Nếu bạn nào yêu thích văn học hiện đại Trung Quốc có lẽ sẽ có ấn tượng đối với ông Dư Hoa, nhà văn đương đại nổi tiếng Trung Quốc, tác giả của các cuốn tiểu thuyết "Huynh Đệ", "Phải sống", "Khóc trong mưa bụi" vv ... đã được dịch sang tiếng Việt Nam, nhiều tác phẩm của ông còn được cải biên thành kịch bản phim truyện hoặc phim truyền hình. Ngoài ra ông còn viết nhiều tản văn, tùy bút, luận văn và các bài bình luận âm nhạc, rất được độc giả Trung Quốc quan tâm. Trong chương trình hôm nay, Ngọc Ánh xin giới thiệu với các bạn tản văn nhan đề "Từ ngưỡng cửa chật hẹp đi ra rộng lớn", tác giả Dư Hoa. Mong rằng bài tản văn này sẽ có thể đem lại chút gợi ý nào đó cho các bạn đối với nẻo đường phấn đấu của sự sống, đồng thời tạo thêm lòng tin cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa muôn hình vạn trạng của xã hội.
Tản văn :Từ ngưỡng cửa chật hẹp đi ra rộng lớn
tác giả: Dư Hoa (Trung Quốc)
Tôi học xong chương trình Tiểu học và Trung học vào đúng thời kỳ "Đại Cách Mạng Văn hóa" Trung Quốc, trong mười năm đó tôi không học hành tử tế gì cả. Năm 1983, tôi bắt đầu bắt tay vào việc tập viết tiểu thuyết, cũng chỉ biết được khoảng 4000 chữ Hán mà thôi, mấy năm sau đó các nhà Phê bình văn học Trung Quốc cứ khen tác phẩm của tôi ngôn ngữ ngắn gọn xúc tích, tôi liền giải thích với họ rằng: "Thực ra đó là vì tôi nhận biết mặt chữ Hán không nhiều mà thôi."
Công ăn việc làm đầu tiên trong đời tôi là nghề nhổ răng, trong quãng 5 năm từ 18 đến 23 tuổi, tôi làm bác sĩ Nha khoa. Lúc đó tôi còn trẻ trung, cứ luôn nghĩ rằng phải đi ra khỏi quê hương để được thưởng thức phong cảnh bên ngoài, lại thêm không ưa thích gì cái nghề bác sĩ nha khoa, ngày làm việc 8 tiếng đồng hồ, cứ phải nhìn vào miệng người khác, đó là nơi không có phong cảnh nhất trên thế giới, nhân sinh của bác sĩ nha khoa khiến tôi chỉ nhìn thấy một màu ảm đạm. Trạm xá đơn vị làm việc của tôi nằm trên đoạn đường sầm uất, đến mùa đồng áng nhàn rỗi hầu như không có mấy ai đến khám răng cả, tôi thường đứng bên cửa sổ nhìn quang cảnh huyên náo dưới đường phố, rồi một hôm, tôi chợt cảm thấy sao mà thê lương vậy, rồi tự hỏi mình rằng, chẳng lẽ mình suốt đời cứ phải đứng ở đây để nhìn phong cảnh này thôi ư?
Nguyện vọng lý tưởng của tôi lúc bấy giờ là có thể được vào làm việc tại Cung văn hóa Huyện, bởi vì tôi thấy nhân viên của Cung văn hóa thường có thể đi dạo ngoài đường phố, tôi thích có được một công việc như vậy, vừa tự do lại có thể làm việc, tôi cho rằng, ngoài Cung Văn hóa ra, có lẽ chỉ ở trên Thiên đường mới có được công việc như vậy. Thế là tôi bắt đầu công việc sáng tác văn học, tôi vừa nhổ răng vừa viết văn, nhổ răng là công việc bất đắc dĩ, nhưng viết lách là để sau này không phải làm nghề nhổ răng, lúc bấy giờ tôi tràn đầy niềm tin đối với bản thân mình, thế nhưng tôi lại không biết tương lai sau này sẽ như thế nào.
Sau khi hoàn thành bài viết đầu tiên tôi bắt đầu gửi đi, đó là gửi trực tiếp cho Ban Biên tập tạp chí, mà hễ bị họ gửi trả về, là tôi liền sửa lại rồi lại đem gửi đi cho Ban Biên tập tạp chí khác nhỏ hơn. Bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy những bài viết của tôi từng đặt chân đến các thành phố nhiều đến nỗi mà có lẽ kiếp này tôi cũng không thể đi xuể được.
Bước ngoặt then chốt của đời tôi xuất hiện vào tháng 11 năm 1983, một cú điện thoại đường dài đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi. Đấy là cú điện thoại của bà Chu Ưng Như, Phó Biên tập viên của tạp chí "Văn học Bắc Kinh " lúc bấy giờ gọi đến, sau khi hai bên vừa nói chuyện với nhau, bà cho tôi biết, sáng sớm vừa đến Tòa soạn là bà đã gọi ngay cú điện thoại đường dài này, nhưng cho mãi đến chiều, sắp đến giờ tan tầm rồi điện thoại mới thông được. Suốt đời tôi không bao giờ quên được giọng nói của bà lúc bấy giờ, bà nói chuyện không nhanh, nhưng câu nào cũng rất rõ ràng chính xác, bà mong tôi đi Bắc Kinh một chuyến để sửa một chút tiểu thuyết viết tay của tôi, bà còn cho tôi biết lộ phí và tiền nhà trọ đều do toà soạn Tạp chí "Văn học Bắc Kinh" cung cấp, đây chính là điều mà tôi quan tâm nhất, bởi lúc bấy giờ lương tháng của tôi chỉ có hơn 30 đồng Nhân dân tệ. Bà còn cho tôi biết, trong hai ngày sửa bài tại Bắc Kinh, tôi còn được trợ cấp mỗi ngày hai nhân dân tệ tiền công tác phí, cuối cùng, bà cho tôi biết địa chỉ toà soạn là số 7 đường Trường An Tây- Bắc Kinh. Bỏ điện thoại xuống, tôi đáp luôn ô tô đi Thượng Hải, rồi lại từ Thượng Hải đáp tàu hỏa đi Bắc Kinh.
Sau khi đến Bắc Kinh, bà Chu Ưng Như cho tôi biết phần cuối tiểu thuyết của tôi có phần ảm đạm, mong tôi sửa lại. Lúc bấy giờ tôi ở trọ tại Nhà khách của Xưởng phim Bát nhất, sau khi trở về, chỉ trong một ngày là tôi đã sửa xong phần cuối tiểu thuyết. Về sau, hễ gặp ai là bà Như cũng khen tôi rằng "Cái cậu Dư Hoa thông minh lắm đấy".
Sau khi về quê, lãnh đạo của Ban Tuyên huấn Huyện Uỷ điều tôi đến công tác tại Cung Văn hóa Huyện.
Và như vậy, tôi sáng tác văn học trong môi trường thoải mái, cho đến tận hôm nay. Tôi cho rằng, nhân sinh có hai con đường, đó là hiện thực và hư vô, khi trong hiện thực có rất nhiều tham vọng, tưởng tượng và tình cảm không được thoả mãn, thì có thể bày tỏ một cách đầy đủ trong thế giới hư cấu. Đọc sách và viết sách có thể khiến cho tình cảm của chúng ta trở nên cân bằng và nhân sinh của chúng ta trở nên hoàn chỉnh.
Tôi cho rằng, mỗi chúng ta ai nấy đều có khiếm khuyết. Đừng nên lo sợ hoặc che đậy những khiếm khuyết của mình, bởi vì xuất phát từ chữ khiếm khuyết, thường có thể đi đến nơi xa hơn. Đây là kinh nghiệm của bản thân tôi. Một kinh nghiệm nữa là: Có lúc tôi cảm thấy cấu tứ văn học sẽ phải đối mặt với một tác phẩm rất lớn, rút cục là càng viết câu chuyện trở nên càng dài. Nhân sinh thường là như vậy, xuất phát từ khởi điểm lớn, nhưng càng đi thì con đường trở nên càng hẹp; xuất phát từ khởi điểm nhỏ thì đường càng đi càng rộng.
Sáng tác văn học là công việc hết sức tuyệt vời, cũng như nhân sinh vậy, con người có lẽ rảo bước trên con đường rộng thênh thang nhưng đường càng đi lại càng hẹp, mà có lẽ cất bước trên con đường nhỏ hẹp nhưng rồi càng đi thì nẻo đường càng trở nên rộng mở, từ con đường nhỏ hẹp quanh co rồi đi đến tận chân trời típ tắp. Chúa Giê-su nói "Các con phải cất bước trên con đường nhỏ hẹp", bởi vì xuất phát từ con đường rộng lớn dễ dẫn đến diệt vong, con đường rộng lớn thường thì người đi trên đó rất đông; mà đường dẫn đến nơi vĩnh hằng thường là xuất phát từ cánh cửa chật hẹp, đi lên con đường bé nhỏ, thưa thớt. Đây chính là điều mà người Trung Quốc thường nói, đặt chân từ nơi tuyệt vọng để đi đến hy vọng.
Hoạt động Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung Quốc-Việt Nam lần thứ 18 đã diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam 2018/08/15 |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức Lễ trao học bổng Chính phủ Trung Quốc năm 2018 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
v Phương tiện truyền thông Triều Tiên chứng thực cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sẽ diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9 2018/08/15 |
v Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có năng lực chống lại "sự tấn công" đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ 2018/08/14 |
v FedEx mở đường bay mới liên kết Trung Quốc và Việt Nam 2018/08/14 |
v Số người gặp nạn trong trận động đất xảy ra ở đảo Lôm-bốc In-đô-nê-xi-a tăng lên 436 2018/08/14 |
Xem tiếp>> |
© China Radio International.CRI. All Rights Reserved. 16A Shijingshan Road, Beijing, China. 100040 |