, thế nhưng tôi lại rất muốn và đã rất muốn nghỉ ngơi rồi. Người xưa từng nói: "Trời đất cho ta sống là để ta bận rộn, làm người rồi cũng phải chết, về già rồi là để cho ta nghỉ ngơi".
Tâm tình là tâm tình, sống thì vẫn phải tiếp tục sống. Con đường phía sau tôi ngày càng dài, con đường trước mắt tôi thì lại ngày càng ngắn, cho nên đoạn đường ngắn ngủi còn lại trước mặt càng trở nên quý giá. Thời gian hiện nay của tôi tính bằng từng ngày, bằng từng giờ. Mỗi một tiếng đồng hồ của mỗi ngày đều rất đáng quý. Tôi mong có thể sống một cách hết sức tỷ mỉ, hết sức cẩn thận, nếm trải kỹ lưỡng từng phút từng giây, tôi cho rằng, từng phút từng giây đều không "bình thường". Tôi mong chớ có chờ đến sau này mới lại có cảm giác "lúc đó chỉ là bình thường", rồi uống không một liều thuốc ân hận, than ôi không có cách nào khác. Đối xử với mình như vậy, đối xử với người khác cũng như vậy. Tôi mong mình cố gắng hết sức, để cho các bạn già của tôi, các bạn nhỏ của tôi, các bạn học sinh trẻ tuổi của tôi, tất nhiên là cũng có người thân trong gia đình tôi, đều được vui vẻ.
Giáo sư Quý Tiễn Lâm
Lúc này đây đang là mùa đông giá lạnh. Trong nhà ấm áp như mùa xuân, ngoài cửa sổ tuyết phủ ngàn dặm. Gốc cây hoa ngọc lan bên ngoài cửa sổ còn đang trơ trụi không có chút sức sống nào cả. Song trên đầu cành cây khô lại có nụ hoa tượng trưng cho sự sống, ôm ấp niềm hy vọng. Cánh hoa đang cuộn mình trong lòng nụ hoa, chờ khi mùa xuân đến, gió xuân thổi tới, nó sẽ nở rộ một màu trắng xóa như bạch ngọc. Trong đầm nước, trước mắt chỉ có những lá sen khô héo còn sót lại đung đưa trên mặt lớp băng trước làn gió rét căm căm. Song tôi cũng biết rằng, chỉ đợi mùa xuân đến, lớp băng cứng rắn sẽ lập tức tan đi biến thành hồ nước mùa xuân. Những chiếc lá và bông hoa còn cuộn mình núp dưới lớp đất bùn màu đen, chờ mùa xuân và mùa hè đến rồi, chúng sẽ nhoi lên khỏi mặt nước. Mùa xuân đến, "lá sen nối tiếp lá sen", mùa hè đến, thì "tiếp thiên liên diệp vô cùng bích, ánh nhật hà hoa biệt dương hồng" (Xanh tới chân trời vô cùng tận, ánh nắng nhuộm hoa càng đỏ màu), quang cảnh đó tươi đẹp lãng mạn biết nhường nào. "Mùa đông đã đến rồi, mùa xuân còn bao xa nữa? " Hiện nay, trong đầu óc tôi một mặt vẫn nảy ra ý định rằng: "Vở kịch về cuộc đời tôi sắp hạ màn rồi". Đây là điều không có chút hàm hồ gì cả; thế nhưng, mặt khác, tôi lại cảm thấy cao trào của vở kịch này vẫn chưa đến, có lẽ phải chờ đến trước giây phút hạ màn thì mới là cao trào thật sự của vở kịch này, điều này cũng không hề có chút hàm hồ cả.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |